Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Quyền có thần tượng và quyền được thông tin*

*MLC: Bài Quyền có thần tượng của tác giả Hiệu Minh trên Quêchoa đọc tại đây
 --------------------------
Lời dẫn: Đến hôm nay đám tang tướng Giáp trôi qua đã hơn một tuần.
Một đám tang thể hiện sự chia rẽ sâu sắc trong lòng người Việt. Sự chia rẽ ấy như vết thương lòng. Một vết thương dai dẳng, dai dẳng đến nỗi đôi khi ta lãng quên kiểu như một bệnh nhân nan y phải sống cùng bệnh tật. Vậy mà không, nó vẫn nhức nhối và hành hạ người Việt mỗi khi nó có cơ hội. Đám tang ông Giáp là cơ hội ấy.

Dĩ nhiên bài này tôi cũng không muốn mình là tác nhân chà xát lên vết thương ấy cũng như không có ý định để chứng minh mình là "fan" hay "kẻ thù" của tướng Giáp bằng bất cứ lập luận hay luận cứ nào.
Một người bình thường đã có kẻ yêu người ghét huống hồ tướng Giáp một "nhân vật lịch sử" thần tượng của nhiều người dĩ nhiên cũng là "kẻ thù" của nhiều người khác.
Đọc toàn bộ bài viết của Hiệu Minh có thể dễ dàng nhận thấy sự tôn thờ thành kính nhiệt thành của tác giả đối với tướng Giáp. Ông đích thực thuộc về phía "fan" của tướng Giáp. Nếu chỉ có thế thì chẳng có điều cần phải nói lại với ông sau đây.
Ông viết "Nếu ai đó thích hay không thần tượng tướng Giáp cũng là bình thường, do vị trí của họ từng đứng bên này hay bên kia của cuộc chiến. Nhưng không tham gia “lên đồng, hội chứng Bắc Triều Tiên” thì bạn đừng chế giễu họ. Muốn hướng kiểu dân chủ phương Tây, hãy tôn trọng ý kiến khác biệt."
Ở đây ông kêu gọi "tôn trọng sự khác biệt" nhưng cũng như những "thủ thuật" mà cánh báo chí "lề phải" vẫn làm, ông chỉ coi những người "thần tượng" tướng Giáp là khác biệt. Tại sao ông không coi "những người không thần tượng" tướng Giáp ở vế đối lập kia là "ý kiến khác biệt"?
Một chỗ khác ông viết "Một số người còn viết những lời khiếm nhã dành cho vị tướng 103 tuổi vừa nằm xuống, mà lẽ ra người có văn hóa nên tránh. Nếu họ viết lúc tướng Giáp còn sống không hiểu sự thể sẽ thế nào".
Trong đám tang một người bình thường chỉ có cơ quan đoàn thể, bạn bè, hàng xóm, v.v của người đã khuất đến đưa tiễn, chắc chắn sẽ không ai nói những lời gì "khó nghe" hay "khiếm nhã" (nhưng chỗ khác thì chưa chắc đâu nhé) vì đối với truyền thống người Việt nghĩa tử là nghĩa tận hay chín bỏ làm mười nhất là với người vừa nằm xuống.
Đi chệch ra ngoài một chút, trên một diễn đàn có người nói "sao không để qua đám tang cụ rồi hãy nói".
Nhưng tướng Giáp là một "nhân vật lịch sử" lại là một "huyền thoại" gắn với biết bao biến cố vui mừng hay đau thương của hàng triệu người Việt nên sự ra đi của ông tất nhiên là một sự kiện lịch sử. Đứng dưới góc độ truyền thông sự kiện này là một dạng tin "hot" người ta không thực hiện phân tích, bình luận lúc sự kiện đang "hot" thì đợi đến lúc nào?
Một điều nữa, người ta lên án những người có những lời lẽ "khiếm nhã", những tin tức đưa tin "bôi nhọ", "nói xấu" đại tướng nhưng lại tán đồng những bài báo "ca tụng", đó chẳng phải là hành động chấp nhận cho sự bất cân xứng trong truyền thông hay sao?
Những người "hâm mộ" tướng Giáp rõ ràng đang "cưỡng bức" những người khác cũng phải tôn thờ thần tượng của họ giống như họ.
Quyền được thần tượng trong trường hợp này là quyền của những "fan" tướng Giáp, của ông Hiệu Minh nhưng quyền được thông tin là của tất cả mọi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét