Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Sôi nổi mua bán nợ xấu



Lời dẫn
Mua bán nợ xấu: Mấu chốt vẫn là tiền đâu?
Phớt lờ trước hàng loạt chỉ trích từ các chuyên gia kinh tế trong nước cũng như thế giới về tính khả thi của phương án xử lý mua bán nợ xấu của chính phủ VN. Hiện các ngân hàng thương mại VN đang sôi nổi thực hiện các thương vụ mua bán nợ theo chỉ đạo của NHNN và Cty Quản lý tài sản của các tín dụng (VAMC). Dù mới chỉ là giai đoạn bắt đầu nhưng cũng không khó để dự đoán kết cục của nó qua nhìn nhận một vài biểu hiện.
Mõ Làng Chờ

(Ảnh minh hoạ)
Trái phiếu đặc biệt hay …giấy lộn?
Như  chúng ta đã biết, thủ tướng VN đã chọn phương án phát hành trái phiếu đặc biệt dùng đểmua những khoản nợ xấu thay vì bơm tiền mặt cho các ngân hàng thươngmại.  Thương vụ sẽ được thực hiện theo cách các TCTD bán các khoản nợ xấu cho VAMC và nhận về …một tờ giấy (hay tập giấy) - được gọi là trái phiếu đặc biệt. Về lý thuyết trái phiếu đặc biệt này được lưu ký tại NHNN và sử dụng để vay tái cấp vốn.  Vậy trên thực tế tập giấy này có thể  sử dụng để vay tái cấp vốn từ NHNN không? Vì nếu sử dụng để vay vốn thì NHNN lại phải đưa tiền cho các TCTD nếu làm được việc này thì NHNN sao không lựa chọn phương án bơm tiền mà phải chọn phương án phát hành trái phiếu đặc biệt?. Vậy cái trái phiếu đặc biệt này là cái gì vậy?  nó có được coi là “trái phiếu” không?.
Ai cũng biết trái phiếu thực chất là một khoản vay nợ.  Theo nguyên tắc nếu một tổ chức hoặc chính phủ phát hành trái phiếu ra thị trường thì trái phiếu đó phải có người mua và đưa tiền cho CP hay tổ chức đó. Đằng này các TCTD trao khoản nợ của khách hàng cho VAMC  (không có tiền) và VAMC trao cho họ tờ giấy (cũng chẳng phải là tiền) để …hạch toán hình thức.
Vấn đề pháp lý khi TCTD bán nợ xấu cho VAMC
Trở lại thực tế nghiệp vụ mua bán nợ xấu hiện nay, khi NHNN nhận khoản nợ xấu từ các TCTD, thay vì quản lý và thực hiện các nghiệp vụ đòi nợ khách hàng, NHNN  lại uỷ quyền lại cho các TCTD thay mình thực hiện các quyền đó.
Đến đây lại có một vấn đề về mặt pháp lý.
Theo Khoản 4 Điều 18 TT 19/2013/TT-NHNN “Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, bán nợ, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng vay…để thực hiện nghĩa vụ đối với  VAMC”.  Vậy trường hợp khách hàng không đồng ý thay đổi nghĩa vụ trả nợ đối với VAMC thì sao? bởi NĐ 53 lẫn TT 19 đều là văn bản dưới luật và tính tuân thủ pháp lý thấp hơn Luật dân sự 2005. Nếu không thận trọng các TCTD sẽ dính vào các vụ kiện tụng đối với khách hàng nếu cứ đơn phương bán nợ cho VAMC.
Trò ảo thuật mới: Úm ba la ba la nợ xấu  đâu …biến !
Thật không ngoa khi trước đó TS Alan Phan nói rằng “cần một trò ảo thuật mới” khi mô tả cách mà chính phủ "xử lý" đống nợ xấu khổng lồ của các NHTM. Trớ trêu thay, lời giễu cợt đó lại chính là cách mà NHNN Việt Nam lựa chọn và đang thực hiện. Tuy nhiên nó còn hơn cả trò ảo thuật. Từ cách phát hành trái phiếu đặc biệt, cách uỷ quyền truy đòi nợ cho TCTD cho đến cách “trả lại khoản nợ” cho TCTD là một quy trình  khép kín. Nhưng cũng đáng khen vì để che ủ được đống phân to lù lù như vậy mà không ai nhìn thấy thì quả là những đại tài...ảo thuật.
Vậy thực chất nợ xấu có giảm?. Câu trả lời là về hình thức thì đúng vậy nhưng thực chất thì chưa chắc vì dù có được thực hiện bởi những ảo thuật gia tài giỏi nhất, khoản nợ xấu đó không hề biến mất. Nó chỉ được phép ảo thuật hô biến vào một xó đậy lại, ủ kỹ. Đứng dưới góc độ các nhà quản trị đất nước thì đây là một điều… hạnh phúc bởi truyền thống ở xứ này, giới quan chức vốn chỉ yêu những thứ hào nhoáng và giả tạo.
Vậy còn dưới góc độ các nhà băng ngoài những lợi ích dễ nhận thấy như nợ xấu giảm, được xử lý rủi ro số tiền đã trích lập dự phòng cho khoản vay (sử dụng tiền bỏ giỏ để tái cho vay)? Với họ nợ xấu giảm chưa chắc đã là một tin vui vì có không muốn cũng bắt buộc phải bán (theo Thông tư19 những TCTD có nợ xấu từ 3% trở lên bắt buộc phải bán nợ cho VAMC). Dù có che lại, ủ kỹ, nợ xấu vẫn là nợ xấu. Ai sẽ trả lãi cho các khoản vay để các nhà băng này có lợi nhuận?.  Liệu có ai cần vay tiền (số tiền các nhà băng được sử dụng từ nguồn trích lập dự phòng) để làm ăn trong khi nền kinh tế ảm đạm, các doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh thua lỗ, phá sản hay nói một cách dân dã là trong thời “củi châu gạo quế” này?