Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Bầu cử quốc hội -'Tôi thích mẫu đại biểu Quốc hội cá tính, giỏi hùng biện'

'Tôi thích mẫu đại biểu Quốc hội cá tính, giỏi hùng biện'

(Nguồn: Vnexpress)

Từng tham gia 3 khóa Quốc hội, ông Vũ Mão nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đánh giá cao những người luôn phát hiện cái mới, cá tính và hùng biện quyết liệt ở nghị trường. Theo ông, đó là phẩm chất cần thiết của một nghị sĩ.

- Khảo sát của VnExpress về yếu tố nào cần nhất với đại biểu Quốc hội, có khoảng 10% độc giả chọn người "có kiến thức", trên 20% chọn "có phẩm chất đạo đức" và có tới trên 60% chọn người "dám đấu tranh". Theo ông, điều đó nói lên điều gì trong hoàn cảnh hiện nay?
- Theo tôi 3 yếu tố trên không thể tách rời trong tiêu chí của một đại biểu Quốc hội. Tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội phải là vừa có đức, tài (nghĩa rộng là tài hùng biện, đấu tranh, phản biện). Tôi nghĩ, hơn 60% độc giả ủng hộ người dám đấu tranh cũng đã tin tưởng vào phẩm chất đạo đức, kiến thức của nhóm này.
khao sat
Khảo sát được thực hiện trong một tháng, từ cuối tháng 3.

Qua khảo sát này cũng có thể thấy phần nào tâm lý người dân cho rằng nghị trường Quốc hội đang hơi thiếu tính đấu tranh. Tuy nhiên, nhìn sâu xa thì không hẳn vậy. Theo tôi, đại biểu chưa được tạo điều kiện, cơ chế đầy đủ để tham gia phản biện. Tôi ví dụ chuyện đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nêu lên trong vụ Vinashin đề nghị Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để xem xét. Đó là một ý kiến rất hay nhưng Thường vụ Quốc hội sau khi hội ý cho rằng không cần thiết phải thành lập. Theo tôi, chúng ta phải hiểu lòng dân vì trong kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, đại biểu Quốc hội thay mặt cho cử tri vẫn đòi hỏi làm kỹ càng hơn, rõ ràng hơn về vụ Vinashin.
Mong muốn tăng tính đấu tranh ở các đại biểu Quốc hội theo tôi là rất tốt, thể hiện sự lành mạnh của xã hội. Tuy nhiên, nếu tôi chọn thì lại có tiêu chí khác. Tôi thích mẫu đại biểu là người khám phá, phát hiện ra những điều mới, điều sắc sảo, có cá tính riêng về những vấn đề đó. Hơn nữa, họ phải là người có khả năng hùng biện, chứng minh những điều họ nói là đúng, là cần thiết. Đó là phẩm chất cần thiết của một nghị sĩ.
"Đại biểu không thể hiểu biết hết mọi vấn đề. Họ rất cần các cơ quan của Quốc hội phải có vai trò hỗ trợ tối đa". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Vậy theo ông, cần làm gì để đại biểu vững tâm hơn khi có những phát biểu "trái chiều", thể hiện vai trò đại diện của người dân trước Quốc hội?
- Tôi thấy hiện Quốc hội chưa tạo đủ điều kiện để đại biểu làm tốt vai trò của mình. Đại biểu không thể hiểu biết hết mọi vấn đề. Họ rất cần các cơ quan của Quốc hội phải có vai trò hỗ trợ tối đa. So với khóa trước, Quốc hội khóa 12 đã làm tốt hơn nhưng theo tôi, đại biểu Quốc hội chỉ đươc hỗ trợ được khoảng 30% các điều kiện cần thiết. Khóa tới cần cố gắng nâng lên mức 50%, chứ chưa nói tới mức 90-100% như các nước.
Ngoài ra, trên diễn đàn Quốc hội cần tạo ra không khí tranh luận và có đủ thời gian để trao đổi, phân tích trên tinh thần xây dựng. Có những phát biểu trái chiều, khó nghe thì nên dành thời gian trao đổi, làm sáng tỏ. Như thế, không khí dân chủ trên diễn đàn Quốc hội sẽ nhiều hơn.
Song, một điều cũng rất quan trọng là nằm ở ý thức mỗi đại biểu. Cũng nội dung đó, cũng là phản biện nhưng mang tính chất xây dựng thì khác với đả kích, phê phán. Điều đó tất nhiên phụ thuộc vào trình độ, cá tính hoặc cách diễn đạt của mỗi đại biểu nhưng tôi tin đa số các đại biểu của chúng ta đều mang ý thức xây dựng vì họ là người đại diện cho tiếng nói của dân, không dám bất tín với dân.
- Từng 2 khóa làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một khóa làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, đại biểu nào để lại ấn tượng với ông về những phản biện sắc sảo, quyết liệt ở nghị trường?
- Theo tôi nhớ, ở khóa 8, 9, 10 có trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4), trung tướng Đàm Văn Ngụy (nguyên Tư lệnh quân khu 1). Khóa 9, 10, 11 thì tôi ấn tượng với anh Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, sau đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội khóa 10, 11.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi phát biểu trên nghị trường rất thẳng thắn, có góc cạnh. Chính ông từng chia sẻ, sau những phát biểu, ông được cử tri quan tâm, gọi điện, gửi thư... nên tuy bận rộn mà vẫn cảm thấy hạnh phúc. Tôi rất ấn tượng với câu nói của ông: "Chúng ta thường nói tới công bằng xã hội, nhưng thực ra hiện nay chưa công bằng. Đồng bào nông thôn, vùng sâu còn quá nghèo khổ".
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Trân có trí tuệ sắc sảo, phát biểu có chất lượng, chiều sâu. Ông phát biểu nhiều vấn đề theo tôi rất căn cơ về cơ chế, về quản lý, về người VN ở nước ngoài, ODA... Đây là mẫu đại biểu điển hình về tâm huyết, chịu khó tìm tòi, phân tích những vấn đề ở tầm vĩ mô.
Ở Quốc hội khóa 10, 11 có hai đại biểu Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết tôi cũng là người có trình độ, có tâm huyết, đóng góp xây dựng cho Quốc hội, đất nước. Họ nghiên cứu có chiều sâu, phát biểu có đầu tư, gợi mở nhiều vấn đề. Mẫu đại biểu như các anh Quốc, Thuyết và một số đại biểu khác tôi thấy là rất đáng hoan nghênh. Quốc hội mà có nhiều người như thế thì rất tốt.
"Mong muốn tăng tính đấu tranh ở các đại biểu ở Quốc hội theo tôi là mong muốn tốt, thể hiện sự lành mạnh của xã hội". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Quốc hội khóa 12 được đánh giá có bước tiến lớn về tinh thần phản biện khi biểu quyết không thông qua những quyết sách lớn như Đường sắt cao tốc, Dự án Luật thủ đô. Ông suy nghĩ gì về điều này?
- Cơ bản các ý kiến phản biện của đại biểu xuất phát từ thực tiễn trong lĩnh vực hoạt động của họ và phản ánh được nguyện vọng của cử tri. Nhiều ý kiến tôi đồng tình song có những ý kiến còn khoảng cách so với tầm nhìn vĩ mô. Việc phê phán, nhận xét đã là khó rồi nhưng khó hơn là phải đi đến cùng nguyên nhân và hơn thế nữa gợi mở, đề xuất được cái gì. Chỗ này còn hơi thiếu ở đại biểu Quốc hội.
Tôi từng có bài viết về dự án đường sắt cao tốc. Đây là điều rất đáng suy nghĩ, không chỉ là vui, không chỉ nói Quốc hội thể hiện vai trò mà có nhiều vấn đề cần rút ra. Chính phủ đầu tư công sức để xây dựng dự án, Bộ Chính trị cho ý kiến, các cơ quan của Quốc hội dành nhiều công sức xem xét để trình ra Quốc hội và Quốc hội cũng xem xét công phu vậy mà cuối cùng không thông qua. Như vậy cần đổi mới hơn nữa cách làm của Chính phủ, cách làm của Thường vụ Quốc hội.
Mặt khác dự án không được Quốc hội thông qua thì đừng đổ oan rằng Quốc hội không muốn làm mà là do Quốc hội đặt vấn đề muốn hoàn thiện hơn, có những bước đi hợp lý hơn. Khi biểu quyết, trên bàn mỗi đại biểu có 3 nút: đồng ý, không đồng ý, không biểu quyết. Nhiều người lúc đầu có ý kiến không để nút "không biểu quyết" nhưng tôi nghĩ là phải để. Nếu tôi là đại biểu Quốc hội khóa 12, tôi cũng nhấn nút "không biểu quyết" để Chính phủ chuẩn bị tốt hơn cho dự án trình lần sau.
- Trong các cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua, nhiều ứng viên hứa hẹn rất nhiều. Theo ông, cần có cơ chế gì để giám sát việc thực hiện lời hứa nếu họ trúng cử?
- Cá nhân tôi thấy đây là điều hoàn toàn có thể đổi mới ngay ở khóa 13 này. Phương pháp rất đơn giản, Văn phòng Quốc hội và Ban công tác đại biểu có trách nhiệm tập hợp tất cả chương trình hành động của những người trúng cử in thành kỷ yếu, in thành một quyển chung đối với tất cả đại biểu. Còn từng đoàn đại biểu lại in riêng thành từng quyển riêng và dùng nó để thường xuyên nhắc lại.
Lời hứa cho chương trình hành động sau một năm thường bị quên lãng. Kỷ yếu sẽ nhắc nhở đại biểu hàng năm phải nhớ lời hứa của mình. Việc này theo tôi vừa đơn giản, vừa thiết thực, đúng mức và chân thành. Cử tri rất cần cái đó.
Tôi cũng muốn, Ủy ban Mặt trận tổ quốc các địa phương hàng năm đề nghị các đại biểu Quốc hội nhắc lại chương trình hành động xem thực hiện được đến đâu. Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc VN cũng nên làm tương tự, cần có trách nhiệm với các đại biểu khối trung ương...
"Lời hứa cho chương trình hành động của 5 năm sau một năm thường bị quên lãng. Kỷ yếu sẽ nhắc nhở đại biểu hàng năm phải nhớ lời hứa của mình". Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Để nâng cao chất lượng của bầu cử, ông muốn đề xuất, góp ý gì?
- Đối với cuộc bầu cử lần này, tôi vẫn còn trăn trở về việc tiếp xúc cử tri. Tiếp xúc cử tri trong bầu cử của chúng ta còn ít. Trong cụm dân cư hàng trăm người chỉ đôi ba người được dự tiếp xúc, ít quá! Theo tôi, đáng nhẽ phải có đổi mới, có cuộc họp lớn. Ví dụ như nơi tôi ở, sao không tổ chức ở sân vận động Quần Ngựa, nơi đủ chỗ cho vài nghìn cử tri?
Trong tương lai, tôi cho rằng, mỗi đơn vị bầu cử chỉ nên bầu một người thôi. Như vậy, vai trò và trách nhiệm của đại biểu với cử tri sẽ tốt hơn rất nhiều.
Tôi cũng muốn nói thêm về cuộc bầu cử lần này. Bầu cử chung cả đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vào cùng một đợt tuy gọn gàng hơn, có phần ít tốn kém hơn nhưng với một khối lượng công việc quá lớn thì liệu có đảm bảo được chất lượng? Theo tôi, qua cuộc bầu cử lần này, cần tổng kết đầy đủ để rút ra những kinh nghiệm cần thiết.
Nguyễn Hưng thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét