*Sau chuyến đi Nga của Chủ tịch nước VN ông Trương Tấn Sang, đã xuất hiện nhiều tin đồn Nga sẽ trở lại Cam Ranh của VN. Ai cũng hiểu mục đích đằng sau chuyến thăm Nga của ông Chủ tịch nước và khi tin đồn xuất hiện cũng không là điều gì lạ.
Nhưng vấn đề là liệu người Nga có trở lại Cam Ranh trong thời điểm nhạy cảm như thế này? Giữa một bên là một mối quan hệ quốc tế Nga-Trung bao gồm cả lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị. Hẳn nhiều người quan sát thấy rằng mỗi khi Liên hiệp quốc ra một nghị quyết lên an một nước nào đó vi phạm nhân quyền, cặp đôi Nga-Trung thường đồng thanh dùng quyền phủ quyết của mình để loại bỏ. Ví dụ trước đây như những Nghị quyết về IRAQ, IRAN, LYBIA và nay là SYRIA.
Với một lý lịch như thế, một lợi ích như thế, một quan hệ Nga-Trung như thế, việc ông Trương Tấn Sang sang nhờ cậy nước Nga thể hiện sự ngây thơ của giới lãnh đạo Việt Nam. Nước Nga đâu còn là nước Nga xô viết ngày trước? .Nếu nói người Mỹ thực dụng thì có lẽ người Nga bây giờ cũng thực dụng không kém khi họ thể hiện họ là những tay lái súng quốc tế không hơn không kém. Họ bán cho VN 6 tàu ngầm lớp Kilo thì họ bán cho TQ bao nhiêu chiếc?
-------------------------------------------------
Chưa dứt tin đồn Nga trở lại Cam Ranh
Cập nhật: 12:34 GMT - thứ tư, 1 tháng 8, 2012
Khả năng hải quân Nga trở lại cảng Cam Ranh của Việt Nam vẫn gây chú ý khi hai tờ báo của Nga và Trung Quốc cùng có bình luận hôm 1/8.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ tin báo chí nói Moscow dự định thiết lập các căn cứ hải quân mới ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.Nhưng sự bác bỏ này vẫn không ngăn cây bút Lyuba Lulko của báo Nga Pravda hồ hởi với viễn cảnh hải quân nước này mở rộng hiện diện ở nước ngoài.
Cây bút này nhắc lại tuyên bố mà đã khơi mào tin đồn những ngày qua của Tư lệnh Hải quân Nga nói nước ông đang đàm phán để đồn trú hải quân ở Việt Nam, Cuba và quần đảo Seychelles.
Vào thứ Sáu 27/7, Bộ Quốc phòng Nga nói Phó Đô đốc Viktor Chirkov chưa bao giờ có bình luận như vậy.
Nhưng cây bút Lyuba Lulko lại cho rằng Phó Đô đốc có thể đã “vô tình để lộ kế hoạch lâu dài của ban lãnh đạo Nga”.
“Điều đó sẽ tuyệt vời, vì ngay từ thời Peter Đại đế, Nga đã có hạm đội và quân đội mạnh,” tác giả tự hào.
Nga giận dữ
Cây bút này nhắc lại rằng tại hội nghị G20 mới diễn ra tháng Sáu, sau khi gặp Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Vladimir Putin giận dữ nói với báo chí rằng Mỹ không có thiện chí xây dựng “quan hệ mới dựa trên hợp tác và minh bạch”.
Ông Putin nhắc lại vào nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên năm 2001, ông hứa với người tương nhiệm George W Bush là Nga sẽ rút khỏi căn cứ ở Cuba.
“Bush đã thuyết phục tôi là hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ không bao giờ được điều động ở Đông Âu.”
“Tôi đã đóng cửa không chỉ Lourdes ở Cuba mà cả Cam Ranh ở Việt Nam.”
“Tôi đóng chúng vì tôi đã có lời hứa danh dự…Thế người Mỹ đã làm gì?...Ai cũng biết những năm gần đây, Mỹ tạo vùng đệm quanh Nga, không chỉ dính đến các nước Trung Âu, mà cả các nước Baltic, Ukrane và vùng Caucasus,” ông Putin tuyên bố.
Cây bút người Nga nói mặc dù Nga hiện bị cho là thiếu ảnh hưởng, tiền bạc và một hạm đội mạnh, nhưng “kể từ khủng hoảng ở phương Tây năm 2008, Nga bắt đầu phục hồi một phần hải quân”.
Tác giả cũng nói Nga đang dần can dự nhiều hơn ở châu Á, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương không chỉ vì lý do địa chính trị mà cả về kinh tế.
Nhân chuyến thăm vừa qua của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, Nga và Việt Nam nói đã ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ đôla vào năm 2015.
Như để chọc tức Mỹ, tuyên bố chung Việt – Nga cũng chỉ trích kế hoạch của Mỹ muốn mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa.
Cây bút Lyuba Lulko, trong phần kết, kêu gọi Nga có những hiệp định quốc phòng “như Mỹ đã có với Philippines, Nhật Bản, Columbia và Mexico”.
“Khi đã có thỏa thuận như thế, các căn cứ quân sự không thể bị xem là bành trướng quân sự,” tác giả nói.
Cam Ranh chia rẽ Asean?
Trái ngược giọng điệu hồ hởi của cây bút Nga, Nhân dân Nhật báo ở Bắc Kinh cũng quan tâm tin đồn Nga trở lại Cam Ranh – nhưng theo cách khác.
Tờ này nói: “Để mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, Nga rất cần một hải cảng tốt như Cam Ranh.”
Cù Kiện Văn, phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Vân Nam, phân tích việc Việt Nam chèo kéo Nga vừa liên quan tranh chấp Biển Đông và cũng giúp Việt Nam có “vị thế lãnh đạo” ở Đông Dương và Asean.
Báo Trung Quốc nói Việt Nam trước đây có chính sách “không rõ ràng” vì cả Mỹ và Nga đều thèm muốn Cam Ranh, và nhờ vậy được lòng của cả Washington và Moscow.
Theo tờ báo, nếu Nga được sử dụng Cam Ranh, điều này có thể khiến Mỹ bất mãn và gây ảnh hưởng cho cả quan hệ Mỹ - Nga và Mỹ - Việt.
Nhắc lại lịch sử, báo Trung Quốc cũng nói Liên Xô cũ từng hỗ trợ Việt Nam thi hành “bá quyền” trong vùng.
Bài báo ngầm dọa sự trở lại của Nga có thể gây “tác động tâm lý” cho các nước Đông Nam Á.
Ông Cù Kiện Văn nói ông tin điều này sẽ làm tăng chia rẽ với Asean, và “một số nước có thể phản công để kiềm chế ý định ‘dẫn dắt’ Asean của Việt Nam”.
Năm 2002, khi ông Putin đang làm tổng thống nhiệm kỳ đầu, Nga rút khỏi Cam Ranh, từng là căn cứ lớn nhất của hải quân Nga ở nước ngoài.
Việc đóng cửa xảy ra sau khi thời hạn thuê 25 năm kết thúc và Việt Nam đòi tiền thuê cao hơn. Nhưng giới phân tích nói mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ cũng đóng một phần vai trò.
Hiện Nga chỉ có căn cứ ở Sevastopol thuộc Ukraina và một đồn hậu cần nhỏ ở cảng Tartus của Syria.