Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Kinh tế Việt Nam năm 2011-'Bất thường và lẫn lộn'

Một người bán hàng ở Hà Nội

Các mặt hàng ở Việt Nam đều tăng giá mạnh trong những tháng gần đây
Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị có các biện pháp để khôi phục sự ổn định kinh tế và lòng tin của người dân dưới sức ép của các nhà tài trợ họp ở Hà Tĩnh trong tuần trước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định với các nhà tài trợ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách quản lý chặt chẽ tiền tệ được đưa ra trong Bấm Nghị quyết 11 hồi đầu năm nay để giảm lạm phát và tăng dự trữ ngoại tệ mạnh.
Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội, ông Deepak Mishra, nói với phóng viên BBC Nguyễn Hùng từ London rằng các tín hiệu từ Hội nghị Nhóm Tư vấn Không Chính thức Giữa kỳ ở Hà Tĩnh là tích cực:
Chúng tôi nhận được nhiều lời trấn an từ chính phủ tại Hội nghị giữa kỳ. Một trong những vấn đề chính được bàn thảo là Nghị quyết 11 sẽ được thực hiện trong bao lâu. Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ và các tổ chức khác cũng nói còn quá sớm để chấm dứt các biện pháp nằm trong Nghị quyết 11 và Phó Thủ tướng cũng nói trong diễn văn bế mạc rằng họ sẽ cố gắng để giữ lạm phát ở mức một chữ số, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.
BBC: Thế nhưng đó chỉ là những lời nói. Chính phủ có đưa ra những biện pháp cụ thể nào mà họ sẽ làm trong vấn đề đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước lớn và sự thiếu hiệu quả của đầu tư không?
Chúng tôi mong đợi những biện pháp cụ thể trong hai tháng tới đây. Đợi đến tháng Mười Hai sẽ là quá muộn.
Kinh tế gia Deepak Mishra
Tôi không biết nội bộ chính phủ đã thảo luận tới đâu vấn đề này trước khi diễn ra hội nghị và có thể họ sẽ phải ngồi lại và thảo luận thêm trước khi đưa ra các biện pháp cụ thể. Những gì họ nói với chúng tôi là chính phủ sẽ cải cách tốt hơn các doanh nghiệp nhà nước.
Một trong những cam kết cụ thể là nhà nước sẽ cung cấp thêm thông tin về các khoản nợ và tài sản của các doanh nghiệp nhà nước. Các thông tin này sẽ được đưa ra Quốc hội và có nhiều khả năng sẽ được công bố cho công chúng.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy cổ phần hóa sẽ được đẩy mạnh. Hai nghị định đã được đưa ra để thúc đẩy quá trình này.
Nói chung có nhiều lời trấn an nhưng chúng tôi không đi vào thảo luận chi tiết và chúng tôi cũng không trông đợi sẽ có những thảo luận cụ thể vì đó là những vấn đề nhạy cảm, vấn đề chủ quyền và Việt Nam muốn thảo luận trong Đảng và nhà nước trước khi có cam kết cụ thể.
BBC: Vậy liệu vào kỳ họp Nhóm Tư vấn vào cuối năm nay chúng ta sẽ được biết những cam kết cụ thể?
Chúng tôi mong đợi những biện pháp cụ thể trong hai tháng tới đây. Đợi đến tháng Mười Hai sẽ là quá muộn.
Tôi nghĩ rằng Nghị quyết 11 đã đề ra nhiều vấn đề. Một trong số các vấn đề hiện nay là chính sách tài khóa. Cho tới nay chính sách tiền tệ được sử dụng để điều chỉnh các vấn đề kinh tế nhưng chưa có gì rõ ràng về chính sách tài khóa bao gồm cả việc giảm đầu tư công.
Ngoài ra còn có vấn để quản lý các ngân hàng nữa. Ngay bản thân các chính sách được đề ra trong Nghị quyết 11 cũng không phải đều đã được thực hiện nên cần tiếp tục đi theo hướng đó trong thời gian tới đây.
'Điều tồi tệ cần thiết'
Rút tiền
Việt Nam đã hạn chế lượng tiền trong lưu thông để kiềm chế lạm phát
BBC: Tôi vừa nói chuyện với một kinh tế gia Việt Nam và ông nói rằng đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước trong năm nay còn lớn hơn cả trong năm trước đó. Như vậy là sẽ phải có những biện pháp mạnh mẽ để điều tương tự không diễn ra trong các tháng cuối năm nay.
Nếu điều đó là đúng thì thật đáng lo ngại. Vào thời điểm này chúng tôi chưa có thông tin hữu ích nào để nói rằng đầu tư của nhà nước vào các công ty quốc doanh nhiều hơn hay ít hơn so với năm ngoái. Nhưng hiện cũng có những thông tin chúng tôi có cho thấy những tín hiệu tích cực hơn.
Theo những thông tin được cập nhật hàng tháng, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, tức các khoản cho vay của ngân hàng, ở mức dưới 20% và nguồn cung tiền tệ, tức tiền mà ngân hàng in thêm và một số khoản gửi tiết kiệm, ở mức dưới 16%. Tăng trưởng tín dụng hiện ở mức 6% và nguồn cung tiền tệ ở mức 2%. Điều này đáp ứng được mục tiêu của Nghị quyết 11.
BBC: Hai số liệu ông vừa đưa ra cho thấy họ đang đi đúng hướng và Ngân hàng Thế giới hài lòng về điều này?
Chúng tôi không thể nói rằng chúng tôi hài lòng. Khi tăng trưởng tín dụng giảm xuống nó ảnh hưởng tới nền kinh tế, tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng chúng ta đang xem xét tăng trưởng tín dụng trong mối tương quan với lạm phát cao, hiện tượng cũng gây tác hại cho kinh tế. Bởi vậy tôi nghĩ đó là sự tồi tệ cần thiết để giảm lạm phát.
BBC: Hiện tại chúng ta đang ở trong tình trạng lạm phát cao trong khi dự trữ ngoại hối lại ở mức thấp. Ông có thể giải thích tại sao sự thể lại như hiện nay không?!
Có rất nhiều lý do và không phải tất cả các lý do này đều có liên quan tới nhau.
Chúng ta đều biết lạm phát ở Việt Nam trong ba, bốn năm qua đều ở mức cao.
Một trong các lý do là ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta đã chứng kiến điều này trong năm 2008 và bây giờ trong năm 2011.
Nhưng cũng có nhiều yếu tố nội địa có liên quan, đó là chính sách tiền tệ và tài chính của chính phủ.
Sự song song tồn tại của dòng tiền lớn từ bên ngoài chảy vào Việt Nam và lượng dự trữ ngoại hối thấp là bất thường.
Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thế giới Deepak Mishra
Chính phủ đã sử dụng các công cụ này quá mức và nó gây ra lạm phát cao.
Còn về dự trữ ngoại hối, đây là tình huống lạ lùng.
Việt Nam nhận được nhiều đầu tư nước ngoài và ngay cả hiện nay lượng tiền từ bên ngoài đổ vào Việt Nam là rất lớn. Hơn nữa thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai cũng không phải là lớn và đang giảm đi.
Bởi vậy sự song song tồn tại của dòng tiền lớn từ bên ngoài chảy vào Việt Nam và lượng dự trữ ngoại hối thấp là bất thường.
Điều này xảy ra một phần là vì người Việt Nam đã mất lòng tin vào tiền đồng và chuyển các khoản tiết kiệm của họ sang các tài sản khác an toàn hơn như vàng và bất động sản.
Đây là vấn đề tâm lý của người dân và chính phủ cần khôi phục lại niềm tin bằng cách giảm lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
'Tín hiệu lẫn lộn'
BBC: Liệu việc trả nợ vốn vay phát triển và các khoản vay khác có ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối không vì hàng năm Việt Nam phải trả hàng tỷ đô la cho khoản này?
Đây không phải là yếu tố lớn. Hầu hết các khoản vay phát triển của Việt Nam đều có những điều kiện tốt về lãi suất và thời hạn. Ví dụ nếu Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay thì lãi suất chỉ là 0,7%, thời hạn từ 35-40 năm và thời gian ân hạn là 10 năm.
Nhìn chung viện trợ phát triển chính thức luôn là số dương vì kể cả khi Việt Nam phải trả nợ thì số tiền họ nhận được hàng năm vẫn lớn hơn.
Nếu chỉ nhìn lạm phát thì các tín hiệu cho thấy lạm phát sẽ còn tăng trong tháng Sáu và tháng Bẩy trước khi giảm xuống
Kinh tế gia Deepak Mishra
Lý do chính mà dự trữ ngoại hối giảm là người dân giữ đô la và vàng.
Tôi mới về Hà Nội và nghe nói nhiều tới khả năng đổ vỡ của thị trường bất động sản. Ông có thấy điều này có thể xảy ra không và nếu nó xảy ra thì hậu quả đối với nền kinh tế sẽ ra sao?
Tôi phải thừa nhận rằng chúng tôi có theo dõi thị trường bất động sản nhưng không có những thông tin hữu ích và đáng tin cậy nào. Bởi vậy tôi không thể bình luận về vấn đề này. Những bình luận của tôi sẽ chỉ góp phần vào những đồn đoán mà thôi.
Dĩ nhiên tôi biết là do tiền đồng không còn hấp dẫn do mức lạm phát cao nên người dân phải tìm các tài sản khác cho dù đó là đô la, vàng hay bất động sản. Nhu cầu bất động sản có thể góp phần tạo ra hiện tượng bong bóng nhưng thực ra tôi khó có thể bình luận gì về vấn đề này và tôi không muốn góp phần tạo ra sự hỗn loạn thông tin.
BBC: Và theo ông thì nền kinh tế sẽ xấu đi trước khi được cải thiện hay nó sẽ chỉ có tốt lên mà thôi?
Có nhiều mảng khác nhau trong kinh tế vĩ mô và chúng tôi đánh giá sự ổn định theo bốn khía cạnh khác nhau. Chúng tôi theo dõi thị trường ngoại hối, dự trữ ngoại hối, lạm phát và lãi suất.
Chúng tôi thấy có sự tiến bộ ở hai lĩnh vực là sự ổn định tỷ giá và dự trữ ngoại hối đang tăng.
Nhưng lạm phát lại tăng thêm và lãi suất vẫn ở mức cao.
Vào thời điểm hiện nay, các tín hiệu khá lẫn lộn.
Nếu nhìn tổng thể cả bốn khía cạnh thì đã có sự ổn định hơn so với hồi tháng Hai năm 2011.
Nhưng nếu chỉ nhìn lạm phát thì các tín hiệu cho thấy lạm phát sẽ còn tăng trong tháng Sáu và tháng Bảy trước khi giảm xuống nếu không có các tác động gây sốc từ bên ngoài và Nghị quyết 11 được thực hiện.
(Nguồn: BBC Tiếng Việt)