Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Từ thân phận người dân khiếu kiện đến chuyện làm Luật ở Việt Nam


Thỉnh thoảng vào ngày cuối tuần có việc đi qua Hồ Tây đoạn vườn hoa Nguyễn Xuân Thưởng tôi bắt gặp hình ảnh một dân oan đứng lạc giọng hô khẩu hiệu gì đó giữa dòng người đông đúc, phố xá ồn ào và … vô cảm. Bà khoác một cái khẩu hiệu ghi những dòng chữ gì đó, loáng thoáng nhưng tôi có thể đọc được và biết rằng bà bị oan khuất gì đó liên quan đến chuyện đất đai. Tiếng của bà lẫn vào tiếng xe cộ nghe không rõ lắm. Nó uất nghẹn…Chục năm gần đây những tranh chấp giữa chính quyền và người dân, sự bức xúc chủ yếu là từ lĩnh vực đền bù đất đai, chuyện thu hồi đất nông nghiệp. Ví dụ như Tiên Lãng-Hải Phòng, Văn Giang-Hưng Yên, Dương Nội- Hà Đông, v.v Đã nổi tiếng cả nước.


 
Bà thì tôi biết vì tôi đã bắt gặp trong một vài lần tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Chính tôi đã chụp được một số hình ảnh của bà, luôn đi đầu.
Bẵng đi hơn tháng, tôi lại đi qua đây vào ngày cuối tuần nhưng không gặp bà nữa. Không rõ chuyện oan khuất của gia đình bà đã được người ta giải quyết hay bà có bị làm sao đó không, chẳng hạn như về sức khoẻ…
Những lần trước cũng như bao người vô tâm khác, tôi cũng không dừng lại, nhưng hình ảnh của bà cứ ám ảnh tôi mãi…Đem chuyện này kể với một vài bạn trẻ trong cơ quan, toàn những cử nhân tốt nghiệp từ những trường danh tiếng như Ngoại Thương, Kinh Tế Quốc dân. Đa số đều nói ‘nhà nước đã đền bù theo luật nhưng họ cứ cùn không chịu nghe thì sao? kệ họ cứ kiện chán thì thôi…’
Đến đây thì tôi đành chịu và viết bài này. Nhưng trước hết tôi xin quý độc giả hiểu cho trong bài viết này tôi đặt giả thiết rằng ‘chính quyền tại các địa phương đã giải quyết việc đền bù đất đai cho người dân là đúng luật’ mọi yếu tố có thể liên quan như ăn chặn đất đai, làm sai luật, tham nhũng, v.v là không xảy ra. Và những vấn đề dưới đây hoàn toàn là những suy luận, không được nghiên cứu bằng những số liệu, con số cụ thể do người viết bài này không thể làm được điều đó bởi rất nhiều lý do.

Nếu cho rằng chính quyền đã làm đúng theo luật đất đai mà cụ thể đến giờ là Luật đất đai 2003 vẫn có hiệu lực vậy tại sao lại xảy ra nhiều chuyện khiếu kiện đến thế? Có ai đặt ra những câu hỏi như Luật đã đúng đắn chưa? Có hoà hợp giữa lợi ích của chính quyền và người dân hay không?
Nói về tính đúng đắn của luật thì phải xem lại, trong những năm qua mỗi năm chính quyền ban hành, sửa đổi bổ sung biết bao nhiêu là luật. Và những luật này lại đẻ ra vô số các con cháu của nó như các Nghị định, Thông tư, v.v. Có những luật vừa ban hành đã phải sửa đổi như Luật thuế cá nhân. Có Thông tư của Bộ y tế còn định cấm cả người ngực lép, thấp bé đi xe gắn máy nữa…Có một chuyên gia tư pháp đã phải thốt lên rằng ‘trong quá trình lập quy hiện nay có quá nhiều vấn đề’.
Có nhiều phản ứng khác nhau giữa các công dân khi những luật giời ơi đất hỡi đó ra đời. Người thì chửi thề ‘đúng là lũ ngu’ kẻ lại lặng lẽ ‘mackeno’. Lúc đầu tôi cũng thế cũng tưởng là họ ngu nhưng không phải tôi đã nhầm tai hại. Họ không hề ngu, họ rất thông minh nữa là đằng khác, thậm chí họ còn thông minh hơn mình rất nhiều, họ biết hết. Nhưng tại sao họ lại cứ làm? cứ soạn ra những bộ Luật, Nghị định, Thông tư giời ơi đó?
Quay trở về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng lúc đầu bài viết, tại sao khi Luật đất đai 2003 ra đời những đối tượng chịu sự tác động của Luật này như những người dân Văn Giang, Dương Nội kia không hề phản ứng, phản đối? Nhưng phản đối, phản ứng bằng cách nào? Qua đâu? Khi mà trong quá trình lập quy người ta đã cố tình không làm theo đúng trình tự khoa học, nghiêng lệch về lợi ích của một nhóm đối tượng nào đó trong xã hội?
Hiện nay dư luận trong nước đang nóng bỏng chuyện đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi HP 1992. Lúc đầu các cụ cóc khệnh khạng, kể cả hét toáng rằng ‘mời bà con đóng góp vào bản dự thảo sửa đổi HP, đóng góp không có vùng cấm’. Thế nhưng khi người dân tưởng thật hào hứng đóng  góp ý kiến các cóc cụ này lại nhảy lên nghiến răng kèn kẹt rằng ‘đó là suy thoái, là phản động, là diễn biến hoà bình’. Những người dân được phen chưng hửng ngẩn tò te chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Té ra họ cần là cần những đóng góp chỉ trong những từ, câu, điều mà họ đã soạn sẵn, những gì nằm ngoài dự thảo đó đều không được chấp nhận, đều có thể trở thành ‘phản động’ là ‘diễn biến hoà bình’.
Nếu đã cho là Luật của mình đúng hà cớ gì phải sửa đổi bổ sung? phải diễn trò kêu gọi đóng góp? Còn nếu đã cho là Luật cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình mới thì phải tôn trọng mọi sự đóng góp, phải cân bằng lợi ích giữa những nhóm đối tượng chịu tác động của Luật. Bằng không có thể nói rằng Luật đó là sai trái và cần phải phế bỏ.