Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Những dự báo về kinh tế, xã hội Việt Nam năm 2014*

*MLC: Trên đây là tổng hợp những nhận định về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam năm 2014 của các chuyên gia trên thế giới mà MLC sưu tầm lại. Xin trân trọng giới thiệu !
----------------------------
Bài 1: Nhận định của nhà báo Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn
Nguồn: Trà Mi - VOA
1Tuần trước chúng ta đã cùng các thính giả trẻ từ trong nước điểm lại tình hình Việt Nam trong năm 2013 đầy sự kiện đáng ghi nhớ.  
Hôm nay, Tạp chí Thanh Niên mời quý vị và các bạn cùng ‘gieo quẻ đầu năm’ để xem dự báo tình hình kinh tế-chính trị-xã hội Việt Nam trong năm mới Giáp Ngọ này ra sao qua cuộc trao đổi với nhà báo Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát, một ngòi bút độc lập và thường xuyên có rất nhiều bài phân tích sâu sắc về tình hình kinh tế-chính trị-xã hội trong nước.

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn nhà báo Phạm Chí Dũng
00:00
00:00
Tóm tắt nội dung Dự báo tình hình Việt Nam 2014 của nhà báo Phạm Chí Dũng
Những động thái nội bộ
Ngược lại năm 2013, Việt Nam năm 2014 sẽ mang đặc trưng biểu hiện đối nội nổi bật hơn so với hoạt động đối ngoại. Hoạt động đối nội như vậy có thể khá đặc sắc và có tính tranh đấu. Nếu vào năm 2013, hoạt động đối ngoại diễn ra rộng khắp với Trung Quốc, Nga, Pháp và Mỹ, thì năm 2014 có thể được xem là năm khởi động cho “chiến dịch hai năm” sắp xếp các vị trí của đại hội đảng lần thứ 12 vào năm 2016.
Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị nhân sự không còn nhiều, có thể đến giữa năm 2015 phải cơ bản hoàn thành phương án bố trí các chức vụ chủ chốt trong Bộ Chính trị. Do vậy có thể xem đây là cuộc chạy đua mang tính nước rút. Một trong những tín hiệu rõ rệt cho cuộc vận động này là thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với hàm ý “đổi mới thể chế”.
Những nhân sự cao cấp trong Bộ Chính trị trong đại hội 12 sẽ phụ thuộc cơ bản vào ba tiêu chí: mức độ ảnh hưởng mà họ tạo ra trong nội bộ đảng, ảnh hưởng của họ đối với khối trí thức và dân chúng, và cuối cùng là dấn ấn của họ trong quan hệ đối ngoại. Trong đó, ảnh hưởng trong nội bộ đảng là yếu tố quyết định, kế đến là ảnh hưởng trong dân chúng.
Một đặc thù khác ngày càng lộ diện rõ hơn và đáng được quan tâm là sẽ gia tăng khuynh hướng tản quyền và tự trị tại một số chính quyền địa phương, đồng thời “tự chuyển hóa” hơn nữa bằng quá trình tiết giảm vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của đảng. Khuynh hướng này sẽ càng rõ nét theo quy luật ly tâm chính trị vào những năm tới, khi bối cảnh và tình thế chính trường trở nên phức tạp hơn hẳn hiện thời.
Năm 2014 cũng sẽ xác nhận những tác động theo chiều sâu của vấn đề Campuchia đối với chính trường và xã hội Việt Nam. Sau sự kiện năm 1979, có thể xem đây là lần thứ hai mối nguy cơ Campuchia phát lộ, do khả năng đất nước này có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn về chính trị và xã hội bởi cuộc tranh giành được đẩy lên thế tương đối cân bằng và khó dung hòa giữa đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen với đảng đối lập của ông Sam Rainsy. Tình hình này có thể dẫn tới khả năng đảng cầm quyền không còn trụ vững và có thể bị thay đổi hoặc bị thay thế vai trò trong 3-4 năm tới, thậm chí sớm hơn, dẫn đến khả năng sức ép chính trị và cả quân sự sẽ gia tăng lên khu vực biên giới Tây Nam của Việt Nam, đồng thời gây nên hiệu ứng phân hóa hơn nữa đối với nền chính trị Việt Nam.
 
Những đối sách về nhân quyền
Liên quan đến việc tạo dựng hình ảnh đối với dân chúng, những câu chuyện bề nổi mà giới lãnh đạo nhắm tới vẫn chủ yếu là những nội dung then chốt thuộc điều 69 của Hiến pháp năm 1992 hay điều 25 của Hiến pháp năm 2013 về các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do biểu tình và có thể cả quyền được trưng cầu dân ý.
Vì thế trong năm 2014, có khả năng Quốc hội sẽ được tác động ở mức độ nhất định để ban hành Luật tiếp cận thông tin, Luật lập hội và có thể cả Luật biểu tình. Cả ba đạo luật này đều mặc nhiên xuất phát từ nhu cầu và cũng là xu thế đương nhiên của xã hội công dân, đồng thời là một trong những điều kiện của khối phương Tây trong mối quan hệ thương mại đa phương với Việt Nam.
Một chi tiết đáng chú ý là thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập “người dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm”.
Cũng nhằm thỏa mãn nhiều hơn yêu cầu của người dân và đòi hỏi của cộng đồng quốc tế, giới chính khách trong nước nhiều khả năng sẽ thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia trong năm 2014. Cơ quan này có thể tồn tại dưới hình thức Hội đồng nhân quyền quốc gia hoặc như một ủy ban nhân quyền quốc gia trực thuộc chính phủ, thay thế cho ban chỉ đạo nhân quyền quốc gia trước đây.
Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều dấu hiệu hứa hẹn cho việc cơ quan nhân quyền quốc gia này sẽ nhận thức và hành động cân bằng giữa nhiệm vụ “phòng, chống các thế lực lợi dụng nhân quyền” với việc quan tâm thực chất đến quyền con người của dân chúng.
Một thỏa hiệp khác của Nhà nước Việt Nam với phương Tây là sẽ dần thừa nhận vai trò và dần chấp nhận sự tồn tại và vận động của xã hội dân sự ở Việt Nam, và thái độ này sẽ thể hiện rõ nét hơn trong năm 2014. Tình hình này dẫn đến việc năm 2014 sẽ xuất hiện nhiều tổ chức dân sự hơn năm 2013.
Nếu chỉ xét đến các tổ chức dân sự theo đường hướng xã hội – chính trị, số tổ chức hình thành trong năm 2014 có thể gấp đôi năm 2013. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là một số trong đó hoạt động thiếu tính thực chất.
Trong bối cảnh xã hội dân sự bắt đầu được thừa nhận, hoạt động truyền thông xã hội (còn gọi là “lề trái”) sẽ được “hợp thức hóa” và sẽ gia tăng về số lượng, trong khi cơ chế cản trở bằng bức tường lửa trên mạng Internet sẽ giảm bớt.
Năm 2014 cũng có thể chứng kiến một số biểu hiện giao lưu, kết nối kín đáo giữa báo chí “lề phải” với truyền thông “lề trái” về quan điểm và mối tương tác trong một số vụ việc nhạy cảm của xã hội, kinh tế. Theo đó, hiện tượng nhà báo, phóng viên “lề phải” trực tiếp hoặc gián tiếp gia nhập hoạt động truyền thông “lề trái” sẽ gia tăng về số lượng cung cấp thêm cho “lề trái” một lực lượng nhỏ cây viết chuyên nghiệp. Hiện tượng này sẽ diễn ra bất chấp sự ngăn cản và cấm đoán của hệ thống tuyên giáo.  
Trong xu thế hé dần cửa đối ngoại, chủ đề hòa hợp hòa giải dân tộc sẽ một lần nữa được nêu lại, sau hai lần chỉ mang tính hình thức sau Hiệp định song phương Việt – Mỹ (2001) – thể hiện bằng nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, và sau thời điểm năm 2006 khi Việt Nam được chấp nhận tham gia vào WTO.
Năm 2014 có thể là giai đoạn khởi đầu cho việc Nhà nước Việt Nam xem xét lại chế độ xuất cảnh đối với một số nhân vật bất đồng chính kiến theo đường lối ôn hòa, cũng như cơ chế nhập cảnh cho một số nhân vật người Việt hải ngoại không đến mức bị coi là “chống phá nhà nước”.
Cùng với khả năng tăng tiến lộ trình tham gia vào TPP, chính quyền có thể tiến hành trả tự do có điều kiện cho một ít nhân vật bất đồng chính kiến, trong đó có Lê Quốc Quân, Phạm Viết Đào.
Tình hình trên cũng có thể dẫn đến chủ trương chính quyền tạm thời không thi hành biện pháp bắt bớ giới bất đồng chính kiến, nhưng thay vào đó sẽ tiếp tục tăng cường hành động gây khó khăn cản trở, sách nhiễu đối với giới này.
Đặc biệt tại một số địa phương, những nhóm dân chủ hoạt động công khai ngoài đường phố sẽ có thể hứng chịu hình ảnh “đấm đá nhân quyền” hoặc những hành vi dưới tầm mức văn hóa của nhân viên công lực.
Xu thế chính trị đối ngoại lẫn đối nội cũng tạo điều kiện cho sự xuất hiện đảng chính trị độc lập và còn có thể xuất hiện đảng chính trị đối lập trong dân chúng, tuy chỉ với quy mô nhỏ.
Đồng thời, hiện tượng thoái – bỏ đảng sẽ lan tỏa rộng hơn và công khai hơn, đặc biệt vào quý cuối của năm 2014 khi nền kinh tế tiếp tục xuống dốc. Cùng với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các tổ chức hội đoàn độc lập với nhà nước, hiện tượng thoái – bỏ đảng sẽ chính thức trở thành một trào lưu mang tính xu thế vào cuối năm 2014, làm đề dẫn cho một xu thế mạnh mẽ hơn vào những năm sau đó.
Ứng với bối cảnh như thế, Dự luật nhân quyền Việt Nam (HR 1897) và Dự luật chế tài nhân quyền Việt  Nam nhiều khả năng vẫn chưa được thông qua tại Thượng nghị viện Hoa Kỳ, sau khi HR 1897 đã được thông qua tại Hạ nghị viện vào tháng 8/2013 với số phiếu thuận gần như tuyệt đối.
 
Động thái ngả về phương tây
Xu hướng và xu thế thoái – bỏ đảng đương nhiên sẽ tạo thêm một tác động không nhỏ đối với nhận thức, hành vi ứng xử cách biệt và phân hóa trong nội bộ đảng. Với những dấu hiệu manh nha từ năm 2013, xu hướng nhóm chính khách mang quan điểm gần gũi hơn với phương Tây sẽ nổi lên rõ hơn vào năm 2014, dần trở nên cân bằng và có thể còn có phần lấn ảnh hưởng của nhóm chính khách “thân Trung Quốc” ở Hà Nội và tại một số tỉnh thành.
Biểu hiện sớm nhất và rõ nhất của sự đối chọi giữa hai xu hướng này là mối giao kết về hợp tác hải quân Việt – Mỹ sẽ gia tăng, trong khi Trung Quốc sẽ lại xúc tiến gây hấn tại biển Đông vào một số thời điểm, trùng với thời gian mà mối quan hệ Việt Nam – phương Tây trở nên “nồng ấm” hơn.
Xu hướng ly khai dần khỏi tâm điểm Bắc Kinh cũng liên quan mật thiết đến chính sách nhập khẩu nguyên, phụ liệu của Việt Nam từ Trung Quốc. Để có thể tham gia đầy đủ vào TPP và được miễn thuế xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu là hàng hóa đó phải có xuất xứ từ các nước nội khối TPP, trong khi Trung quốc vẫn chưa phải là thành viên TPP. Do đó, Chính phủ Việt Nam có thể phải tìm nhiều cách để giảm bớt cơ cấu nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc và chuyển đổi vùng nhập khẩu sang các quốc gia khác.
Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ đầy thách thức vì trước đó có đến 80-90% nguyên phụ liệu phụ thuộc vào Trung Quốc, và bởi sức ép về chính trị và kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam là liên tục và sẵn sàng căng thẳng.
Tuy nhiên, với “quyết tâm” tìm phao cứu sinh từ ngoại viện phương Tây, Việt Nam sẽ được chấp thuận tham gia vào TPP trong năm 2014, thậm chí khả năng này có thể xảy ra ngay trong nửa đầu năm 2014. Tuy nhiên, tính hiệu quả của TPP là không thể tức thời, khi thời hiệu áp dụng sớm nhất của hiệp định này là giữa năm 2015 hoặc đầu năm 2016.
Để được chính thức chấp thuận tham gia vào TPP, Nhà nước Việt Nam sẽ chấp nhận một số điều kiện của phương Tây về cho phép hình thành nghiệp đoàn lao động, lập hội và cải cách doanh nghiệp nhà nước (liên quan đến cơ chế giảm dần và tiến đến xóa độc quyền của một số doanh nghiệp như điện lực, xăng dầu…).
 
Cuối 2014: Khởi đầu khủng hoảng kinh tế
Một sự thật không thể chối bỏ là cho dù được chấp thuận bởi TPP, nền kinh tế Việt Nam vẫn quá khó trong năm 2014. Rất nhiều khả năng nền kinh tế này sẽ vận động ngang trong năm 2014 chứ không thể tăng tốc được, và cũng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy sẽ “thoát đáy”.
Gần như toàn bộ mấu chốt của nan giải kinh tế Việt Nam nằm ở nợ xấu, trong đó ít nhất 70% thuộc về nợ xấu bất động sản. Với những dấu hiệu rõ ràng của nửa cuối năm 2013, gói kích thích 30.000 tỷ đồng dành cho bất động sản coi như đã hoàn thành vai trò lịch sử đậm nghĩa thất bại của nó.
Những chính sách hỗ trợ khác như chính sách cho người nước ngoài mua nhà và cho phân lô bán nền cũng sẽ chỉ có tác dụng rất nhỏ. Hệ số tiêu thụ của phân khúc căn hộ cao cấp rất thấp. Hệ số tiêu thụ của căn hộ trung cấp nhỉnh hơn nhưng cũng không hề khả quan. Tồn kho bất động sản, đặc biệt là bất động sản cao cấp sẽ giữ gần như nguyên trạng, trong khi số căn hộ cao cấp và trung cấp cung ứng cho thị trường sẽ càng tăng, tạo nên hiện tượng bội cung ngày càng lớn. Trong khi đó, các thị trường đầu cơ như vàng, chứng khoán đều rất thiếu triển vọng.
Nhìn chung, Ngân hàng nhà nước và các ngành liên quan sẽ không thể xử lý được nợ xấu nói chung và nợ xấu bất động sản nói riêng. Vào giữa năm 2014, công cuộc xử lý này nhiều khả năng sẽ bế tắc hoàn toàn.
Với những dấu hiệu khá rõ ràng về nợ xấu, thực trạng khan hiếm tiền mặt, tình trạng bi đát của hệ thống ngân hàng thương mại vào cuối năm 2013, nhiều khả năng hệ thống ngân hàng bắt đầu bước chân và giai đoạn đổ vỡ vào nửa cuối năm 2014. Khi đó nền kinh tế cũng bắt đầu thời kỳ đầu tiên lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, khi trước đó đã có 7 năm suy thoái.
Trong bối cảnh đó, lưu thông tiền tệ càng suy thoái, một số kênh kinh doanh trở nên bất động. Tâm lý người dân găm giữ tiền và vàng mà không đưa vào lưu thông trở nên rất phổ biến.
Vào năm 2014, Nhà nước sẽ phải tìm mọi cách huy động vàng trong dân để cứu nguy nền kinh tế, nhưng sứ mệnh này sẽ thất bại do niềm tin tiêu dùng và cả niềm tin chính thể của người dân xuống đến mức thấp chưa từng có. Ngân hàng nhà nước có khả năng sẽ phải bán ngoại tệ dự trữ để thu tiền mặt phục vụ cho ngân sách chi tiêu, nhưng hệ quả không tránh khỏi của sứ mệnh này lại càng làm tăng lạm phát. Theo đó, chỉ số lạm phát năm 2014 có thể “ngoài dự kiến”.
Để giải quyết vấn nạn thiếu tiền mặt, nhiều ngân hàng thương mại sẽ đẩy cao lãi suất tiền gửi như tình trạng tương tự vào nửa cuối năm 2011. Chính sách cho vay giá rẻ cũng vì thế sẽ hầu như phá sản. Một phần lớn doanh nghiệp thiếu vốn sẽ càng khó khăn và tỷ lệ doanh nghiệp phá sản sẽ càng tăng. Trong đó, “cái chết” của doanh nghiệp bất động sản là một hệ quả đặc trưng nhất.
Không thể giải quyết cơ bản hàng tồn kho và cũng không thể thanh toán được nợ vay, năm 2014 sẽ chứng kiến khoảng 30% doanh nghiệp bất động sản phải phá sản. Những năm sau đó sẽ có khoảng 30-40% doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phá sản, khiến cho toàn bộ hoạt động kinh doanh nhà đất ở Việt Nam tê liệt và chính thức rơi vào “thập kỷ mất mát”.
 
Bất ổn và phản kháng: Giai đoạn đầu của khủng hoảng xã hội
Kinh tế tiếp tục suy thoái và bắt đầu bước chân vào khủng hoảng là mảnh đất phì nhiêu cho các mầm mống bất ổn xã hội. Nếu trong năm 2013, bất ổn đã sinh ra từ nhiều phản ứng và phản kháng của dân chúng đối với chính quyền, thì đến năm 2014, số lượng và quy mô phản kháng chắc chắn sẽ tăng cao hơn.
Bản hiến pháp năm 2013 được thông qua với nhiều nội dung không được cải cách cũng là nguồn gốc dẫn đến tâm thế trục lợi không thay đổi và bất chấp dân sinh của các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu. đặc biệt là những nhóm lợi ích về chính sách và đất đai.
Hơn ai hết, các nhóm lợi ích là người điều khiển thị trường và hiểu rằng nền kinh tế đang đi đến hồi kết bi kịch. Do vậy, những năm tới sẽ là giai đoạn trục lợi và vơ vét cuối cùng trước khi nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn. Đó là lý do khiến mức độ và tính chất vơ vét sẽ tăng tốc, tàn nhẫn và hung bạo hơn, dẫn đến thái độ và hành vi khản kháng của dân chúng càng phẫn uất và quyết liệt không kém.
Phản kháng dân chúng sẽ tập trung vào lĩnh vực đất đai, môi trường, điều kiện lao động, giá cả. Số cuộc và số người dân tuần hành, biểu tình sẽ gia tăng so với năm 2013.
Hiện tượng chống nhân viên công lực và hiện tượng “tự xử” của người dân cũng sẽ gia tăng nhanh chóng tại nhiều địa phương và ngay tại Hà Nội. Hầu hết hiện tượng như vậy đều diễn biến theo chiều hướng tự phát và thiếu kiểm soát. Trong một số trường hợp gặp phải tác động tiêu cực từ phía cơ quan công quyền, phản ứng tự phát của người dân có thể biến thành bạo động cục bộ và quy mô nhỏ.
Vào cuối năm 2014, trong khung cảnh có thể khởi đầu khủng hoảng kinh tế, quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ lương hưu cũng có thể bắt đầu lâm vào tình trạng nguy hiểm. Cùng với làn sóng thoái – bỏ đảng phát sinh vào thời điểm này, có thể phát sinh những phản ứng mạnh mẽ đầu tiên của tầng lớp hưu trí, làm tiền đề cho xu thế bỏ đảng trong giới hưu trí và cả một bộ phận thuộc giới đảng viên đương chức trong những năm sau.
Trước sự bất ổn của tình hình xã hội và chính trị, xu hướng di cư và chuyển tài sản ra nước ngoài sẽ gia tăng, không chỉ tập trung vào tầng lớp nhóm lợi ích và một bộ phận quan chức đặc quyền đặc lợi mà với cả tầng lớp trung lưu.
Trước áp lực và các mâu thuẫn xã hội tăng vọt, bị ràng buộc bởi quyền lợi và mối quan hệ với các nhóm lợi ích, chương trình chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ sẽ chỉ còn tính tượng trưng và càng làm cho niềm tin chế độ của người dân bị “suy thoái” hơn bao giờ hết.
 
Kết
Dự báo tổng quan, năm 2014 sẽ chứng kiến 5 diễn biến chủ lưu ở Việt Nam:
(1) 2014 là năm đầu tiên của một chu kỳ khủng hoảng ngân hàng, bắt đầu từ sự đổ vỡ của vài ngân hàng hạng trung và có thể dẫn đến sụp đổ dây chuyền trong ít nhất 50% số ngân hàng hiện hữu, dẫn đến khủng hoảng gần như toàn bộ nền kinh tế. Chu kỳ khủng hoảng kinh tế có thể lên đến cao điểm vào năm 2016-2017 và trở thành sóng nhấn cuối cùng đối với con thuyền chính trị. Đây là diễn biến quan yếu nhất.
(2) Bất ổn xã hội và phản kháng dân chúng sẽ tăng cao về số lượng, quy mô, tạo nên áp lực lớn đối với chính thể và nằm trong giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng xã hội trong những năm sau. Xu hướng này sẽ mau chóng biến thành xu thế ở rất nhiều địa phương, liên quan đến đất đai, môi trường, quan hệ giữa người dân và nhân viên công lực, nạn tham nhũng… Sẽ xuất hiện nhiều hội nhóm độc lập của người dân như những tiền đề của xã hội dân sự.
(3) Bước khởi động cho cuộc tranh đua chính trị chuẩn bị cho đại hội đảng thứ 12, đặc biệt là vị trí tổng bí thư đảng và vai trò thủ tướng, kể cả vấn đề “hậu chuyển tiếp” cho một mô hình chính trị mới.
(4) Xu hướng và lực lượng gần gũi với phương Tây sẽ rõ nét và chiếm ưu thế hơn trong nội bộ đảng. Nếu thành công trong hai năm 2014 – 2015, xu hướng này sẽ chuyển thành xu thế vào các năm 2016 – 2017 và có thể tạo nên một sự thay đổi lớn về bản chất chế độ chính trị.  
(5) Hoạt động dân chủ gia tăng đáng kể về số lượng hội nhóm, nhưng bị hạn chế về nguồn nhân lực và thiếu tính trực tiếp với nhu cầu dân sinh nên không thu hút được số đông quần chúng. Chỉ một bộ phận nhỏ trong số các nhóm dân chủ hoạt động có tính thực chất và đạt được thành công ở mức độ khiêm tốn.
-----------------------

Alan Phan 2014: ‘Hãy giữ tiền cẩn thận và tránh hoang tưởng’

Ông Alan Phan: ‘Hãy giữ tiền cẩn thận và tránh hoang tưởng’
Theo Tường Vi (VNExpress – 3 Feb 2014)
Các kênh chứng khoán, vàng hay bất động sản đều kém hấp dẫn, bấp bênh và rủi ro cao, vì vậy cựu Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng khi rót vốn trong năm 2014.


Đầu xuân 2014, cựu Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải Alan Phan chia sẻ với VnExpress.net góc nhìn về thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như kế hoạch và mục tiêu cá nhân trong năm.
 Dưới góc độ một nhà đầu tư từng tham gia thị trường chứng khoán nhiều nơi trên thế giới, ông đánh giá ra sao về hoạt động của kênh huy động vốn này ở Việt Nam?
- Thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng cũng là nơi rất phức tạp. Ngay cả khi mình nghĩ xu hướng chung là lên, nó vẫn có thể xuống hoặc ngược lại. Ngoài nhà đầu tư nhỏ lẻ, thị trường còn chịu tác động của nhiều nhóm quan trọng hơn như “đội lái tàu”, “đội tự doanh của các công ty chứng khoán”, “các quỹ đầu tư, ngân hàng”… Họ có thể chi rất nhiều tiền làm ảnh hưởng giá cổ phiếu.
Một điều khác biệt giữa thị trường Việt Nam và một số nước khác là sự can thiệp trực tiếp của công ty niêm yết. Họ nắm số lượng cổ phiếu lớn, lại có tiền nên nhiều cơ hội đánh lên, đánh xuống.
Ngoài ra, nhóm quỹ cũng gây tác động đáng kể lên giá cổ phiếu. Thông thường các quỹ ở Việt Nam phải chứng minh hoạt động có lãi mới thu hút nhà đầu tư, tạo ra nguồn phí. Do vậy đôi khi giá trị thực xuống, các quỹ có thể làm việc với công ty niêm yết, khối tự doanh, đội “lái tàu” để hợp tác đẩy giá cổ phiếu lên, xuống. Nhà đầu tư nhỏ lẻ không có tin tức từ phía trong rất khó đón bắt.
Còn ở Mỹ, thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố trên nhưng bị luật pháp chế tài rất gắt gao. Đơn vị nào không chấp hành nghiêm túc sẽ bị phạt, thậm chí là rất nặng nếu bị phát hiện thao túng giá.
- Một năm trước, trong cuộc trò chuyện cùng VnExpress.net, ông đã nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hẳn hấp dẫn với khối ngoại. Sau một năm, ông thấy nhận định của mình thế nào?
- Tôi vẫn cho rằng thị trường Việt Nam chưa thực sự nóng và bền vững, không tạo nên kết quả tương xứng với tiềm năng kinh tế. Còn vấn đề nhà đầu tư ngoại thì, thấy thị trường tăng điểm đương nhiên cũng phải tham gia để kiếm chút đỉnh. Nhưng tóm lại vẫn là đầu tư cơ hội, không phải tính chuyện bài bản lâu dài. Thành ra về dài hạn, ánh nhìn của nhà đầu tư nước ngoài chưa có nhiều thay đổi.
- Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi thế nào để tăng thêm sự hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài?
- Tâm điểm chính của khối ngoại luôn là tìm kiếm lợi nhuận nhưng phải ít rủi ro. Muốn đáp ứng được nhu cầu này, bản thân doanh nghiệp phải thay đổi cách làm việc, giúp công ty hiệu quả hơn về tài chính, khả năng quản trị cũng như thương hiệu. Quan trọng nhất là yếu tố minh bạch và công bằng. Còn nếu doanh nghiệp cứ tà tà, thích che giấu thì không ai quan tâm. Khi mình làm tốt, các nhà đầu tư sẽ thích. Nên nhớ cả thế giới có rất nhiều cơ hội chứ không riêng gì Việt Nam.
- Ông đánh giá kênh đầu tư nào có mức sinh lời cao nhất năm 2014 tại Việt Nam?
- Nếu ở nước ngoài, tôi nghĩ mỗi người sẽ có lựa chọn riêng bởi họ tự do. Nhưng ở Việt Nam, các nhà đầu tư phải chịu sự giới hạn. Ví dụ không thể đầu tư vào vàng, ngoại tệ cũng khó. Như vậy chỉ còn lại cổ phiếu, bất động sản và gửi tiết kiệm trong nhà băng. Với tôi, những kênh này chưa có điểm gì thực sự hấp dẫn. Với cổ phiếu, như tôi đã đề cập, chỉ cần có tin tức nội bộ đặc biệt hoặc thương vụ đầu tư chưa kịp công bố cũng có thể kiếm tiền. Thị trường càng bấp bênh, dậy sóng, lên xuống thất thường càng kiếm nhiều tiền hơn. Cùng một nguyên tắc, tiền theo đó cũng có thể mất nhanh.
Ở Mỹ, nhà đầu tư thường tính triển vọng sinh lời theo kết quả kinh doanh công ty đạt được. Thứ hai là tình trạng ổn định của ngành nghề cũng như kinh tế vĩ mô. Dòng tiền trước đây có khuynh hướng đổ vào các quốc gia mới nổi thì bây giờ quay về Mỹ tìm sự an toàn. Cổ phiếu Mỹ được dự báo lên khoảng 3-6% năm nay. Nếu chuyển biến không tốt thì cũng trở về 1-2%, không có nhiều thay đổi đáng kể như Việt Nam.
- Ông có thể chia sẻ cách quản lý các khoản đầu tư của mình?
- Hiện giờ tôi không có khoản đầu tư nào ở Việt Nam. Nói chung tôi tự nghĩ mình không có đủ khả năng để kiếm lời từ thị trường trong nước. Khả năng ở đây chính là những yếu tố như lướt sóng, nay đánh lên, mai đánh xuống giá cổ phiếu, quyết định theo tin đồn.
Khi đầu tư, tôi chỉ tập trung vào tính dài hạn và những doanh nghiệp kinh doanh bài bản, số liệu minh bạch đàng hoàng. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là kết quả kinh doanh, công ty phải thực hiện đủ mục tiêu đã đề ra và hoàn thành đúng thời hạn. Thứ hai nữa là tính rủi ro và cuối cùng là thời gian mình muốn đầu tư bao nhiêu, 2 năm, 5 hay 10 năm cũng phải ấn định rõ. Các khoản đầu tư hiện thời của tôi đa phần nằm ở Mỹ. Còn lại ngoài Việt Nam, tôi cũng tránh xa các thị trường mới nổi khác vốn đầy tính bất ổn.
- Vậy ông khuyến nghị gì với các nhà đầu tư trong năm nay?
- Đối với các nhà đầu tư, tôi nghĩ mỗi người cần giữ gìn tiền bạc cẩn thận, tránh rủi ro và cả sự hoang tưởng. Điều nữa là luôn phải tìm hiểu dụng ý ẩn đằng sau các khuyến nghị hay dự báo từ công ty chứng khoán hoặc bất động sản. Tôi thấy rất buồn cười với một số nhà đầu tư thường xuyên nghe lời môi giới địa ốc. Đây là những người kiếm tiền nhờ bán hàng, không lẽ họ lại nói xấu hàng của mình.
Còn đối với người chơi cổ phiếu, tôi vẫn hay khuyên là nếu nằm trong “đội lái”, nắm thông tin tốt sẽ không thành vấn đề. Nhưng nếu mình chỉ là nhà đầu tư nhỏ lẻ, thông tin không nhạy, khả năng cao là mất tiền dù vẫn có cơ hội kiếm lợi nhuận. Vấn đề hiện thời trên thị trường chứng khoán Việt Nam là dòng tiền được giới đầu tư đồn đại, đẩy từ lĩnh vực này sang ngành khác nên hầu như không sát với giá trị thực. Đôi khi những doanh nghiệp làm ăn rất bết bát, nhưng người chơi cổ phiếu đánh lên nên thị giá lại tăng. Tôi luôn tự nhủ mình không nằm sâu trong thị trường thì phải ra chỗ khác chơi, không biết mà cứ cố nhảy vào lại có ngày u đầu sứt trán.
- Sang năm 2014, ông có những kỳ vọng thế nào?
- Cách đây khoảng 2 năm tôi đã không còn làm việc cho Quỹ Viasa, bây giờ chỉ làm những việc riêng cho bản thân nhưng nói chung không quá quan trọng. Tôi cũng có tư vấn cho 1-2 công ty nước ngoài về M&A và tìm vốn, đồng thời còn một số tiền cùng bạn bè lại đi đầu tư thay vì gửi tiết kiệm trong ngân hàng ở Mỹ.
Tôi thấy mình cũng cao tuổi nên không còn kỳ vọng nhiều. Mỗi năm kiếm khoảng 8-9% lợi nhuận là thỏa mãn. Tôi cũng không nghĩ mình có thể lãi nhiều hơn mức này. Trường hợp ít hơn con số trên tức là mình vẫn không giỏi lắm, như vậy phải chấp nhận. Tôi thấy kỳ vọng này cũng đơn giản, thấp và không đáng kể.
-----------------

Riêng Tư Với T/S Alan Phan Đầu Năm 2014

Riêng Tư Với T/S Alan Phan Đầu Năm 2014
Bài Phỏng Vấn do Trần Lương thực hiện



16 Jan 2014
(bài này sau khi bạn Trần Lương thực hiện bị Ban Biên Tập không cho đăng. Thấy tiếc, bạn nhờ GNA xuất bản hộ)
Hỏi: Dù là hân hạnh được T/S hứa là sẽ trả lời những câu chuyện riêng tư nhất, nhưng xin bắt đầu bằng một đề tài thông dụng của báo chí trong những ngày Tết.  T/S nghĩ gì về triển vọng của 2014 so với các năm qua?
Đáp: Tôi vừa trả lời một quan chức cao cấp Việt khi ông bày tỏ lạc quan cực điểm về việc ổn định của nền kinh tế vĩ mô và việc hồi phục mạnh mẽ các ngành ngân hàng, BDS, chứng khoán… Với tôi, nếu chúng ta cứ tiếp tục làm những gì đang làm, thì chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những kết quả tương tự trong tương lai. Tôi nhìn lại và thấy ngoài những phát ngôn, chưa có một hành động gì cụ thể để tác động tích cực hay tiêu cực trên thực tại. Hai yếu tố tăng trưởng là khu vực FDI hay TPP phần lớn nhờ những yếu tố ngoài Việt Nam; tuy nhiên, mọi thành quả tốt sẽ bị bù trừ bởi suy thoái và trì trệ tại lĩnh vực “doanh nghiệp nội” và “thu nhập của đa số dân chúng”. Các yếu tố xấu như sự can thiệp chủ đạo của chánh phủ, nợ xấu ngân hàng, vốn sở hữu các định chế tài chánh và DNNN, bong bóng BDS, việc thao túng thị trường chứng khoán…chỉ gia tăng chứ không giảm…
Hỏi: Có nghĩa là T/S rất bi quan về triển vọng cho 2014?
Đáp: Không, nhưng cũng không lạc quan. Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều thay đổi trong các khu vực và ngành nghề, nhưng sẽ là một biểu đồ đi ngang về các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Hỏi: Nếu ông là một doanh nhân năng động làm ăn tại xứ sở này. T/S sẽ làm gì trong những năm sắp đến?
Đáp: Tôi nghĩ đây là một bài toán phức tạp và trước hết, cần nhận rõ mình có những lựa chọn gì, kỹ năng và trải nghiệm của mình có thích ứng với môi trường kinh doanh và sau cùng, mình đang có hoặc có thể nắm bắt những lợi thế cạnh tranh hay nguồn lực gì? Tóm lại, đây là một nghiên cứu và tính toán thật chi tiết cho từng cá nhân, không thể “nói chung chung” được.
Hỏi: Hiện tại, dự định cá nhân của T/S là làm gì hay đầu tư vào đâu trong những năm tới?
Đáp: Hiện nay, vì phải chăm chú vào sự hồi phục sức khoẻ sau 2 năm kém may mắn với bệnh hoạn, nên tôi gần như làm việc rất ít. Ngoài chuyện viết lách cho Góc Nhìn Alan để chia sẻ với các bạn trẻ (thực sự là một hobby) thì tôi chỉ làm tư vấn cho vài công ty lớn của Trung Quốc và Philippines về M&A và IPO. Còn các đầu tư cá nhân thì có các con cháu và đối tác lo liệu, tôi chỉ cho ý kiến.
Hỏi: Nghe như T/S mô tả một chương trình về hưu sớm? Còn các tài sản của T/S thì sẽ theo mô hình nào để tăng trưởng?
Đáp: Tôi là người không tin vào việc để lại di chúc. Tôi nhìn thấy quá nhiều trường hợp khi các đại gia chủ soái “bỏ đi về thiên đường”, con cháu, bạn bè, nhân viên…quay mặt cắn xé nhau và không từ bỏ thủ đoạn nào để chiếm hữu phần tài sản trội hơn số mình được chia. Ngay cả khi còn sống, nhiều anh chị kế thừa vẫn sẵn sàng âm mưu giết hay bố trí bắt cha mẹ vào nhà thương điên để hưởng thụ tài sản nhanh chóng hơn. Do đó, tôi luôn đặt kế hoạch là phải phân chia hết mọi tài sản khi mình còn sáng suốt, khoẻ mạnh…giữ lại vừa đủ cho bản thân sống đời giản dị trước khi chết. Tôi tin là mọi người nên chết “trắng tay”, chỉ để lại một số tiền nhỏ cho con cháu lo hậu sự. Nếu chi phiếu ma chay có bị hoàn trả vì “không tiền bảo chứng” thì đó sẽ là trò đùa cuối cùng.
Hỏi: Trong việc viết “lách” cho GNA, nhiều độc giả cho rằng ngoài các đề tài kinh tế, T/S Alan Phan rất chống đối XHCN của các nước như Trung Quốc, VN, Bắc Triều Tiến hay Cuba, do những “hận thù” còn vương vấn?
Đáp: Hoàn toàn sai. Hai lý do: một, tôi luôn nghĩ mình là con người do khoa học đào tạo, tức là biết nhận thức những góc nhìn đa chiều và không cố chấp, giáo điều. Thứ hai tôi rất may mắn là không mất gì nhiều trong biến cố 1975, ngoài một số tài sản, khá lớn lúc đó, nhưng nhìn lại từ hiện tại thì không đáng kể. Nếu tôi có những trải nghiệm về đi tù cải tạo, hay có thân nhân bị hải tặc Thái cưỡng hiếp chẳng hạn thì có thể lòng hận thù vẫn hiện diện? tôi không biết. Ngoài ra, tôi là một doanh nhân, luôn nhìn về phía trước sau khi vấp ngã; không phải là một nghệ sĩ hay triết gia chỉ biết đắm mình vào quá khứ.
Hỏi: Nhưng các bài viết của T/S luôn nói đến cái “huy hoàng” của thời trước 1975?
Đáp: Đó là những hoài niệm về các ký ức thật đẹp của một trai trẻ trong tuổi mới lớn, không pha một chút sắc màu gì về chính trị. Bản thân tôi, hoàn toàn dị ứng với thế giới của các chính trị gia. Qua tuổi 40, tôi có nhiều tiền, nên hay la cà theo nhiều chính trị gia quyền lực nổi tiếng của Mỹ và các nước Á Châu. Sau vài năm, tôi học được một điều quan trọng là nếu muốn sống chân thật và tử tế, không nên đu dây theo các ông bà này.
Hỏi: Tuy nhiên, T/S có thực sự nghĩ rằng chế độ cũ của miền Nam trước 1975 có thể đem lại cho đất nước một đời sống vật chất hay văn hoá khả quan hơn cho phần lớn người dân?
Đáp: Tôi không biết. Muốn phán xét thật công bằng, phải đem cân 2 chế độ theo rất nhiều chuẩn mực; rồi phải có sự đồng thuận về giá trị của từng chuẩn mực. Nếu khả thi, thì đây phải là một nghiên cứu sưu tầm rất công phu, khoa học, tốn nhiều thập kỷ và cần sự đóng góp của cả ngàn chuyên gia tại khắp mọi lãnh vực.
Nhưng tôi nhìn nhận một điều: tôi rất hạnh phúc với môi trường sống trước 1975. Thành phố còn ít người, rác và ô nhiễm không tràn ngập, cảnh quan còn xanh đẹp với những kiến trúc nửa Âu nửa Á, con người đối xử với nhau tình tự hơn, sự khoan thai và thư giãn luôn hiện diện dù chiến tranh bao quanh…Nhiều yếu tố cấu thành có thể không khách quan; nhưng Saigon hay Đà Lạt, Nha Trang ngày xưa nơi tôi sống chứa đựng những vần thơ trong từng hơi thở; lênh láng những sắc màu đơn giản hài hoà trong mỗi bước đi.
Bây giờ, tại những nơi đó, nhất là Saigon và Hà Nội, toàn các hiện tượng văn hoá thật chướng tai gai mắt, thái độ tham lam chụp giật chen lấn hiện diện trên từng khuôn mặt, từng hành xử…cảnh quan thành phố thì lộn xộn không quy hoạch, vỉa hè bị chiếm, cây xanh bị chặt…Mỹ có thành ngữ “it’s really ugly” (thật là xấu xí)…
Hỏi: Nhưng cái xấu xí vẫn không ngăn ông sống và làm việc khá nhiều thời gian ờ Việt Nam?
Đáp: Trong những năm gần đây, quả tôi có hay về Việt Nam. Nếu tôi chỉ thuần tuý là một người nước ngoài, tôi sẽ hưởng thụ rất tốt các thú vui do đồng tiền mang lại như tiệm ăn ngon, bãi biển đẹp, nhiều chân dài sẵn sàng, hay những chém gió hời hợt qua các tiệc rượu của những đại gia. Sau một, hai năm, khi nhàm chán thì chỉ xách va li đến một xứ khác.
Nhưng vì tôi là người Việt, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về quê hương và trong quá trình, tôi khám phá hai cái hobby rất thú vị: một là Góc Nhìn Alan, nơi tôi chia sẻ hàng tuần với các trí óc và tâm hồn trẻ đang khao khát đi tìm một dòng suối mát cho cuộc sống quá tệ hại. Kế đến là những người bạn chỉ đợi tôi gọi là có mặt để cùng nhau chia vui (khó tìm ở những nơi bận rộn như Hồng Kông hay Mỹ).
Hỏi: T/S nghĩ giải pháp “hoà hợp hoà giải” có đem cho dân tộc Việt một sức mạnh mới và tạo một cú hích mới cho xã hội?
Đáp: Chỉ nghe khẩu hiệu xong là thấy mệt. Tại phần lớn các quốc gia phát triển, không ai buồn nói đến chuyện hoà giải hay hoà hợp. Mọi cá nhân đều có những tư duy và phán xét rất khác biệt nhau; không ai có thể bắt ai phải “hoà hợp” với lối sống hay “định hướng” của mình. Điều quan trọng nhất phải là “tôn trọng”. Tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cái tự do cá nhân, tôn trọng tài sản người khác từ vật chất đến trí tuệ đến tâm linh. Có tôn trọng nhau thì sẽ có sự hiếu hoà và từ đó tinh thần “hoà giải” phát sinh. Mà hoà giải không được thì cũng chẳng sao. Đưa nhau ra toà hay nhờ các thành phần độc lập phân giải theo cơ chế pháp trị nếu cần. Tốt hơn, thì “live and let live” (sống và để người khác sống).
Tôi dị ứng nhất là những người ngoài thích xông mũi vào đời tư tôi để khuyên bảo. Tệ hơn nữa là bắt tôi phải theo một giải pháp người khác đã định sẵn. Sau cùng, nếu người đó là một anh chị ngu hơn mình thì chỉ biết khóc thầm.
Hỏi: T/S nghĩ thế nào về các thế hệ trẻ, kế tiếp của Việt Nam khi họ nắm quyền lực?
Đáp: Phần lớn các hoàng tử công chúa, ngay cả những quản lý trung cấp, đã được đưa đi huấn luyện đào tạo khắp nơi tại các nước phát triển. Như các bạn đồng trang lứa ở Âu Mỹ Nhật, họ thường nắm bắt nhiều kỹ năng và sáng tạo, cùng khả năng dám ứng dụng những công nghệ, cách quản lý mới hơn các bậc cha chú. Tôi đã kỳ vọng nhiều về những lãnh đạo mới này.
Tuy nhiên, tôi khá thất vọng khi tiếp xúc với họ vì ngoài các tài năng nói trên, tôi cũng nhận xét thấy lớp người trẻ này không kém thế hệ trước về tinh thần vô cảm, lòng tham lam, sự chụp giựt cơ hội…Họ giỏi hơn, nên cũng sâu hiểm và tàn nhẫn hơn. Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên là một ví dụ chính xác nhất.
Tôi chỉ hy vọng là mình sai trong sự đánh giá này. Nếu không, đêm đông còn dài hơn là chúng ta mơ ước.
Hỏi: Nếu có quyền lực, T/S sẽ tăng trưởng nền kinh tế này hay mức thu nhập người dân như thế nào?
Đáp: Chuyện tôi có quyền lực chắc không bao giờ xẩy ra. Nhưng tôi tin vào sự năng động, sáng tạo và cần cù của người dân Việt so với các quốc gia nhược tiểu khác. Tại Âu, Mỹ, Úc…họ bắt kịp thu nhập chuẩn của các cộng đồng thiểu số trong thời gian kỷ lục.
Điều duy nhất họ cần là một môi trường kinh doanh tự do và bình đẳng, không bị quấy phá bởi thành phần ăn hại. Nếu là một lãnh đạo, tôi sẽ cùng các cộng sự đi nghỉ mát suốt ngày và để dân tộc phát triển theo hưng phấn, động lực và kỹ năng tự tạo của họ. Hơi quá khích, nhưng chắc chắn là sẽ tốt hơn cả ngàn lần bây giờ.
PV: Xin cám ơn T/S.
.... MLC sẽ tiếp tục sưu tầm và cập nhật