Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Cơ hội tôi luyện và cống hiến - Lại một trò diễn mới

*MLC: Nghe những dự án kiểu 'điên điên-khùng khùng' chẳng giống ai này mà phát hoảng. Nó quá xa dời thực tiễn và quá duy ý chí. Không lẽ cứ là người trẻ với sức trẻ thì có thể biến một xã vùng sâu, vùng xa nghèo đòi thành một xã giàu ngay được? Không hiểu người lập ra đề án này bằng phương pháp nào mà có thể khẳng định rằng cứ là cán bộ trẻ thì nên đề cử vào những vùng xa, nghèo đói thì có thể tôi luyện và cống hiến, là có thể làm thay đổi nề nếp, là có thể vực một địa phương nghèo đói trở thành giàu có được. Kiểu dự án trên trời này rồi cũng sẽ thất bại giống như bao dự án điên khùng trước đó. Bởi nó được lập ra theo kiểu duy ý chí. Chẳng mang tính khoa học nào cả. Và bởi cái cơ chế, cái vòng kim cô nó không nằm ở cấp xã, mà nó nằm ở thượng tầng đó chính là bộ máy chính quyền Trung ương và Đảng cộng sản Việt Nam.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Cơ hội tôi luyện và cống hiến

11:45 AM, 13/05/2011
(Chinhphu.vn) – Triển khai Dự án 600 Phó Chủ tịch xã là cơ hội để các trí thức trẻ tôi luyện, khẳng định mình khi cùng bà con 62 huyện nghèo lao tâm, khổ tứ, "nghiêng đồng đổ nước ra sông”...
Trong ngày 26/1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 2 Quyết định quan trọng đối với các huyện nghèo. Quyết định 08/2011/QĐ-TTg tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo. Quyết định 170/QĐ-TTg phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ Đại học về các xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước để làm Phó Chủ tịch UBND xã.
Dự án ra đời từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn khi trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức các xã thuộc 62 huyện nghèo còn hạn chế và phần lớn (98,82%) số xã thuộc các huyện nghèo có nhu cầu sử dụng trí thức trẻ tình nguyện, giúp lãnh đạo địa phương chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Dự án đặt ra 3 mục tiêu rất rõ ràng, trước hết là tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển, thứ hai là tạo nguồn cán bộ trẻ, tức là tạo cơ hội cho thanh niên rèn luyện, cống hiến và thứ ba, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ.
Sắp tới, Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến về Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Mời độc giả quan tâm gửi câu hỏi tham gia đến hộp thư toasoanwebcp@chinhphu.vn
Do còn mới mẻ, Dự án đặt thời gian thực hiện cụ thể từ 2011-2017, qua đó, đánh giá xem tài năng, sự cống hiến, nhiệt huyết của trí thức trẻ để có định hướng triển khai tiếp.
“Tôi thép” từ những nơi nghèo nhất
Khoảng 5 năm trên cương vị lãnh đạo một địa phương, một xã nghèo nhất là thời gian “thử lửa” 600 thanh niên trí thức. Và để có thể “chịu được lửa”, thanh niên trí thức hay còn gọi là Đội viên Dự án, phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định.
Ngoài tiêu chí tốt nghiệp đại học, các ứng viên có tuổi đời từ 18 trở lên đến dưới 30, là đoàn viên hoặc đảng viên, có đủ sức khỏe và thực sự có tinh thần xung kích, tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất nước.
20 UBND tỉnh có huyện nghèo sẽ lập Hội đồng tuyển chọn để tiếp nhận hồ sơ, xét chọn đội viên. Ban Quản lý Dự án (Bộ Nội vụ) thành lập Hội đồng thẩm định, thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện của người được tuyển chọn; thông báo cho UBND tỉnh danh sách những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện trở thành đội viên Dự án.
Việc thành lập Hội đồng tuyển chọn và thẩm định hai cấp để tuyển chọn đúng ngưtời, đủ tiêu chuẩn làm Phó Chủ tịch UBND xã, đồng thời hạn chế việc “cài cắm” người quen tại địa phương.
Thanh niên phải xác định rằng, như lời Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, “đây không phải là để hưởng thụ”, mà phải lao tâm khổ tứ cùng lãnh đạo địa phương đưa vùng khó đi lên, cùng bà con “nghiêng đồng đổ nước ra sông”… Có như thế, bên cạnh năng lực và sức khỏe, thanh niên sẽ trang bị tinh thần tốt hơn, tránh tình trạng "nửa đường đứt gánh".
Tuy nhiên, trước khi lên đường nhận trọng trách tại xã nghèo, Dự án sẽ cung cấp cho trí thức trẻ một hành trang nhất định.
Thanh niên được bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước và kinh tế-xã hội ở xã, những kỹ năng cần thiết đối với Phó Chủ tịch UBND xã trong 8 tuần và đi thực tế tại các xã thuộc huyện nghèo 4 tuần.
Với bản lĩnh và nhiệt huyết của thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, ngay sau khi Dự án được phê duyệt gần 5 tháng, không ít thanh niên thể hiện sự quan tâm, gửi ý kiến, nộp hồ sơ.
Chỉ tính từ ngày 25/4-ngày bắt đầu tiếp nhận hồ sơ tới nay, đã có khoảng 200 bạn trẻ đăng ký tham gia Dự án.
Có ý kiến cho thấy sự tâm huyết của thanh niên đối với Dự án. Một thanh niên gửi ý kiến đến Cổng TTĐT Chính phủ: “tôi viết lá thư này không phải để xin quyền lực địa vị mà chỉ mong có 1 vị trí có đủ quyền hạn để có thể làm những việc hữu ích đóng góp cho đất nước”.
Tuy nhiên, chắc rằng, cũng có không ít thanh niên chưa tiếp cận đủ thông tin để hiểu rõ hơn nữa về Dự án. Như, có những xã nào tham gia dự án, mỗi xã cần bao nhiêu đội viên, chuẩn bị hồ sơ như thế nào, điều kiện làm việc ra sao, sẽ như thế nào sau khi Dự án kết thúc, v.v...? Như vậy, hẳn sẽ có thanh niên còn e dè, do dự hay phân vân.
Sắp tới, Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến với sự tham dự của đại diện Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn Thanh niên, lãnh đạo các địa phương và một số thanh niên tình nguyện đã trưởng thành qua các dự án, để cung cấp thêm thông tin về Dự án mới mẻ này.
Diệu Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét