Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Tin tức tổng hợp về cái chết của tên độc tài Kim Jong il

Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il qua đời

Truyền hình nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thông báo, nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Il đã qua đời tại Thủ đô Bình Nhưỡng.


Thông tin chính thức phát đi cho biết, ông Kim Jong Il đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 8 giờ 30  phút ngày 17.12.2011, theo giờ địa phương vì làm việc quá sức về cả thể chất lẫn tinh thần.
Thông tin về cái chết của ông được thông báo trên truyền hình quốc gia trong một bản tin đầy xúc động. Ông Kim Jong-il năm nay 69 tuổi và sức khỏe đã kém nhiều năm nay.
Cái chết của ông khiến cho toàn dân Bắc Triều Tiên vô cùng bàng hoàng.
(Nguồn: Vietnamnet)


Cũng trong bản tin này, đài truyền hình nhà nước đã kêu gọi nhân dân tiếp tục vững bước dưới sự chỉ đạo của người con trai thứ của ông Kim Jong Il là Kim Jong Un.
Ông Kim Jong Il được sinh ra tại một trại quân sự bí mật ở Núi Baekdu phía bắc CHDCND Triều Tiên vào ngày 16 tháng 2 năm 1942.
Năm 2008, được tin ông Kim bị đột quỵ nhưng năm nay ông đã có chuyến thăm Trung Quốc và Nga, trong đó các bức hình và video chụp ông khi công bố cho thấy ông khỏe mạnh và nhanh nhẹn.
Cũng có tin nói ông Kim, người thích hút xì gà, ưa rượu cô nhắc và món ăn ngon, bị tiểu đường và bệnh tim mạch.
Thông tin nhà lãnh đạo này qua đời được công bố vào thời điểm Triều Tiên đang chuẩn bị cho kế hoạch chuyển giao lãnh đạo. Kim Jong il được thừa hưởng quyền lãnh đạo Triều Tiên sau khi cha ông là Kim Nhật Thành qua đời năm 1994. Tháng 9/2010, Kim Jong il hé hộ con trai út của ông là Kim Jong Un sẽ là người kế nhiệm mình.
Hàn Quốc hôm nay đã đặt toàn bộ các đơn vị quân đội vào tình trạng khẩn cấp sau khi Triều Tiên ra thông báo ông Kim Jong il qua đời. Hiện thời, chưa có hoạt động gì bất thường từ phía Triều Tiên.
Tang lễ của ông Kim Jong-il sẽ được tổ chức vào ngày 28/12 tới.
Clip phát thanh viên truyền hình nhà nước Triều Tiên khóc khi đọc thông báo lãnh đạo Kim Jong Il mất:
PV
-----------------------------------------------------
(Nguồn: BBC)

Dân mạng TQ bình việc ông Kim qua đời



Trung Quốc đã chính thức ngỏ ý "vô cùng đau buồn" và "gửi lời chia buồn sâu sắc" tới Bắc Hàn.
Giống như các hãng tin khác trên thế giới, kênh CCTV cùng mạng lưới truyền thông Trung Quốc đã hối hả đưa tin về cái chết của nhà lãnh đạo Bắc Hàn, ông Kim Jong-il.
Ông Kim đột ngột qua đời ở tuổi 69 do bị trụy tim khi đang trên tàu hỏa ở một vùng ngoại ô của Bình Nhưỡng.
Phản ứng chính thức từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc là "vô cùng đau buồn" và "gửi lời chia buồn sâu sắc" tới Bắc Hàn, theo tường thuật của hãng tin Tân Hoa xã.
Nhưng có một điều khá ngạc nhiên, là trong chủ đề này, giới chức Trung Quốc dường như bỏ ngỏ cho người dùng internet bình luận sôi nổi mà không áp dụng các biện pháp kiểm duyệt thường thấy đối với những chủ đề mà Bắc Kinh cho là "nhạy cảm."
Các công dân mạng Trung Quốc cũng chẳng cần chờ đợi xem chính quyền sẽ cho phép hay không cho phép họ nói những gì.
Một trong những bình luận cá nhân nặng ký đầu tiên được tung ra là của Hu XiJin, trưởng biên tập của Hoàn Cầu Thời báo, người có tài khoản trên mạng xã hội Weibo với hơn 1,5 triệu người đăng ký theo dõi tin.
Ông bắt đầu bài blog của mình rằng: "Bắc Hàn đã loan báo về cái chết của ông Kim Jong-il. Sự bình ổn và tương lai của Bắc Hàn nay đang đứng trước thử thách."
"Nam Hàn và Hoa Kỳ sẽ không bỏ qua cơ hội để gây ảnh hưởng, thậm chí còn đe dọa nữa, lên Bắc Hàn. Trung Quốc cần giúp Bắc Hàn đi tới trên con đường thịnh vượng."
"Cả Havel và Kim Jong-il đều vừa ra đi. Một người khiến chúng ta nhìn nhận thấy những nỗ lực của một người đàn ông có lương tri, trong lúc người kia để lại sự ngang ngạnh của một kẻ độc tài."
Một người dùng Weibo
Ông Hu Xijin cũng thúc giục trên trang mạng Weibo rằng Trung Quốc cần phải duy trì "mối quan hệ đặc biệt" với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, trong số những phản hồi từ những người dùng khác trên Weibo, thì nhiều bình luận tỏ ra cay nghiệt hoặc hài hước trong vấn đề quan hệ Trung Quốc - Bắc Hàn và về bản chất của các chế độ độc tài.
"Có phải đó là hệ thống phong kiến cha truyền con nối mang tính xã hội chủ nghĩa và tính Triều Tiên không?" một người dùng viết.
"Nếu như Kim Jong-un trở thành tân lãnh tụ của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thì rõ ràng Bắc Hàn là một đất nước phong kiến," một người khác viết.
"Sẽ có thêm bao nhiêu thế hệ nhà họ Kim nữa sẽ đeo nắm quyền lực ở nước này?" một blogger đặt câu hỏi.
Và hàng loạt các bình luận mang tính châm biếm, tiếu lâm khác nữa. Chẳng hạn như lời bình này: "Kim Jong-il chết vì lao lực. Phải rồi, ông ta có sáu bà vợ, như thế ai chả kiệt sức. Mà có phải là do sinh hoạt tình dục quá mức trên tàu hỏa không?"

Người dùng Weibo ở Trung Quốc đến nay vẫn chưa bị giới chức kiểm duyệt việc đăng bình luận đa chiều liên quan tới cái chết của lãnh tụ Bắc Hàn.
Mang tính dự báo hơn nữa, Zhang Wen, một thành viên trong ban biên tập của tờ Trung Hoa Tuần báo, viết: "Sự sụp đổ của Bắc Hàn đang tới gần, và sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên đang đến gần."
Do cái chết của ông Kim diễn ra ngay sau sự qua đời của nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến người Czech, Bấm Vaclav Havel, nhiều người dùng trên Weibo cũng đã so sánh hai người với hai di sản để lại rất khác nhau này.
Một người viết:"Cả Havel và Kim Jong-il đều vừa ra đi. Một người khiến chúng ta nhìn nhận thấy những nỗ lực của một người đàn ông có lương tri, trong lúc người kia để lại sự ngang ngạnh của một kẻ độc tài."
Một người khác nói trên Weibo: "Chỉ có cách duy nhất để Kim Jong-il vượt lên trên Havel được thôi, đó là bằng cách chết trước."
Và còn rất rất nhiều những đoạn bình luận không mấy tôn trọng người quá cố họ Kim được đăng tải lan tràn trên các trang mạng Trung Quốc.
Thậm chí có người còn nhái giai điệu của một ca khúc Giáng sinh rất nổi tiếng, Jingle Bells, với lời hát "Jin Ge bye, Jin Ge bye" ("Jin Ge" có nghĩa là "anh Kim") được đăng đi đăng lại nhiều lần.
Tuy nhiên, đa phần các công dân mạng Trung Quốc bày tỏ quan ngại về tác động từ cái chết của ông Kim tới đời sống nhân dân Bắc Hàn và ảnh hưởng của nó tới quan hệ Trung Quốc - Bắc Hàn.

Kim Jong-il qua đời: phản ứng từ VN

Cập nhật: 15:17 GMT - thứ hai, 19 tháng 12, 2011

Người dân Bắc Hàn than khóc
Người dân Bắc Hàn than khóc cho ông Kim Jong-il
Tin lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-il qua đời thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân và chính giới Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã mau chóng gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị phát biểu: "Chúng tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Triều Tiên trước việc đồng chí Kim Jong-il, Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng CHDCND Triều Tiên, Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Triều Tiên đã từ trần."
"Chúng tôi tin tưởng nhân dân Triều Tiên sẽ vượt qua mất mát to lớn này, tiếp tục nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước."
Ngay sau tin ông Kim Jong-il qua đời, BBC cũng đã hỏi ý kiến một số người Việt Nam về phản ứng của họ.
Bà Nguyễn Thị Lợi, phu nhân ông Lê Quảng Ba, đại sứ đương nhiệm của Việt Nam tại Bình Nhưỡng, đồng thời là chủ tịch Hội phụ nữ ngoại giao đoàn tại Bắc Triều Tiên cho biết là bà được tin này khi đang chuẩn bị đến đặt vòng hoa nhân kỷ niệm sinh nhật của bà Kim Jong-suk, thân mẫu của ông Kim Jong-il.
Bà cho biết cho đến trưa ngày 19/12 thì mọi hoạt động ở Bình Nhưỡng vẫn diễn ra bình thường và Bắc Hàn vẫn đang tiến hành các hoạt động tưởng niệm bà Kim Jong-suk, bao gồm một buổi lễ tưởng niệm tại lễ đài văn hóa Triều Tiên và một buổi hòa nhạc.
Tuy nhiên đến trưa thứ Hai thì tất cả các hoạt động đều bị hủy.

Chìm trong tang thương

“Tất cả người dân Triều Tiên hiện đang rất đau buồn,” bà cho biết, “Đâu đâu cũng thấy than khóc rất thương cảm.”
Bà nói là hiện giờ ở Bình Nhưỡng mọi hoạt động đều ngừng hoàn toàn, các chợ, công sở và trường học đều đóng cửa.
“Ngay tại trường con trai tôi học là trường quốc tế, con tôi đi về nói tất cả các thầy cô giáo chỉ có đứng mặc niệm và khóc,” bà nói.
Bà Lợi tin rằng chính phủ Bắc Hàn sẽ để ông Kim Jong-il yên nghỉ trong lăng giống như cha ông là cố Chủ tịch Kim Il-sung.
"Ngay tại trường con trai tôi học là trường quốc tế, con tôi đi về nói tất cả các thầy cô giáo chỉ có đứng mặc niệm và khóc."
Nguyễn Thị Lợi, chủ tịch Hội phụ nữ ngoại giao đoàn tại Bình Nhưỡng
Bà kể rằng kể từ khi bà sang Bình Nhưỡng, bà đã thấy người dân Bắc Hàn ‘vô cùng yêu thương kính trọng’ hai vị lãnh tụ của họ.
“Hai cha con [Kim Il-sung và Kim Jong-il] đều vĩnh viễn nằm trong trái tim của người dân Triều Tiên dù [Kim Il-sung] đã chết cả chục năm nay,” bà nói và cho biết thêm rằng người dân Triều Tiên cũng có tình cảm tương tự với Kim Jong-un, người sẽ kế vị cha lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Giải thích lý do tại sao Kim Jong-un lại được tôn sùng dù anh ta vẫn còn trẻ và chỉ mới xuất hiện trên chính trường Triều Tiên, bà Lợi nói đó là vì anh ta cùng một gia đình với Kim Il-sung và Kim Jong-il.
“Họ đều cùng một tư tưởng, một ý chí thống nhất từ Chủ tịch Kim Nhật Thành [Kim Il-sung] cho đến cháu,” bà giải thích.
Về tình hình Bắc Hàn sau khi Kim Jong-il qua đời, bà Lợi nói bà tin rằng sẽ ‘không có biến động gì lớn’.
“Tới giờ này dù Chủ tịch Kim Nhật Thành [Kim Il-sung] đã mất từ lâu nhưng toàn bộ ý chí, phương thức lãnh đạo cũng đều như khi [Kim Il-sung] còn sống,” bà nói, “Dù Kim Jong-il mất và Kim Jong-un lên thay thì vẫn thế thôi.”
Bà nói thời gian bà ở Bình Nhưỡng bà đã ‘tận mắt nhìn thấy những thành quả của nhân dân Triều Tiên’.
“Tình hình Triều Tiên vẫn phát triển, rất tốt. Người dân lạc quan và tin tưởng vào sự lãnh đạo của chủ tịch [Kim Jong-il].”
Bà nói là dù kinh tế Triều Tiên rất khó khăn nhưng ‘người dân hoàn toàn vô tư’.
“Họ xây dựng một công trình trên 20 tầng chỉ trong vòng một năm mà đã thấy sừng sững,” bà nói, “Tất cả mọi người đều đoàn kết vừa lao động vừa hát.”
Bà Lợi nói bà rất ấn tượng với chương trình biểu diễn nghệ thuật Arirang hoàng tráng mà bà có dịp chứng kiến ở Bình Nhưỡng: kéo dài ròng rã từ tháng 8 đến tháng 9 tại một sân vân động có sức chứa 16 vạn người, tức là lớn gấp đôi sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh.
Bà gọi đó là một chương trình ‘vĩ đại’ và không thể tưởng tượng một đất nước còn gian khổ như Triều Tiên lại làm được như vậy.

Quan hệ không nồng ấm

Cha con Kim Jong-il và Kim Jong-un
Gia đình họ Kim đã lãnh đạo đất nước Bắc Triều Tiên nhiều thập niên nay
Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc, cho rằng cái chết của Kim Jong-il chắc chắn sẽ có tác động đến tình hình Bắc Triều Tiên.
“Ý chí thống nhất của người Triều Tiên sẽ có cơ hội sáng sủa hơn,” ông nói.
Tuy nhiên ông cho rằng cần phải có thời gian để Bắc Hàn có sự thay đổi gì lớn vì chế độ chính trị ở đây đã rất nhiều năm và ‘phá vỡ cơ cấu như thế cần có thời gian.’
“Cái chết này tạo ra một tình thế, nhưng tận dụng tình thế đó như thế nào tùy thuộc vào người dân [Bắc Hàn],” ông nói.
Ông nói giữa Việt Nam và Triều Tiên cũng có điểm tương đồng nhưng khác biệt lại rất nhiều.
“Hai nước giống nhau ở hai cuộc chiến tranh [chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam], nhưng trong khi Việt Nam đã thống nhất thì Triều Tiên vẫn đang chia cắt và sự cách biệt giữa hai miền quá xa,” ông nhận xét.
Hai chế độ chính trị Việt Nam và Bắc Hàn dù cùng là chủ nghĩa xã hội nhưng ‘bản chất rất khác nhau’, ông nói, và quan hệ giữa hai nước cũng ‘tế nhị’.
"Cái chết này [của Kim Jong-il] tạo ra một tình thế, nhưng tận dụng tình thế đó như thế nào tùy thuộc vào người dân [Bắc Hàn]."
Nhà sử học Dương Trung Quốc
“Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, chính Triều Tiên ủng hộ Pol Pot chống lại Việt Nam,” ông nhắc lại.
Tướng về hưu Nguyễn Trọng Vĩnh cũng nhắc lại việc cố Chủ tịch Kim Il-sung đã từng ủng hộ Pol Pot chống Việt Nam và gọi đó là thời kỳ phai nhạt quan hệ giữa hai nước sau khi Việt Nam thống nhất.
“Họ có vẻ ghen tức với Việt Nam vì không thống nhất được [Triều Tiên],” ông nói, và nhấn mạnh ông Kim Jong-il ‘cũng không mặn mà gì’ đối với Việt Nam vì ông cũng theo đường lối của cha ông.
Quan hệ giữa Việt Nam – Bắc Hàn dưới thời ông Kim Jong-il cũng không phát triển gì dù gần đây Việt Nam có giúp Bắc Hàn gạo để cứu đói cho người dân của họ, ông nói.
“Thế giới đánh giá ông Kim Chính Nhật [Kim Jong-il] không có tài năng gì ghê gớm,” ông nói, “Ông ta để cho nước Triều Tiên đói nhưng vẫn đi làm vũ khí hạt nhân và kinh tế kém nhưng lại rất khoa trương.”
Tướng Vĩnh nói cái chết của Kim Jong-il không có tác động gì đối với Việt Nam cả và bản thân ông không thích kiểu gia đình trị cha truyền con nối của Bắc Triều Tiên.
Còn về ‘thay đổi’ ở Bắc Hàn sau cái chết này thì ông nói là ‘khó lắm’ vì ‘người ta quản lý chính trị chặt chẽ lắm kể từ ông Kim Nhật Thành.”

“Vui và phấn khởi’

Trong khi đó, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Khắc Toàn nói với BBC rằng ông rất ‘vui và phấn khởi’ vì ’24 triệu người dân Bắc Hàn sẽ có cơ hội thay đổi thể chế chính trị’ của đất nước họ.
Kim Il-sung và Kim Jong-il
Hệ thống Bắc Hàn bị người bất đồng chính kiến VN cho là 'chế độ toàn trị tệ hại nhất thế giới'
Ông nhận xét chế độ Bắc Hàn là chế độ ‘phong kiến trá hình nhưng khoác áo chủ nghĩa cộng sản’ và ‘chế độ toàn trị’ này là ‘tệ hại nhất trong các quốc gia cộng sản còn sót lại trên thế giới’.
Ông nói thay đổi có thể đến với Bắc Triều Tiên nếu ‘các nhà lãnh đạo hiện nay của Đảng Lao động Triều Tiên nhận thấy trở ngại lớn nhất cho việc thay đổi chế độ chính trị hết sức phản động và hết sức tai hại cho đất nước chính là sự cai trị của dòng họ Kim mà Kim Nhật Thành đã tạo ra từ năm 1948 cho đến nay’.
Ông giải thích rằng các nhà lãnh đạo cấp tiến xung quanh Kim Jong-il đã thấy thế giới xung quanh họ ngày nay đã có nhiều thay đổi và họ sẽ không dễ dàng để cho một kẻ vô danh tiểu tốt như Kim Chính Vân [Kim Jong-un] chỉ mới 28 tuổi và chưa có kinh nghiệm chấp chính ‘đè đầu cưỡi cổ’, trong đó có những nhà lãnh đạo cựu trào đã hoạt động cùng thời với ông nội của Kim Jong-un.
Tuy nhiên ông Toàn cũng nhìn nhận ‘cơ hội’ này cũng rất khó khăn vì người dân Bắc Hàn đã sống trong ‘một chế độ hà khắc hết sức chặt chẽ trong hơn 60 năm’ và chế độ Bắc Hàn có sự ‘hậu thuẫn to lớn’ của ‘cộng sản Trung Quốc và cả nước Nga hiện nay’.
“Cả Nga và Trung Quốc đều muốn tạo vùng đệm trên bán đảo Triều Tiên để tạo đối trọng với thế giới dân chủ của Mỹ, Nhật, Hàn,” ông nhận xét.
Về phía giới lãnh đạo chính trị của Việt Nam, ông Toàn dự đoán sẽ phản ứng với sự kiện này ‘một cách khách quan’.
“Giới lãnh đạo Việt Nam cũng mong muốn Bắc Hàn theo gương Trung Quốc và Việt Nam thay đổi về kinh tế và hội nhập với thế giới để không chịu sự sụp đổ như các nước cộng sản [Liên Xô và Đông Âu],” ông nói.
“Nếu có sự thay đổi tan hoang đột ngột khốc liệt ở Bắc Triều Tiên thì sẽ không có lợi gì cho chế độ độc tài toàn trị của Việt Nam và Trung Quốc,” ông đánh giá.
 -------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét