Dư luận quốc tế vụ nhà cầm quyền VN xét xử phúc thẩm CHHV

Mỹ kêu gọi trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ

Ảnh của TTXVN cho thấy ông Cù Huy Hà Vũ đang đứng trước tòa phúc thẩm xử ông tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN hôm 02/08/211.
Tòa phúc thẩm đã y án 7 năm tù và 3 năm quản chế đối với ông Cù Huy Hà Vũ
Trong phản ứng đầu tiên sau khi tòa phúc thẩm y án TS Cù Huy Hà Vũ, chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi trả tự do 'ngay lập tức' cho ông.
Chỉ vài tiếng sau khi tòa phúc thẩm thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên bố y án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế đối với ông Vũ vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ quan ngại.
Người phát ngôn Mark Toner nói với các nhà báo tại Washington: "Chúng tôi rất lo ngại về việc kháng cáo của ông Cù Huy Hà Vũ đã bị tòa bác".
"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Vũ, cũng như cho các tù nhân lương tâm khác, và tin rằng các cá nhân không thể bị bắt giữ chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình."
Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái và đã ra tòa lần đầu vào đầu tháng Tư năm nay.
Ông Vũ được dư luận biết tới nhiều sau khi ông khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai lần về các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chính thức tiếp tục nhiệm kỳ hai, và các quan sát viên nhận định sự kiểm soát và trấn áp đối với bất đồng chính kiến ở trong nước sẽ gia tăng,

'Không chống Đảng'

Trong phiên phúc thẩm, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ nói ông không chống Đảng Cộng sản nhưng ủng hộ một hệ thống đa đảng.
“Tôi không chống đối Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi chỉ yêu cầu xây dựng một hệ thống đa đảng cho phép cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích cuối cùng của nhân dân và đất nước,” ông nói trước tòa.
"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Vũ, cũng như cho các tù nhân lương tâm khác."
Người phát ngôn Mark Toner
“Bốn thế hệ trong gia đình tôi đã chiến đấu và hy sinh vì đất nước này,” luật sư Vũ nói. Ông cũng nói thêm rằng cha ông là “một trong những người đã khai sinh ra chế độ hiện đang xử án tôi hôm nay.”
Việt Nam không khoan thứ bất cứ sự thách thức nào đối với chế độ đảng trị, nhưng Hà Nội vẫn nói rằng họ chỉ trừng phạt những hành vi vi phạm pháp luật.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang ngày càng phát triển, và một số dân biểu Mỹ mới đây đã bày tỏ quan ngại trước điều mà họ cho là 'đổi các giá trị nhân quyền lấy quan hệ với Việt Nam'.
Những người này nói rằng Tổng thống Barack Obama cần đặt điều kiện với chính phủ Việt Nam về cải thiện nhân quyền.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mark Toner nói chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục đề cập chủ đề nhân quyền.
Ông nói: "Quan hệ song phương của Mỹ và Việt Nam nói chung khá tốt đẹp nhưng chúng tôi có các quan ngại to lớn về các vấn đề liên quan tới nhân quyền và chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực trong lĩnh vực này".
Hiện Liên hiệp châu Âu, một đối tác quan trọng khác của chính phủ Việt Nam, chưa có phản ứng chính thức về phiên phúc thẩm TS Cù Huy Hà Vũ, dù rằng ông đã từng học tập tại Pháp.

'Sẽ kháng cáo'

Trong khi đó, gia đình ông Cù Huy Hà Vũ vừa gửi thư ngỏ cảm ơn những người đã ủng hộ và đòi tự do cho ông, đồng thời cho hay họ sẽ kháng cáo.
Người ủng hộ bên ngoài phiên tòa hôm 02/08
Nhiều người đã tới tòa án để bày tỏ ủng hộ với TS Cù Huy Hà Vũ
Nhiều người đã tới khu vực tòa án hôm thứ Ba 02/08 để theo dõi phiên tòa mặc dù an ninh xung quanh nơi này được thắt chặt.
Trong thư gửi 'đồng bào và bè bạn' sau khi tòa ra phán quyết, vợ ông Vũ - luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, viết: "Chúng tôi sẽ kháng cáo; xin các đồng nghiệp luật học hãy tiếp tục ủng hộ luật gia yêu nước Cù Huy Hà Vũ".
Về nguyên tắc, gia đình và bản thân ông Cù Huy Hà Vũ nay có thể đề nghị giám đốc thẩm cho ông.
Thư của bà Dương Hà viết rằng phán quyết của tòa phúc thẩm hôm thứ Ba là "trái với nguyện vọng của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước".
"Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, qua lời cám ơn đồng bào ngay từ trước khi mở phiên phúc thẩm, đã thấy trước kết quả đó."
Bức thư nói "Đảng Cộng sản Việt Nam chưa sẵn sàng nhận những lời khuyên của Cù Huy Hà Vũ" về xây dựng một nhà nước pháp quyền, và như vậy cuộc đấu tranh "vẫn còn tiếp diễn để chân lý được chấp nhận, để nhân dân ta được sống dân chủ hơn, tự do hơn, công bằng hơn và văn minh hơn".