Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Văn hoá khi về hưu mới mạnh mồm


*MLC: Khi lúc đương chức, đang nắm quyền hành, không dùng ảnh hưởng của mình điều hành, làm chuyển biến đất nước theo hướng tự do, dân chủ, đến lúc về hưu các nhà lãnh đạo Việt Nam mới dám bày tỏ thật lòng mình về những chính sách, đường lối chủ trương của Đảng CS, con đường hoà giải dân tộc, v.v. Nhiều người hiểu biết thì tỏ vẻ thông cảm và ngưỡng mộ thậm chí nhiều người tôn thờ lên hàng lãnh tụ, vĩ nhân, nhưng phải chăng nói như các cụ xưa nói nói như vậy đó cũng chỉ là 'nói vuốt đuôi' mà thôi. Phải chăng văn hoá khi về hưu mới mạnh mồm nên được gọi là văn hoá các nhà lãnh đạo nói 'vuốt đuôi'?
P/S:  Nhân một buổi tập thể dục tại công viên, MLC nghe lỏm được câu chuyện giữa 2 cụ già về hưu, MLC xin giới thiệu lại hồ sơ về 'văn hoá nói vuốt đuôi' được đăng trên các trang mạng nổi tiếng. Xin trân trọng giới thiệu
-------------------------------------------------------
BBC phỏng vấn ông Võ văn Kiệt
Phóng viên Xuân Hồng của BBC phỏng vấn Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Sài Gòn hôm 17.04
Phóng viên Xuân Hồng của BBC phỏng vấn Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Sài Gòn hôm 17.04
Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, vị thủ tướng của những năm đổi mới đầu tiên ở Việt nam đã có ý kiến chính thức với lãnh đạo đất nước là nên đối thoại với những người bất đồng chính kiến.
Ông nói rằng " chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng."
Ông cũng nói thêm chính phủ không nên áp dụng "biện pháp hành chính đi đầu" với họ, trừ phi là " con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước, nhưng không được quy chụp người ta".
Ông nhận xét rằng dân chủ tại Việt Nam đã có những bước phát triển tốt, nếu tính tình hình đổi mới từ đầu vì người dân phê phán mạnh hơn các sai trái của các người cầm quyền.



Trong cuộc phỏng vấn dài, ông Võ Văn Kiệt cũng đề cập tới cuộc bầu cử quốc hội hiện nay.
Ông nói : " Tôi và một số không ít anh em khuyến khích là nên có đổi mới, khuyến khích có tình trạng tự ứng cử để cho các ứng viên có trách nhiệm "
Ông Kiệt nói: "Một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ"
Ông Võ Văn Kiệt khiêm nhường nói rằng ông có trách nhiệm thi hành chính sách đổi mới, chú nhất mực không nhận là kiến trúc sư của đổi mới.
Theo ông, kiến trúc sư đổi mới chính là Bộ Chính Trị Trung Uơng Đảng mà ông là một thành viên.
Tổ quốc là của riêng ai
Ông cũng khẳng định: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả"
Trong một cuộc phỏng vấn dài với BBC, ông Kiệt nói Việt Nam nay đã bắt tay với tất cả các kẻ thù trong quá khứ và không có lý do gì người Việt không thể cùng ngồi lại.
''Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được.
''Kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù Việt Nam là Mỹ sau này, kẻ thù Việt Nam là Trung Quốc đánh biên giới phía bắc, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà lại cứ đố kỵ lẫn nhau.''
 ''Tôi có ba cháu trai, mất đi hai cháu trai trong thời chiến. Ba cháu gái mất đi hai cháu, cũng trong thời chiến.

Trong phỏng vấn với Xuân Hồng của đài BBC tại thành phố Hồ Chí Minh trong tháng Tư thứ 32 kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông Kiệt cũng nói về những mất mát trong chính gia đình ông:
''Tôi có ba cháu trai, mất đi hai cháu trai trong thời chiến. Ba cháu gái mất đi hai cháu, cũng trong thời chiến.
''Và có thể tôi nhắc ông nhớ trong thảm sát ở sông Sài Gòn năm 1966, Mỹ bắn chìm một cuộc hành quân ở vùng Củ Chi đất thép, bắn chìm chiếc tàu Thuận Phong. Trên 100 người trong đó có vợ con tôi, tức là một đứa trai, một đứa gái và vợ tôi.
''Tới bây giờ tôi chưa tìm lại được hài cốt. Có thể một số người dân khác họ bị nạn cũng tương tự như thế.''
Ông Kiệt cũng nói chính trong gia đình ông cũng có những người đứng ở hai bên bờ chiến tuyến do hoàn cảnh bắt buộc như vậy.
Vị Cựu Thủ tướng nói đã tới lúc bỏ lại phía sau những chia rẽ mà ông nói rằng phần nhiều do 'nước ngoài' can thiệp gây ra.
Nhiều đường yêu nước
Nói đến cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, ông cho biết ông ủng hộ mạnh chuyện để các ứng viên tự ứng cử và muốn người dân được "tự do lựa chọn,"
Ngoài ra, ông hoan nghênh việc người Việt ở nước ngoài có hai quốc tịch và được tham gia ứng cử ở Việt Nam.
Vấn đề định nghĩa thế nào là một người Việt Nam yêu nước cũng được BBC đặt ra với nhà chính trị được nói là tuy nghỉ hưu nhưng vẫn còn nhiều ảnh hưởng.
Trước hết ông bác bỏ quan điểm rằng người cộng sản không yêu nước. Ông khẳng định ông là một "người quốc gia yêu nước đi theo chủ nghĩa cộng sản".
Ngược lại, ông Võ Văn Kiệt nói: "Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình".
Phóng viên Xuân Hồng của BBC và Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt
 Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào.
Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ông nói "Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào".
Quan điểm về hòa hợp hòa giải dân tộc và cụm từ thường được gọi là 'quốc gia và cộng sản" cũng được ông nói đến.
Về hòa hợp hòa giải dân tộc, ông khen đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 'làm tốt hơn tôi' về vụ nghĩa trang Biên Hòa.
Và cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng kể lại với BBC giai đoạn 10 năm sau 1975 mà ông coi là "có nhiều sai lầm" vì theo một mô thức kinh tế nhất định.
Đối với văn nghệ sĩ
Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt nói rằng trong tiến trình hội nhập, thì các văn nghệ sĩ ở miền nam trước đây có tác phẩm " chống đối, không phù hợp hoặc cản trở cho hướng đi lên của đất nước", nay cũng có thể được đánh giá khác hơn.
Ông cũng lấy trường hợp của bốn người có tham gia vào phong trào " Nhân Văn & Giai Phẩm", mặc dù chưa được "phục hồi" nhưng vừa qua đã được thưởng bằng tiền mặt.
Ông Kiệt nói "Có nhiều tác phẩm không có nội dung như truớc đây, nhưng cũng đã được xuất bản, vì trong quá trình đi lên, có mặt này, mặt khác trong việc xử lý những văn nghệ sĩ".
Ông bộc bạch " Nói thẳng với nhau : cũng như những người đối lập bây giờ, có những ý kiến khác nhau, chính kiến khác nhau, thì mình xử lý không được tốt, và phải nhìn lại".
Phải bảo vệ môi truờng
Khi được hỏi tại sao ông lên tiếng bảo vệ 41 con cọp được một hộ dân nuôi, ông nói rằng quan hệ giữa cá nhân ông với loài thú hoang dã như một thứ "hàm ân".
Ông tỏ ra thích thú với "hàm ân" và nói: " Theo thời gian, con người có thể gần và thậm chí nuôi được các con thú hoang dã".
Ông khẳng định " Không có con đường nào khác hơn là phải bảo vệ các loài động vật quý hiếm trước nguy cơ chúng bị diệt chủng và ngăn cấm con người săn đuổi chúng"
Ông cũng công nhận khi còn tại chức ông chỉ hiểu "chung chung" về môi trường, nhưng nay, nhờ tiếp cận được với tiến trình phát triển, ông thấy rằng môi trường là một vấn đề gây "nhức nhối".
Ông nói rằng : "nếu tiến trình phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nếu không có biện pháp tích cực ngăn việc phá hoại môi trường".
Ông nói: " Ngay trong lúc này, môi trường đã bị xăm hại rất nhiều , và ông không thể chấp nhận tình trạng này".
Trong cuộc nói chuyện dài hơn một giờ đồng hồ, ông Võ Văn Kiệt cũng nói đến các nhân vật như ông Nguyễn Hộ và ông Trần Bạch Đằng.
Một kỷ niệm khó quên với Xuân Hồng là dù chính ông Võ Văn Kiệt đã đồng ý để BBC phỏng vấn nhưng phóng viên BBC đã phải mất nhiều cuộc gặp với cơ quan chức năng, mới gặp được ông chỉ một giờ trước khi ra phi trường về Anh.
------------------------------------------------------------

Từ nỗi đau của ông, Võ Văn Kiệt

Bee.net.vn - 2 tháng trước 16926 lượt xem 1 tin đăng lại
Tu noi dau cua ong, Vo Van Kiet
Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Lúc đó, không phải ai cũng chia sẻ với ông suy nghĩ ấy. Nhưng, những ai biết những nỗi đau cá nhân mà ông Kiệt từng chịu đựng, mới thấy, đây không chỉ là ý kiến của một nhà chính trị, đây còn là sự sẻ chia rất con người.
Để làm nên chiến thắng 30.4.1975, những người con đất Việt không chỉ hi sinh xương máu. Có những sự hiến dâng không thể đặt tên. Có những nỗi đau không thể nói bằng lời. Và những mất mát, đau thương cũng có hàng ngàn diện mạo....
Trong đó nỗi đau chia ly Bắc - Nam của những gia đình phải chia cắt cùng vĩ tuyến 17. Kể cả khi giang sơn thống nhất rồi thì vết cắt chia ly vẫn chưa hẳn đã được lành lặn. Trong số đó, có những người con tập kết, họ đã vượt lên trên nỗi đau riêng tư để từng bước cùng đất nước hồi sinh và vươn dậy. Nhân dịp kỷ niệm 30/4 - ngày thống nhất đất nước, Bee xin đăng lại những câu chuyện cảm động về những gia đình, những người con mà nghị lực của họ vượt lên trên cả sự thử thách của chiến tranh, của chia ly, của số phận.
...Hôm qua, 15-6 ( 15 -6 -2008 - bài viết được đăng tải trên Sài gòn Tiếp thị vào dịp Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất. Để giữ nguyên tính chân thực của câu chuyện, chúng tôi xin giữ nguyên những chi tiết liên quan tới thời gian trong bài - Bee.net.vn) ông đã “phục tùng tổ chức” để về yên nghỉ tại nghĩa trang thành phố. Trong thâm tâm, ông muốn tro của mình được rải xuống khúc sông mà hai người con và người vợ yêu quý nhất của ông đã mãi nằm lại đó.
Đầu năm 1966, khi người con trai út, Phan Chí Tâm, vừa được sanh ra ít lâu, vợ ông, bà Trần Kim Anh, muốn cho ông biết mặt con, đã bế Tâm và dắt theo cô con gái Phan Thị Ánh Hồng, sinh năm 1958, ra chiến khu thăm chồng. Từ Sài Gòn, bà Tư Cách, một cơ sở của ông dẫn bà Kim Anh đi theo đường sông, lên tới đoạn, bên này là Củ Chi, bên kia là Bến Cát thì chuyến tàu khách của họ bị ném bom. Họ chết mà chưa bao giờ tìm thấy xác.
Đầu năm nay, ông viết, “tôi có cảm giác như vợ và các con đang đợi tôi”. Bác sĩ riêng thời chiến tranh của ông, ông Huỳnh Hoài Nam, kể: “Trong suốt những năm ở trong rừng, ông luôn mang theo một tấm hình và hai bộ đồ của vợ”. Sau ngày 30.4, khi tình hình tạm ổn, ông đã tìm đến khúc sông ấy, đứng nhiều giờ để cố tìm xem, vợ và các con ông đang thực sự yên nghỉ ở đâu. Bác sĩ Nam nói: “Trên đường về, hàng giờ, ông không nói một lời nào cả”.
Sau khi nghe tin mẹ mất, con trai lớn của ông là Võ Dũng, sinh năm 1951, khi ấy đang cùng với em gái, Võ Hiếu Dân, sinh năm 1955, học ở Hà Nội, nằng nặc đòi được vào Nam. Trung ương có điện thoại cho ông. Ông đồng ý. Trong thâm tâm, ông cũng muốn có chút ruột rà máu mủ ở bên mình.
Võ Dũng là một thanh niên ngang bướng, làm lính cơ quan “Khu bộ” thì rất “ngứa chân, ngứa tay”. Dũng nói: “Con đâu phải vào đây để đào hầm cho ba”. Bác sĩ Nam tâm tình: “Dũng, em về đây làm gì?”. Dũng trả lời: “Chiến đấu”. “Em không thấy bọn anh cũng đang chiến đấu sao?”. “Có, nhưng cứ toàn chiến đấu trong xó không à”. Bác sĩ Nam đành phải nói lại với ông Kiệt. Ông đồng ý. Về đơn vị chiến đấu, Võ Dũng nhất quyết đòi phải được bổ vào bộ phận trinh sát. Sáu tháng sau, trong một lần trinh sát một đồn địch nằm trong vùng quê mẹ, Rạch Giá, Võ Dũng hy sinh. Năm ấy, anh chỉ mới vừa tròn 20 tuổi.
Không ai biết được ông đã chịu đựng mất mát ấy như thế nào. Trước ba quân, ông vẫn mạnh mẽ như không có chuyện gì. Nhưng, đêm về, bác sĩ Nam kể, thì nỗi cô độc không thể nào kể xiết. Ông lặng lẽ một mình, kêu bác sĩ Nam, “Cho tao ly chà và”, từ ông dùng để chỉ cà phê đen. Bác sĩ Nam nói: “Tôi đưa cà phê cho ông và biết, lại thêm một đêm ông không ngủ”.
Nhưng, theo bác sĩ Nam, “hình như trời đất vẫn còn ngó tới ông ấy”. Qua năm sau, 1972, Trung ương hội Phụ nữ điện vào báo cho ông là đã tìm được người con trai sinh năm 1952, Phan Thanh Nam. Đây là người con trai mà ông có được trong lần ra Bắc hồi năm 1951. Trở lại miền Nam, ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi nói hết với vợ. Bà ấy nghe, cũng buồn nhưng không trách móc gì. Bà ấy thỉnh thoảng lại nhắc, phải tìm được thằng Nam về”.
Mỗi lần cứ có người ra, ông Võ Văn Kiệt lại nhắn nhờ tìm Phan Thanh Nam. Năm 1972, bà Bảy Huệ, phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người năm 1959 đưa Võ Dũng và Hiếu Dân ra Bắc và chăm sóc, đã tìm được Nam về cho ông. Ngày cha con gặp nhau, ông đang ở một căn cứ gần kênh Biện Nhị, xã Khánh Lân, Cà Mau. Ông đợi con, lâu lâu lại hỏi: “Nó tới đâu rồi?”. Gặp nhau, bác sĩ Nam kể: “Hai cha con ôm nhau nửa tiếng, không nói một lời, rồi cả hai cùng khóc. Chúng tôi, cũng ra phía sau, ngồi khóc”.
Ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi kể cho Nam về vợ tôi. Nó nghe rồi nói, “con nhận mẹ của Hiếu Dân và anh Dũng làm mẹ”. Tôi cũng nói rõ với Hiếu Dân nhưng chủ yếu là để cho hai đứa hiểu nhau một cách tự nhiên. Tôi rất mừng, giờ tụi nó quý nhau lắm”. Sáng 15-6, khi đọc lời cảm tạ của gia đình, con trai ông, Phan Thanh Nam, đã không quên nhắc đến những người đã khuất: “Chúng con xin cám ơn Má, anh Hai và các em, đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến tranh, để lại tình thương yêu vô bờ bến”.
Tôi đã không ít lần gặp chị Võ Hiếu Dân, người con duy nhất còn lại của bà Trần Kim Anh, hy vọng nghe từ chị những ký ức về mẹ mình. Nhưng, chưa bao câu chuyện có thể tiếp tục. Cho tới tận bây giờ, chị Hiếu Dân vẫn không thể nào cầm được nước mắt mỗi khi nhắc về mẹ.
Gần đây, ông đã có rất nhiều nỗ lực giúp đỡ việc tìm lại hài cốt của những người chết trong thời gian học tập cải tạo; gặp gỡ lãnh đạo hai địa phương, Bình Dương và TP.HCM để bàn về vấn đề nghĩa trang của những người lính Sài Gòn cũ. Mấy năm trước, khi cô cháu ngoại mang về cho ông mấy cuộn phim do người Việt ở nước ngoài làm về những thuyền nhân vượt biên trong những năm sau 1975, ông xem, xúc động và có rất nhiều trăn trở.
Khi ông nói, “yêu nước có thể bằng nhiều con đường”, là ông nói bằng chính từ nỗi đau của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ông nhấn mạnh: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”.
Từ năm 1995, ông đã kiến nghị: “Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ”. Trong buổi làm việc cuối cùng, chiều 23.5, ông nói với tôi về ý định sẽ viết chung một cuốn sách với một người đã từng là quan chức cao cấp trong chế độ Sài Gòn. Ông coi đó như là một biểu tượng của tinh thần hòa giải. Năm 1997, khi vừa nhận chức, trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho tôi, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.
Từng là một nhà lãnh đạo chiến tranh xuất sắc, đúng như lời Thủ tướng Phan Văn Khải, ít ai có thể so sánh bản lĩnh chính trị với ông. Tuy nhiên, bản lĩnh chính trị của Võ Văn Kiệt không phải là những giá trị giáo điều. Chính trị “tối cao” đối với ông là “Dân”. Điều gì có thể đoàn kết mọi người dân Việt Nam. Điều gì có thể nhanh chóng đưa lại cơm no áo ấm cho mọi người Việt Nam là ông chủ trương. Ông Võ Văn Kiệt đề nghị “giương cao ngọn cờ dân tộc” không phải từ một ý tưởng xuất hiện tình cờ.
Ông đúc kết điều đó qua sự trải nghiệm bằng máu của chính ông, của những đứa con, của người vợ mà ông vô cùng yêu dấu.
Theo Huy Đức/Sài Gòn tiếp thị

(Nguồn: Báo mới.com)


Cựu chủ tịch Quốc hội bàn chuyện sửa Hiến pháp

Nếu nhân dân được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì đây là một cơ hội to lớn do ta tạo ra để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện công cuộc đổi mới đất nước - Cựu Chủ tịch QH Nguyễn Văn An.

LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu lại cuộc trò chuyện với cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về việc tu chính Hiến pháp 1992 sắp tới.

- Thưa ông, tại phiên Thảo luận ở hội trường về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và điều chỉnh chương trình 2010 hôm 9/6, hầu hết các ĐBQH phát biểu đều đề nghị sửa ngay một số điều của Hiến pháp 1992. Từng đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu cơ quan lập pháp, ông chia sẻ sự quan tâm như thế nào về vấn đề này?
Cựu Chủ tịch  QH Nguyễn Văn An: Tôi rất quan tâm, vì sửa đổi Hiến pháp là một sự kiện trọng đại của toàn dân. Tôi vừa hy vọng, lại cũng vừa lo, vừa băn khoăn trăn trở, vì không biết sửa đổi lần này có đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân không?
Dân phúc quyết
- Vì sao ông có tâm trạng như vậy?
Tôi có tâm trạng như vậy là do kinh nghiệm cuộc sống mách bảo. Sửa đổi Hiến pháp là một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong toàn dân, toàn dân có được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ tham gia ý kiến và phúc quyết hay không?
Nếu nhân dân được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì đây là một cơ hội to lớn do ta tạo ra để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi hy vọng là như vậy.
Nếu nhân dân không được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì chúng ta lại bỏ lỡ mất cơ hội vô cùng quan trọng.
Kinh nghiệm các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây là như vậy. Chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi song chưa đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, nhân dân chưa có quyền phúc quyết Hiến pháp mà lẽ ra quyền phúc quyết Hiến pháp là quyền đương nhiên của người dân dưới chế độ dân chủ cộng hòa. Chính vì thế mà tôi lo, tôi băn khoăn, trăn trở.
- Thưa ông, tôi hiểu rằng lần sửa đổi sau luôn phải đảm bảo tính kế thừa và hoàn thiện tốt hơn lần trước chứ ạ?
Về nguyên tắc là như vậy. Song không phải lúc nào, không phải cái gì cũng như vậy.
Sửa đổi nhiều lần mà vẫn chưa đạt yêu cầu

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn  An.
- Có vẻ vẫn hơi chung chung, mong ông nói rõ hơn về việc này?
Vâng. Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta đã sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác.
Sửa đổi như vậy là nhiều lần rồi, song dân chưa được phúc quyết lần nào. Hiến pháp 1946 quy định dân phúc quyết Hiến pháp song dân cũng chưa được phúc quyết vì chiến tranh đã xảy ra ngay sau đó.
Còn Hiến pháp sửa đổi 1959 lại quy định Quốc hội có quyền lập Hiến và lập Pháp. Thay đổi quan trọng đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bất khả kháng là đất nước trong tình trạng chiến tranh và chia cắt hai miền Nam - Bắc; rồi chịu ảnh hưởng của mô hình cộng hòa Xô Viết,...
Tuy vậy chúng ta cần hiểu bản chất của thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa là quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.
Cho nên, không thể đặt Hiến pháp ngang hàng với các bộ luật khác do Quốc hội thông qua. Hiến pháp là bộ luật cơ bản, luật gốc, luật mẹ được Quốc hội lập hiến thông qua và nhân dân phúc quyết nên rất ổn định, đặc biệt là những vấn đề cơ bản của Hiến pháp, như thể chế chính trị, ai là chủ đất nước, quyền của người chủ đất nước là những gì; ai là nguyên thủ quốc gia, quyền của nguyên thủ quốc gia là những gì?; vấn đề phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước...
Thứ hai, tôi cho rằng các lần sửa đổi Hiến pháp sau này có một vài vấn đề cốt lõi lại xa rời hoặc lại không rõ ràng bằng Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ba vấn đề cốt lõi
- Sự xa rời và không rõ ràng như ông vừa nói thể hiện ở những điểm cụ thể nào?
Có nhiều vấn đề, ở đây tôi chỉ đề cập tới 3 vấn đề cốt lõi:
Đầu tiên, Hiến pháp phải làm rõ AI LÀ CHỦ ĐẤT NƯỚC? NGƯỜI CHỦ ĐÓ CÓ NHỮNG QUYỀN GÌ? Với câu hỏi này, có thể nhiều người sẽ nói ngay rằng Dân làm chủ chứ ai. Đúng. Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp và Pháp luật của nhà nước đều khẳng định như vậy. Quốc hiệu của Việt Nam đã ghi rất rõ: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Thể chế chính trị là Dân chủ Cộng hòa, khác hoàn toàn với Quân chủ.
Do vậy, người chủ đất nước không phải là Vua nữa mà chính là Dân (không phân biệt thành phần, giới tính, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo...).
Song quy định cụ thể về quyền làm chủ trực tiếp của người dân thì còn quá ít, nhất là quyền phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia thì các Hiến pháp sửa đổi sau này lại ghi khác hoàn toàn với Hiến pháp năm 1946:
Điều 21 của Hiến pháp 1946 quy định: "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều 32 và Điều 70".
Điều 32 của Hiến pháp 1946  quy định: "Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tống số nghị viện đồng ý".
Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định: "Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây... Khi được nghị viên ưng chuẩn, phải đưa ra toàn dân phúc quyết".
Những quy định trên đây của Hiến pháp 1946 có nghĩa rằng quyền lập Hiến hoàn toàn thuộc về toàn dân, thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.
Hiến pháp 1946 không có một điều nào, một ý nào quy định quyền lập Hiến thuộc về Quốc hội.
Các Hiến pháp sửa đổi sau này laị quy định Quốc hội có quyền lập Hiến:
Điều 43, 44 và 50 của Hiến pháp 1959 ghi: "Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", là cơ quan duy nhất "có quyền lập Pháp", có quyền "làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp".
Điều 6 của Hiến pháp 1980 quy định: "Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân".
Điều 82 của Hiến pháp 1980 và Điều 83 của Hiến pháp 1992 quy định: "Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất  có quyền lập Hiến và lập Pháp"...
Chúng ta nhận thấy ngay rằng đã có sự thay đổi rất lớn, rất cơ bản về quyền lập Hiến từ Dân đã được chuyển sang Quốc hội.
Câu hỏi đặt ra là ai có quyền chuyển quyền đó? Câu trả lời rõ ràng là chỉ có Dân mới có quyền đó. Song Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập Hiến của Dân sang Quốc hội cả, mà là do chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập Hiến cho mình.
Có thể nói đơn giản thế này: Ai là người có quyền tối hậu trong lập Hiến thì người đó là người chủ đích thực của đất nước. Từ chỗ Dân làm chủ trực tiếp trong lập Hiến, chuyển sang chỗ Dân làm chủ gián tiếp thông qua Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của Dân. Như vậy có thể nói, từ Dân làm chủ đích thực chuyển sang Quốc hội thay mặt cho dân làm chủ.
Đó là sự thay đổi, sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước.
Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp, người ta gọi như thế là vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Dân làm chủ có nghĩa là Dân phải quyết trực tiếp thể chế quốc gia, tức là Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, rồi Dân giao cho Nhà nước và giám sát Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ và Tòa án) quản lý đất nước theo Hiến pháp và những quyết định đó của Dân. Như vậy Dân mới làm chủ đích thực.
Đây là vấn đề xa rời bản chất dân chủ của nhà nước, cả về pháp lý, cả về thực tiễn. Như trên đã nói, do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân bất khả kháng, vì vậy, chúng ta đã chuyển từ Dân chủ thành Quốc hội chủ. Song về thực chất thì Quốc hội cũng còn nhiều hình thức.
Hiện nay khoảng 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Do vậy mà nhiều người cho rằng, về hình thức thì Quốc hội quyết, song thực chất là Đảng quyết . Quyết định của Quốc hội chỉ là quyết định mở rộng trong nội bộ  Đảng. Như vậy là từ Dân chủ đầy đủ chuyển sang Quốc hội chủ một phần, Dân chủ một phần, song cả Dân và Quốc hội đều còn nhiều hình thức nên nhiều người cho rằng Đảng mới thực quyền. Thực tế đó cho thấy, quyền của Dân - của người làm chủ còn bị phân tán quá lớn.
Nói cho dễ hiểu, ai làm chủ đất nước thì người đó phải có hai điều kiện, hai quyền thực chất tối thiểu là:
a/ - Bầu cơ quan đại diện cao nhất cho mình (Quốc hội) để bầu cử ra các cơ quan Nhà nước,
b/ - Phúc quyết Hiến pháp để giao quyền của Dân cho các cơ quan Nhà nước thực thi.
Chúng ta nói nhiều về Dân chủ, rằng nhân dân ta là người chủ đích thực của đất nước, rằng nhà nước ta là nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân,... song những quyền tối hậu của người Dân thì lại chưa được quy định cụ thể và đầy đủ trong các Hiến pháp sửa đổi sau Hiến pháp 1946.
Ngay Hiến pháp 1946 tuy đã qui định rất rõ quyền lập Hiến thuộc về nhân dân, song cũng không thực hiện được trong thực tiễn vì lý do bất khả kháng là chiến tranh đã nổ ra ngay sau đó.
Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, nhân dân ta là người chủ đất nước, song Nhà nước ta chưa một lần nào hỏi ý kiến Dân với tính chất là trưng cầu dân ý cả. Nhân dân ta chủ yếu mới làm chủ gián tiếp thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội và HĐND các cấp, nhân dân mới làm chủ trực tiếp trong bầu cử trưởng thôn, bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp. Như vậy chưa đúng với quyền và nghĩa vụ của người Dân trong thể chế Dân chủ Cộng hòa trong điều kiện hòa bình  và thống nhất đất nước như hiện nay.

Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt  Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nếu Dân được phúc quyết Hiến pháp thì Hiến pháp chính là văn bản pháp lý quan trọng nhất của Dân trao quyền lực của Dân cho Nhà nước.
Ngược lại, nếu Dân chưa được phúc quyết Hiến pháp thì cũng có nghĩa là Dân chưa trao quyền lực của Dân cho Nhà nước bằng một văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp.
Sửa đổi Hiến pháp lần này cần giao lại quyền phúc quyết cho dân như Hiến pháp 1946 đã quy định cho đúng với bản chất của thể chế cộng hòa hoặc dân chủ cộng hòa, hoặc cộng hòa xã hội chủ nghĩa.
- Vấn đề cốt lõi thứ hai ở đây là gì?
Đó là việc xác định: AI LÀ NGUYÊN THỦ QUỐC GIA? VÀ NGƯỜI ĐÓ CÓ NHỮNG QUYỀN GÌ?
Vấn đề này Hiến pháp 1946 ghi rất rõ, và Nhà nước ta khi đó thực hành cũng rất tốt.
Các Hiến pháp sửa đổi sau này lại không rõ ràng bằng Hiến pháp 1946, và trong thực hành cũng rất lúng túng.
Theo quy luật tự nhiên, đàn chim bao giờ cũng có chim đầu đàn, đàn trâu bao giờ cũng có trâu đầu đàn, dàn nhạc phải có nhạc trưởng,... Với một quốc gia cũng vậy, quốc gia nào cũng phải có một nguyên thủ.
Về quy định này, tại Điều 49 của Hiến pháp 1946 ghi cụ thể về quyền của Chủ tịch Nước như sau:
a, Thay mặt cho Nước...
b, Giữ quyền tổng chỉ huy quân đội toàn quốc...
c, Ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng....
d, Chủ tịch Hội đồng Chính phủ ...
...................
h, Ký hiệp ước với các nước....
Và Điều 50 của Hiến pháp 1946 cũng ghi: "Chủ tịch Nước không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc".
Những quy định của Hiến pháp 1946 rất ngắn gọn, rõ ràng rằng Chủ tịch Nước là nguyên thủ quốc gia, đại diện cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại; thống lĩnh các lực lượng vũ trang; và cũng là người đứng đầu cơ quan hành pháp là Chính phủ.
Nói cho dễ hiểu, nguyên thủ quốc gia phải có ba điều kiện, ba quyền thực chất tối thiểu như sau:
a, Thay mặt cho Nhà nước về đối nội cũng như đối ngoại,
b, Đứng đầu cơ quan hành pháp,
c, Thống lĩnh lực lượng vũ trang,
Các Hiến pháp sửa đổi sau này (1959, 1980, 1992) đều giảm nhẹ vai trò của Chủ tịch Nước, không rõ thực chất quyền của một nguyên thủ quốc gia. Điều đó không phải lỗi của vị Chủ tịch nước nào, mà chẳng qua là do các Hiến pháp sửa đổi sau này quy định như vậy:
Điều 6 của Hiến pháp 1959 quy định: "Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là người thay mặt cho Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về đối nội và đối ngoại".
Điều 65 của Hiến pháp 1959 quy định: "Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống lĩnh các lực lượng vũ trang trong toàn quốc, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng", song thực chất Tổng Bí thư mới là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang.
Điều 66 của Hiến pháp 1959 quy định: "Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi xét thấy cần thiết thì triệu tập và Chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ". Quy định như vậy là làm giảm nhẹ hẳn vai trò của Chủ tịch Nước trong cơ quan hành pháp so với Hiến pháp 1946.
Như vậy, các Hiến pháp sửa đổi sau này đều quy định không rõ ràng và không tập trung quyền của Chủ tịch nước bằng Hiến pháp 1946. Rõ ràng không có ai hội đủ ba điều kiện, ba quyền thực chất tối thiểu của một nguyên thủ quốc gia như Hiến pháp 1946.
Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương thống lĩnh lực lượng vũ trang song về pháp lý lại không thay mặt cho nhà nước về đối nội cũng như đối ngoại, cũng không đứng đầu cơ quan hành pháp.
Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Chính phủ nhưng lại không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp và cũng không thống lĩnh lực lượng vũ trang.
Chủ tịch Nước thay mặt cho nhà nước về đối nội và đối ngoại nhưng trong thực tiễn lại không thống lĩnh lực lượng vũ trang, cũng như không đứng đầu đầy đủ cơ quan hành pháp.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay rằng quyền lực của một nguyên thủ quốc gia lại bị phân tán làm ba nơi, do ba người nắm giữ. Tức là ta có ba người thực thi quyền của một nguyên thủ trong điều hành thực tiễn, như thế có phân tán quyền của nguyên thủ quốc gia không? Tôi cho là quá phân tán.
Tới đây, chúng ta phải sửa đổi bổ sung Hiến pháp làm sao để chỉ có một nguyên thủ quốc gia, tập trung quyền hành pháp vào người đứng đầu để điều hành đất nước có hiệu lực và hiệu quả hơn.
Việc không rõ nguyên thủ quốc gia, không rõ con chim đầu đàn, không rõ nhạc trưởng, hậu quả thế nào thật dễ hiểu, dễ thấy.
- Và vấn đề cốt lõi thứ ba?
Đó là VẤN ĐỀ PHÂN CÔNG VÀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC. Phân công phải hướng tới cân bằng tương đối, phải rõ ràng, rành mạch; kiểm soát phải có chế tài, phải chặt chẽ, hiệu lực.
Phân công phải cân bằng thì mới có khả năng kiểm soát hiệu lực, kiểm soát hiệu lực nằm ngay trong sự phân công công bằng.
Nhìn lại lịch sử của thể chế quân chủ cho thấy, quyền lực tập trung vào nhà Vua, mà quyền lực bao giờ cũng có xu hướng lạm quyền, thoái hóa... Do đó mà triều đại nào lên, lúc đầu thường là được lòng người, sau lại thoái hóa, lại bị triều đại sau thay thế. Những sự thay thế đó thường diễn ra khi triều đại cũ đã quá thối nát, quá cản trở sự phát triển của xã hội và thường bị thay thế bằng bạo lực.
Chính vì thế mà thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa đã áp dụng sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực để chống độc quyền, hạn chế sự lạm quyền và khi cần thì thay thế ê kíp cầm quyền một cách chủ động, kịp thời, thông qua tranh cử nghị viện.
Quyền lực dưới thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa không tập trung vào một người hay một lực lượng,  cơ quan nào, mà phân công tương đối cân bằng cho ba cơ quan: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp (Quốc hội - Chính phủ - Tòa án): Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, và Tòa án là cơ quan xét xử cao nhất.
Nghiên cứu kỹ các Hiến pháp sửa đổi sau này (1959, 1980, 1992) thì thấy rằng những quy định để cân bằng và kiểm soát quyền lực lại không được rõ ràng và cân bằng như Hiến pháp 1946.
Ví dụ, Quốc hội có quyền lập Hiến, điều đó có nghĩa rằng quyền lực của Quốc hội vượt trội quá lớn so với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Quốc hội có quyền phân công quyền lực cho cả các cơ quan hành pháp và tư pháp, và cho cả chính mình.
Đúng ra, quyền lập Hiến phải là quyền của Dân chứ không phải của Quốc hội. Do đó mà quyền của Dân cũng bị phân tán và yếu thế, không đúng với quyền của người làm chủ.
Hoặc quyền của nguyên thủ quốc gia bị phân tán ở ba nơi, điều đó cũng có nghĩa là quyền lực của cơ quan hành pháp quá yếu thế so với cơ quan lập pháp.
Còn quyền lực của cơ quan tư pháp thì sao? Trong thực tiễn thì nó yếu thế hơn các cơ quan lập pháp và hành pháp và còn bị chi phối trong xét xử.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, phân công quyền lực không cân bằng, không rõ ràng thì sự kiểm soát sẽ không có hiệu lực và hiệu quả. Tình trạng tham ô, lãng phí, quan liêu, cơ hội là những biểu hiện của sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực rõ ràng nhất. Nó cũng là hậu quả của sự phân công và kiểm soát quyền lực chưa được cân bằng như quy định của Hiến pháp 1946.
Cân bằng và kiểm soát quyền lực là một cơ chế cực kỳ quan trọng trong Hiến pháp nhằm tránh sự lạm quyền và thoái hóa mà trong thể chế quân chủ chuyên chế đã bất lực. Tất nhiên không thể nói tuyệt đối được, vì thể chế nào cũng phải thông qua con người cụ thể. Nhưng có một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực cho ba cơ quan Nhà nước, sẽ tốt hơn rất nhiều so với cơ chế tập trung quyền lực vào một ông vua, hoặc vào bất kỳ một lực lượng, một cơ quan nào khác.
Cân bằng và kiềm soát quyền lực là một sự tiến bộ về khoa học và nghệ thuật cầm quyền, là một bước tiến của văn minh nhân loại về quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này phải quan tâm để làm rõ ràng hơn, hoàn thiện tốt hơn sự phân công cân bằng và kiểm soát quyền lực Nhà nước.
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng, Hiến pháp 1946 và các Hiến pháp được sửa đổi bổ sung sau này của Việt Nam không theo một khuôn mẫu nào của thế giới, có đúng vậy không?
Theo tôi, nói công bằng hơn thì chỉ có các Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung sau này (1959, 1980, 1992) là theo khuôn mẫu của cộng hòa Xô Viết, nó không gần với những khuôn mẫu chung của thế giới và có một số quy định cốt lõi lại xa rời với Hiến pháp 1946.
Riêng Hiến pháp 1946 vẫn nằm trong ba hình thức phổ biến của thế giới có nền thể chế cộng hòa hoặc dân chủ cộng hòa:
a, Thể chế cộng hòa Tổng thống: Tổng thống là nguyên thủ quốc gia.
b, Thể chế cộng hòa đại nghị: Tổng thống hoặc Thủ tướng là nguyên thủ quốc gia.
c, Thể chế cộng hòa lưỡng tính: Tổng thống hoặc Chủ tịch Nước là nguyên thủ quốc gia.
Hiến pháp 1946 của nước ta nằm trong loại hình tổ chức thứ ba. Các Hiến pháp sửa đổi, bổ sung sau này có một số vấn đề hệ trọng lại xa rời, hoặc không rõ ràng bằng Hiến pháp 1946, ví dụ như vấn đề cân bằng và kiểm soát quyền lực, vấn đề tập trung quyền của nguyên thủ quốc gia, vấn đề dân phúc quyết Hiến pháp,...
Như vừa rồi tôi đã nói, thực ra lịch sử của Nhà nước nói chung mới có hai loại thể chế: Thể chế Quân chủ và thể chế Dân chủ. Mỗi thể chế đó cũng có những quá trình vận động và có những khác biệt tùy theo sự phát triển, điều kiện và con người lịch sử cụ thể.
Cũng có thể Hiến pháp ghi nền thể chế là Cộng hòa hay Dân chủ Cộng hòa, song thực chất vẫn là chuyên chế, không phải là quân chủ chuyên chế mà là tập thể chuyên chế. Đó là sự biến tướng, tiếm quyền. Tức là về mặt hình thức có thể là Cộng hòa hay Dân chủ Cộng hòa, song về thực chất vẫn có thể là chuyên chế.
- Tóm lại, ông muốn gửi gắm điều gì trong lần sửa đổi Hiến pháp sắp tới?
Tôi muốn gửi gắm nhiều điều, muốn được trở lại rất nhiều điểm tiến bộ, hiện đại của Hiến pháp 1946. Đó là những vấn đề về: Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Trên đây tôi chỉ nhấn mạnh có ba vấn đề:
1/-  Dân được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, để cho đúng nghĩa với thể chế Dân chủ Cộng hòa, Dân là chủ đích thực của đất nước.
2/-  Quyền của nguyên thủ quốc gia cần được tập trung hơn, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành pháp.
3/-  Phân công và kiểm soát quyền lực cần được cân bằng hơn, nhằm phòng ngừa sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và cơ hội trong hệ thống chính trị.
Tôi hy vọng tới đây, nhân dân ta sẽ được hưởng quyền và làm nghĩa vụ của người chủ đích thực của đất nước là: Tham gia ý kiến và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này.
- Xin cám ơn ông!
(Nguồn: tuầnviệtnam Vietnamnet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét