Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Hưng Yên họp báo về vụ cưỡng chế đất đai tại Văn Giang ngày 24-04-2012

Phó Chủ tịch Hưng Yên báo cáo Thủ tướng vụ Văn Giang



VNN - Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo sáng nay, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo Thủ tướng vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở huyện Văn Giang.

Theo ông Nguyễn Khắc Hào, trong 8 vụ việc khiếu kiện phức tạp kéo dài ở Hưng Yên hiện nay, có 6 vụ cá biệt dai dẳng, 2 vụ đông người. Đặc biệt và điển hình nhất là công dân 3 xã Cửu Cao, Phụng Công, Xuân Quan thường xuyên lôi kéo đông người lên tỉnh, các cơ quan TƯ để kiến nghị và tố cáo 9 nội dung liên quan đến dự án khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang (Ecopark).

Ông Hào đã dành hơn 10 phút để báo cáo về vụ việc này với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

VietNamNet trích đăng báo cáo này:

Dự án khu đô thị Văn Giang được phê duyệt và thực hiện từ năm 2004 theo công thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, trình tự thủ tục thực hiện triển khai tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, được địa phương, các bộ ngành hữu quan của TƯ thẩm định kỹ lưỡng. Dự án có quy mô đầu tư, hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từ dự án này, tạo vốn xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KTXH không chỉ của Văn Giang mà còn cả của Hưng Yên và vùng Thủ đô Hà Nội. Chủ trương là đúng đắn, nhằm phát triển KTXH, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh Hưng Yên, phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh đến năm 2020, quy hoạch vùng tỉnh Hưng Yên đến 2020 và định hướng 2030, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.


Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào báo cáo Thủ tướng vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở huyện Văn Giang. Ảnh: Chung Hoàng


Triển khai dự án, UBND tỉnh và các nhà đầu tư đã rất quan tâm áp dụng các chính sách đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng và các biện pháp giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất, thực hiện theo đúng pháp luật, chế độ tại thời điểm. Dự án được thực hiện với cơ chế chính sách đền bù hỗ trợ cao nhất tại thời điểm trên địa bàn tỉnh và là dự án duy nhất được giao đất đền bù liền kề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi. 

Sau khi dự án được phê duyệt vào năm 2004, năm 2009 tỉnh mới bàn giao được đợt 1 cho nhà đầu tư 57,19 ha để làm đô thị và làm đường giao thông liên tỉnh, nhà đầu tư đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trên diện tích đất đã giao theo đúng quy hoạch được duyệt và phát huy hiệu quả. Đến nay đã có 3852/4876 hộ của 3 xã đã nhận tiền đền bù hỗ trợ, chiếm 79%. Còn 1024 hộ chưa nhận, bằng 21%. Tuy vậy, đến nay đã hơn 8 năm, tỉnh vẫn chưa hoàn thành việc chuyển giao đất cho nhà đầu tư, do người dân khiếu kiện liên tục, tụ tập đông người, lôi kéo kích động, cản trở, không hợp tác, gây nên tình hình phức tạp kéo dài ở 3 xã của huyện Văn Giang trong năm qua, ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống của nhân dân.

Tôi xin báo cáo chi tiết thêm về việc ngày 24/4/2012 vừa qua đã hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho dự án.

Diện tích đất canh tác xã Xuân Quang là 294,6ha, diện tích đất thu hồi để triển khai dự án 129,ha, 107ha đất nông nghiệp, chiếm 36,32% diện tích đất canh tác. Đợt 1 đã bàn giao 57,19ha và vừa rồi bàn giao 72ha. 

Tổng số hộ đã nhận tiền đền bù hỗ trợ và tự nguyện bàn giao đất là 1554/1720 hộ, chiếm 95,5%. Còn lại chỉ còn 5,8ha của 166 hộ chưa nhận tiền đền bù hỗ trợ, chiếm 4,5% phải tiến hành cưỡng chế. Số hộ trên vẫn còn diện tích đất canh tác chứ không phải thu hồi toàn bộ. 

Sau gần 8 năm, các cấp các ngành của tỉnh đã tập trung xem xét giải quyết thoả đáng những kiến nghị chính đáng của người dân, đồng thời trả lời những tố cáo sai sự thật, không có căn cứ. Hưng Yên đã kiên trì tuyên truyền vận động thuyết phục từng hộ dân. Gần đây sau nhiều tháng rà soát các trình tự, thủ tục pháp lý của dự án, các ngành chức năng chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ các phương án đảm bảo an toàn, ngày 4-5/4 vừa qua, UBND huyện Văn Giang đã ra quyết định cưỡng chế đối với 5,8 ha của 166 hộ dân của xã Xuân Quan.

Chúng tôi nhận thức rằng khi đã có chủ trương đúng, hiệu quả KTXH cao, đúng các quy định của pháp luật, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, thì không thể vì một số người chống đối mà không triển khai thực hiện chủ trương đó. 

Ngày 22/4 vừa qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công an, các lực lượng hỗ trợ thi công và cưỡng chế của huyện Văn Giang đã thực hiện tốt các phương án đề ra, đảm bảo an toàn về người và tài sản. 

Sau cưỡng chế, tình hình nhân dân 3 xã ổn định, nhiều hộ dân không nhận tiền hỗ trợ đền bù đã nhận ra sai lầm vì nghe nhóm chống đối xúi giục và kích động.

Từ việc khiếu kiện đông người của một bộ phận người dân ở 3 xã trong vùng dự án ở Văn Giang đến việc tổ chức cưỡng chế vừa rồi, chúng tôi xin rút ra một số nhận thức và bài học bước đầu trong lãnh đạo chỉ đạo và công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Thứ nhất là, phát huy dân chủ phải đi liền với kỷ cương pháp luật, trong từng vụ việc cụ thể cần được xem xét thấu đáo, có lý có tình, nhất là phải đúng quy định của pháp luật. Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển, thì nhất định phải có biện pháp xử lý kiên quyết.

Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền

Thứ hai, về phía tỉnh, có sự chỉ đạo tập trung thống nhất cao của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể. Tăng cường công tác tiếp công dân, coi trọng tuyên truyền, vận động nhân dân và không nóng vội. Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân 3 xã, quan tâm giải quyết các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, theo đúng các quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với báo chí và các cơ quan tuyên truyền. Trước khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ thi công, cưỡng chế, Hưng Yên tổ chức họp báo với 21 cơ quan báo chí TƯ và tỉnh. Trong quá trình thực hiện, đảm bảo đúng trình tự pháp luật và tổ chức rà soát kỹ lưỡng các trình tự thủ tục trước khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ thi công, cưỡng chế, đồng thời có những giải pháp chặt chẽ đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Chung Hoàng ghi
Nguồn: VietNamnet.

 

 

ĐÀO TIẾN THI: THƯ NGỎ GỬI ANH NGUYỄN KHẮC HÀO



THƯ NGỎ GỬI ANH NGUYỄN KHẮC HÀO
Đào Tiến Thi
Hà Nội đêm 2 tháng 5 năm 2012
Kính gửi anh Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên
Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên
Thạc sỹ Ngữ văn, Nhà thơ, Nhà giáo ưu tú
 Em là Đào Tiến Thi, biên tập viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, người từng biên tập nội dung cho cuốn sách Giúp em nói và viết đúng L/N (xuất bản 2006) mà anh là tác giả, có thể anh còn nhớ.
Thưa anh, trước khi làm cuốn sách trên, em cũng đã biết đến anh, vì có lần đã gặp anh ở trụ sở Hội Nhà văn, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, và đã từng đọc một số bài thơ của anh (hiện anh có bài thơ Hạt mưa trong sách giáo khoa Tiếng Việt 3). Dịp biên tập nội dung sách Giúp em nói trên, thì có hẳn những cuộc gặp gỡ trao đổi về bản thảo và đến nay em hãy còn giữ cuốn sách Giúp em có lời đề tặng của anh. Nói thế để thấy em có những ấn tượng nhất định về anh. Còn đối với anh, tuy cũng là một trí thức nhưng lại là một quan chức, có thể tất cả những việc đó chỉ là những thủ tục, những việc xã giao vặt, không có gì phải nhớ. Đó cũng là lẽ thường.
Từ đó không có dịp gặp lại. Với em, hình ảnh về anh tuy không có gì sâu sắc, nhưng khi nhớ đến vẫn có một chút cảm tình. Cảm tình vì anh là một nhà giáo, nhà thơ, và tuy lúc ấy anh là giám đốc sở giáo dục (đang trên đà thăng tiến) nhưng cũng là người cởi mở, dễ mến.
Và thỉnh thoảng nếu có dịp gặp người Hưng Yên, em vẫn hỏi thăm về anh. Biết rằng mấy năm trước anh có gặp vài rắc rối nên được điều về làm bí thư một huyện, tức là con đường hoạn lộ đang đà thăng tiến có khựng lại một chút. Lúc ấy cứ thương thương anh vì em thường nghĩ trí thức mà làm quan là không hợp. Cánh buồm bể hoạn mênh mang mà! Nhưng rồi cũng mừng vì gần đây anh không những hết thời kỳ “biếm trích” (em nghĩ thế) mà lại trở thành PCT thường trực tỉnh. Tuy nhiên từ khi có rắc rối vụ Văn Giang, em lại lo lo, thương thương cho anh, đoán rằng thế nào anh cũng sẽ bị giằng xé giữa một bên là thành viên của hệ thống quyền lực với một bên là lương tri của người trí thức, nghệ sỹ. Điều còn chút yên tâm là trong các tin tức từ Văn Giang, suốt từ khi “nóng” lên (đầu tháng 4-2012) cho đến ngày xảy ra “trận chiến Văn Giang” 24-4-2012, không thấy anh xuất hiện, khiến em đoán rằng chắc anh cũng chỉ ở “vòng ngoài” thôi, thủ phạm đích thực là bí thư và chủ tịch kia.
Thế nhưng chiều tối nay đọc bài tường thuật trên Vietnamnet[1] thì em hết sức sửng sốt, choáng váng đến không tin ở mắt mình. Em phải hỏi lại một số người để xác định có đúng là anh Nguyễn Khắc Hào nhà thơ, nguyên giám đốc sở giáo dục hay không.
Với những cụm từ như “thực hiện theo đúng pháp luật, chế độ”, “chính sách đền bù hỗ trợ cao nhất”, “giải quyết thoả đáng những kiến nghị chính đáng của người dân”, “chủ trương đúng, hiệu quả KTXH cao, đúng các quy định của pháp luật, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ”,... anh đã đại diện cho chính quyền tỉnh Hưng Yên khẳng định rằng trong việc thu hồi, cưỡng chế đất ở Văn Giang vừa rồi, chính quyền không sai gì cả, trái lại chỉ có người dân đấu tranh đòi quyền lợi là sai thôi.
Kinh khủng hơn nữa, anh cho sự chống đối của người dân là do có thế lực phản động (cả trong và ngoài nước) đứng đằng sau kích động:
“Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển, thì nhất định phải có biện pháp xử lý kiên quyết.
Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền” (Báo cáo của PCT Nguyễn Khắc Hào theo tường thuật của Vietnamnet).
Có lẽ cũng không cần phải tranh luận ở đây. Về cuộc thu hồi, cưỡng chế đất ở Văn Giang, anh có thể xem ý kiến của em trong bài Chỉ vì mấy đồng bạc của nhà tư sản? đăng trên blog Nguyễn Xuân Diện ngày 28-4-2012 và trích đăng cả trên một tờ chính thống là tạp chí Văn hóa Nghệ An ngày 2-5-2012 dưới tiêu đề Tại sao lại nhất thiết phải đổi đất lấy hạ tầng?[2]. Xin anh hãy xem lại Luật đất đai 2003, xem có điều nào cho phép thu hồi đất của dân mà đất đó cho doanh nghiệp dùng vào việc kinh doanh (chứ không phải cho an ninh, quốc phòng hay cho khu công nghiệp, khu công nghệ cao,... của Chính phủ). Anh hãy xem lại các hình ảnh công an, cảnh sát cơ động, dân vệ được trang bị vũ khí, dàn trận quy mô hệt như đánh trận, và quả thực đã có trận chiến với những loạt súng chói gắt, khói lửa mịt mù...
Và đặc biệt là cảnh lực lượng vũ trang của nhà nước tấn công người dân: cả chục công an, dân phòng xô vào khống chế 2 người dân, khiến họ không còn khả năng tự vệ nào để rồi đổ xuống thân thể họ trận mưa đòn đấm, đá, lên gối, vụt dùi cui, thúc gậy,... Chắc anh thừa hiểu, ngay cả khi họ phạm tội, cảnh sát cũng không có quyền đánh như thế, huống chi họ tay không và không có biểu hiện chống đối nào. Cách đánh người ấy chỉ có ở thời trung cổ, còn nếu thời hiện đại thì chỉ thấy xảy ra dưới chế độ diệt chủng Pôn-pốt hồi 1975 – 1978. Những hình ảnh mồ mả bị quật tơi bời sau cuộc cưỡng chế mà TS. Nguyễn Xuân Diện chụp được chiều 30-4[3] cũng chỉ có thể hiểu là hình ảnh trả thù kiểu trung cổ mà thôi. Nếu anh cho rằng đấy là sự dàn dựng của “các thế lực phản động” thì anh hãy cho điều tra rõ ràng rồi hãy kết luận.
Em cho rằng không phải anh không biết, thậm chí có thể anh cảm nhận điều ấy sâu sắc hơn em nhiều. Vì nó diễn ra ngay trên chính quê hương anh. Những người dân hiền lành lam lũ kia là hình ảnh của ông bà anh, cha mẹ anh, cô bác anh, các anh chị em họ hàng anh, các bạn bè thuở thơ ấu của anh. Và nhất là vì anh còn là một nhà thơ, hạng người dễ xúc cảm nhất, hạng người thấy cái đau của nhân quần chính là cái đau của mình.
Vậy thì vì sao mà anh xông vào cuộc để đại diện cho chính quyền tỉnh Hưng Yên với những tuyên bố ráo hoảnh, hăng hái và tự tin như vậy? Theo đó thì người ta thấy anh mới chính là người quyết đoán nhất trong việc thu hồi, cưỡng chế này, chứ không phải bí thư, chủ tịch, hai người cấp cao hơn anh.
Việc anh đứng ra chịu trận báo cáo trước Thủ tướng khiến em phải nghĩ đến có một sức ép hay động cơ gì đó. Sức ép thì có lẽ không: anh có thể từ chối, vì anh chỉ là cấp phó thôi mà. Em nghĩ thiên về khả năng thứ hai: có lẽ thấy anh còn trẻ (so với đội ngũ những người “ngang cơ”) nên người ta hứa cho anh vào những chỗ cao hơn. Và đây là cuộc “sát hạch” đối với anh. Em nghe nói ở Trung Quốc người ta cũng thường làm như thế. Nghĩa là muốn đặt một quan chức vào vị trí cao hơn, người ta giao cho anh ta phải làm một việc ÁC ĐỘC, xem anh ta có dám làm không. Một người ít học bị u mê như thế có thể hiểu được. Nhưng nếu nó lại là anh, ít ra cũng mang danh trí thức – nghệ sỹ thì thật là khủng khiếp. Nhưng dù có như thế thì có lẽ vẫn còn chút hy vọng hơn là do anh nhận thức tự giác, rằng đấy là “lý tưởng” cống hiến, là hoàn toàn “dấn thân” vì nhân dân.
Và nếu quả anh bị u mê vì những lời hứa hẹn này nọ để bài binh bố trận chống lại nhân dân thì, thay lời kết, xin đọc tặng anh mấy câu thơ của Nguyễn Du (mà chắc anh cũng biết) trong Văn tế thập loại chúng sinh:
- Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời.
- Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Dãi thây trăm họ làm công một người.
- Kìa những kẻ mũ cao áo rộng
Ngọn bút son thác sống ở tay
Kinh luân sẵn một túi đầy
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu
Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh
Ngàn vàng khôn đổi được mình
Lầu ca viện hát tan tành còn đâu.
Kính thư
Đào Tiến Thi

[3] http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fkhnaqvraunaabz.oybtfcbg.pbz/2012_04_30_nepuvir.ugzy

(Nguồn: Nguyễn Xuân Diện Blog) 
 -------------------------------------------------------------------------

Này hỡi ông Hào!

Đọc bài Phó Chủ tịch Hưng Yên báo cáo Thủ tướng vụ Văn Giang ( tại đây) mình ngồi cười một mình.  Nếu ai không biết thế nào là trơ trẽn thì nên đọc bài này. Chỉ cần đọc hai bài học mà ông Nguyễn Khắc Hào rút ra qua vụ Văn Giang thì biết. Đại khái lãnh đạo Hưng Yên rất ngon lành, đây này: “từng vụ việc cụ thể cần được xem xét thấu đáo, có lý có tình, nhất là phải đúng quy định của pháp luật.” Đây nữa này: ” Tăng cường công tác tiếp công dân, coi trọng tuyên truyền, vận động nhân dân và không nóng vội. Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân 3 xã, quan tâm giải quyết các quyền và lợi ích chính đáng của người dân, theo đúng các quy định của pháp luật”.
Lãnh đạo sáng suốt tận tâm giải quyết cho dân hết ý nhé, đền bù cho một mét đất bằng ba phát phở bò Việt Nam nhé, một sào đất bằng ba chục bát phở bò Mỹ nhé, giá cao nhất tỉnh nhé, đúng là yêu dân hơn yêu bò nhé. Sở dĩ cưỡng chế là để nghiêm trị: “Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển…”.
Nhưng cái sự nghiêm trị cũng nhẹ nhàng tình cảm lắm nhé, không nổ súng nhé, không đánh đập bắt bớ nhé, chỉ ném hai quả đạn cay thôi nhé. Chính quyền của dân vì dân do dân nhé, các quan coi dân như bố mẹ, không  dám hỗn láo với dân đâu nhé. Còn thông tin mà dân thấy được, nghe được, đọc được là của bọn phản động đấy, chớ có tin nhé.
  Hi hi ông Hào còn khẳng định rất đanh thép: “Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”.
Ông Hào thứa biết những “luận điệu thù địch” kiểu này dân nghe đã nhàm tai rồi, chán không buồn cãi nữa, vì thế ông tha hồ nói. Nhỡ có ai ngứa mồm cãi lại thì ông đã có cái mũ phản động chụp ngay xuống, khỏi phải lo. Đúng đấy thưa ông, miệng quan trôn trẻ, ai lại đi đôi co với mấy cái lỗ đít của trẻ con. Chỉ hơi ngạc nhiên, nghe nói ông là nhà giáo nhà thơ thế mà ông không biết xấu hổ, kể cũng lạ quá.
   Gửi tới ông câu ca này: Hòn đất mà biết nói năng/ ông phó chủ tịch  hàm răng chẳng còn, ông đứng trước gương đọc xem có đỏ mặt chút nào không. Chắc không. Đạo làm quan thời này đã phá hỏng tâm hồn nhà thơ nhà giáo của ông mất rồi, chỉ còn thứ ngôn ngữ té re như trôn trẻ, kinh lắm  ối ông Hào ôi!.
Nguyễn Quang Lập
(Nguồn: Blog Quê Choa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét