Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Đổ xô tìm đất “xí chỗ” lo hậu sự cho người thân

*MLC: Cứ đà này rồi đến lúc người sống không còn đất để ở vì đất dành cho người cõi âm bị sử dụng hết rồi. Đi khắp nơi từ thành phố đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhiều nơi hiện nay mồ mả dành cho người chết còn xa hoa, lộng lẫy hơn cả nhà người đang sống. Không hiểu các cán bộ, con cháu Bác Hồ đâu không học tập tấm gương của Bác rằng 'khi chết không cần xây mộ to đẹp để dành đất trồng cây' mà càng các vị cán bộ và có chức quyền lại càng xây mộ to đẹp xa hoa lãng phí. Đến lúc chết xuống mọi người đều là nắm xương tàn có gì mà danh giá hơn ai? Có lẽ ở điểm này người theo Thiên chúa giáo văn minh hơn các đạo khác ở Việt Nam chăng?
-----------------------------------------------------------
Thứ Sáu, 01/07/2011 - 09:07
TPHCM:
Đổ xô tìm đất “xí chỗ” lo hậu sự cho người thân
(Dân trí) - Giữa phố phường đất chật người đông, việc tìm một chỗ lo hậu sự cho bản thân hay người nhà đang là “trào lưu” tại TPHCM.
Nghĩa tử là nghĩa tận
Thời buổi này, giữa TPHCM, để tìm một chỗ lo hậu sự cho người thân không hề dễ. Nhiều người từ khi còn sống đã lo cho ngày phải về “bên kia thế giới” nên sốt sắng đi tìm đất “xí chỗ” trước. Việc đi tìm đất, xây mồ trước khi chết… đang là một “trào lưu” của người Sài Gòn.
Ông Phạm Công Tuấn (60 tuổi, ngụ P.22, Q.Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, ông bị chứng bệnh tai biến, sống chết lúc nào chẳng hay. Quyết không để con cháu phải khổ vì chuyện hậu sự của mình, ông đã lặn lội khắp thành phố rồi xuống tận Bình Dương, Đồng Nai… để khảo sát giá, tìm đất xây mộ cho riêng mình.
“Sống chết mấy hồi. Mình ngã cái đùng xuống, chúng xoay xở sao kịp. Thôi thì lo trước cho con cháu cũng là cách để có nhỡ ra đi cũng thanh thản hơn”, ông Tuấn cho biết. Nghĩ là làm, dù mảnh đất xây mồ tại Bình Dương có diện tích 2,5x4m mà có giá đến 50 triệu đồng, ông Tuấn cũng sẵn sàng mua.
Việc lo hậu sự cho người thân là nghĩa cử đẹp của người Việt Nam
Để tỏ lòng hiếu thảo với bà nội, 4 đứa con nhà ông Dương Minh Học (phường Đa Kao, Q.1) đã bỏ đến 80 triệu để “xí” một mảnh đất nhỏ xây mồ cho bà trong nghĩa trang có vị trí đắc địa của TPHCM. “Bà nội cưng chiều, chăm sóc cho anh em chúng tôi nhiều. Dù có khó khăn mấy chúng tôi cũng cố gắng tìm chỗ an nghỉ tốt cho bà. Nghĩa tử là nghĩa tận, việc mua đất xây mồ xuất phát từ lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên thôi mà”, chị Nguyệt, cô gái út của ông Học, chia sẻ.
Cũng không ít gia đình đã bỏ hàng trăm triệu mua liên tiếp 4 phần mộ sát nhau trong nghĩa trang Đa Phước. Theo họ, việc chôn cất gần nhau nghĩa là dù có xuống suối vàng họ cũng được bên cạnh và sum họp như một gia đình trên trần thế. Việc “xí” một diện tích lớn, xây loạt mộ đẹp còn thể hiện “đẳng cấp” và sự tự hào “danh gia vọng tộc” của không ít gia đình lắm tiền.
Quá tải chỗ “an nghỉ”
Khảo sát của Dân trí, hiện nay loại hình đất nghĩa trang ở TPHCM không còn nhiều. Nghĩa trang Bình Hưng Hoà đã hết và đang giải toả, nghĩa trang Đa Phước đang giải toả mặt bằng để thực hiện giai đoạn 2. Giải tỏa chưa xong, hạ tầng chưa được xây dựng nhưng chủ đầu tư đã đưa vào khai thác do nhu cầu bức thiết của người dân. Các nghĩa trang ở quận 9, Thủ Đức… cũng đã không còn chỗ trống.
Các khu nghĩa trang tại TPHCM cũng xuống cấp trầm trọng, hạ tầng không được đầu tư đồng bộ do thành phố chưa có một quy hoạch bài bản cho loại hình bất động sản này.
Trong khi đó, chủ trương của UBND TPHCM là không cho người dân chôn cất ở gia đình mà phải đưa vào những nơi quy hoạch dành cho nghĩa trang. Điều này khiến những người có nhu cầu đổ xô về các khu vực vùng ven và các tỉnh lân cận mua đất cho người chết.
Vô hình chung làm cho tình trạng khan hiếm đất nghĩa trang không chỉ ở TPHCM mà còn diễn ra ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Lợi dụng việc này, nhiều “cò nghĩa trang” xuất hiện và đánh vào tâm lý của người mua để “móc túi”.
Cô Dương (nhà đường Lý Chánh Thắng, Q.1) than thở: “Mua miếng đất xây mồ, nếu không gặp chính chủ mà thông qua “cò” thì họ hét giá chênh lệch kinh khủng. Vừa rồi, vì bà ngoại mất đột ngột, xoay không kịp, thông qua cò, tôi mất hơn cả chục triệu đồng”.
 
Tuy nhiên, để kiếm được một vị trí khang trang không phải dễ và tốn khá nhiều tiền
Thời gian gần đây tình trạng thiếu đất hương hoả đã biến nhiều đất ở khu vực vùng ven, kể cả đất nhà chùa, giáo xứ, đất nông nghiệp... thành nghĩa trang tự phát, đe dọa đến môi trường sống người dân xung quanh mất vẻ mỹ quan và đầy bất ổn.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm ở khu vực tam giác TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai có khoảng hơn 60.000 người chết. Với diện tích đất cần để làm nơi yên nghỉ khoảng 90 ha. Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu cho quỹ đất nghĩa trang ở các khu vực này cũng lên đến hơn 900 ha.
Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, các tỉnh, thành phố đã và đang phải xây dựng nghĩa trang tập trung nhằm khắc phục phần nào nhu cầu thiết yếu nhất. Vừa qua, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt dự án xây dựng nghĩa trang ở xã Đông Thạnh, nghĩa trang nhân dân Đa Phước ở huyện Bình Chánh với quy mô 67 ha, nghĩa trang chính sách mới ở huyện Củ Chi với quy mô khoảng 105 ha.... Tại Bình Dương, nghĩa trang công viên Bình Dương ở huyện Bến Cát cũng được triển khai với diện tích khoảng 200 ha.
Trước thực trạng này, tỉnh Đồng Nai đã cho phép xây nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu. Nghĩa trang này mang dáng dấp của một công viên thực thụ, được thiết kế với quy mô 116,24 ha với khoảng 60.000 chỗ an táng và 300.000 chỗ lưu tro cốt. Nghĩa trang có khu hỏa táng và lưu cốt, khu nhà nguyện, có cả khu mộ đơn, mộ đôi, mộ gia đình và mộ danh nhân, doanh nhân.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, cùng với việc quy hoạch những khu đô thị mới khang trang, tỉnh cũng đã dành quỹ đất cho việc quy hoạch các nghĩa trang tập trung theo mô hình dạng công viên để nơi đây không đơn thuần chỉ để an nghỉ của người đã mất mà còn là nơi có khung cảnh văn minh, hiện đại và sạch đẹp.
“Việc xây dựng công viên nghĩa trang An Viên Vĩnh này sẽ giải quyết được vấn đề bức xúc hiện nay là sự quá tải tại các nghĩa trang trong đô thị. Tiếp đó là giải quyết được vấn đề về môi trường”, một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết.
-----------
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, việc lo hậu sự luôn là một việc hệ trọng của cuộc đời mỗi con người cũng như gia đình và xã hội.  Chúng ta đang đứng trước không ít những bức xúc đến môi trường, bảo vệ tài nguyên đất, vấn đề văn hóa, tâm linh liên quan đến việc xây dựng nghĩa trang. Chính nghĩa trang lại là nơi có tác dụng rất tốt trong việc giáo dục con người về đạo lý đối với tổ tiên, về trách nhiệm đối với xã hội, giữ gìn được chất văn hoá của người Việt và đồng thời cũng dần dần đưa ta đi vào nề nếp của đời sống hiện đại.

 
                                                                                                                                       Công Quang

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Vạ vật thâu đêm giành suất học mầm non

*MLC: Theo ngu kiến của MLC, 70.000 tỷ đồng dự định đốt cho đề án giảm tải của BGD nên dành xây dựng thêm trường mầm non, cơ sở giáo dục đã quá tải từ nhiều năm nay tại Hà Nội như nguyện vọng của các phụ huynh trong phóng sự đề cập. Đó mới là vấn đề thiết yếu và cấp bách trước mắt, chứ không phải lúc nào cũng 'động giồ' hết cải tiến rồi cải lùi. Không biết mấy cái ông giáo sư, tiến sĩ* trong cái Bộ giáo dục đó nghĩ sao, chả có ở đâu mà việc đi xin học mầm non ở Hà Nội khốn khổ như thế này. Chỉ có thể dùng từ quá khủng khiếp !

*Nhiều kẻ ít học nói một câu chua chát thế này 'ở VN bây giờ giáo sư, tiến sĩ nhiều hơn lợn' -Tất nhiên không thể đánh đồng hết tất cả các giáo sư, tiến sĩ tài năng thật sự.
*Hiện nhiều phường trên địa bàn HN vẫn chưa có cơ sở giáo dục mầm non.

--------------------------------------------------------------------

22h đêm 30/6, hàng trăm phụ huynh chen lấn trước cổng trường mầm non Thành Công A (Hà Nội), vạ vật qua đêm chờ đến sáng hôm sau để được mua hồ sơ xin học cho con.

Ngay từ 21h tối, nhiều phụ huynh có con, cháu chuẩn bị vào mẫu giáo, mầm non đứng ngồi la liệt trước cổng trường Mầm non Thành Công đang đóng kín. Có người mang ghế, ô che, bạt, báo để ngồi, có người mang sách ra đọc, thậm chí còn mang chiếu để ngủ. Ai cũng trong tinh thần trực chiến thâu đêm.
Đến cổng trường từ 16h, bà Thúy (Thành Công A) cho biết, để cho đứa cháu được vào học ở trường mầm non Thành Công A, gia đình bà đã rục rịch cả tháng nay. Sau thời gian "cân đong, đo đếm" giữa các trường, gia đình quyết định trường mẫu giáo gần nhà vẫn là nhất.
"Trường công nên học phí rẻ, cách nhà chỉ vài bước chân, ông bà ở nhà có thể đưa đón cháu mà không sợ xe cộ. Dù được biết phải xếp hàng giành chỗ gia đình chúng tôi cũng chấp thuận", bà Thúy nói và cho hay, việc đăng kí danh sách vòng ngoài đã được làm từ trước đó một tuần.
Ngồi đợi trời sáng để được nộp đơn sớm tại trường mầm non Bình Minh. Ảnh: Hoàng Hà.
Bà nhớ, hôm đó trời mưa to, gió lớn, vậy mà nghe hàng xóm mách nhiều người đang tụ tập đăng kí học mầm non, bà bỏ cơm, đội mưa ra trường đăng kí. Chẳng biết trưởng nhóm do ai bầu, bà ra sau nên xếp số 73. Nhưng từ hôm đó đến nay, danh sách này đã được hủy đi, lập lại hàng chục lần.
"Bản mới nhất được lập chiều nay, tôi may mắn xếp vị trí số 3. Nhưng đêm nay vẫn phải thức thâu đêm, mấy mẹ con thay phiên nhau canh chừng, đề phòng một danh sách mới được lập, mình lại không có tên", bà Thúy cho hay.
Chui ra từ đám đông, bà Huyền mồ hôi nhễ nhại, khua quạt liên hồi và nháo nhác tìm con trai. Khi nhìn thấy anh, bà vui mừng thông báo được xếp thứ 32. Để có được vị trí này, bà đã phải ăn trực, nằm chờ ở trường suốt một tuần nay, đặc biệt thường trực từ hơn 16h, khi chợ chiều còn chưa tan.
Bà Huyền cho biết, năm nay trường mẫu giáo Thành Công nhận 70 cháu 2 tuổi, 70 cháu 3 tuổi. Tuy nhiên, tổng số trẻ em của phường phải gấp 3 lần con số đó. Cầm theo mũ, giấy để ngồi, bà cho biết, việc xếp hàng, chen lấn, giành nhau vị trí rất mệt mỏi, nhưng vì tương lai của cháu nên bà phải cố.
"Lúc nãy vợ chồng con trai ra thay phiên cho tôi về nhà nghỉ, nhưng về được một tiếng thì không yên tâm nên lại ra. Mình già rồi ngủ ít nên túc trực thay cho các con, để chúng lấy sức đi làm vào sáng hôm sau", bà chia sẻ.
0h sáng 1/7, trưởng nhóm của hai độ tuổi 2 tuổi và 3 tuổi yêu cầu mọi người ngồi xuống, giữ trật tự để thông báo thứ tự đăng kí cho các gia đình. Theo các phụ huynh, danh sách này rất quan trọng, sẽ được đưa cho Công an đối chiếu với sổ hộ khẩu, sau đó chuyển vào trường. Sau thông báo này, nhiều phụ huynh tìm chỗ trải chiếu ngủ, nhiều người phe phẩy quạt mo ngồi chờ trời sáng.
Hàng trăm người xếp hàng trước cổng trường Mầm non Thành Công từ khoảng 17 giờ ngày 30/6 để kiếm suất học cho con. Ảnh: Hoàng Hà.
Tại trường mẫu giáo Bình Minh (Lạc Long Quân, Tây Hồ), 23h30 cổng trường có khoảng 30 phụ huynh người nằm, người ngồi hóng mát, xếp hàng chờ vào nộp đơn. Ông Lại Phú Lê (Thụy Khuê, Tây Hồ) năm nay đã 81 tuổi, đi xếp hàng nộp đơn cho cháu ngoại tâm sự, ông đã năm lần đi xếp hàng giành suất học trường Bình Minh cho cháu, càng những lần sau, mức độ càng "ác liệt" hơn.
"Ngày xưa tôi chỉ phải dậy sớm đi xếp hàng, giờ thì đã ra từ chiều hôm trước mà vẫn xếp thứ tự 23. Năm nay trường chỉ nhận 25 em nên dù muộn tôi vẫn là người may mắn", ông Lê nói.
Đội chiếc mũ che sương, ông cười cho biết, cả đời nuôi 8 đứa con, gần 10 đứa cháu nhưng việc học của họ khiến ông băn khoăn nhất. Càng ngày, để các cháu được đi học càng khó khăn hơn, ông cũng phải tốn nhiều công hơn.
Bàn về cách khắc phục tình trạng xếp hàng xí chỗ, nhiều người cho rằng các vị phụ huynh đang tự làm khổ nhau. Tại trường Mầm non Thành Công, phụ huynh tên Hải cho rằng tình trạng này diễn ra nhiều năm mà không được khắc phục.
"Không được vào trường công, bố mẹ lại không có tiền cho học trường tư, các cháu chỉ còn cách ở nhà hoặc vào các điểm trông trẻ. Ở tình trạng không được học gì mà khi lên lớp 1, cô giáo đòi các cháu biết hết mặt chữ thì chúng tôi đành chịu", anh Hải nói.
Anh cũng đề xuất, hàng năm, UBND phường nên thống kê các cháu đến tuổi vào mẫu giáo, lớp 1 thông báo được đi học tại các trường trúng tuyến. "Thống kê được số cử tri thì không lí nào không thống kê được số trẻ đủ tuổi đến trường. Nhà cửa, nhà máy mọc lên, con người nhiều hơn tại sao trường học không được xây thêm. Học là quyền lợi mà các cháu xứng đáng được hưởng cơ mà, sao lại để phụ huynh chúng tôi phải khổ sở thế", anh Hải bức xúc.
------------------------------------------
Hà Nội hiện có gần 800 trường mầm non, trong đó hơn 650 trường công lập ở 29 quận, huyện, thị xã nhưng số trường lớp vẫn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí, còn 6 phường ở nội thành chưa có trường mầm non công lập. Với số trẻ ra lớp hiện nay, cấp học mầm non Hà Nội vẫn thiếu khoảng 700.000 m2 đất. Tình trạng quá tải này đã khiến ở nhiều nơi, 65-70 trẻ phải học chung một lớp, trong khi theo quy định chỉ là 35 cháu.
Theo đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thành phố Hà Nội đến năm 2015" (tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng), Hà Nội sẽ chi 650 tỷ đồng xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 360 tỷ đồng xây mới trường mầm non, hơn 1.000 tỷ đồng xóa phòng học tạm và phòng học cấp 4...
Hoàng Thùy
(Nguồn: VNexpress)

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Sao quê hương mình già nua đến vậy?

*MLC: MLC Xin giới thiệu với quý độc giả một bài viết mà MLC cho là rất hay. Bài được copy từ BBC Tiếng Việt. Xin trân trọng giới thiệu.

---------------------------------------------------------------------------------
Việt Nam
Tác giả băn khoăn về năng lực kinh tế thực sự của Việt Nam.
Các nhà đầu tư thế giới thường nghĩ về Việt Nam như một quốc gia trẻ trung, đang lên và chứa nhiều tiềm năng nhất trong số các thị trường mới nổi.
Họ ấn tượng với con số tăng trưởng về dân số, về sự kiện là 58% người Việt dưới tuổi 25, và theo nhãn quan của người Âu Mỹ, đây là phân khúc sáng tạo và cầu tiến nhất của bất cứ xã hội nào.
Họ tìm đến Việt Nam mong những đột phá kỳ diệu và một vận hành năng động kiểu thung lũng Silicon (trung tâm IT của Mỹ ở phía nam San Francisco).
Sau vài năm tung tiền mua tiềm năng và cơ hội, họ thường thất vọng và âm thầm bỏ đi. Tại sao?
Những giả thuyết ngây thở chăng? Họ đã không lầm về những số liệu tạo nên hình ảnh đó.
Tuy nhiên, sự phân tích và biện giải về logic của họ vướng phải vài giả thuyết và tiền đề không chính xác. Một người có số tuổi còn trẻ không có nghĩa là sự suy nghĩ và vận hành của người đó cũng phải trẻ trung như số tuổi, nhất là khi họ lớn lên trong một xã hội khép kín, ít tiếp xúc với thế giới.
Tôi còn nhớ một đai gia công nghệ thông tin (IT) nổi tiếng cũng đã từng kết luân trong một buổi hội thảo về kinh tế là số người sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng 36% mỗi năm trong 5 năm qua và lên đến 68 triệu người hay khoảng 80% dân số.
Kết luận của anh chuyên gia trẻ này là tương lai về công nghệ thông tin của Việt Nam phải sáng ngời và sẽ vượt trội các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines…
Đây là những kết luận ngây thơ về thực tại của xã hội. Một người trẻ suốt ngày la cà quán cà phê hay quán nhậu sẽ không đóng góp gì về sáng tạo hay năng động; cũng như vài ba anh chị nông dân với điện thoai cầm tay không thay đổi gì về cục diện của nông thôn ngày nay (nông dân vẫn chiếm đến 64% của dân số xứ này).
Tôi thích câu nói (không biết của ai): "Tất cả bắt đầu bằng suy nghĩ (tư duy). Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động liên tục biến thành thói quen và thói quen tạo nên định mệnh."
Định mệnh của cá nhân phát sinh từ tư duy cá nhân, định mệnh tập thể đúc kết bởi suy nghĩ của tập thể.
Tư duy, định mệnh
Tôi nghĩ lý do chính yếu của những thói quen tệ hại này là bắt nguồn từ một tư duy già cỗi, nông cạn và nhiều mặc cảm.
Alan Phan
Quên đi góc nhìn cá nhân, hãy tự suy nghĩ về tư duy thời thượng của xã hội này và từ đó, ta có thể nhận thức được những hành xử và thói quen của người dân Việt Nam.
Bắt đầu từ tầng cấp lãnh đạo về kinh tế, giáo dục và xã hội đến lớp người dân kém may mắn đang bị cơn lũ của thời thế cuốn trôi; tôi không nghĩ là một ai có thể lạc quan và thỏa mãn với sự khám phá.
Những thói quen xấu về chụp giựt, tham lam, mánh mung, dối trá, liều lĩnh, sĩ diện… vẫn nhiều gấp chục lần các hành xử đạo đức, cẩn trọng, trách nhiệm, danh dự và hy sinh.
Dĩ nhiên, đây là một nhận định chủ quan, sau một lục lọi rất phiến diện trên báo chí, truyền hình và diễn đàn Internet. Nhưng tôi nghĩ là rất nhiều người Việt sẽ đồng ý với nhận định này.
Tôi nghĩ lý do chính yếu của những thói quen tệ hại này là bắt nguồn từ một tư duy già cỗi, nông cạn và nhiều mặc cảm. Tôi có cảm giác là ngay cả những bạn trẻ doanh nhân và sinh viên mà tôi thường tiếp xúc vẫn còn sống trong một thời đại cách đây 100 năm, dưới thời Pháp thuộc.
Thực tình, nhiều bậc trí giả đã lo ngại là so với thời cũ, chúng ta đã đi thụt lùi về đạo đức xã hội và hành xử văn minh.
Tôi thường khuyên các bạn trẻ hãy đọc lại những tiểu thuyết của thời Pháp thuộc trước 1945.
Họ sẽ thấy đời sống và các vấn nạn của một nông dân trong truyện của Sơn Nam vẫn không khác gì mấy so với một nông dân qua lời kể của Nguyễn Ngọc Tư.
Bâng khuâng và thách thức của những gia đình trung lưu qua các câu chuyên của Khái Hưng rất gần gũi với những mẩu chuyện ngắn của nhiều tác giả trẻ hiện nay. Ngay cả những tên trọc phú, cơ hội và láu lỉnh trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cũng mang đậm nét hình ảnh của những Xuân Tóc Đỏ ngày nay trong xã hội.
Ôm lấy quá khứ
Sài Gòn, Việt Nam
Tác giả tin rằng VN muốn phát triển phải vượt qua những thói quen, tư duy và mặc cảm cũ kỹ từ trong quá khứ.
Tóm lại, tôi có cảm tưởng chúng ta vẫn sống và vẫn tranh đấu, suy nghĩ trong môi trường cả 100 năm trước. Những mặc cảm thua kém với các ông chủ da trắng vẫn ám ảnh các bạn trẻ ngày nay. Chúng ta vẫn bàn cãi về những triết thuyết mà phần lớn nhân loại đã bỏ vào sọt rác.
Trong lãnh vực kinh doanh, phần lớn các doanh nhân vẫn cho rằng bất động sản và khoáng sản là căn bản của mọi tài sản. Sản xuất gia công và chế biến nông sản vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Một doanh nhân Trung Quốc đã mỉa mai với tôi khi đến thăm một khu công nghiệp của Việt Nam, “Họ đang cố học và làm những gì chúng tôi đang muốn quên”.
Tôi đang ở tuổi 66. May mắn cho tôi, nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi khác hẳn thời Pháp thuộc. Tôi không cần phải dùng tay chân để lao động, cạnh tranh với tuổi trẻ. Kinh doanh bây giờ đòi hỏi một sáng tạo chỉ đến từ trí tuệ và tư duy đổi mới. Thân thể tôi dù bị hao mòn (xương khớp lỏng lẻo, tai mắt nhấp nhem...) nhưng trí óc tôi và tinh thần vẫn trẻ hơn bao giờ hết.
Thêm vào đó, nó không bị phân tâm bởi những hoóc-môn về đàn bà hay những thứ lăng nhăng khác như các bạn trẻ. Do đó, hiệu năng và công suất của sự suy nghĩ trở nên bén nhậy hơn.
Người Mỹ có câu, “Những con chó già không bao giờ thay đổi” (old dogs never change). Do đó, tôi thường không thích trò chuyện với những người trên 40, nhất là những đại trí giả.
Nhưng tôi thất vọng vô cùng khi về lại Việt Nam và gặp toàn những ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế.
Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lập đi lập lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm.
Alan Phan
Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lặp đi lặp lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm. Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt.
Nhiều người đỗ lỗi cho những thế hệ trứơc và văn hóa gia đình đã kềm kẹp và làm cho thế hệ trẻ này hay ỷ lại và hư hỏng.
Cha mẹ vẫn giữ thói quen sắp đặt và quyết định cho các con đã trưởng thành (ngay khi chúng vào tuổi 30, 40..) về những cuộc hôn nhân, công việc làm, ngay cả nhà cửa và cách sinh họat.
Hậu quả là một thế hệ đáng lẽ phải tự lập và lo tạo tương lai cho mình theo ý thích lại cúi đầu nghe và làm theo những tư duy đã lỗi thời và tụt hậu.
Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ đang lần mò trong bóng tối của quá khứ, với sự khuyền khích của các nhóm muốn giữ quyền lực và bổng lộc.
Tôi tự hỏi, sao quê hương mình ... già nua nhanh như vậy? Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá bóng của Châu Âu?
Tôi nhìn vào những nghèo khó của dân mình so với láng giềng chỉ là một tình trạng tạm thời. Nhưng tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ sẽ giữ chân Việt Nam thêm nhiều thập niên nữa. Cái bẫy thu nhập trung bình to lớn và khó khăn hơn mọi ước tính.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một người Việt Nam, hiện là chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hong Kong và Thượng Hải. Bản gốc đã đăng ở trang web của tác giả www.gocnhinalan.com.

Buộc xuất cảnh LĐ nước ngoài không phép -CP đã biết sai và đang sửa

*MLC: Hẳn mọi người còn nhớ cách đây hơn 1 năm khi vấn đề khai thác boxit Tây Nguyên đang làm nóng bỏng Nghị trường Quốc hội VN, khi đó nhiều chuyên gia, tướng lĩnh quân đội đã đưa ra cảnh báo về tình trạng mất an ninh quốc phòng khi Trung Quốc đưa người của họ sang khai thác boxit và sẽ trở thành đội quân thứ 3 trong trường hợp Trung Quốc tấn công Việt Nam. Lúc đó những cái đầu bảo thủ trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của chúng ta biện bạch nào là 'khai thác boxit là chủ trương lớn của Đảng, hợp lòng dân, đúng đắn, v.v'. Cũng may khi đó Quốc hội không thông qua dự án Đại công trường boxit. Quay qua quay lại có hơn một năm khi không đạt được mục đích người Trung Quốc trở mặt gây hấn trên Biển Đông, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn nạn ngoại xâm cận kề, phải chăng những cái đầu bảo thủ của chính phủ đã biết sai và đang sửa?

Thủ tướng CP vừa ký ban hành Nghị định số 46 thay thế Nghị định số 34 ban hành năm 2008 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có hiệu lực từ 1/8.


Lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam cần tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Một trong những điểm mới nhất của Nghị định sửa đổi, bổ sung này là yêu cầu các chủ đầu tư trong quá trình lập hồ sơ mời thầu phải quy định nội dung về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật. Theo đó, phải ưu tiên sử dụng người lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện.
Trường hợp gói thầu cần sử dụng người nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài, bao gồm: Vị trí công việc, số lượng; trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.
Cũng theo Nghị định mới, Bộ Công an sẽ không cấp thị thực đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi chưa được cấp giấy phép lao động, giấy phép hết hiệu lực lao động hoặc vô hiệu. Không gia hạn tạm trú, buộc xuất cảnh hoặc trục xuất đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi chưa được cấp giấy phép lao động, giấy phép lao động hết hiệu lực, hoặc vô hiệu.
6 tháng sau khi Nghị định này có hiệu lực, tức từ 1/2/2012, nếu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động theo quy định, thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan Công an buộc xuất cảnh hoặc trục xuất.




Tác giả : TS
(Nguồn VTV)

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Libya - Chiến tranh cháy nhà lộ mặt tham nhũng

Chính phủ Libya có trăm tỷ USD bí mật

Phần lớn tài sản của chính phủ Gadhafi do Cơ quan đầu tư Libya (LIA) quản lý có trị giá từ 80 đến 100 tỷ USD, và tung tích một phần số tiền khổng lồ này vừa được tiết lộ qua tài liệu rò rỉ của chính LIA.

Chính phủ của đại tá Gadhafi đang gửi nhiều tỷ USD trong các ngân hàng nước ngoài. Ảnh minh hoạ:
Chính phủ của đại tá Gadhafi đang gửi nhiều tỷ USD trong các ngân hàng nước ngoài. Ảnh minh hoạ: FAQS.

Trong tiếng Ảrập, LIA có nghĩa là "mẹ của các ngân quỹ", được lập ra với mục đích quản lý số tiền dư thừa từ nguồn xuất khẩu dầu mỏ của Libya dành cho các thế hệ tương lai. Nhưng cơ chế hoạt động của LIA gắn liền với gia đình Gadhafi và đây được coi là một phần nguyên nhân khiến người dân Libya nổi dậy "làm cách mạng".
Hiện nay tất cả những tài sản do LIA thay mặt chính phủ Gadhafi gửi ở nước ngoài đều bị phong toả, theo lệnh của Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, do quy định bảo mật thông tin khách hàng của các ngân hàng nên không ai biết chính xác số tiền lên tới hàng trăm tỷ USD của chế độ Gadhafi đang được gửi tại đâu.
BBC cho biết, một báo cáo nội bộ của LIA bị rò rỉ và được nhóm Global Witness thu thập công bố đã tiết lộ rằng, vào ngày 30/6 năm ngoái, có 293 triệu USD của chính phủ Libya được gửi vào các tài khoản trong ngân hàng HSBC và 275 triệu USD gửi trong một quỹ đầu tư cũng của HSBC. Bên cạnh đó là 110 triệu USD đầu tư vào các quỹ tư nhân do ngân hàng Royal Bank of Scotland quản lý và 182 triệu USD trong các tài khoản và quỹ của Goldman Sachs.
Ngân hàng Pháp Societe General cũng nhận 1,8 tỷ USD do LIA gửi vào 3 tài khoản khác nhau. Trong khi đó, các ngân hàng được nhắc đến trong tài liệu rò rỉ không đưa ra bình luận chính thức nào về số tiền mà họ nhận được và thay mặt LIA quản lý. Phát ngôn viên một ngân hàng cho biết, các luật sư nói rằng họ không cần phải nói gì về điều này.
Trên thực thế, phần lớn tài sản của LIA đang được cất giữ tại Libya hay các tổ chức tài chính thuộc thế giới Ảrập chứ không phải phương Tây. Trong số này có 14,2 tỷ USD, 2,9 tỷ Euro và 1,7 tỷ bảng gửi trong Ngân hàng trung ương Libya. Bênh cạnh đó là 356 triệu USD gửi trong Arab Banking Corporation dưới nhiều loại tiền khác nhau và 178 triệu USD trong British Arab Commercial Bank.
Các báo cáo nội bộ của LIA bị rò rỉ còn tiết lộ rằng có 500 triệu USD được đầu tư vào trái phiếu do ngân hàng Nhật Bản Nomura quản lý và 500 triệu USD khác cũng đầu tư vào trái phiếu nhưng do Bank of New York quản lý. Một quỹ đầu tư phòng vệ của Mỹ là Och-Ziff cũng nhận được 300 triệu USD từ LIA để thay mặt họ quản lý.
Ngoài ra, tài liệu trên còn cho thấy tới năm ngoái, LIA vẫn còn nắm giữ một khối lượng cổ phiếu khổng lồ trị giá nhiều trăm triệu USD trong một số công ty hàng đầu thế giới, trong đó có Unicredit và ENI của Italy, Siemens và RWE của Đức, Rusal của Nga, General Electric của Mỹ, BP và Vodafone của Anh.
Nhóm Global Witness công bố tài liệu trên bày tỏ mong muốn tất cả các ngân hàng phải công bố số tài sản mà họ đang thay mặt các chính phủ quản lý, nhằm khiến cho những độc tài tham nhũng bị khó khăn hơn trong việc xâu xé và biến khối tải sản nhà nước này thành tài sản cá nhân.
Trong khi đó, chế độ Gadhafi tại Libya đang dần bị liên quân do NATO đứng đầu dồn vào chân tường. Hàng loạt quan chức trong chính phủ Libya cũng đào ngũ sang lực lượng nổi dậy đang kiểm soát phần phía đông đất nước. Đại tá Gadhafi hôm qua tuyên bố đồng ý ngừng bắn với phe nổi dậy nhưng không chịu từ chức như phương Tây yêu cầu.
Đình Nguyễn
(Nguồn: VNExpress)