Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Tiến sĩ Rùa học lúc ngủ cũng mơ thấy cụ rùa

*Mõ làng Chờ: Không biết phương pháp nghiên cứu của Tiến sĩ là gì nhỉ? Chẳng lẽ một nhà nghiên cứu khoa học mà chỉ sử dụng phương pháp nhìn và chụp ảnh để có thể kết luận về các đề tài của mình? Một nhà nghiên cứu về văn hoá Hồ Gươm, Hà Nội mà văn hoá để đâu khi đang nói chuyện với phóng viên nước ngoài lại dập máy chỉ vì họ gọi rùa bằng con rùa? - Thật đáng buồn !

Tiến sĩ Hà Đình Đức ngủ cũng mơ thấy 'cụ Rùa'

“Khi ăn tôi cũng nghĩ đến cụ Rùa, khi ngủ tôi cũng mơ thấy cụ. Mỗi lần tính mạng cụ bị đe dọa tôi đều làm tường trình gửi lên Chính phủ", tiến sĩ Hà Đình Đức, người đã dành gần 20 năm nghiên cứu Rùa hồ Gươm, nói.

Ảnh: Hương Thu
Phó giáo sư, tiến sĩ Hà Đình Đức cho rằng Rùa hồ Gươm không cùng loài với Rùa sống ở hồ Đồng Mô và hai con ở Trung Quốc. Ảnh: Hương Thu.

- Chuyên ngành học của ông không liên quan đến Rùa. Cơ duyên nào đưa ông đến với cụ Rùa hồ Gươm ở Hà Nội?
Năm 1963, tôi tốt nghiệp và làm giảng viên ngành sinh vật, với nhiều công trình nghiên cứu về động vật hoang dã. Tôi đã nghiên cứu về Khu hệ động vật ở nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam, rồi loài Bò xám ở Tây Nguyên và Lào, và rất nhiều công trình khác.
Nghiên cứu về Rùa hồ Gươm là một sự tình cờ. Ngày 15/3/1991 lần đầu tiên tôi trông thấy Rùa hồ Gươm bơi trên mặt hồ ở phía phố Hàng Khay. Sau đó mấy tháng tôi được mời tham gia Dự án Khai thác hồ Gươm bảo vệ Rùa quý phục vụ du lịch. Sau đó dự án kết thúc, nhưng tôi không dừng lại, tôi thấy hình như mình có sợi dây vô hình gắn chặt tôi với cụ Rùa. Từ đó tôi bắt đầu toàn tâm nghiên cứu về Rùa hồ Gươm.
Nhờ niềm đam mê đó mà tôi luôn có nhiều ý kiến đề xuất kịp thời đến các cấp có thẩm quyền trong việc bảo vệ Rùa hồ Gươm cũng như môi trường xung quanh hồ.
- Dành nhiều công sức cho cụ Rùa như vậy, ông được mọi người xung quanh đánh giá như thế nào?
- Người quý thì gọi tôi là ông “Đức Rùa”, “Giáo sư Rùa”, “Con trai Thần Rùa”. Người không thích thì cho tôi là “nhiễu sự”, “lão già rách việc”, “lão rỗi hơi”, nhiều tên lắm.
Tôi không quan tâm đến những cái tên đó, cốt yếu việc mình làm là bảo vệ bằng được cụ Rùa, bảo vệ hồ Gươm. Đó là điều tôi cảm thấy toại nguyện.
Có lần có phóng viên một hãng tin Anh trong lúc phỏng vấn tôi đã gọi cụ Rùa là con rùa, tôi dập ngay điện thoại. Sau đó phóng viên phải gọi là cụ Rùa cuộc nói chuyện mới tiếp tục. Chương trình họ phát không biên tập lại mà để nguyên đoạn đối thoại này.
Tôi quê ở Thanh Hóa nhưng ở Hà Nội đã 52 năm. Từ nghiên cứu cụ Rùa Hồ Gươm, tôi đi sâu nghiên cứu không gian văn hóa Hồ Gươm, lịch sử văn hóa Hà Nội, luôn luôn trăn trở suy nghĩ và đóng góp các ý kiến để bảo vệ lịch sử văn hóa Hà Nội.
ôii
Tiến sĩ Hà Đình Đức bên bờ hồ Gươm.

- Gần 20 năm theo dõi Rùa Hồ Gươm, rồi trình bày nhiều kiến nghị như thế, cái mà ông đạt được là gì?
- Tôi tâm đắc nhất là việc bảo vệ cụ Rùa cũng như môi trường hồ có cải thiện. Tuy vẫn chưa được như ý, nhưng tôi cho là cũng đã chặn được nhiều việc làm xâm hại đến hồ Gươm và đời sống của cụ Rùa hồ Gươm.
Cách nhìn của xã hội giờ đã khác, nhiều người đã có ý thức tôn trọng cụ Rùa và gìn giữ môi trường hồ Gươm. Tuy nhiên cũng còn không ít người tuỳ tiện xả rác bừa bãi chung quanh hồ, nhất là trong các dịp lễ hội.
Tôi mong muốn mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ cụ Rùa - sứ giả của truyền thuyết Hoàn Kiếm, một linh vật của thủ đô. Hãy giữ gìn vệ sinh quanh hồ Gươm.
Có lẽ vì cuộc đời tôi đã gắn chặt với cuộc sống của cụ Rùa, cho nên gần 20 năm qua tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi với công việc này. Thế nhưng có một điều buồn, là giờ không có sinh viên nào hứng thú theo bước tôi nghiên cứu về cụ Rùa. Công việc này không mang lại tiền bạc.
- Vậy tại sao ông vẫn nghiên cứu về Rùa?
Suốt 20 năm qua tôi vẫn dốc tâm theo dõi về cuộc sống của cụ Rùa và hồ Gươm. Tôi còn đi nhiều nơi khác tìm kiếm hậu duệ cho cụ để giữ nguồn mạch huyền thoại Hoàn Kiếm cho các thế hệ mai sau.
Hồ Gươm là bộ mặt của thủ đô, Rùa hồ Gươm là linh hồn của của hồ Gươm, là báu vật, là cổ vật sống duy nhất của Việt Nam, nhân chứng của trang sử oai hùng chống giặc ngoại xâm thế kỷ 15 của ông cha xưa.
Nhiều người nghĩ rằng, bao nhiêu năm qua, tôi bỏ công ra nghiên cứu bảo vệ Rùa hồ Gươm thì chắc được nhận tiền nhiều lắm. Ngay Dự án “Phục hồi và Ổn định bền vững Hồ Gươm” tôi làm chủ nhiệm, thù lao mỗi tháng cũng chỉ 1 triệu đồng, trong đó trừ đi 10% thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó có dự án khác, người ta trả tôi 100 đôla và 150 ngàn tiền ăn mỗi ngày, ở khách sạn, có ô tô phục vụ đi lại. Có nơi mời tôi nói chuyện trong vòng 2 giờ đã trả 2 triệu đồng.
- Đối với cụ Rùa, điều ông còn chưa làm được là gì?
- Đề nghị đưa cụ Rùa vào Sách Đỏ của tôi vẫn chưa được chấp nhận. Bên cạnh ý nghĩa về tâm linh, cụ Rùa hồ Gươm còn là động vật quý hiếm, nhưng đến nay cả 3 lần xuất bản vào các năm 1992, 2000, 2007 Sách Đỏ Viêt Nam vẫn chưa có tên Rùa hồ Gươm.
Tôi đề nghị đưa ngay Rùa hồ Gươm vào Sách Đỏ Việt Nam trong kỳ xuất bản tới. Rùa hồ Gươm không cùng loài với Rùa Đồng Mô và Giải Thượng Hải (Rafetus swinhoei).
- Là người nghiên cứu lâu năm, vậy ông đã biết Rùa hồ Gươm là "cụ ông" hay "cụ bà" chưa?
Tôi không bao giờ trả lời câu hỏi này.
Hương Thu
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Theo VN Express)
Bài nguồn: Chủ nhật, 3/4/2011, 17:29
http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2011/04/tien-si-ha-dinh-duc-ngu-cung-mo-thay-cu-rua/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét