Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Các nhà tư bản VN tiếp tục làm méo mó thêm thị trường BĐS?

120.000 tỷ đồng đầu tư công 'giải hạn' cho địa ốc

Kế hoạch bơm tiền của Chính phủ từ nay tới cuối năm, trong đó có 120.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa dùng hết, được kỳ vọng sẽ gỡ thế bế tắc cho thị trường bất động sản.
> 'Gia hạn thuế - liều thuốc chưa đủ để cứu địa ốc'
> Khách mua nhà vẫn chờ giá giảm thêm

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam công bố tại hội thảo Vực dậy thị trường bất động sản diễn ra ngày 31/5.
Theo Thứ trưởng, trong số 180.000 tỷ đồng đầu tư công dành riêng cho năm 2012, Chính phủ mới dùng 60.000 tỷ đồng. Vì thế trong 7 tháng còn lại của năm, 120.000 tỷ đồng nữa sẽ được bơm vào thị trường. "Dòng tiền này khi được lưu thông chắc chắn sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến nhiều ngành nghề khác, trong đó có địa ốc", ông Nam nói.
Theo ông Nam, gói đầu tư công, cộng thêm 38.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tạm ứng trước vốn năm 2013 thì trong 7 tháng cuối năm thị trường có thể đón nhận khoảng 200.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến gói giải pháp khoanh nợ 100.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) tạo điều kiện cho các ngân hàng giải ngân cho vay giúp tăng trưởng kinh tế.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng dự báo thêm, nền kinh tế còn có dòng tiền trong dân đang đầu tư vào vàng, USD, gửi tiết kiệm. Tiền của người dân sớm muộn cũng sẽ chảy vào bất động sản khi lãi suất hạ nhiệt và các kênh đầu tư còn lại bắt đầu mất dần tính hấp dẫn. Ngân hàng thừa vốn sẽ cho vay trở lại, tạo bước đệm hỗ trợ thị trường bất động sản. Chẳng hạn như BIDV đang tung gói 4.000 tỷ đồng cho vay bất động sản trong vòng 2 năm. ACB và một số ngân hàng khác cũng đang dự tính đến gói này.
Bất động sản được dự báo có thể phục hồi một cách chậm chạp vào cuối năm 2012 nhờ gói giải ngân 120 nghìn tỷ đồng đầu tư công. Ảnh: Vũ Lê
"Song dù có bao nhiêu cơ chế, chính sách hỗ trợ đi nữa, doanh nghiệp địa ốc phải chủ động cơ cấu lại hàng hóa, nhằm vào phân khúc có nhu cầu lớn với khả năng thanh toán cao. Hãy cơ cấu lại dự án, nguồn vốn để tự cứu mình trước", ông Nam nói.
Đồng quan điểm với ông Nam, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Lê Xuân Nghĩa cũng tin rằng khi giải ngân 120.000 tỷ đồng thúc đẩy đầu tư công sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế, trong đó có bất động sản.
Theo ông Nghĩa, việc chống lạm phát quá liều dẫn dến GDP sụt giảm, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu bị giảm phát, hàng tồn kho tăng cao. Chính vì thế, thúc đẩy chi tiêu đầu tư công theo kế hoạch được duyệt của năm 2012 là cần thiết để khôi phục lại sự tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này có thể từng bước kéo thị trường bất động sản trở lại với tốc độ chậm, đến cuối năm nay thị trường này sẽ có chuyển biến.
"Chưa bao giờ bất động sản được quan tâm như hiện nay. Thậm chí Chính phủ đang có hẳn một chương trình tìm giải pháp vực dậy ngành này và bắt đầu xem đây là thị trường nền tảng. Nếu để nó lung lay là chết chắc", ông Nghĩa nói.
Trong khi các chuyên gia hàng đầu của Chính phủ tin tưởng dòng tiền hàng trăm nghìn tỷ đồng bơm vào thị trường sẽ vực dậy bất động sản vào cuối năm 2012 thì không ít doanh nghiệp lo ngại theo chiều ngược lại.
Dù thị trường nhà đất trải qua 3 năm khủng hoảng nhưng không ít chuyên gia kinh tế cho rằng không nên vội vàng cứu thị trường này. Ảnh: Vũ Lê
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, Phó giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital, cho rằng, trông đợi thị trường địa ốc khởi sắc trở lại trong vài tháng tới là quá lạc quan. Bởi lẽ các thị trường bất động sản phát triển hơn Việt Nam như Mỹ, Nhật thậm chí cùng khu vực là Thái Lan bị khủng hoảng phải mất đến vài chục năm vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.
"Bài học cũ về bất động sản của các nước chúng ta không cần phải học lại. Biện pháp cứu thị trường địa ốc cần phải căng thẳng hơn nữa, không nên vội vàng", ông Chí nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Công ty Việt Trust, Nguyễn Lam Sơn đề nghị chỉ nên giải cứu địa ốc bằng cách tài trợ cho người mua nhà vì hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều quá sẽ dẫn đến thị trường phát triển lệch lạc. Chuyên gia này cho rằng cần xây dựng cơ chế thẩm định giá trong giai đoạn mới vì thị trường địa ốc sụt giảm quá mạnh, đồng thời xây dựng chỉ số khả năng tín dụng của người mua nhà. Chẳng hạn như người mua nhà lần đầu tiên sẽ được nhà nước bù lãi suất. "Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chỉ có thể xem là tạm thời, về lâu dài ưu đãi cho người mua nhà mới cứu được thị trường".
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu cho rằng, cần phải xem bất động sản là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, Chính phủ không nên để doanh nghiệp địa ốc nằm ngoài rìa nhóm được vay với lãi suất ưu đãi trong giai đoạn này. Nghị quyết 13 cần bổ sung mục giảm thuế cho doanh nghiệp bất động sản. Cấp bách nhất là phải sửa Nghị định 69 về việc thu tiền sử dụng đất bằng 100% giá thị trường vì đây là văn bản bất hợp lý.
Theo ông Châu, hàng tồn kho bất động sản hiện rất lớn, các ngành liên quan như xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng, nội thất cũng "chết" theo. Năm 2011 có hơn 90% doanh nghiệp bất động sản thua lỗ, bức tranh rất xấu. "Bất động sản là con chim báo bão khi thị trường khủng hoảng. Nếu nó tắt, nền kinh tế cũng lâm nguy, cần có biện pháp cứu thị trường này trước khi quá trễ", ông nói.
Vũ Lê 
(Nguồn: VNexpress)

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Báo chí Việt Nam- tất cả đều là lá cải?

Báo nhà nước phê nhau là 'lá cải'

Cập nhật: 10:20 GMT - thứ ba, 29 tháng 5, 2012

Ba tờ báo lớn ở Việt Nam công khai chỉ trích nhau vì định nghĩa thế nào là “báo lá cải” và chạy theo lợi nhuận trong bối cảnh chính quyền tăng kiểm soát chung với báo chí.
Tranh cãi bắt đầu khi báo Sài Gòn Giải Phóng và báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh chạy loạt bài phê phán một vài tờ báo có những phụ trương “câu khách, không phù hợp thuần phong mỹ tục”.
Ngay lập tức, báo Đời sống & Pháp luật, một đối tượng bị chê bai, phản kích lại với ngôn ngữ nặng nề không kém.
Cả ba tờ đều trích dẫn những nhân vật có vai vế trong làng báo và chính trường để tăng sức mạnh cho mình.
‘Thảm họa’
Trong ngày 28/5, hai tờ báo có trụ sở ở TP. HCM, Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) và Phụ nữ TP. HCM, đồng loạt đăng bài kêu gọi siết chặt quản lý trước tình trạng “một số cơ quan báo chí chạy theo lợi nhuận, sinh sôi, nảy nở ‘báo lá cải’”.
Báo SGGP, tiếng nói của Đảng bộ Đảng Cộng sản tại TP. HCM, lưu ‎ý hiện tượng các tờ báo ra mắt phụ trương “sa đà vào phản ánh ‘tư, tình, tội’ với văn phong giật gân, câu khách”.
Bài này dẫn lời ông Bùi Huy Lan, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Cục Báo chí - Bộ Thông tin – Truyền thông), rằng “một số cơ quan báo chí, nhà báo đã chạy theo lợi nhuận mà đánh tráo giá trị”.
Cũng trong bài, ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản thuộc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, tỏ ‎ý không hài lòng với Bộ.
“Sở cũng đã có văn bản gửi Bộ Thông tin - Truyền thông kiến nghị xử lý, gửi trực tiếp tới các cơ quan báo chí có ấn phẩm vi phạm yêu cầu kiểm tra, báo cáo nhưng kết quả… vẫn như cũ,” ông Khanh được dẫn lời.
Tờ báo vẫn được xem là thuộc dòng báo của Đảng than phiền:
Lê Văn Luyện
Vụ án giết người của thanh niên Lê Văn Luyện được báo Việt Nam khai thác triệt để
“Trong khi các cơ quan báo chí phải phát huy giá trị xã hội trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thì các ‘báo lá cải’ lại thỏa sức ‘câu’ bạn đọc bằng các thông tin trơ trẽn về tư, tình, tiền, tù tội, vi phạm nhiều quy định của Luật Báo chí nhưng không thấy cơ quan quản lý báo chí xử lý.”
Cùng ngày, báo Phụ nữ TP. HCM kêu than tình trạng “chỉ đua nhau biến trang báo ‘càng lá cải càng tốt’ để câu khách, bất chấp tính định hướng dư luận và giáo dục của báo chí, bỏ qua thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
Khác với báo SGGP chỉ viết tắt các ấn phẩm, báo Phụ nữ TP. HCM nêu đích danh một loạt các tờ báo, trang mạng bị cho là “đang tạo nên mối lo ngại lớn cho toàn xã hội”.
Chiêu ‘bôi bẩn’
Chừng 24 tiếng sau, tờ Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) vốn bị SGGP gán nhãn “hãi hùng nhất trong việc ‘trồng cải’”, phản công, nói họ đã gặp trò 'cạnh tranh bôi bẩn'.
Như để chứng tỏ ấn phẩm của họ là 'chân chính', tờ báo này, trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam, công kích lại thông qua hai phụ trương bị hai tờ kia xem là 'trơ trẽn, thô tục'.
Một loạt quan chức, đương nhiệm hay đã về hưu, được Người đưa tin (báo điện tử của ĐS&PL) dẫn lời, khen ngợi giá trị tờ báo.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cảm thấy 'bị xúc phạm' khi ĐS&PL bị khinh rẻ là tờ báo 'trơ trẽn'.
Còn ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội, khen tờ này đã 'phân tích sâu' vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, và “không đồng tình với chuyện báo này chê báo kia lá cải".
Dường như không kiềm được phẫn nộ, ĐS&PL phê báo Đảng SGGP là “bị người đọc quay lưng, ngoảnh mặt”, còn Phụ nữ TP. HCM “chỉ chạy theo phục vụ các ‘đại gia’ nhiều tiền”.
ĐS&PL nói qua loạt bài phê phán họ, hai tờ báo kia đã thể hiện cách làm báo “lá cải”.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều than phiền cả trong độc giả và giới quản l‎ý về xu hướng “lá cải hóa” trên báo chí.
Thậm chí trên trang mạng một số tờ báo được xem là có uy tín cũng không hiếm gặp những dạng bài bị xem là “rẻ tiền”.
Nhưng dường như đây là lần đầu tiên các tờ báo nhà nước công khai phê phán nhau với ngôn ngữ nặng nề như vậy.
Có ý kiến cho rằng vụ việc một phần phản ánh sự khó khăn tài chính của nhiều tờ báo hiện nay, vốn cho rằng thị phần của họ bị báo hoặc tin lá cải chiếm lĩnh.
Đây cũng là tâm l‎ý bực bội có thật trong một số nhà báo trước tin giật gân câu khách tràn ngập và chính họ thì bất lực nhìn dạng bài 'Cướp - Giết - Hiếp' chiếm thượng phong trên mặt báo.
(Nguồn: BBC)