Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Chuyện tâm linh từ liệt sĩ Trường Sơn bất tử

Một góc nhỏ tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Đến đây vào những ngày nắng chói chang của miền Trung, ai cũng rưng rưng trước cả vạn ngôi mộ trắng san sát nối tít tắp. Những người quản trang đang lặng lẽ làm nhiệm vụ tưới nước cho hoa cỏ ở các tượng đài... Họ cùng nhau chăm lo mộ phần cho hàng vạn đồng đội của mình.

Bởi hầu hết cả chục người làm quản trang ở đây có chung hoàn cảnh như chồng là thương binh vợ là thanh niên xung phong. Chiến tranh kết thúc, họ tình nguyện ở lại Nghĩa trang Trường Sơn, chấp nhận mọi khó khăn về vật chất cũng như tình cảm vì phải xa gia đình.


Điều gây xúc động với chúng tôi là những người quản trang có thể nhớ hết tên và vị trí của tất cả các ngôi mộ liệt sĩ trong các khu mộ quy tập theo các tỉnh thành. Các thành viên trong ban quan lý nghĩa trang được “chuyên trách” các khu vực nhất định. Mỗi người đều nhớ tên liệt sĩ trên hàng ngàn bia mộ.


Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết rằng đã có các thân nhân của liệt sĩ lo lắng chồng, cha, con, em mình phải nằm nơi heo hút nên định đến đưa mộ về quê nhà, nhưng khi được thấy người thân nằm giữa mênh mông nghĩa trang, nối dài thẳng tắp hàng lối cùng đồng đội, lại chứng kiến sự chăm sóc chu đáo của các quản trang, gia đình đã thay đổi ý định.


Tin chuyện tâm linh vì tin các anh bất tử


Ông Hồ Tất Ái- Trưởng ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trao đổi với phóng viên: “Toàn bộ nghĩa trang được chia làm 5 khu và 68 ngôi mộ vô danh. Dẫu là việc thường ngày, nhưng những người quản trang ở đây đều luôn cảm nhận  rõ sự thiêng liêng.”

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, ông Hồ Tất Ái cho biết: “Chuyện tâm linh của nghĩa trang Trường Sơn thì nhiều lắm. Có khi các anh về báo mộng cũng nhiều khi là tiếng nói trực tiếp, tiếng của từng người và cả tiếng nói cùng lúc của nhiều người…”


Đó là các trường hợp như người nhà chỉ biết con em mình hy sinh trong chiến tranh, không biết phần mộ ở đâu. Khi đi cùng đoàn khách đến thăm nghĩa trang thì cứ như có người cầm tay dẫn lối đi vòng vèo tới ngôi mộ ở rất xa thắp hương, nhìn lại mới biết là mộ người nhà mình.

Còn chuyện liệt sĩ về báo mộng trước rằng hôm sau có người nhà tìm đến vẫn thường có. Ở đây các “quản trang viên” đều rất tin vào những chuyện tâm linh. Ông Ái bảo: “Các liệt sĩ thiêng lắm!”

Ông Ái chia sẻ: “Ở nơi linh thiêng này, lời hứa là rất quan trọng, điều gì đã hứa là phải làm. Ông hồi tưởng lại: Một lần vào dịp cuối năm, anh em ban quản lý nghĩa trang bàn nhau dự định chiều 26/12 âm lịch sẽ làm vài mâm cơm, trước là thắp hương cúng các anh, chị, sau nữa là bữa cơm tất niên coi như động viên anh chị em trong cơ quan sau một năm  cặm cụi chăm lo những mộ phần.

“Định là thế, nhưng rồi nhiều đoàn lên thăm viếng, thành ra công việc bận quá, chưa tổ chức được. Đêm hôm ấy, rồi đến ngày 27, 28 cũng thế, đêm nào các anh cũng gọi: Anh em sao đã hứa mà không làm... sao đã hứa mà không làm...?” 

Được biết, ông Ái từng là người lính trinh sát đặc công. Đối với người chiến sĩ được rèn luyện vững vàng thì chuyện sống chết, hoang đường không có gì đáng sợ. Vậy mà có kỷ niệm làm ông nhớ mãi. Ông kể: “Đêm 14/11/2001 tôi và đồng chí Chủ tịch công đoàn cơ quan lên khu nghĩa trang thắp hương, chúng tôi thấy một người ngồi bên cạnh tượng đài."


"Tôi cứ nghĩ, có lẽ khách phương xa tới muộn. Tôi cũng đánh tiếng từ xa, không thấy trả lời. Đến gần hơn, cách khoảng chục mét, tôi lại cất tiếng chào hỏi. Người đó vẫn im lặng. Khi chúng tôi tới gần tượng đài còn cách khoảng vài mét, người đó đi lùi ra một đoạn. Tôi đốt hương, và nói: Chúng tôi lên đây thắp hương và có vài lời với các anh hùng liệt sĩ, anh ở đâu tới vậy."


"Người đó nói: Tôi cũng là liệt sĩ, ở nơi khác đến đây thăm anh em. Quả thật lúc đó tôi vã mồ hôi hột, còn anh Chủ tịch công đoàn thì châm cả lửa vào tay. Quay lại thì không thấy người ấy đâu nữa,” ông Hồ Tất Ái kể tiếp rồi trầm ngâm.


Còn nhiều chuyện thuộc về thế giới tâm linh ở nghĩa trang này. Các chị trong ban quản trang cho biết: “Những ngày mới lên nghĩa trang các chị cũng rất sợ khi đêm đêm nằm nghe thấy tiếng cười đùa, rồi đàn hát những bài ca thời chống Mỹ cứu nước. Sáng sớm, nghe tiếng các anh tập thể dục, tiếng bước chân hành quân trong đội ngũ, tiếng hô chào cờ, tiếng hô khẩu hiệu.”


Các anh chị cũng tâm sự, sau này nghĩ đến các liệt sĩ hiến dâng cả cuộc đời cho đất nước nên lại cảm thấy thương vô cùng. Nếu không làm nữa thì tự day dứt lắm, tâm sẽ không yên. Tại nghĩa trang, cứ vào ngày rằm, mùng một nào các anh chị cũng lên thắp hương và viếng toàn bộ các mộ phần. Với cán bộ phụ trách khu mà có gia đình ở gần thì phải huy động cả nhà đi thắp hương suốt ngày mới hoàn thành.


Suốt những năm qua, đã có các đoàn thương binh, cựu chiến binh ngoài Hà Nội về đây thăm chiến trường xưa, thăm lại đồng đội cũ đã ngủ lại giữa nghĩa trang, đốt lửa, thầm thì trò chuyện và hát lại những bài hát năm xưa cho những người đồng đội nghe. Họ đang sống lại những năm tháng hào hùng.

Ông Ái cho biết thêm: "Càng ngày càng có nhiều cặp cô dâu-chú rể đến nghĩa trang thắp hương trước khi làm hôn lễ."


Coi các liệt sĩ là người thân


Các cán bộ và nhân viên quản trang tại nghĩa trang Trường Sơn coi liệt sĩ là người thân. Cứ khi nhà có việc gì lớn, đều lên xin các anh. Từ xây nhà, thi cử của con cái, nỗi lo khi đau ốm đều thắp hương “báo cáo” với các anh và mong các anh phù hộ độ trì. Dần dần đó trở thành nghi lễ quen thuộc của bà con người Kinh ở quanh đây.

Những câu chuyện tâm linh có lẽ sẽ làm không ít người thấy mơ hồ sợ hãi. Nhưng với những người muốn nhớ mãi các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây, đó là câu chuyện của những người đang sống, các anh vẫn đang hiện hữu trong đời không phải để gây sợ hãi mà nhắc nhớ những điều thiêng liêng không thể phôi phai.


Chuyện linh thiêng, huyền hoặc ở nơi đây, không thể khẳng định là do khoa học huyền bí hay do niềm xúc động, xót xa trước những người con “hóa thân cho dáng hình xứ sở, làm nên Đất nước muôn đời” tạo thành.

Chỉ thấy giữa khung cảnh tịch mịch, thâm nghiêm, tít tắp mộ bia, thăm thẳm đất trời, âm dương như giao hoà mà lời trò chuyện dễ có đồng cảm, sẻ chia.  Ngỡ như không thực song những câu chuyện đầy tính nhân bản giữa nghĩa trang Trường Sơn mà chúng tôi có mặt lúc đúng ngọ đã hàm chứa một điều: Các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống, nhưng các anh không bao giờ chết.

Các anh đã trở thành bất tử trong trái tim mỗi người đang sống. Thế nên trong đoàn công tác của chúng tôi, đã có một nhận định thu được sự đồng tình rằng: “Khi tin những chuyện tâm linh ở nghĩa trang Trường Sơn không phải là mê tín mà là chân thành bộc lộ thái độ của các thế hệ sau gửi đến các liệt sĩ: Các anh luôn sống mãi trong lòng Tổ quốc, trong lòng nhân dân.”
Nghĩa trang Trường Sơn ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị được xây dựng năm 1975 ở cầu Bến Tắt sông Bến Hải, nơi khởi đầu của đường Hồ Chí Minh vào Nam.

 Nghĩa trang Trường Sơn rộng tới 52ha nằm trên 5 quả đồi sát bờ Nam sông Bến Hải, đây là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sỹ của 61 tỉnh thành, trong đó có 5 mộ của cán bộ trung cao cấp, 10 mộ anh hùng liệt sĩ.

 Có quy mô lớn nhất, có số mộ nhiều nhất, có nhiều liệt sĩ ở nhiều địa phương nhất, nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn mang tầm cỡ của nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia.

(Theo Vietnam+, TTXVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét