Vụ xử tiến sỹ Hà Vũ: 'Cần hủy bản án'
Một trong bốn luật sư bào chữa cho Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử hôm 4/4 nói với BBC cần hủy bản án của tòa sơ thẩm vì hội đồng xét xử đã vi phạm luật tố tụng hình sự.
Luật sư Trần Đình Triển nói tòa đã không thực hiện theo điều 214 của Bộ luật Tố tụng Hình sự khi từ chối công bố các tài liệu mà dựa vào đó họ cáo buộc ông Hà Vũ phạm tội tuyên truyền chống nhà nước.Về phiên xử kết thúc đột ngột hồi chiều nay, 4/4, với bản án bẩy năm tù giam đối với ông Hà Vũ, luật sư Triển nói các luật sư đại diện còn chưa kịp tranh tụng trước tòa:
Luật sư Trần Đình Triển: Với phiên tòa hôm nay, chưa đến phần tranh tụng thì các luật sư đã rời khỏi phòng xử án rồi và không tham gia phiên tòa nữa. Do đó việc chúng tôi nêu quan điểm và trình bày lời bào chữa của chúng tôi thì chưa được trình bày tại phiên tòa.
BBC: Như vậy có nghĩa là vụ xử đã diễn ra mà có luật sư cũng như không?
Không thể nói như thế được bởi vì phiên tòa là theo yêu cầu của anh Cù Huy Hà Vũ và đã được Tòa án Nhân dân tp Hà Nội cấp giấy chứng nhận cho bốn luật sư. Nhưng tại phiên tòa hôm nay, diễn biến tại phiên tòa có sự không đúng pháp luật.
Tôi trích dẫn Điều 214 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự là phải công bố những chứng cứ, những tài liệu có trong hồ sơ vụ án để các luật sư thẩm vấn, xét hỏi...nhưng hội đồng đã bỏ qua quy định của pháp luật tại Điều 214 và kết thúc phần xét hỏi.
Luật sư Trần Đình Triển
Nhưng luật sư Trần Vũ Hải vì đang say sưa trình bày thì tiếp tục trình bày tiếp thì bị chủ tọa phiên tòa yêu cầu cảnh sát mời, tôi dùng một từ chuẩn xác hơn là đuổi luật sư Trần Vũ Hải ra khỏi phiên tòa.
Còn đối với tôi và luật sư Thanh (Vương Thị Thanh) và luật sư Sơn (Hà Huy Sơn) thì tôi trình bày quan điểm là hội đồng xét xử tại phiên tòa hôm nay cũng phải căn cứ quy định của hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và dù ai cũng phải tuân thủ pháp luật.
Tôi đề nghị với hội đồng xét xử và tôi trích dẫn Điều 214 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự là phải công bố những chứng cứ, những tài liệu có trong hồ sơ vụ án để các luật sư thẩm vấn, xét hỏi đối với ông Cù Huy Hà Vũ và ông Cù Huy Hà Vũ cũng đồng tình quan điểm đó nhưng hội đồng đã bỏ qua quy định của pháp luật tại Điều 214 và kết thúc phần xét hỏi.
Nói tóm lại các luật sư chưa được hỏi, đi sâu vào đánh giá chứng cứ và để chuyển sang phần tranh tụng, có nghĩa là cắt đi cái phần xét hỏi đi vào trực tiếp chứng cứ của vụ án để đánh giá có tội hay không có tội.
Vì vậy các luật sư, tôi, luật sư Thanh, luật sư Sơn đều đồng tình quan điểm nói lên ý kiến là đề nghị hội đồng thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Nếu hội đồng xét xử không thực hiện đúng quy định của pháp luật thì các luật sư chúng tôi không thể ngồi bào chữa ở một phiên tòa mà chính ngay hội đồng đang vi phạm pháp luật.
Tôi cũng sẽ không trả lời bất cứ một lời nào đối với hội đồng và cũng không tranh tụng gì nữa và đề nghị hội đồng tuyên án luôn, mức án bao nhiêu tôi cũng chịu trước dân tộc và trước nhân dân.
Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ
Anh Cù Huy Hà Vũ cũng tuyên bố là: "Tôi cũng sẽ không trả lời bất cứ một lời nào đối với hội đồng và cũng không tranh tụng gì nữa và đề nghị hội đồng tuyên án luôn, mức án bao nhiêu tôi cũng chịu trước dân tộc và trước nhân dân."
Đấy là lời của anh Cù Huy Hà Vũ và vì vậy mà tôi cùng luật sư Sơn và luật sư Thanh cũng ra về vào lúc khoảng gần 12h trưa.
Không công khai
BBC: Phía Việt Nam họ nói rằng đây là phiên tòa xét xử công khai, dựa vào những gì luật sư được chứng kiến trong phiên buổi sáng thì phiên tòa có phản ánh đúng tinh thần của một phiên xử công khai không?
Trước hết là việc này ngay đầu phiên tòa thì luật sư Sơn cũng đưa ra ý kiến là trong quyết định đưa vụ án ra xét xử thì theo quy định của pháp luật phải nêu rõ là xử kín hay xử công khai, nhưng trong quyết định thì không nói đến xử kín hay xử công khai cả, tức là lập lờ ở chỗ đó.
Chủ tọa phiên tòa đã xin lỗi, đây là sự sơ suất do khâu đánh máy còn phiên tòa là xử công khai.
Và đã xử công khai thì theo quy định của pháp luật Việt Nam là mọi người dân đều có quyền đến tham dự phiên tòa, trừ trẻ em dưới 16 tuổi và những người không có năng lực hành vi.
Tôi cũng rất là bất ngờ là tất cả các chặng đường bị chặn lại và trong phòng xét xử thì những người đến dự phiên tòa thì được đeo thêm một biển đã phát, tóm lại là khách mời của tòa chứ không phải là những người dân có quyềnđể đến dự phiên tòa.
Đồng thời qua phiên tòa cũng để nâng cao dân trí, để dân hiểu biết về pháp luật và góp phần vào phòng chống tội phạm và thực hiện những quy định của pháp luật và thực hiện đúng lời của nhà nước là 'sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật'.
Nhưng tôi cũng rất là bất ngờ là tất cả các chặng đường bị chặn lại và trong phòng xét xử thì những người đến dự phiên tòa thì được đeo thêm một biển đã phát, tóm lại là khách mời của tòa chứ không phải là những người dân có quyền để đến dự phiên tòa.
Trước hết để đánh giá vấn đề này thì chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách thấu đáo hai khía cạnh.
Thứ nhất, dân đông, chúng ta lường tính được thì chúng ta có thể tổ chức phiên tòa ở nơi rộng rãi hơn, lưu động, ví dụ ở sân vận động chẳng hạn, để dân được lắng nghe, được tham dự phiên tòa.
Hoặc là kéo loa ra một nơi rộng rãi khác để dân không được trực tiếp nghe trong phiên tòa thì người ta nghe qua hệ thống truyền thanh hoặc truyền hình.
Còn nếu trường hợp, cũng thông cảm với lực lượng bảo vệ vì dân đến có thể làm mất trật tự thì chúng ta cũng phải có biện pháp để bảo vệ nhưng theo quan điểm của tôi bảo vệ để giữ gìn an ninh trật tự khác với hành vi ngăn cấm.
Xét xử lại?
BBC: Như luật sư nói thì tôi [Nguyễn Hùng của BBC] có thể hiểu là ở đây thứ nhất tòa đã nhìn nhận có sai sót khi không công bố đây là phiên xử công khai, rồi sau khi tinh thần xử công khai nhưng thực tế lại không phải như vậy và rồi đến chuyện làm sai luật khi không cung cấp các tài liệu mà người bị buộc tội bị buộc vào tội như vậy thì phiên xử này về mặt pháp lý và về mặt bản án có tính pháp lý không?
Vì đây chúng tôi chứng minh được rằng rất nhiều hành vi vi phạm ngay từ khâu khám xét hành chính ban đầu đến trong cả quá trình điều tra, rồi trong cả quá trình để cung cấp cáo trạng, những kiến nghị của luật sư yêu cầu mời nhân chứng, yêu cầu mời người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan... thì đều bị bỏ qua cả.
Căn cứ quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, sự vi phạm tố tụng mà ngay cả đối với các luật sư như trong ngày hôm nay và những tài liệu cung cấp thì theo quy định của pháp luật, cấp phúc thẩm nếu làm một cách đầy đủ đúng pháp luật thì phải hủy án để xét xử lại từ khâu sơ thẩm.
Ngay tại tòa tôi đã cầm cuốn sách về Bộ Luật Tố tụng Hình sự, tôi xin trích dẫn một điều như thế này thôi.
Điều 214: "Các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét xử đều phải được công bố tại phiên tòa."
Đấy là luật. Hội đồng xét xử không công bố thì đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật rồi.
Còn rất là nhiều quy định khác như vấn đề đánh giá chứng cứ hay thu thập chứng cứ.
Thu thập chứng cứ thì nguồn chứng cứ và quá trình thu thập chứng cứ phải đúng qua định của pháp luật.
Ttôi lấy ví dụ như việc khám xét hành chính phải theo đúng Pháp lệnh Xử phạt Vi phạm Hành chính.
Tại thành phố Hồ Chí Minh thì ủy ban thành phố đã có một văn bản riêng biệt quy định về khám xét hành chính thì muốn khám xét hành chính thì phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là nơi ở của họ muốn giữ người phải có quyết định, muốn thu giữ đồ vật phải có quyết định.
Nhưng tất cả quá trình đó từ 0h đến 15h [ngày 5/11 khi ông Hà Vũ bị bắt] không hề có một văn bản, một quyết định nào và ngang nhiên vi phạm pháp luật như vậy.
Việc thu giữ những tài liệu đó, những chứng cứ đó không đúng quy trình của pháp luật thì có giá trị pháp lý hay không?
BBC: Sắp tới đây liệu các luật sư có đưa ra quyết định kháng cáo không?
Quyền kháng cáo trong quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thuộc về bị can, bị cáo, bị án.
Luật sư chỉ kháng cáo khi đối với những người có nhược điểm về thể chất hoặc đối với trẻ vị thành niên.
Còn trường hợp này quyền kháng cáo là thuộc về anh Cù Huy Hà Vũ.
Nếu anh Cù Huy Hà Vũ kháng cáo thì buộc phải xử theo trình tự phúc thẩm và các luật sư như tôi hay các luật sư khác nếu được anh Cù Huy Hà Vũ mời thì tham gia ở phiên tòa phúc thẩm.
BBC: Luật sư nói rằng phiên tòa đã vi phạm rất nhiều những quy định của pháp luật thì bản thân các luật sư có thể kháng cáo hay khiếu nại đối với cơ quan pháp luật cao hơn của Việt Nam không?
Họ cố tình lảng tránh việc công bố những tài liệu mà họ đưa ra để buộc tội đối với ông Cù Huy Hà Vũ.
Còn đối với ba luật sư, tôi, luật sư Thanh, luật sư Sơn thì chúng tôi sẽ có ý kiến bằng văn bản vì việc một phiên tòa mà không quán triệt quy định của pháp luật để xét xử.
Việc này chúng tôi đang cân nhắc.
'Hết sức bình tĩnh'
BBC: Tại tòa hôm nay thì các thẩm phán họ có đưa ra lý do cho bốn luật sư là tại sao họ lại không thể công bố mười tài liệu được yêu cầu không?
Tôi cho rằng diễn biến hôm nay là một sự quanh co.
Khi chúng tôi yêu cầu công bố những văn bản trong mười tài liệu mà anh Cù Huy Hà Vũ trả lời phỏng vấn hay anh viết là phải là toàn văn bởi vì anh viết lâu ngày rồi, có thể anh không nhớ.
Thứ hai nữa, khi đánh giá chứng cớ trong một văn bản thì phải tổng hòa các mối quan hệ trong nội dung người ta đưa ra. Nếu về mặt câu chữ hay ngôn ngữ, chỉ cần bỏ đi một chữ thì ý nghĩa nó đã khác nhau rồi.
Do đó khi cần công bố công khai thì hội đồng xét xử lại công bố lời khai.
Chúng tôi bảo là công bố tài liệu thì hội đồng lại tóm tắt nên chúng tôi đề nghị công bố toàn văn.
Anh vẫn tuyên bố là anh không có tội, anh đang làm việc vì thống nhất, độc lập chủ quyền toàn bộ lãnh thổ và đang vì nhân dân Việt Nam, vì Nhà nước Việt Nam
BBC: Ông Cù Huy Hà Vũ cũng là người khá thân thiết với luật sư thì tôi muốn hỏi hôm nay tinh thần của ông Hà Vũ tại tòa như thế nào?
Từ trước tới nay thì trong quá trình anh em làm việc cũng như trong quá trình anh bị bắt tạm giam và tại phiên tòa thì anh đều thể hiện sự hết sức bình tĩnh, trả lời rất rõ ràng, rành mạch và anh vẫn tuyên bố là anh không có tội, anh đang làm việc vì thống nhất, độc lập chủ quyền toàn bộ lãnh thổ và đang vì nhân dân Việt Nam, vì Nhà nước Việt Nam chứ không chống lại nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
BBC: Luật sư có điều kiện để hỏi han bất kỳ câu nào không?
Tôi có hỏi. Tức là phần xét hỏi thì mặc dầu hội đồng ngăn cấm nhưng mà tôi nói tôi đang tìm hiểu về mặt chứng cứ và thu thập chứng cứ có đúng không và tôi hỏi theo cáo trạng.
Đó là tôi hỏi rất rõ về việc khám xét hành chính tại khách sạn Mạch Lâm, nơi ở của anh, anh thuê phòng ngủ ở đó, có lệnh hay không.
Anh trả lời 'không'.
Thu giữ tài sản, đồ dùng của anh có lệnh không - 'không'.
Và việc giữ anh 17 tiếng đồng hồ đó có lệnh giữa người về thủ tục hành chính không - cũng trả lời 'không'.
(Nguồn: BBC)
-------------------------------------------------------------------------------------------
Án 7 năm tù cho ông Cù Huy Hà Vũ
Phiên tòa sơ thẩm xử ông Cù Huy Hà Vũ tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự kết thúc nhanh chóng vào đầu giờ chiều hôm 04/04 tại Hà Nội.
Tuy nhiên người thân của ông đặt câu hỏi về tính hợp pháp của phiên tòa, vì các luật sư bào chữa cho ông đã tuyên bố ngừng tham gia từ cuối buổi sáng khi yêu cầu cung cấp tài liệu của họ không được tòa đáp ứng.
Thông tin cập nhật về phiên tòa, tuy được lưu truyền rộng rãi trên các trang mạng, không được nhắc tới trong các bản tin của báo chí chính thống cho tới tận cuối giờ chiều.
Các nhân chứng cho hay ngay từ sáng sớm, bên quanh Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, nơi phiên xử diễn ra, hàng rào an ninh được thắt chặt.
Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn cản hàng trăm người đổ tới theo dõi phiên tòa mà một số báo chí nước ngoài nhận định là "lớn nhất Việt Nam" trong một thời gian.
Tòa bắt đầu xử vào khoảng 8 giờ sáng, nghỉ trưa vào lúc 12 giờ và mở lại vào đầu giờ chiều.
Hãng thông tấn Pháp AFP nói ông Cù Huy Hà Vũ đeo cà vạt đã xuất hiện trước tòa.
Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội.
Xử công khai?
Có bốn luật sư tham gia bào chữa cho ông Vũ.
Sau phần đọc cáo trạng, trước khi bắt đầu tranh tụng, các luật sư nêu yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan cáo trạng cho ông Cù Huy Hà Vũ nhưng tòa đã bác yêu cầu này.Bởi vậy, theo thân nhân ông Vũ có mặt bên ngoài tòa, các luật sư đã 'ngừng tham gia'. Thế nhưng, phiên tòa vẫn được tiếp tục và tuyên án.
Báo chí nước ngoài chỉ được cử hai đại diện tới theo dõi đưa tin phiên xử cùng một số thành viên ngoại giao đoàn.
Báo Thanh Niên trong bản tin ngắn hôm thứ Hai nói phiên tòa diễn ra "công khai" trước sự chứng kiến của báo chí trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, hãng AFP đưa tin chỉ có một số ít nhà báo và nhân viên ngoại giao được vào quan sát phiên tòa qua màn hình vô tuyến với chất lượng âm thanh xấu, trong một phòng họp ở bên cạnh.
Những ngày gần đây, trên các diễn đàn mạng và các trang blog đã có nhiều lời kêu gọi người dân đổ tới 43 Hai Bà Trưng, địa chỉ tòa án, để ủng hộ ông Cù Huy Hà Vũ và thân nhân, trong ngày xử án mà một số tổ chức người Việt gọi là 'Ngày V'.
Một nhân chứng nói với BBC: "Giao thông trên phố Hai Bà Trưng (8g30-9g sáng) bị ách tắc nghiêm trọng."
Công an cũng dựng rào chắn đường xung quanh tòa án.
Trong số những người tới theo dõi vụ xử có luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân.
Ông đã bị ngăn cản không cho đứng trong đám đông ở bên ngoài.
Blogger Người Buôn Gió, người cũng đã có mặt tại hiện trường sáng 04/04, nói với BBC rằng ông Lê Quốc Quân đã bị công an đưa đi chỗ khác. Bản thân blogger này cũng bị cảnh báo nếu không rút lui sẽ 'bị bắt'.
Giới chức khuyến cáo đám đông bên ngoài giải tán về nhà.
Trước vụ xử, một số luật sư trong và ngoài nước đã gửi kiến nghị lên các đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị xem lại điều 88 Bộ Luật hình sự.
Chống Nhà nước
Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, phu nhân ông Cù Huy Hà Vũ, đã được phép vào trong phòng xử án. Tuy nhiên em gái ông, bà Cù Thị Xuân Bích, không được giấy mời để vào tham dự.Cáo trạng của tòa nói trong thời gian 2009-2010, ông Cù Huy Hà Vũ đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài và đăng tải trên mạng internet với nội dung " tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".
Ông Vũ cùng từng khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai lần xung quanh các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên.
Ngay trước phiên tòa, một số giáo xứ đã tổ chức thắp nến cầu nguyện cho vị tiến sỹ luật, người đã từng trợ giúp luật pháp cho giáo dân trong một số vụ rắc rối với chính quyền.
Bấm Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.
Ngày 4-4-2011, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xử sơ thẩm vụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đối với bị cáo Cù Huy Hà Vũ, sinh năm 1957, trú tại 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình. Ngay sau đó, một số trang mạng, đài, báo và một số tổ chức ở nước ngoài đã bình luận rằng, đó là “phiên tòa vi phạm pháp luật”; “thiếu dân chủ”… Họ đòi “thả ngay Cù Huy Hà Vũ và các “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam (!)
Cần khẳng định, đây là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền. Cù Huy Hà Vũ có những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, phải đưa ra xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định đó hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Tại Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Các quyền tự do, dân chủ của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, được quy định rõ trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, được tôn trọng bảo vệ và thực thi trên thực tế.
Đối với Cù Huy Hà Vũ, kết quả quá trình điều tra cơ quan pháp luật Việt Nam đã xác định rõ những hành vi phạm tội của ông ta. Ngày 21-10-2010, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có báo cáo và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ việc phát hiện trên trang mạng internet có một số bài trả lời phỏng vấn của người tự xưng danh là Cù Huy Hà Vũ với nhiều nội dung chống phá Nhà nước và nhân dân Việt Nam… Qua điều tra, các lực lượng chức năng phát hiện 40 đầu tài liệu, trong đó có một số bài báo do Vũ viết, trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đòi đa nguyên, đa đảng; xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam… Ngày 5-11-2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tổ chức khám xét chỗ ở của Cù Huy Hà Vũ tại 24 đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, tiếp tục thu giữ nhiều tài liệu mang nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Do đó, ngày 5-11-2010 cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra lệnh tạm giữ Cù Huy Hà Vũ và ngày 9-11-2010 đã ra quyết định khởi tố vụ án. Ngày 11-11-2010, Viện KSND tối cao ra quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội để ra quyết định khởi tố bị can đối với Cù Huy Hà Vũ về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam để điều tra làm rõ.
Quá trình làm việc tại cơ quan điều tra, Cù Huy Hà Vũ đã khai nhận: Các tài liệu bị thu giữ cùng một số bài viết, bài trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài châu Á tự do (RFA) với nội dung kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp… là của Vũ.
Các bài Vũ viết được lưu giữ ở nhà và đưa lên mạng internet, trang bauxitvietnam cụ thể như sau: “Phải đa đảng mới chống được lạm quyền” (Vũ trả lời phỏng vấn đài châu Á tự do (RFA) ngày 1-2-2010); “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30-4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ” (Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA ngày 29-4-2010); “TS Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp” (Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA tháng 6-2010); “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc”, (Vũ trả lời phỏng vấn Đài RFA ngày 31-8-2010 và đăng trên trang mạng bauxitvietnam); “Phóng viên Trâm Oanh phỏng vấn Cù Huy Hà Vũ tháng 10-2010 có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; “Tam quyền nhất lập đồng lòng hại dân”, (Vũ viết và gửi đăng trên trang mạng bauxitvietnam); “Bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích và dấu hiệu bẫy người khác phạm tội”; “Đường sắt cao tốc Bắc-Nam – dự án tham nhũng”, (Vũ trả lời đài VOA năm 2010); “Bàn về Đảng cầm quyền” (Vũ đang viết dở, nội dung phỉ báng xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam); “Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình”, (bài viết có nội dung xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân)… Cơ quan An ninh điều tra đã trưng cầu giám định âm thanh giọng nói trong đĩa CD của phóng viên Trâm Oanh, đài truyền thanh ở Đức. Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an kết luận: Đó là giọng nói của Cù Huy Hà Vũ…
Tội phạm đã rõ như vậy nhưng trước tòa Vũ lại không thừa nhận sai phạm của mình. Tuy nhiên, sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ, lời khai… thu thập được trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã xác định có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Cù Huy Hà Vũ cấu thành tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 88, Khoản 1, điểm C – Bộ luật Hình sự.
Việc các thế lực thù địch cho rằng “phiên tòa vi phạm pháp luật” “thiếu dân chủ” vì bị cáo không có sự bảo vệ của các luật sư, một số tài liệu của vụ án không được công bố tại tòa…, thì các chứng cớ lưu lại đều cho thấy đây là sự cáo buộc vô căn cứ, xuyên tạc sự thật. Các luật sư được Vũ mời tham gia bào chữa gồm: Trần Đình Triển, Vương Thị Thanh, Hà Huy Sơn, Trần Vũ Hải, đã đọc và nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án nhưng khi ra tòa lại yêu cầu hội đồng xét xử công bố các “tài liệu của vụ án và nhận xét báo cáo của cơ quan tổ chức”… Cần nói ngay rằng, theo Điều 214 Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS), việc làm trên của các luật sư là không tuân thủ pháp luật vì những tài liệu chứng cứ của vụ án này đã được Viện KSND Hà Nội công bố trước tòa.
Sau đó, Cù Huy Hà Vũ tiếp tục đưa ra các yêu cầu hết sức vô lý như: Đòi hủy phiên tòa vì Vũ chưa nhận cáo trạng; phiên tòa không có mặt “người bị hại”, chưa trả lời đơn đề nghị trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ; Tòa không để chú ruột Vũ là ông Cù Huy Chử làm người đại diện pháp luật cho bị cáo… Thậm chí, Vũ còn đòi thay toàn bộ Hội đồng xét xử vì đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; thay kiểm sát viên… Những lời đề nghị không có căn cứ pháp luật nêu trên đều bị HĐXX phiên tòa bác bỏ.
Không đạt được ý định hoãn phiên tòa, Vũ và các luật sư quay sang đòi Hội đồng xét xử công bố toàn văn 10 bài viết đăng tải trên VOA, RFA được cho là tuyên truyền chống đối Nhà nước… Chủ tọa phiên tòa đã bác bỏ đòi hỏi này vì các bằng chứng ấy đều đã được Kiểm sát viên công bố rõ trong cáo trạng, bản thân Vũ đã thừa nhận 10 tài liệu đó là của mình và các tài liệu trên đều có chữ ký xác nhận của Vũ. Trong những lần hỏi cung, Vũ thừa nhận và ký vào biên bản hỏi cung với cơ quan điều tra. Theo quy định của pháp luật, HĐXX chỉ công bố những tài liệu mới phát sinh (nếu có) trong vụ án để những người tiến hành tố tụng, luật sư, bị cáo và những người liên quan phân tích đánh giá. Ở vụ án này điều đó đã không xảy ra.
Không được tòa chấp nhận, nhiều lần các luật sư dọa bỏ về. Luật sư Trần Vũ Hải không chấp hành nội quy phiên tòa và đã bị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở nhiều lần. Trước thực tế trên, căn cứ theo các Điều 197 và 198 Bộ luật TTHS, chủ tọa phiên tòa đã buộc vị luật sư này rời khỏi phòng xử án. Sau đó, các luật sư còn lại đã tự ý rời bỏ phiên tòa khi mới kết thúc phần xét hỏi. Với việc làm trên, các luật sư đã tự mình tước quyền bào chữa cho bị cáo được pháp luật quy định tại Điều 217 và 218 Bộ luật TTHS về tranh luận tại phiên tòa; vi phạm Điều 58 của Bộ luật TTHS về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa…
Tại phiên tòa cũng như sau phiên tòa, Vũ đã đưa ra nhiều lập luận, tự cho rằng: “Việc làm trên chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng”… Bản cáo trạng cũng như bản án kết tội của HĐXX đã khẳng định rõ, các bài viết và trả lời phỏng vấn của Cù Huy Hà Vũ là xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước, bôi nhọ cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam… Dư luận quần chúng nhân dân đều cho rằng, mức án 7 năm tù, 3 năm quản chế sau mãn hạn tù đối với Cù Huy Hà Vũ là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật./.
Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Tuấn
(Nguồn: Nguyễn Tấn Dũng.org)