Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Báo chí Việt Nam- tất cả đều là lá cải?

Báo nhà nước phê nhau là 'lá cải'

Cập nhật: 10:20 GMT - thứ ba, 29 tháng 5, 2012

Ba tờ báo lớn ở Việt Nam công khai chỉ trích nhau vì định nghĩa thế nào là “báo lá cải” và chạy theo lợi nhuận trong bối cảnh chính quyền tăng kiểm soát chung với báo chí.
Tranh cãi bắt đầu khi báo Sài Gòn Giải Phóng và báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh chạy loạt bài phê phán một vài tờ báo có những phụ trương “câu khách, không phù hợp thuần phong mỹ tục”.
Ngay lập tức, báo Đời sống & Pháp luật, một đối tượng bị chê bai, phản kích lại với ngôn ngữ nặng nề không kém.
Cả ba tờ đều trích dẫn những nhân vật có vai vế trong làng báo và chính trường để tăng sức mạnh cho mình.
‘Thảm họa’
Trong ngày 28/5, hai tờ báo có trụ sở ở TP. HCM, Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) và Phụ nữ TP. HCM, đồng loạt đăng bài kêu gọi siết chặt quản lý trước tình trạng “một số cơ quan báo chí chạy theo lợi nhuận, sinh sôi, nảy nở ‘báo lá cải’”.
Báo SGGP, tiếng nói của Đảng bộ Đảng Cộng sản tại TP. HCM, lưu ‎ý hiện tượng các tờ báo ra mắt phụ trương “sa đà vào phản ánh ‘tư, tình, tội’ với văn phong giật gân, câu khách”.
Bài này dẫn lời ông Bùi Huy Lan, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Cục Báo chí - Bộ Thông tin – Truyền thông), rằng “một số cơ quan báo chí, nhà báo đã chạy theo lợi nhuận mà đánh tráo giá trị”.
Cũng trong bài, ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản thuộc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, tỏ ‎ý không hài lòng với Bộ.
“Sở cũng đã có văn bản gửi Bộ Thông tin - Truyền thông kiến nghị xử lý, gửi trực tiếp tới các cơ quan báo chí có ấn phẩm vi phạm yêu cầu kiểm tra, báo cáo nhưng kết quả… vẫn như cũ,” ông Khanh được dẫn lời.
Tờ báo vẫn được xem là thuộc dòng báo của Đảng than phiền:
Lê Văn Luyện
Vụ án giết người của thanh niên Lê Văn Luyện được báo Việt Nam khai thác triệt để
“Trong khi các cơ quan báo chí phải phát huy giá trị xã hội trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thì các ‘báo lá cải’ lại thỏa sức ‘câu’ bạn đọc bằng các thông tin trơ trẽn về tư, tình, tiền, tù tội, vi phạm nhiều quy định của Luật Báo chí nhưng không thấy cơ quan quản lý báo chí xử lý.”
Cùng ngày, báo Phụ nữ TP. HCM kêu than tình trạng “chỉ đua nhau biến trang báo ‘càng lá cải càng tốt’ để câu khách, bất chấp tính định hướng dư luận và giáo dục của báo chí, bỏ qua thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
Khác với báo SGGP chỉ viết tắt các ấn phẩm, báo Phụ nữ TP. HCM nêu đích danh một loạt các tờ báo, trang mạng bị cho là “đang tạo nên mối lo ngại lớn cho toàn xã hội”.
Chiêu ‘bôi bẩn’
Chừng 24 tiếng sau, tờ Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) vốn bị SGGP gán nhãn “hãi hùng nhất trong việc ‘trồng cải’”, phản công, nói họ đã gặp trò 'cạnh tranh bôi bẩn'.
Như để chứng tỏ ấn phẩm của họ là 'chân chính', tờ báo này, trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam, công kích lại thông qua hai phụ trương bị hai tờ kia xem là 'trơ trẽn, thô tục'.
Một loạt quan chức, đương nhiệm hay đã về hưu, được Người đưa tin (báo điện tử của ĐS&PL) dẫn lời, khen ngợi giá trị tờ báo.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cảm thấy 'bị xúc phạm' khi ĐS&PL bị khinh rẻ là tờ báo 'trơ trẽn'.
Còn ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội, khen tờ này đã 'phân tích sâu' vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, và “không đồng tình với chuyện báo này chê báo kia lá cải".
Dường như không kiềm được phẫn nộ, ĐS&PL phê báo Đảng SGGP là “bị người đọc quay lưng, ngoảnh mặt”, còn Phụ nữ TP. HCM “chỉ chạy theo phục vụ các ‘đại gia’ nhiều tiền”.
ĐS&PL nói qua loạt bài phê phán họ, hai tờ báo kia đã thể hiện cách làm báo “lá cải”.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều than phiền cả trong độc giả và giới quản l‎ý về xu hướng “lá cải hóa” trên báo chí.
Thậm chí trên trang mạng một số tờ báo được xem là có uy tín cũng không hiếm gặp những dạng bài bị xem là “rẻ tiền”.
Nhưng dường như đây là lần đầu tiên các tờ báo nhà nước công khai phê phán nhau với ngôn ngữ nặng nề như vậy.
Có ý kiến cho rằng vụ việc một phần phản ánh sự khó khăn tài chính của nhiều tờ báo hiện nay, vốn cho rằng thị phần của họ bị báo hoặc tin lá cải chiếm lĩnh.
Đây cũng là tâm l‎ý bực bội có thật trong một số nhà báo trước tin giật gân câu khách tràn ngập và chính họ thì bất lực nhìn dạng bài 'Cướp - Giết - Hiếp' chiếm thượng phong trên mặt báo.
(Nguồn: BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét