Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Câu chuyện bên trong một nước xã hội chủ nghĩa

*Mõ làng Chờ: Những câu chuyện cứ như chỉ hiện diện trong 'xã hội tư bản bất công' hay 'xã hội phong kiến thối nát lạc hậu' từ cách đây mấy chục năm thì đây: nó vẫn hiện diện trong những xã hội ưu việt xã hội chủ nghĩa. Mời bạn đọc tham quan những ngôi biệt thự xa xỉ chỉ dành cho 'người cõi âm' ở Trung Quốc.
----------------------------------------------
(Nguồn: Vietnamnet)
Choáng ngợp ngôi mộ 24 tỷ đồng
Gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc lên cơn sốt trong việc xây cất mộ bề thế, xung quanh bao bọc núi non, sông nước hữu tình. Và hình ảnh về ngôi mộ trị giá 8 triệu NDT (24 tỷ đồng) khiến nhiều người choáng váng.

TIN BÀI KHÁC

Phóng viên của một tờ báo Trung Quốc gần đây đã lần theo các địa chỉ quảng cáo mua bán trên mạng và đã tới bốn thành phố Hạ Môn, Thâm Quyến, Vô Tích, Trùng Khánh để tìm hiểu về những ngôi mộ tiền tỷ. Phóng viên này đã thực sự bị ngợp trước ngôi mộ được xem là “Đắt và đẹp nhất”.




Theo lời của một giám đốc công ty TNHH chuyên rao bán đất và xây các ngôi mộ đẹp, thì về giá cả, ngoài diện tích đất đai, còn phụ thuộc vào quang cảnh xung quanh và nội thất của ngôi mộ.

(Theo Dân Việt)

Huyền thoại Tạ Đình Đề (2)

Rất tiếc hôm tôi quay trở lại CAND online để cọp bài thứ 2 về Tạ Đình Đề thì không tìm được bài nữa. Đành xin kể hầu câu chuyện thật tình cờ tôi nghe được hôm nọ trên một chuyến xe.


Hôm rồi vô tình trên một chuyến xe, tôi tình cờ nghe được đoạn hồi thoại của mấy bác về hưu với nhau, sau một hồi hết chuyện nọ đến xọ chuyện kia, đến đoạn bác ấy đọc một bài thơ kiểu như thơ bút tre. Khi nghe thấy tên Tạ Đình Đề, dỏng tai lên mà chỉ nhớ được có 2 đoạn.

Hoan hô anh Tạ Đình Đề
Đã đi theo giặc lại về theo ta.
...
Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về Hà Nội phân xanh đầy đường.
...

Huyền thoại về Tạ Đình Đề

*Mõ làng Chờ: 'Hoan hô anh Tạ Đình Đề, đã đi theo giặc lại về theo ta'- ca dao truyền miệng. Tạ Đình Đề một huyền thoại mà tôi đã nghe tên từ hồi còn bé qua những câu chuyện kể truyền miệng từ mẹ tôi (bà nay đã gần 80 tuổi), chuyện 'Tạ Đình Đề là người của Tưởng Giới Thạch nhận lệnh ám sát bác Hồ mấy lần đều bị bác biết trước' rồi sau chuyển sang đi theo bác, theo cách mạng. Đến nay khi được đọc 2 bài liên tiếp về nhân vật huyền thoại này trên trang CAND online mới thấy nghệ thuật, kỹ thuật tuyên truyền của hệ thống tuyên truyền nhà nước đạt đến trình độ thượng thừa như thế nào.
-----------------------------
(Nguồn: CAND online)
17:17:00 23/02/2008
Tạ Đình Đề là người ngang tàng ngay thẳng, không ngại nguy hiểm và dám bảo vệ quan điểm khi sự việc anh cho là đúng. Chính vì tính ngang tàng, thẳng thắn đó, mà trên đường công danh, anh gặp biết bao điều trắc trở. Nhiều người đã được thấy lần anh to tiếng tranh luận với Khu trưởng Hoàng Sâm...
Có một người không có cấp bậc, chức vụ, không hề giữ trọng trách trong quân đội, trong chính quyền mà đã có nhiều huyền thoại. Trong kháng chiến chống Pháp từ Liên khu 3, Liên khu 4, Bình Trị Thiên, Việt Bắc... các chiến sĩ quân đội, nhân dân đều biết tên ông. Tên tuổi của ông vang mãi tới Nam Bộ xa xôi. Đặc biệt ở miệt Cống Thần, chợ Đại (Hà Nam), Hà Nội... Bà con nhắc đến ông với thái độ khâm phục, kính nể, trân trọng - người đó là ông Tạ Đình Đề.
Còn quân Pháp trong thời tạm chiếm Hà Nội nơm nớp tưởng chừng như lúc nào ông cũng có mặt giám sát hành động của chúng. Chính bọn chúng thêu dệt nên những huyền thoại “thần xuất, quỷ một” của ông trong nội thành Hà Nội thời tạm chiếm.
Người viết bài này là người cùng thời với ông, được gặp ông nhiều lần. Bạn bè, đồng đội cung cấp tư liệu và yêu cầu viết về ông. Song, khó quá, ông là người kín đáo ít muốn nói về mình. Người viết chỉ ghi lại những điều bè bạn đồng đội của ông kể lại, cùng những lần tiếp xúc ngắn ngủi với ông trong những ngày học Lục quân ở Trung Quốc (1951-1953), trong những lần họp cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Dưới đây chỉ là một vài câu chuyện trong nhiều huyền thoại mà bè bạn, đồng đội kể về ông khi ông còn sống, kể cả chục năm, sau khi ông giã từ cõi nhân thế này.       
Người chiến sĩ Tây Tiến
Sau ngày 23/9/1945 quân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, Chính phủ ta tổ chức lại các lực lượng quân sự thành lập các chiến khu. Chiến khu 2 gồm 8 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Cuối năm 1945, đầu 1946 quân Pháp từ Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc) tràn xuống Bắc Lào chiếm Lai Châu, Điện Biên Phủ làm bàn đạp đánh Sơn La, Hòa Bình. Bộ Tư lệnh Khu 2 đã điều động bộ đội lên đối phó. Có bộ phận đã đặt chân sang đất Lào ngăn chặn quân địch. Bộ đội Tây Tiến 1 hình thành trong tình huống đó.
Tạ Đình Đề có mặt trong đội quân này và là Phó ban Tình báo Khu 2.
Sau tết Đinh Hợi 1947, mặt trận Tây Tiến được thành lập.
Bộ Tư lệnh mặt trận phải đọ sức ngay với quân Pháp. Tháng 3/1947, quân Pháp đánh thông đường số 6, tiến công vùng Mai Châu. Từ hướng Suối Rút tràn lên, từ hướng Mộc Châu kéo xuống, phối hợp với quân nhảy dù, định xóa sổ cơ quan chỉ huy mặt trận. Tư lệnh mặt trận quyết định chuyển Sở chỉ huy về Mường Bi, chuyển quân y xá về Lạc Sơn và tổ chức chiến đấu ở khu vực Bãi Sang, dốc Đẹt.
Ngày đó, dốc Đẹt là con đường rừng dốc, độc đạo, hiểm trở. Có anh em nói đây là con đường “bách nhân khứ, nhất nhân hồi!” (trăm người tới, chỉ một người về!). Dốc Đẹt đã đi vào huyền thoại với cuộc chiến đấu của đoàn quân Tây Tiến với quân Pháp trên giải đất núi rừng Tây Bắc, chỉ với hai tay súng của Khu trưởng Hoàng Sâm và Tạ Đình Đề. Sau đó, một mình Tạ Đình Đề như con sư tử trên đỉnh dốc chiến đấu, buộc quân địch co cụm về Chiềng Sại!
Sau trận dốc Đẹt, Trung đoàn 52 Tây Tiến được hình thành, đảm đương nhiệm vụ hoạt động trên địa bàn Tây Bắc. Bộ chỉ huy mặt trận Tây Tiến được giải thể.
Tạ Đình Đề được Tư lệnh Liên khu 3 điều động về Liên khu, làm Phó ban Tình báo Liên khu (Kim Hùng làm trưởng ban), kiêm Đội trưởng Đội Biệt động Liên khu 3.
Tạ Đình Đề - Đội trưởng đội Biệt động Liên khu 3
Đội Biệt động Liên khu 3 lúc đó có người gọi tên là “Đội Biệt động thành Hoàng Diệu”, “Đội trừ gian, diệt ác thành Hoàng Diệu”. Đội được chia thành ba tiểu tổ: Tiểu tổ 1 do Nguyễn Phương chỉ huy (Nguyễn Phương bị địch bắt đày ra Côn Đảo rồi Phú Quốc và được trao trả năm 1954). Tiểu tổ 2 do Hồ Du Tử (Lê Phan) chỉ huy (anh mới mất cách đây không lâu). Tiểu tổ 3 do Trần Văn Đức chỉ huy (anh đã mất ở Sài Gòn năm 1982).
Đây là giai đoạn tên tuổi Tạ Đình Đề nổi danh trên các ngả đường kháng chiến, tiếng đồn từ Nam ra Bắc, từ Hà Nội đến các thành phố, từ đồng bằng đến khắp rừng núi Tây Bắc, Việt Bắc...
Bản sao lý lịch của Tạ Đình Đề được lưu trữ ở Tổng cục Đường sắt:
Đồng chí: Tạ Đình Đề  (bí danh Lâm Giang)
Sinh ngày: 8/8/1917
Quê quán: Thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
Tham gia cách mạng: 1935
Vào Đảng: Tháng 6/1946, chính thức tháng 9/1946.
Gia đình nghèo, nên 16 tuổi Tạ Đình Đề đã lang bạt sang làm công nhân Sở Hỏa xa Vân Nam tại ga Côn Minh (Trung Quốc). Trong những ngày đó, anh tham gia Hội Ái hữu cứu quốc sau đổi thành Việt Nam Giải phóng cứu quốc do Mặt trận Việt Minh tổ chức.
Năm 1941, anh được tổ chức cử đi học ở Liễu Châu, một phân hiệu chuyên ngành của Trường Quân sự Hoàng Phố. Phân hiệu Liễu Châu là nơi chuyên đào tạo những nhân viên hoạt động trong lòng địch. Ta thường gọi là trường đào tạo gián điệp.
Học viên học ở Liễu Châu bao gồm các khoa mục: sử dụng các loại vũ khí, chất nổ, lái  các loại xe kể cả xe tăng, máy bay..., sử dụng các phương tiện thông tin, điện đài, phi ngựa, bắn súng, luyện khí công, luyện võ...
Tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố với tấm bằng xuất sắc, anh tham gia các hoạt động vũ trang và được tổ chức phân công hoạt động tình báo cùng phái bộ Mỹ trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật. (Lý lịch trích ngang).
Đội Biệt động Liên khu 3 được  hình thành, hoạt động rất nhanh, rất hiệu quả. 
Gọi là Đội Biệt động Liên khu 3, nhưng địa bàn chủ yếu của đội lúc này là nội thành Hà Nội. Hoạt động nội thành Hà Nội lúc ấy có nhiều lực lượng: điệp ngầm của lực lượng Công an, lực lượng Địch vận Trung đoàn 66 do đồng chí Hoàng Giáp và Phúc Đồng Mạc chỉ huy. Lực lượng Địch vận Trung đoàn 48 do Đinh Hùng, Trịnh Vũ chỉ huy.
Ngoài ra  lực lượng hoạt động nội thành của cơ quan Dân vận, Công đoàn... Các lực lượng vũ trang tuy hoạt động độc lập, nhưng vẫn có sự quan hệ chặt chẽ, yểm trợ cho nhau khi cần thiết.

Tạ Đình Đề là người ngang tàng ngay thẳng, không ngại nguy hiểm và dám bảo vệ quan điểm khi sự việc anh cho là đúng. Chính vì tính ngang tàng, thẳng thắn đó, mà trên đường công danh, anh gặp biết bao điều trắc trở. Nhiều người đã được thấy lần anh to tiếng tranh luận với Khu trưởng Hoàng Sâm.
Khu trưởng cũng là trang hảo hán, phi ngựa, bắn súng cả hai tay, múa đao thiện nghệ... Có lần trùm phỉ Lý Xíu kéo quân lên Pắc Bó đòi gặp ông Trần (bí danh của Hoàng Sâm) và Lê (Lê Quảng Ba). Hắn cho mời hai ông đến uống rượu, thi bắn súng, ném lựu đạn.
Ông Trần mới chỉ trổ tài bắn mục tiêu cố định, di động hai tay bằng hai khẩu Pạc Khoọc, Lý Xíu đã phục lăn. Đến lúc uống rượu, ông Trần biểu diễn tiết mục kỳ lạ có một không hai – uống rượu bằng mũi. Lý Xíu kinh ngạc, khi thấy ông Trần rót cốc rượu vào mũi không rớt ra ngoài một giọt.
Chính vì lần gặp mặt ngoạn mục đó, mà bọn phỉ Vòng A Sáng, Chín Thẩu mời ông Trần tới dự tiệc, nhậu với óc khỉ sống và đề nghị ông kết nghĩa huynh đệ.  Những hành động anh hùng, kiếm khách của ông Trần  đã góp phần ổn định vùng biên cương của Tổ quốc trong những ngày đầu cách mạng.
Khu trưởng là người điềm đạm, lịch lãm, thương yêu, quý trọng cấp dưới, ít khi nóng giận. Nhưng khi ông nóng lên thì "trời cũng bé". Là người cùng học ở Trường Hoàng Phố, nên Tạ Đình Đề cũng được Khu trưởng nể vì, yêu mến. Lần nóng giận, to tiếng của Tạ Đình Đề cùng Khu trưởng, làm mọi người chung quanh lắc đầu lè lưỡi. Nhưng, ngay chiều hôm đó, người ta thấy Khu trưởng ôm vai Tạ Đình Đề thủ thỉ:
- Cậu nói đúng, mình suy nghĩ chưa chín lắm! 
Dọc  đường từ Cầu Dậm, Chợ Bến, Chi Nê, Nho Quan, Cống Thần, chợ Đại đến Cầu Bố, Rừng Thông..., những đồn công an nhũng nhiễu bà con, ăn chặn chị em buôn chuyến mang hàng từ vùng địch ra, Tạ Đình Đề đều có mặt. Anh vào đồn công an trao đổi với anh em bằng những lời lẽ chân tình, thuyết phục: Kháng chiến thiếu thốn, thuốc men, đường sữa, thực phẩm, hàng hóa, vải vóc... từ vùng địch đem ra hậu phương là có lợi cho kháng chiến.
Tiếng tăm của Tạ Đình Đề càng nổi trội trong hàng ngũ anh em công an dọc đường kháng chiến. Tạ Đình Đề đã góp công không nhỏ làm lành mạnh đội ngũ công an. Chính những chốt công an đó đã thành công trong công tác bảo mật, phòng gian, nhiều lần làm thất bại hành động phản quốc của những tên gián điệp, chỉ điểm, làm việc cho Pháp phá hoại hậu phương kháng chiến.
“Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”
Tuyến đường Diêm Điền, Nga Sơn, Rừng Thông, Cầu Bố có tên đại gia buôn lậu khét tiếng, hoành hành dữ dội. Hôm đó, ở một cửa hàng ăn gần Cầu Bố có một vị khách người nhỏ nhắn, mặc chiếc áo bông xanh bộ đội phát cho cấp đại đội trở lên bước vào.
Người khách kéo ghế ngồi trong góc. Ông gọi ly cà phê, rút điếu thuốc châm lửa hút, rồi ném bao Cô-táp lên mặt bàn. Trước mặt ông khách là một người khách cao to như con gấu ngựa, ôm một cô gái ngồi trên đùi, thức ăn ngồn ngộn trên bàn.
Đây là hình ảnh hiếm gặp trong những năm tháng chống Pháp. Điếu thuốc lá nhiều lần lóe sáng trên môi ông khách. Và, nhiều lần ông khách tỏ vẻ khó chịu, nhấp nhổm trên ghế. Cho đến lúc người khách kia gọi chủ quán quát mắng, hạch sách thì ông khách nhỏ nhắn không chịu nổi. Ông đứng bật dậy.
Người khách cũng vùng dậy, khẩu Van-te lăm lăm trong tay.
Trước mặt hắn là một người nhỏ nhắn đôi mắt chứa đầy những ánh lửa, tấm áo bông phanh ra. Tay ông khách đặt lên hai khẩu Côn ngựa bay dắt cạp quần.
- Mày đã nghe tên Tạ Đình Đề chưa?
Khẩu Van-te rơi phịch xuống đất. Người khách quỳ xuống chân ông khách, lắp bắp:
- ...Xin anh tha tội cho em!...
- Trong khi bà con đang gian khổ kháng chiến, các chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận, mà mày nỡ ngồi đây đú đởn, ăn uống, trai gái. Tao có thể thay mặt nhân dân xử tử mày. Nhưng thôi, tao tha cho cái mạng của mày!
Người khách cao to định vồ lấy khẩu súng trước mặt thì bàn chân của ông khách đã chặn lấy. Ông khách thong thả nhặt khẩu súng, rút băng đạn lẳng vèo xuống ao cạnh đó. Ông quát rất to:
- Cút ngay!
Một cú đá, người khách cao to bật ra cửa.
Cả vùng Cầu Bố, Rừng Thông ầm ĩ chuyện Tạ Đình Đề đá một phát, tên buôn lậu bắn qua đường, nằm không nhúc nhích. Từ đó, người dân vùng Cầu Bố, Rừng Thông không còn thấy mặt tên buôn lậu khét tiếng.
Một lần, Tạ Đình Đề  họp khá lâu ở Việt Bắc trở về. Anh  mặc quần áo chỉnh tề vào trong thành như một chính khách, đàng hoàng ngồi ở hiệu Bô-đê-ga giữa thanh thiên bạch nhật.
Có tên cảnh sát nhiều lần giáp mặt Tạ Đình Đề. Hắn đứng như trời trồng, khi nhận ra Tạ Đình Đề. Tên cảnh sát  quay trở ra, chạy như ma đuổi. Tạ Đình Đề lâm vào thế bất lợi. Anh kiểm tra lại hai khẩu Côn ngựa bay dắt trong bụng. Tạ Đình Đề vẫn ung dung ngồi ăn nghe ngóng, thăm dò động tĩnh. Tiếng ồn ào đầu phố dội vào, một lúc rồi im ắng...
Hà Nội giải phóng, Tạ Đình Đề gặp  tên cảnh sát dã chiến ở ven hồ Hoàn Kiếm. Vừa lạ, vừa cảnh giác, anh tóm tay tên cảnh sát ấn xuống chiếc ghế đá ven hồ.
- Lạy anh Đề! Em biết anh rồi! Lần  trông thấy anh ở cửa hàng Bô-đê-ga, hoảng quá em chạy ra đầu phố thì thấy thằng Gioóc chỉ huy đồn cảnh sát  Hàng Trống đang huy động lực lượng để bắt nhân viên Đội Biệt động Hà Nội.  Em rỉ tai nó:  "Ông Đề đấy! Chúng mày động vào ông là toi mạng!".
Nghe tên ông Đề, bọn cảnh sát khiếp vía, quay lui có trật tự. Đứng núp bên hè  bên kia đường, em còn thấy anh thọc hai tay vào túi quần, huýt sáo vang đi về phía đường Paul - Bert. Em thấy các anh hoạt động trong nội thành Hà Nội mà như ở chỗ không người thế này thì nhất định các anh sẽ chiến thắng. Em tìm cơ sở nội thành, xin được tham gia hoạt động.
Gần đây, tôi lại được nghe anh Hoàng Giáp, người chỉ huy cơ quan địch vận Trung đoàn 66 hoạt động nội thành kể:
Năm 1980, anh vào TP HCM thăm bà con, tình cờ gặp Tạ Đình Đề. Hai anh gặp lại các chiến hữu cũ Nguyễn Trần Hồ, Anh Đệ... các anh tổ chức buổi gặp mặt ở quán phở trên đường Lý Chính Thắng. Tạ Đình Đề vào Sài Gòn lần này là tìm cơ sở tổ chức chi nhánh phía Nam cho Nhà máy Dụng  cụ  cao su Đường sắt.
Hai vị Tạ Đình Đề, Hoàng Giáp cùng ngồi trên một chiếc xích-lô từ chợ Tân Định đến nơi hẹn. Bước chân xuống xe thì anh đạp xích-lô khoanh hai tay đứng trước mặt Tạ Đình Đề.
- Thưa chú! Chú có phải chú Tạ Đình Đề ngày xưa hoạt động nội thành Hà Nội không ạ!
Tạ Đình Đề lấy làm lạ hỏi:
- Tại sao cậu lại biết tên tôi?
- Cháu nghe hai chú ngồi trên xe nói chuyện dọc đường, nên  cháu biết chú là Tạ Đình Đề, người mà cháu ngưỡng mộ mấy chục năm nay. Hôm nay được gặp chú, quả là may mắn cho cháu. Thưa hai chú, cháu là người miền Bắc bị bắt đi lính. Hà Nội những năm 47, 48, 49, 50 tiếng tăm Tạ Đình Đề nổi như sấm. Bọn Pháp lúc đó vừa sợ, vừa kính phục, khi nghe thấy tên chú.
Năm 1973, cháu rời bỏ binh nghiệp, trở về đạp xích-lô kiếm sống. Nhà cháu ở hẻm 231 đường Võ Văn Tần, số nhà 5. Cần chi, xin các chú cứ gọi, cháu xin phục vụ tận tình.
Trước khi bước lên xe. Anh ta còn cúi đầu xá mấy xá

(còn tiếp)

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Chi thứ 5 trong cơ thể (vụ án Cù Huy Hà Vũ)

*Mõ làng Chờ: Dư luận về vụ án Cù Huy Hà Vũ vấn tiếp tục được giới truyền thông trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm. Mỹ và khối liên minh Châu âu EU (27 nước) đã lên tiếng chỉ trích vụ án mà họ gọi là sự 'đàn áp' và ' thiếu vắng một cách rõ ràng quy trình tiêu chuẩn trong xét xử'.  Mõ làng Chờ mạn phép xin copy bài từ blog Nguyễn Xuân Diện và xin trân trọng giới thiệu.

08-04-2011


CHI THỨ 5 TRONG CƠ THỂ!

(Nguồn: http://nguyenxuandien.blogspot.com/)
CHI THỨ 5 TRONG CƠ THỂ!
Tô Văn Trường
Sau sự kiện động đất, sóng thần ở Nhật Bản, nhiều người dân Việt Nam quan tâm đến vụ án xét xử công dân Cù Huy Hà Vũ. Cảm nhận của nhiều người đọc các thông tin trên các báo về vụ án nói trên khá đơn điệu. Cần phải cảm thông vì hầu hết các nhà báo không được tham dự trực tiếp phiên tòa để tác nghiệp chưa kể trên đầu họ vẫn còn mang những “vòng kim cô” cả hữu hình lẫn vô hình!
Ngược lại, báo chí nước ngoài, trên mạng internet ở Việt Nam tràn ngập các thông tin theo kiểu “trăm hoa, đua nở” nhận định đánh giá về phiên tòa, về Cù Huy Hà Vũ. Chắc chắn sau này, người ta sẽ còn nhắc lại vụ án này với điệp ngữ “giá như”, tiếc thay lịch sử lại không có 2 từ “giá như”! Trong cuộc sống còn biết bao việc cần phải suy ngẫm, lo toan , phải làm như ổn định kinh tế xã hội, kìm chế lạm phát, “bão giá”, an sinh xã hội, dịch vụ công vv…thế mà lại phải mất quá nhiều thời gian vào việc xuất phát từ “hài kịch” “2 bao cao su đã qua sử dụng” có thể nói là rất phản cảm! Suy cho cùng, đó là năng lực quản trị và nhận thức, ứng xử với 2 từ “DÂN CHỦ” của những người có trách nhiệm.
Có nhà khoa học trẻ đang làm việc ở nước ngoài nói với tôi, hiện trạng mất dân chủ hiện nay ở nước ta có thể ví như căn bệnh ung thư rồi. Nó di căn đến mọi ngóc ngách của cơ thể xã hội, thậm chí đến từng não trạng của mỗi con người. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, ai cũng ít nhiều là nạn nhân của sự MẤT DÂN CHỦ hoặc trong chính gia đình mình, hoặc trong chính cơ quan mình hoặc nói chung là trong mọi sinh hoạt xã hội mà họ tham gia. Tuy vậy, hình như chúng ta chấp nhận nó, như một chi thứ 5 trong cơ thể, và thường giấu nó sau lưng mình, quên nó đi, và ngắm nhìn cũng cái chi thứ 5 ấy của người khác, ở nơi khác. Và nhiều lúc chính chúng ta lại dùng cái chi thứ 5 ấy để tác động vào cuộc sống quanh mình..
Khi xã hội mất dân chủ trầm trọng và toàn diện, thì mọi thiết chế trong xã hội đó, hầu hết chỉ là hình thức, một loại hình thức chủ yếu để hợp lý hóa và che đậy sự mất dân chủ mà thôi. "Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội" - Mệnh đề cực kỳ quan trọng này trong hệ thống học thuyết của Marx có thể giúp ta soi sáng nhận thức của mình. Mọi vấn đề đang đặt ra trên bề măt xã hội hiện nay của chúng ta chính là sự thể hiện tức thời cái ý thức xã hội đang được tạo ra bởi cách thức "tồn tại xã hội" của chúng ta bấy lâu.
Nếu chỉ chạy theo giải quyết phần ngọn, đó là ý thức xã hội thì thật ra chúng ta tự nhận mình là học trò của Marx nhưng chẳng hiểu gì về Marx cả. Và đương nhiên, chúng ta không thể nào giải quyết được hết hàng tỷ thức dạng khác nhau ở gần 90 triệu con người đang hàng ngày "tồn tại méo mó" như bây giờ được. Lời giải cho các vấn đề xã hội không thể đi tìm trong đầu óc, suy nghĩ hay hành vi riêng biệt của từng con người, mà phải đi tìm nó trong bản chất các mối quan hệ kinh tế, chính trị của xã hội đó.
Một số người đặt vấn đề vì sao có bảng hiệu “Văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ”, nhưng thực tế ở Việt Nam không gọi là tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là luật sư? Tra cứu tài liệu được biết Cù Huy Hà Vũ là con trai của cố nhà thơ Việt Nam nổi tiếng, bộ trưởng Cù Huy Cân, là con nuôi và là cháu ruột của nhà thơ Xuân Diệu. Mẹ của ông là bà Ngô Thị Xuân Như, em ruột Xuân Diệu, thuộc dòng họ Ngô Đức Kế làng Nam Sơn, thị trấn Can lộc, từng công tác tại Ban Kiểm tra 12, Phủ Thủ tướng, Bác sĩ Viện Y học cổ truyền Việt Nam. Vợ ông Vũ là bà Nguyễn Thị Dương Hà, Trưởng văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ, có trụ sở ở nhà riêng số 24 đường Điện Biên Phủ, thành phố Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ (chuyên ngành tiếng Pháp) từ năm 1979, Cù Huy Hà Vũ làm việc tại Ban Thông tin Học viện Quan hệ Quốc tế. Trong thời gian 5 năm làm việc ở học viện này, Cù Huy Hà Vũ thường xuyên sang Pháp để tiếp tục học tiếng Pháp và học thêm các chuyên ngành quản lý nhà nước, quan hệ quóc tế, luật kinh tế. Ông tốt nghiệp Học viện Hành chính công tại Pháp, ông còn là thạc sĩ văn chương, tiến sĩ luật (đại học Sorbonne) và họa sĩ - Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Dù ông Vũ không có giấy phép hành nghề luật sư, gia đình ông có Văn phòng luật sư mang tên Cù Huy Hà Vũ, do vợ ông là luật sư Nguyễn Thị Dương Hà làm trưởng văn phòng. Có thể hiểu một cách nôm na, ở nước ta có quy định khi tốt nghiệp đại học luật ra trường sẽ có bằng cử nhân luật, nhưng còn phải làm việc tập sự và được hội luật sư cho gia nhập đoàn luật sư thì mới được gọi là luật sư và mới có giấy phép hành nghề để được tác nghiệp tại tòa án. Vợ ông Cù Huy Hà Vũ là luật sư thực thụ theo quy trình trên nên bà Dương Hà mới có giấy phép hành nghề luật sư. Dương Hà là chủ của văn phòng luật sư tư nhân mang tên “Văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ” có nghĩa là luật sư Dương Hà dùng tên Cù Huy Hà Vũ làm bảng hiệu cho buisiness của mình. Đối với pháp luật Việt Nam Cù Huy Hà Vũ là một công dân, không phải luật sư mặc dù ông có bằng tiến sĩ luật!
Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ từng bào chữa cho tướng công an Phạm Xuân Quắc trong vụ án liên quan đến các nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải (vụ án tham nhũng PMU 18) . Ông Vũ từng công tác tại Bộ ngoại giao Việt Nam trước khi bị cho thôi việc năm 2009 với lý do "bỏ cơ quan không đến làm việc".
Cù Huy Hà Vũ trở nên nổi tiếng sau khi có nhiều vụ kiện được đánh giá là khuấy động dư luận. Ông là người góp công trong việc ngăn chặn dự án xây dựng khách sạn trên đồi cảnh vọng, dự án tái dựng đền Cầu Nhị trên gò nổi hồ Trúc Bạch và cũng rất tích cực đấu tranh cho việc chống chặt cây xây khách sạn tại các công viên cây xanh. Ông được dư luận thế giới chú ý đến sau khi đệ đơn kiện thủ tướng Việt Nam đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng và được nhiều báo đài quốc tế như BBC, VOA, AFP quan tâm phỏng vấn.
Cù Huy Hà Vũ bị bắt từ ngày 5 tháng 11 năm 2010 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 – Bộ luật Hình sự, trong đó đơn kiện thủ tướng của ông bị cho là "vu khống lãnh đạo". Chiều 17 tháng 12 năm 2010, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng đối với ông. Theo khoản 1, điểm C, Điều 88 Bộ luật Hình sự, ông Cù Huy Hà Vũ bị khép tội "Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Ngày 4 tháng 4 năm 2011, ông Vũ bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế tại địa phương kể từ ngày bị cáo chấp hành xong lệnh phạt.
Cá tính của Cù Huy Hà Vũ nhiều người đã biết. Cách đây hơn 1 năm, tôi đã được nghe một số người nhận xét ông Vũ “hâm”, ngạo mạn, không biết sợ là gì! Nhưng với chúng tôi cá tính mỗi con người , sự đáng trân trọng chính là ở chỗ nó tồn tại và khác biệt. Bác Hồ cũng có lần ví von đại ý: “ hoa đẹp hoa xấu cũng tùy từng người, từng con mắt, nhưng chúng đều được gọi là Hoa ". Và nhà nước nào đi dùng luật để xử cá tính, xử thái độ và “chụp mũ” lời nói, thì chắc chắn phải xem xét lại những người nhân danh nhà nước để tạo ra và tìm cách xét xử những chuyện như thế! Lúc đầu, chúng tôi cũng cho đó là việc “rỗi hơi”, “vớ vẩn” nhưng ngẫm suy lại thấy việc này vô tình lại có tác dụng to lớn đối với nhận thức của người dân. Tôi cũng thuộc trường phái “quét rác” không phải “bới rác” vì đời rác đã nhiều rồi. Cái thứ chúng ta gọi là rác đã nhiều đời các vị lãnh đạo có quyền lực đầy mình cũng than bó tay không làm gì được. Thứ này không ai quét được, trừ một người. Ông ta tên là DÂN, NHÂN DÂN.
Từ vụ án của TS Cù Huy Hà Vũ càng thấy độ vênh về nhận thức sử dụng Luật pháp ở nước ta . Quá trình xét sử vụ án phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật đúng như câu khẩu hiệu “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Ngay từ đầu phiên tòa đã vấp về bản caó trạng là văn bản kết tội, truy tố của Viện kiểm sát đốivới công dân Cù Huy Hà Vũ. Một câu hỏi đặt ra, phía công tố (Viện kiểm sát) và tòa án đều là những người được học luật bài bản, có quyền lực trong tay tại sao lại sợ hãi, vội vàng, không công khai tranh luận sòng phẳng theo pháp luật quy định trước tòa với các luật sư (người gỡ tội) để cho Cù Huy Hà Vũ tâm phục, khẩu phục?
Quyết tâm bỏ tù Cù Huy Hà Vũ có nhiều nguyên nhân. Chưa bàn đến bài toán tổng thể “trade- off” ai được, ai mất qua vụ án này nhưng cái mất nhãn tiền là lòng tin của người dân vào pháp luật, cán cân công lý bị sứt mẻ bởi cách truy tố của Viện kiểm sát và quá trình xét xử của quan tòa ở một tòa án nửa kín, nửa hở! Viết đến đây, tôi lại nhớ đến bài trả lời phỏng vấn của Ông Nguyễn Văn An nguyên Chủ tịch Quốc hội có lần đề cập nhẹ nhàng “lỗi hệ thống” đã đăng trên VNN và Tuanvn.net. Suy rộng ra, phải chăng chúng ta không thể “sống chung” với chi thứ 5 không do tạo hóa sinh ra trên cơ thể con người?
*Bài viết do TS. Tô Văn Trường gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Giáo sư Ngô Bảo Châu viết blog về vụ ông Cù Huy Hà Vũ

*Mõ Làng Chờ: Sau 4 ngày ông Cù Huy Hà Vũ bị đem ra xét xử tại Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội với bản án 7 năm tù giam, 3 năm quản chế tại địa phương về tội 'Tuyên truyền chống  nhà nước Việt Nam XHCN' dư luận về vụ án vẫn còn rất xôn xao đặc biệt là truyền thông quốc tế và giới blogger trong nước. Điều này đặt ra một tiền lệ về giới hạn của công dân khi trả lời phỏng vấn, viết bài cho các báo nước ngoài có thể dẫn đến rủi ro PHÁP LÝ và bị tù tội như chơi. Đến lượt giáo sư Ngô Bảo Châu bình luận về vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ.

-----------------------------------------------------------

GS Ngô Bảo Châu bình luận vụ xử Hà Vũ

(Nguồn: BBC Tiếng Việt)
Bà Pratibha Patil, Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu
Bà Pratibha Patil, Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu
Giáo sư toán học có tiếng của Việt Nam, ông Ngô Bảo Châu, vừa lên tiếng bình luận về vụ xử Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ.
Trong bài blog với tựa đề Bấm 'Về sự sợ hãi', ông Châu viết:
"Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt.
"Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường.
"Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình.
"Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này."
'Cẩu thả và sợ hãi'
Giáo sư Châu, người cũng được đào tạo bài bản tại Pháp như ông Hà Vũ, viết tiếp:
Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.
"Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ.
"Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này.
"Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải.
"Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm.
"Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn.
"Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ."
Giáo sư Châu cũng đã từng Bấm bày tỏ quan điểm của ông về tự do ngôn luận khi đoạt giải Fields, giải được coi là Nobel toán học, hồi tháng Tám năm ngoái.
Cũng trong một bài blog, ông viết "bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.''
Bấm Mời quý vị chia sẻ ý kiến với Diễn đàn của BBC về câu chuyện này.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Giám đốc mỏ đá Lèn Cờ bị bắt

Thứ ba, 5/4/2011, 16:06 GMT+7

(Nguồn: VNExpress)

Bị can Phan Văn Chín. Ảnh: CTV.
Bị can Phan Văn Chín. Ảnh: CTV.

*Mõ làng Chờ: Sao trước khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc này không có cơ quan nhà nước nào cảnh báo nhỉ? Các cơ quan chính quyền, Công Đoàn tỉnh Nghệ An đâu? Chẳng lẽ để bảo vệ tính mạng, an toàn lao động cho người lao động không phải nhiệm vụ của Công Đoàn? - Để đến khi xảy ra tai nạn thì lại bắt ngay chủ lao động. Với cách làm như vậy cũng chỉ là giải quyết phần ngọn mà thôi, còn rủi ro, tai nạn cho người lao động sẽ vẫn là những ẩn số...

Ngày 5/4, công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Văn Chín (47 tuổi, chủ mỏ đá Lèn Cờ) về tội vi phạm các quy định về an toàn lao động.> Khởi tố vụ sập mỏ đá Lèn Cờ

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Phó giám đốc công an tỉnh Nghệ An cho biết, mỏ đá Lèn Cờ được cấp phép cho công ty TNHH Chín Mến do ông Phan Văn Chín làm giám đốc. Sau khi có giấy phép khai thác mỏ, công ty bổ nhiệm các chức danh như giám đốc điều hành mỏ, giám sát nổ mìn trên mỏ, làm các quy trình an toàn mỏ… Tuy nhiên, những chức danh này chỉ là trên giấy tờ còn thực tế, ông Chín tự điều hành các khâu ở mỏ đá Lèn Cờ.

Là người trực tiếp điều hành mỏ đá, ông Phan Văn Chín đã lập ra các bến đá rồi cho người khác thầu lại để thu tiền. Mỗi bến đá có một dây chuyền xay đá, sàng đá với khoảng 5 đến 10 công nhân. Trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ khiến 18 người tử nạn và 6 người bị thương hôm 1/4, hai người quản lý bến đá cũng bị chết,

Theo cơ quan điều tra, trong quá trình khai thác mỏ đá Lèn Cờ, công ty Chín Mến đã vi phạm các quy định về an toàn lao động như không trang bị bảo hộ lao động, không ký hợp đồng lao động với công nhân mà chỉ sử dụng lao động mùa vụ, người địa phương với hình thức như những cửu vạn.

Người dân địa phương cho biết, vợ chồng Phan Văn Chín trước đây làm nghề bán thịt chó rồi chuyển sang lập công ty khai thác đá.

Bước đầu, cơ quan cảnh sát điều tra nhận định, nguyên nhân của vụ sập mỏ đá là do việc khai thác không đúng quy trình đã được thẩm định phê duyệt. Công ty TNHH Chín Mến đã tiến hành khoan cắt chân của những phiến đá vỉa tạo ra hàm ếch dẫn đến việc mỏ bị sập.

Nguyên Khoa

 

Tiến sĩ Rùa học lúc ngủ cũng mơ thấy cụ rùa

*Mõ làng Chờ: Không biết phương pháp nghiên cứu của Tiến sĩ là gì nhỉ? Chẳng lẽ một nhà nghiên cứu khoa học mà chỉ sử dụng phương pháp nhìn và chụp ảnh để có thể kết luận về các đề tài của mình? Một nhà nghiên cứu về văn hoá Hồ Gươm, Hà Nội mà văn hoá để đâu khi đang nói chuyện với phóng viên nước ngoài lại dập máy chỉ vì họ gọi rùa bằng con rùa? - Thật đáng buồn !

Tiến sĩ Hà Đình Đức ngủ cũng mơ thấy 'cụ Rùa'

“Khi ăn tôi cũng nghĩ đến cụ Rùa, khi ngủ tôi cũng mơ thấy cụ. Mỗi lần tính mạng cụ bị đe dọa tôi đều làm tường trình gửi lên Chính phủ", tiến sĩ Hà Đình Đức, người đã dành gần 20 năm nghiên cứu Rùa hồ Gươm, nói.

Ảnh: Hương Thu
Phó giáo sư, tiến sĩ Hà Đình Đức cho rằng Rùa hồ Gươm không cùng loài với Rùa sống ở hồ Đồng Mô và hai con ở Trung Quốc. Ảnh: Hương Thu.

- Chuyên ngành học của ông không liên quan đến Rùa. Cơ duyên nào đưa ông đến với cụ Rùa hồ Gươm ở Hà Nội?
Năm 1963, tôi tốt nghiệp và làm giảng viên ngành sinh vật, với nhiều công trình nghiên cứu về động vật hoang dã. Tôi đã nghiên cứu về Khu hệ động vật ở nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam, rồi loài Bò xám ở Tây Nguyên và Lào, và rất nhiều công trình khác.
Nghiên cứu về Rùa hồ Gươm là một sự tình cờ. Ngày 15/3/1991 lần đầu tiên tôi trông thấy Rùa hồ Gươm bơi trên mặt hồ ở phía phố Hàng Khay. Sau đó mấy tháng tôi được mời tham gia Dự án Khai thác hồ Gươm bảo vệ Rùa quý phục vụ du lịch. Sau đó dự án kết thúc, nhưng tôi không dừng lại, tôi thấy hình như mình có sợi dây vô hình gắn chặt tôi với cụ Rùa. Từ đó tôi bắt đầu toàn tâm nghiên cứu về Rùa hồ Gươm.
Nhờ niềm đam mê đó mà tôi luôn có nhiều ý kiến đề xuất kịp thời đến các cấp có thẩm quyền trong việc bảo vệ Rùa hồ Gươm cũng như môi trường xung quanh hồ.
- Dành nhiều công sức cho cụ Rùa như vậy, ông được mọi người xung quanh đánh giá như thế nào?
- Người quý thì gọi tôi là ông “Đức Rùa”, “Giáo sư Rùa”, “Con trai Thần Rùa”. Người không thích thì cho tôi là “nhiễu sự”, “lão già rách việc”, “lão rỗi hơi”, nhiều tên lắm.
Tôi không quan tâm đến những cái tên đó, cốt yếu việc mình làm là bảo vệ bằng được cụ Rùa, bảo vệ hồ Gươm. Đó là điều tôi cảm thấy toại nguyện.
Có lần có phóng viên một hãng tin Anh trong lúc phỏng vấn tôi đã gọi cụ Rùa là con rùa, tôi dập ngay điện thoại. Sau đó phóng viên phải gọi là cụ Rùa cuộc nói chuyện mới tiếp tục. Chương trình họ phát không biên tập lại mà để nguyên đoạn đối thoại này.
Tôi quê ở Thanh Hóa nhưng ở Hà Nội đã 52 năm. Từ nghiên cứu cụ Rùa Hồ Gươm, tôi đi sâu nghiên cứu không gian văn hóa Hồ Gươm, lịch sử văn hóa Hà Nội, luôn luôn trăn trở suy nghĩ và đóng góp các ý kiến để bảo vệ lịch sử văn hóa Hà Nội.
ôii
Tiến sĩ Hà Đình Đức bên bờ hồ Gươm.

- Gần 20 năm theo dõi Rùa Hồ Gươm, rồi trình bày nhiều kiến nghị như thế, cái mà ông đạt được là gì?
- Tôi tâm đắc nhất là việc bảo vệ cụ Rùa cũng như môi trường hồ có cải thiện. Tuy vẫn chưa được như ý, nhưng tôi cho là cũng đã chặn được nhiều việc làm xâm hại đến hồ Gươm và đời sống của cụ Rùa hồ Gươm.
Cách nhìn của xã hội giờ đã khác, nhiều người đã có ý thức tôn trọng cụ Rùa và gìn giữ môi trường hồ Gươm. Tuy nhiên cũng còn không ít người tuỳ tiện xả rác bừa bãi chung quanh hồ, nhất là trong các dịp lễ hội.
Tôi mong muốn mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ cụ Rùa - sứ giả của truyền thuyết Hoàn Kiếm, một linh vật của thủ đô. Hãy giữ gìn vệ sinh quanh hồ Gươm.
Có lẽ vì cuộc đời tôi đã gắn chặt với cuộc sống của cụ Rùa, cho nên gần 20 năm qua tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi với công việc này. Thế nhưng có một điều buồn, là giờ không có sinh viên nào hứng thú theo bước tôi nghiên cứu về cụ Rùa. Công việc này không mang lại tiền bạc.
- Vậy tại sao ông vẫn nghiên cứu về Rùa?
Suốt 20 năm qua tôi vẫn dốc tâm theo dõi về cuộc sống của cụ Rùa và hồ Gươm. Tôi còn đi nhiều nơi khác tìm kiếm hậu duệ cho cụ để giữ nguồn mạch huyền thoại Hoàn Kiếm cho các thế hệ mai sau.
Hồ Gươm là bộ mặt của thủ đô, Rùa hồ Gươm là linh hồn của của hồ Gươm, là báu vật, là cổ vật sống duy nhất của Việt Nam, nhân chứng của trang sử oai hùng chống giặc ngoại xâm thế kỷ 15 của ông cha xưa.
Nhiều người nghĩ rằng, bao nhiêu năm qua, tôi bỏ công ra nghiên cứu bảo vệ Rùa hồ Gươm thì chắc được nhận tiền nhiều lắm. Ngay Dự án “Phục hồi và Ổn định bền vững Hồ Gươm” tôi làm chủ nhiệm, thù lao mỗi tháng cũng chỉ 1 triệu đồng, trong đó trừ đi 10% thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó có dự án khác, người ta trả tôi 100 đôla và 150 ngàn tiền ăn mỗi ngày, ở khách sạn, có ô tô phục vụ đi lại. Có nơi mời tôi nói chuyện trong vòng 2 giờ đã trả 2 triệu đồng.
- Đối với cụ Rùa, điều ông còn chưa làm được là gì?
- Đề nghị đưa cụ Rùa vào Sách Đỏ của tôi vẫn chưa được chấp nhận. Bên cạnh ý nghĩa về tâm linh, cụ Rùa hồ Gươm còn là động vật quý hiếm, nhưng đến nay cả 3 lần xuất bản vào các năm 1992, 2000, 2007 Sách Đỏ Viêt Nam vẫn chưa có tên Rùa hồ Gươm.
Tôi đề nghị đưa ngay Rùa hồ Gươm vào Sách Đỏ Việt Nam trong kỳ xuất bản tới. Rùa hồ Gươm không cùng loài với Rùa Đồng Mô và Giải Thượng Hải (Rafetus swinhoei).
- Là người nghiên cứu lâu năm, vậy ông đã biết Rùa hồ Gươm là "cụ ông" hay "cụ bà" chưa?
Tôi không bao giờ trả lời câu hỏi này.
Hương Thu
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(Theo VN Express)
Bài nguồn: Chủ nhật, 3/4/2011, 17:29
http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2011/04/tien-si-ha-dinh-duc-ngu-cung-mo-thay-cu-rua/