“Người sử dụng LĐ và NLĐ có thể thoả thuận làm thêm giờ, nhưng không được quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm do Chính phủ quy định...”.
Đó là quy định trong điều 69, Bộ luật Lao động (BLLĐ) hiện hành. Quy định thời gian làm thêm giờ như vậy là để NLĐ có đủ thời gian tái tạo sức lao động để có thể làm việc tốt hơn, với năng suất LĐ cao và chất lượng tốt.
Một bước thụt lùi khi sửa Luật Lao động
Theo dự thảo sửa đổi bổ sung BLLĐ, thì thời gian làm thêm giờ không được quá 50% số giờ làm việc chính thức và không quá 30 giờ trong một tháng và bỏ quy định số giờ làm thêm tối đa trong một năm. Như vậy, theo quy định này thì số giờ làm thêm trong một năm của NLĐ sẽ là 360 giờ - cao hơn so với quy định hiện hành là 160 giờ.
Có thể nói đây là bước thụt lùi lớn trong sửa đổi bổ sung BLLĐ. Điều này hoàn toàn trái với những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta đang phấn đấu và hướng tới là NLĐ phải được hưởng thụ thành quả của phát triển KT-XH. Mặt khác, mục tiêu, quan điểm đặt ra khi sửa đổi, bổ sung BLLĐ là bảo vệ nhóm yếu thế (NLĐ) trong quan hệ lao động (QHLĐ).
Với những luận cứ nêu ra ở trên, chúng tôi cho rằng việc sửa đổi bổ sung BLLĐ lần này cần phải quy định về việc giảm thời gian làm thêm giờ cho phù hợp sự phát triển KT-XH và xu thế chung của thời đại.
Bất hợp lý giữa hai khu vực
Tháng 9/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 188/1999/QĐ-TTg về chế độ làm việc 40 giờ/tuần. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng là CB, CC, VC và NLĐ khu vực cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước. Còn khu vực DN thuộc các thành phần kinh tế khác là đối tượng khuyến khích áp dụng.
Đến nay, sau hơn 12 năm thực hiện Quyết định 188, hầu hết các DN vẫn thực hiện chế độ tuần làm việc 48 giờ. Như vậy so với CB, CC, VC và NLĐ khu vực hành chính, sự nghiệp, thì NLĐ khu vực DN đã làm việc nhiều hơn 384 giờ/năm. Đây là bất hợp lý và thiếu bình đẳng giữa NLĐ khu vực HCSN và khu vực DN. Nay cơ quan soạn thảo sửa đổi bổ sung BLLĐ đề nghị tăng thời gian làm thêm giờ từ 200 giờ lên 360 giờ/năm càng làm gia tăng sự bất hợp lý và thiếu bình đẳng đối với NLĐ ở hai khu vực này.
Ai hưởng lợi từ làm thêm giờ?
Trong quá trình dự thảo sửa đổi, bổ sung BLLĐ, thì hầu hết ý kiến của người sử dụng LĐ đề nghị tăng thời gian làm thêm giờ, thậm chí còn đề nghị không khống chế thời gian làm thêm.
Sở dĩ NSDLĐ muốn như vậy là vì việc tăng thời gian làm thêm giờ sẽ có lợi nhiều mặt cho DN, cụ thể là: NSDLĐ không phải tuyển thêm LĐ mới, do đó có thể tăng lợi nhuận do không phải chi phí các khoản như: Chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo nghề cho LĐ mới; kinh phí nộp BHXH, BHYT, BH thân thể; không phải chi các khoản phụ cấp tăng thêm như nhà ở, bữa ăn giữa ca...
Những hệ lụy của việc làm thêm giờ
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy, có 95% số LĐ khu vực DN FDI và DN ngoài nhà nước cho biết là họ có làm thêm giờ. Số giờ làm thêm trung bình mỗi ngày 1,5 giờ, có DN làm thêm tới 600 giờ/năm - vượt quá mức quy định tới 3 lần. Hầu hết NLĐ buộc phải làm thêm giờ vì tiền lương quá thấp, không đủ trang trải cho nhu cầu tối thiểu hằng ngày.
Về tiền lương của NLĐ, qua khảo sát cho thấy, có 44% số LĐ đang hưởng mức lương dưới 2 triệu đồng. Chỉ có 2% số NLĐ được hỏi trả lời là tiền lương, thu nhập của họ đủ trang trải cho cuộc sống và có phần tích luỹ.
Việc kéo dài thời gian làm thêm giờ như trong thời gian qua và nhất là những dự kiến về việc tăng thời gian làm thêm giờ trong dự thảo sẽ kéo theo những hậu quả, những tác động tiêu cực tới sức khoẻ NLĐ.
Không ít trường hợp, do làm việc quá sức cộng với ăn uống kham khổ mà nhiều NLĐ bị ngất xỉu ngay tại chỗ làm việc; hoặc bị tai nạn lao động. Nhiều NLĐ bị xuống hạng sức khoẻ sau một thời gian làm việc. Cũng vì làm thêm giờ quá nhiều, nên DN không tuyển thêm LĐ, dẫn đến tình trạng mất cân đối về cung - cầu trên thị trường LĐ, làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp.
TS Đặng Quang Điều
Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn
(Theo Lao Động)