Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc -Tổng hợp tin Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam(2)

Kêu gọi chống Trung Quốc ở Việt Nam

Đốt xe máy trước cửa đại sứ quán TQ để phản đối (ảnh lấy từ video clip)
Sau sự kiện tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu khảo sát của PetroVietnam, đang ngày càng nhiều những lời kêu gọi chống Trung Quốc trên các diễn đàn ở Việt Nam, kể cả các kênh chính thống.
Báo chí trong nước, ngoại trừ các tờ báo được cho là mang tính định hướng chính trị cao như Nhân Dân hay Quân đội Nhân dân, những ngày qua đều đăng tải nhiều bài bình luận phân tích và chỉ trích việc 'Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền' của Việt Nam.
Giới quan sát nói nếu không có sự chuẩn thuận của nhà nước thì các báo Việt Nam, vốn được kiểm soát chặt chẽ, không thể lên tiếng mạnh mẽ như vậy được.
Lời kêu gọi tổ chức biểu tình ôn hòa trước cửa các cơ quan đại diện của Trung Quốc ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào Chủ nhật 05/06 tới đang được phát tán một cách nhanh chóng và rộng rãi trên các diễn đàn và mạng xã hội.
Chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn nhiều kế hoạch biểu tình tương tự trong quá khứ vì không muốn quan hệ với nước lớn láng giềng bị ảnh hưởng, cũng như ngăn chặn việc "các thế lực xấu" lợi dụng lòng yêu nước của người dân.
Tuy nhiên cho tới lúc này, các chỉ dấu cho thấy một cuộc tụ họp có thể sẽ được phép diễn ra để biểu thị sự phẫn nộ của dư luận xã hội Việt Nam trước các động thái ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc.
Nhiều cá nhân, tổ chức của Việt Nam bằng cách này hay cách khác cũng đang tìm cách bày tỏ thái độ của mình trước hành xử "ngang ngược" của Trung Quốc.
Một nhân viên của Công ty Du lịch Côn Đảo Explorer tại Vũng Tàu cho BBC hay gần một tuần nay, công ty này đã từ chối nhận đặt tour du lịch cho người Trung Quốc.
Công ty Côn Đảo Explorer đang tiếp thị gói du lịch Khám phá Côn Đảo 3 ngày 2 đêm, nhưng tuyên bố ngay trên website của mình rằng họ "không nhận tour đối với những người mang quốc tịch Trung Quốc".
Nhân viên công ty nói không rõ lý do là gì, nhưng "đó là quyết định của lãnh đạo".

'To lớn và xấu tính'

Hồi tháng Tư, một thanh niên đã đi xe máy tới vườn hoa đối diện Đại sứ quán Trung Quốc trên phố Hoàng Diệu, Hà Nội, tung băng rôn mang dòng chữ chống lệnh đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông rồi châm lửa đốt chiếc xe máy của mình.
Được biết chiếc xe nhãn hiệu Wave này sản xuất tại Trung Quốc.
Người thanh niên bị an ninh giải đi ngay sau đó, nhưng đoạn video quay cuộc phản kháng ngắn gọn và mạnh mẽ này đang được lưu truyền trên các trang mạng.
Biểu tình chống Trung Quốc tháng 12/2007
Đang có kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc ngày Chủ nhật tới
Làn sóng chống Trung Quốc ở Việt Nam cũng đang thu hút sự chú ý của báo chí nước ngoài.
Báo Financial Times, một tờ báo lớn và có uy tín tại Anh Quốc, vừa có bài bình luận của tác giả David Pilling nói ngay cả chính phủ Việt Nam nay cũng phải lên tiếng tỏ rõ thái độ với nước láng giềng "to lớn và xấu tính".
Bài báo dẫn lời Brantly Womack, Giáo sư chính trị học tại trường đại học Virginia, nói Việt Nam có một quan hệ bất cân xứng với Trung Quốc.
Theo Giáo sư Womack, quan hệ này gần giống như cơ chế các nước chư hầu mỗi năm phải triều cống cho Trung Quốc. "Phải tỏ ra lễ phép và thần phục thì các nước mới được yên thân."
"Cách hành xử với Việt Nam dường như là một trong các nỗ lực của Trung Quốc tìm cách thiết lập một cơ chế quan hệ tương tự cho thời nay."
Vị giáo sư này nhận xét ngoài Ấn Độ và có thể Nhật Bản, tất cả các nước Á châu đều có quan hệ bất cân xứng với Trung Quốc, và bởi vậy, Bắc Kinh cũng đang lần lượt gây rắc rối với các nước này.
Theo bài báo trên Financial Times, "về ngắn hạn, sự hung hăng của Trung Quốc dường như phản tác dụng" vì nó khiến các nước nhỏ tìm đến nhau cũng như xích lại gần Hoa Kỳ.
Tác giả David Pilling nói chính vì sự phản đối mạnh mẽ lần này của Việt Nam, chủ đề Biển Đông sẽ thống lĩnh chương trình nghị sự của Diễn đàn An ninh Đối thoại Shangri-La cuối tuần này.
Nhận định của cây bút Financial Times là trong khi sức mạnh hải quân của Trung Quốc đang lên thì ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ suy giảm và sớm muộn gì các nước như Philippines và Việt Nam sẽ phải đạt được dàn xếp nào đó với Trung Quốc và họ biết điều này.
--------------------------------------------------------------------------

Hoa Kỳ quan ngại về tình hình Biển Đông

Đô đốc Robert Willard
Đô đốc Robert Willard là chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương
Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard, vừa bày tỏ quan ngại về căng thẳng Biển Đông theo sau vụ tàu TQ gây hấn với tàu khảo sát của PetroVietnam.
Ông cũng khẳng định đây là khu vực "chiến lược rất quan trọng" đối với Hoa Kỳ.
Trước vụ tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị ba tàu hải giám Trung Quốc đe dọa và cắt dây cáp, đã có một số vụ tương tự liên quan Trung Quốc và một số nước trong khu vực.
Đô đốc Willard nói với các phóng viên tại Kuala Lumpur, Malaysia, hôm thứ Tư 01/06: "Năm 2010, cả khu vực đều quan ngại về nguy cơ bùng nổ giao tranh tại Biển Đông".
"Cứ mỗi lần thấy căng thẳng gia tăng và các bên đối đầu nhau trong khu vực mang tính chiến lược rất quan trọng đối với chúng tôi thì tôi lại lo ngại."
Sau khi Việt Nam lên tiếng chỉ trích Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam và cản trở gây thiệt hại cho tàu thăm dò PetroVietnam, Bắc Kinh phản bác với lý do đây là khu vực chủ quyền của Trung Quốc tuy địa điểm xảy ra, theo Hà Nội, nằm cách đất liền tỉnh Phú Yên có chưa đầy 150 hải lý.
Ông Willard nói: “Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong tranh chấp. Mỹ cam kết làm sao để bảo đảm các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại và không xảy ra xung đột dù là trên biển hay trên không".
Đây là tuyên bố đầu tiên của Hoa Kỳ về đơt căng thẳng mới nhất tại Biển Đông mà Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á cùng tuyên bố chủ quyền.
Năm ngoái giới chức Mỹ nhiều lần đề cập vấn đề tự do lưu thông tại Biển Đông mà Trung Quốc nói tới 80% là thuộc Trung Quốc.
Bắc Kinh cáo buộc chính nhờ Mỹ mà các nước trong khu vực "tự tin đối đầu Trung Quốc".
-----------------------------------------------------------------

Báo Trung Quốc tiếp tục lời lẽ cứng rắn

Ba tàu hải giám Trung Quốc trong sự kiện 26/05
Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc có bài bình luận vụ tàu hải giám nước này đụng độ tàu khảo sát của PetroVietnam, nói đây là vụ 'nghiêm trọng nhất trong nhiều năm nay'.
Bài bình luận đăng trên Hoàn Cầu phiên bản tiếng Trung hôm 30/05 không ký tên tác giả, cho thấy đây là một dạng xã luận của báo.
Bài báo nhận định cuộc đụng độ hôm 26/05 là "nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây", và lời lẽ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo vào Chủ nhật 29/05 là "quá nóng nảy".
Tại cuộc họp báo bất thường này, bà Nguyễn Phương Nga nói "hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam".
Tuyên bố này đã làm phía Trung Quốc không hài lòng.
Bài trên Hoàn Cầu Thời báo, tờ báo con của Nhân dân Nhật báo vốn là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết: "Trung Quốc là nước lớn, sức mạnh hơn hẳn Việt Nam".
"Trong thời gian qua, Trung Quốc luôn tìm cách tránh leo thang xung đột Biển Đông với Việt Nam, không muốn ép buộc Việt Nam phải thuận theo quan điểm của mình và Việt Nam biết rõ điều này."
Theo Hoàn Cầu, đó chính là lý do mà Việt Nam thường xuyên tiến hành thăm dò dầu khí tại các khu vực tranh chấp, thách thức lòng kiên nhẫn của Trung Quốc.
Tờ báo viết nhiều người Việt Nam cho rằng vì Trung Quốc có tranh chấp biên giới với nhiều nước nên không thể lớn tiếng, và thái độ của Hoa Kỳ mới đây về Biển Đông đã khiến cho Việt Nam tỏ ra càng tự tin.
"Có thể nhận định của Việt Nam là đúng. Trung Quốc không muốn gây xung đột với Việt Nam và các nước khác trong lĩnh vực chủ quyền."
Bài viết cảnh báo: "Tuy nhiên sự kiềm chế của Trung Quốc không phải là không có giới hạn".

'Muối trong Biển Đông'

Hoàn Cầu Thời báo ví von: "Nếu Việt Nam cho rằng sự kiên nhẫn của Trung Quốc nhiều như muối ở Nam Hải (Biển Đông), thì họ đã vấp phải sai lầm chiến lược".
Nếu Việt Nam cho rằng sự kiên nhẫn của Trung Quốc nhiều như muối ở Nam Hải (Biển Đông), thì họ đã vấp phải sai lầm chiến lược.
Hoàn Cầu Thời báo
Bài báo viết tuy Bắc Kinh vẫn không muốn làm gia tăng căng thẳng, nhưng buộc phải thành thật với Việt Nam. Nếu như Việt Nam cứ tiếp tục hoạt động trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, thì sẽ phải chịu trách nhiệm vì hành vi của mình.
"Nếu Việt Nam thực sự sẵn sàng 'làm mọi việc cần thiết', thì cứ việc thử sức mình xem."
Tờ Hoàn Cầu nói nếu như Hà Nội tính toán rằng qua việc gây áp lực ngoại giao có thể khiến Bắc Kinh nhượng bộ về biển đảo, thì thật quá ngây thơ.
Báo này cũng nhắc lại rằng Việt-Trung hai nước láng giềng có nhiều lợi ích chung trong dàn xếp hòa bình tranh chấp lãnh thổ, và nếu như Trung Quốc tiếp tục kiềm chế thì Việt Nam cũng cần cố gắng không hành xử một cách hung hăng.
Sau hai ngày đăng tải, bài bình luận trên Hoàn Cầu Thời báo đã thu hút khoảng trên 450 nhận xét của độc giả, nhiều nhận xét hừng hực tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Một số bình luận gia cho rằng thái độ của Trung Quốc trong vụ tàu Bình Minh 02 tỏ ra ngày càng cứng rắn.
Chuyên gia Việt Nam Carl Thayer từ Úc châu nói Trung Quốc lâu nay đã tăng cường khẳng định chủ quyền Biển Đông bằng hoạt động của các tàu hải giám.
"Vụ này cho thấy sự gây hấn nghiêm trọng của tàu Trung Quốc, nhất là khi các tàu này cố tình cắt dây cáp của tàu khảo sát địa chấn Việt Nam."
Theo ông Thayer, sự nghiêm trọng của vụ việc tăng lên gấp bội vì tàu Bình Minh 02 hoạt động sâu trong khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) của Việt Nam.
"Nó cho thấy Trung Quốc nay tuyên bố chủ quyền ngay trong EEZ của Việt Nam, về phía Tây của đường chín đoạn."
Ông Thayer nhận định Hà Nội bị buộc phải lên tiếng về vụ này, có thể là vì sắp có hội nghị an ninh khu vực.
"Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục khẳng định chủ quyền một cách mạnh bạo như vừa rồi, thì Việt Nam có thể sẽ buộc phải điều tàu chiến ra bảo vệ các tàu thăm dò và nguy cơ bùng nổ đụng độ vũ trang sẽ là rất lớn."

Lập trường Nam Hải

Cáp của tàu Bình Minh 02
Việt Nam nói tàu Trung Quốc đã phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02
Trong khi đó, báo Asahi của Nhật Bản thì nói rằng Trung Quốc ngày càng cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông là vì sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này ngày càng vượt trội.
Theo Asahi, Cục Quản lý Đại dương Nhà nước Trung Quốc mới đây ra phúc trình khuyến cáo sử dụng vũ lực quân sự để hướng tranh chấp lãnh thổ với các nước theo ý mình.
Tuy nhiên Trung Quốc cũng tăng cường chủ động trong lĩnh vực ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Gần đây, các quan chức Quân ủy Trung ương Trung Quốc, và cả Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt, đã công du tới một số nước Đông Nam Á để bàn chủ đề Biển Đông.
Asahi bình luận rằng Bắc Kinh muốn chấm dứt tình trạng bị cô lập trong các vấn đề chủ quyền, trong khi Hoa Kỳ ngày càng tỏ ra thân cận với các nước trong khu vực.
Cứng rắn về quân sự nhưng lại tăng cường nỗ lực ngoại giao chính là chính sách "cây gậy và củ cà rốt" mà giới ngoại giao nói Bắc Kinh đang thực hiện lúc này.
--------------------------------------------------------------------------------------
*MLC: Nghe sự đôi co qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc với giọng điệu ngày càng căng thẳng và những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc nhiều người tự hỏi liệu có xảy ra chiến tranh giữa 2 nước? Nếu có thì cuộc chiến chỉ xảy ra trên biển hay trên cả đất liền và Việt Nam có dự tính cho trường hợp có chiến tranh xảy ra?. Ngược lại nhiều người khác thì cho rằng đó chỉ là cuộc đấu 'võ mồm' mà thôi hơn ai hết cả hai nước đều hiểu rõ 'chiến tranh không giải quyết được mọi bất đồng'.  Thế nhưng giả sử Trung Quốc nổ súng chiếm nốt cả Trường Sa nữa thì sao nhỉ? Lúc đó liệu Việt Nam có dám nổ súng?



Trên bản đồ Google Map từ 'SOUTH CHINA SEA'  nằm chiếm toàn bộ vùng biển Đông- Ảnh chụp màn hình từ Google Map ngày 2/6/2011

-----------------------------------------------------

Việt Nam phản đối vụ hải quân Trung Quốc nổ súng uy hiếp ngư dân

Ngày 2/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối việc lực lượng hải quân nước này dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam khi đang đánh cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, hành động trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.
Cũng trong ngày 2/6, lãnh đạo tỉnh Phú Yên gửi công văn hỏa tốc đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp và có biện pháp bảo vệ tàu cá cùng ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo UBND tỉnh Phú Yên trong hai ngày 31/5 và 1/6, tàu cá của thuyền trưởng Lê Văn Giúp hoạt động ở vùng biển 8 độ 56 phút vĩ bắc, 112 độ 45 phút kinh đông, cách đảo Đá Đông (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 5 hải lý về phía Đông.
Ông Giúp điện đàm về Trạm kiểm soát Biên phòng Đà Rằng thuộc Đồn Biên phòng 352, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên, thông báo 3 tàu của Trung Quốc ký hiệu 989, 27, 28 trang bị vũ khí đã bắn chỉ thiên và bắn xuống nước để xua đuổi. Do vậy ông Giúp buộc phải thu dàn câu và cho tàu chạy về hướng Đông cách đảo Đá Đông khoảng 20 hải lý để tránh.
* Nghe cuộc điện đàm của thuyền trưởng Giúp

Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry liên hệ với tàu cá tàu cá PY 92305 TS của ông Lê Văn Giúp qua sóng vô tuyến. Ảnh: Khoa Thy.
Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng khẳng định khu vực tàu ông Giúp hành nghề thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh cũng ghi nhận tình trạng ngư dân Phú Yên đánh bắt cá ngừ đại dương quanh khu vực quần đảo Trường Sa, trong phạm vi vùng biển chủ quyền Việt Nam, nhưng bị tàu quân sự Trung Quốc quấy nhiễu, dùng vũ lực, súng để bắn, dọa và chèn ép đã từng nhiều lần xảy ra.
Phú Yên là tỉnh có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở khu vực miền Trung với hàng nghìn tàu thuyền ngư dân hoạt động liên tục trên biển.
Trước đó, ngày 21/5 tàu cá do ông Đỗ Văn Phụng làm thuyền trưởng cùng 10 thuyền viên khác đang hành nghề câu cá ngừ đại dương tại khu vực cách đảo An Bang, thuộc quần đảo Trường Sa 40 hải lý về phía Tây Nam, cũng bị 2 tàu hải quân Brunei bắt giam đến nay.
Khoa Thy - Nguyễn Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét