Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Văn minh Sicagô (nguồn: http://www.procontra.asia/?p=3593)

Tháng 11 4, 2013
Phạm Thị Hoài
Từ khoảng 1955-1956 trở đi, dưới những bút danh Trần Lực, Chiến Sĩ, D.X., T.L. và C.B.,  Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều bài trên báo Nhân dân về nước Mỹ [1], đặt nền tảng cho tư duy và cảm nhận của nhiều thế hệ người Việt về cái thế giới kinh hoàng rùng rợn của chủ nghĩa tư bản ở những xứ sở phương Tây bất hạnh trên địa cầu. “Mỹ mà xấu” trở thành một cách nói phổ biến ở miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh và được coi là một phát ngôn châm biếm thành công, một cách chơi chữ độc đáo của ông Hồ. Chúng ta hãy đọc lại một số bài báo đó.
Bài kí tên C.B. sau đây đăng trên Nhân dân số 838, ngày 20-6-1956.
Sicagô và Sài Gòn
Sicagô là một thành phố to hạng nhì ở Mỹ, có độ ba triệu dân và rất nhiều công nghiệp và thương nghiệp. Nó cũng là sào huyệt của những “vua” cướp của, giết người, buôn lậu và các thứ tội ác.
Hiện nay, Mỹ đang đưa “văn minh” Sicagô đến miền Nam Việt Nam ta.
Tối hôm 9-6, hai nhân viên của “phái đoàn viện trợ” Mỹ đã bắn nhau chết ở tiệm rượu “Đồng tiền vàng”. Có lẽ đó mới là bước đầu.
Hôm 12-6, một bọn cướp với súng ống đầy đủ, đã cướp chuyến xe hơi ở Xuân Lộc, cách Sài Gòn 80 cây số.
Các báo miền Nam cho biết: từ 21-5 đến 7-6, ở Sài Gòn và các thành phố xung quanh có 48 vụ trộm cướp và 47 vụ tống tiền. Ở Sài Gòn – Chợ Lớn, ngày nào cũng xảy ra những vụ ăn cắp xe đạp và xe hơi. Có những tên đã đánh cắp hơn 20 chiếc xe hơi.
Tệ hại nhất là “văn minh” Sicagô đã lan rộng đến lớp thanh niên học sinh. Thí dụ: 1 nam học sinh 17 tuổi, ở Tân Sơn Nhất, đã phạm tội giết người, cướp của.
Một nữ học sinh trường luật, 23 tuổi, đã phạm tội tống tiền gần nửa triệu đồng…
Đế quốc Mỹ xúi giục Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, âm mưu trường kỳ chia cắt đất nước ta. Đó đã là một tội ác tày trời, không thể tha thứ. Chúng lại còn âm mưu phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc ta, đầu độc thanh niên ta – Hai tội chồng chất, càng không thể tha thứ[2]
*
Bài kí tên Trần Lực sau đây đăng trên Nhân dân số 2051, ngày 28-10-1959.
Mỹ mà phong không thuần, tục không mỹ
Do kết quả của giáo dục và ảnh hưởng của xã hội, số phạm tội trong đám thiếu niên và thanh niên (từ 10 đến 20 tuổi) ngày càng tăng. Trên báo chí Mỹ thường có những tin tức rùng rợn như sau:
Thằng bé E. Pakét, 16 tuổi, đã giết chết cha và một em gái của con bé S. Phrốtxlen, 15 tuổi, là “người yêu” của nó. Mẹ và hai em gái của Phrốtxlen cũng suýt bị Pakét giết chết (14-10-1959).
Tuần báo Tin tức Mỹ và báo cáo thế giới ( 14-9-1959) viết: Bọn phạm tội trẻ tuổi ngày càng táo bạo. Ở các thành phố to, đi ra đường là có nguy hiểm. Sự khủng bố ở ngoài đường đã trở nên một vấn đề ngày càng nghiêm trọng
Báo Ngôi sao, xuất bản ở thủ đô Mỹ đã đăng những lời khuyên răn của sở cảnh sát đối với phụ nữ, trong đó có mấy điều như sau:
- Khi các bà, các cô ra đường, nên có người đưa đi.
- Nên chọn những đường phố đông người và nhiều đèn sáng.
- Trước khi đi vào ngõ, phố ít đèn, nên để ý có ai theo đuổi mình chăng.
- Nếu có chút đáng ngờ, thì nên vào ngay một nhà gần nhất ở đó để gọi cảnh sát.
- Nên nắm thật chặt cán túi tay của mình.
- Không nên mang trên mình vòng xuyến quý và nhiều tiền bạc.
- Nếu đi xe hơi của mình, thì chỉ nên dừng xe ở những phố đông người. Nên luôn luôn đóng kín cửa sổ xe.
- Không nên tắt máy, để khi cần thì cho xe chạy được ngay.
Và nhiều điều dặn dò khác, để tránh nguy hiểm do bọn du côn trẻ tuổi gây ra.
Đó là một “nếp sống văn minh” mà đế quốc Mỹ muốn đưa ra làm gương cho thiên hạ noi theo! Ngu ngốc thay đế quốc Mỹ vậy! [3]
*
Bài kí tên T.L. sau đây đăng trên Nhân dân số 2003, ngày 30-3-1960.
Chế độ nào, thanh niên ấy
Ngày 17 tháng 1 năm 1960, chiếc thuyền nhỏ chở 4 thủy thủ trẻ tuổi Liên Xô (Digansin, Palốpxki, Criútcốpxki, Phêđôtốp), bón người thuộc ba dân tộc, đều mới vào bộ đội bị bão to cuốn ra khơi Thái Bình Dương. Máy vô tuyến điện hỏng, đứt liên lạc với trên bờ. Trên thuyền chỉ còn lương đủ cho hai ngày và hai mươi kilô khoai. Bốn người lênh đênh xiêu bạt suốt bốn mươi chín ngày đêm. Lương thực hết, họ phải nấu giày ủng để ăn. Ăn hết giày ủng, họ phải nấu cả chiếc đàn gió bằng da. Nước hết, họ phải hứng nước mưa và mỗi người mỗi ngày chỉ được uống nửa cốc. (Để mừng ngày sinh của Criútcốpxki, các bạn tặng anh một cốc nước đầy, nhưng anh không nỡ uống.)
Đói, khát, rét, mệt, nguy hiểm đến cực độ, nhưng bốn thanh niên anh hùng ấy vẫn giữ vững tinh thần, không chút nản chí. Lênh đênh trên mặt biển, không có việc gì làm, họ thay phiên nhau ngâm thơ, đọc sách, kéo đàn (khi chiếc đàn hãy còn) để khuyến khích lẫn nhau.
Cuối ngày thứ bốn mươi chín thì một chiếc tàu binh Mỹ vớt họ lên.
Đó là tiêu biểu của tinh thần đoàn kết và chí khí bất khuất của thế hệ thanh niên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ai cũng biết rằng ở Mỹ, số thiếu niên và thanh niên phạm tội ngày càng nhiều. Nhất là ở những thành phố lớn, ngày nào cũng xảy ra những vụ thiếu niên và thanh niên phạm tội trộm cắp, hãm hiếp, cướp của, giết người. Ví dụ, cách đây không lâu, tên E. Pakê, mười sáu tuổi, đã bắn chết cha và em gái của cô A. Khi bị bắt, nó khai rằng nó đã chuẩn bị kế hoạch từ lâu định giết cả mẹ và hai em gái của cô A. Nhưng “không may” ba người đã chạy thoát [4].
Vừa rồi, chỉ trong mấy ngày (từ 2-2 đến 2-3), tên D. Hoaini, mười bảy tuổi, quê ở Caliphoónia, đã giết chết năm người đàn ông và một người đàn bà. Khi bị bắt, nó thản nhiên nói: “tôi định giết mười hai người. Tiếc rằng tôi chưa làm được như ý muốn.”
Đó là đầu óc hư hỏng và cử chỉ điên cuồng của thế hệ thanh niên dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.
Hai chế độ xã hội khác nhau đã giáo dục nên hai thế hệ thanh niên khác nhau? [5]
*
Tôi cũng thuộc những thế hệ lớn lên bằng gạo mốc và lòng tự hào rằng chúng ta còn thiếu thốn, nhưng có thừa những phẩm chất tốt đẹp để vẫy gọi phía bên kia. Rằng ngoài chính nghĩa, lí tưởng, lòng nhân ái và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chúng ta còn lành mạnh. Chúng ta đầy giun sán trong người nhưng không mắc bệnh giang mai. Không cao bồi, đĩ điếm, xì-ke ma túy. Không bệnh hoạn, đồi trụy, dâm ô. Không thần kinh, không tự tử. “Mỹ mà xấu” bao nhiêu, chúng ta tốt đẹp bấy nhiêu.
Có thể cái ưu thế đạo đức ấy từng có thật ở một mức độ nhất định và đóng một vai trò chưa thể đánh giá hết trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh. Song từ ấy đến nay chẳng có gì – từ truyền thống và thuần phong mĩ tục đến tín ngưỡng và quốc giáo Mác-Lê-Hồ – chứng tỏ và bảo đảm rằng người Việt thượng đẳng hơn những dân tộc khác về đạo đức. Chẳng có gì để chúng ta phải sững sờ không tin nổi, vì sao một điều khủng khiếp này, một tội ác tày trời nọ lại có thể xảy ra trong “xã hội ta”.
Ngược lại. Sẽ có ích hơn, nếu xuất phát từ tiền đề rằng không có vực thẳm đạo đức nào của nhân loại là quá sâu với người Việt. Tôi từng đinh ninh rằng xâm hại tình dục trẻ em chỉ có thể là sản phẩm của phương Tây. Bây giờ hiếp dâm trẻ em ở Việt Nam đã thành tin nhàm. Một bé gái 8 tuổi. Một bé gái 7 tuổi. Một bé gái 6 tuổi. Một bé gái 5 tuổi. Một bé gái 4 tuổi. Một bé gái 3 tuổi… Không ngưỡng nào là cuối cùng. Chúng ta không là một ngoại lệ nào hết. Cũng đầy đủ khả năng hư hỏng, điên rồ, méo mó, bệnh hoạn, hủy diệt kẻ khác và tự hủy diệt như con người ở bất kì đâu. Xã hội Việt Nam ngày nay cũng tràn ngập những điều rùng rợn kinh hoàng mà Hồ Chí Minh quy về cho xã hội Mỹ, cộng thêm bản sắc dã man mông muội rất riêng của văn hóa Việt Nam.
Muộn nửa thế kỉ, cuối cùng Hà Nội cũng đến kịp với nền “văn minh Sicagô”. Và đang nôn nóng vượt qua, như thường thấy ở kẻ đến muộn. Trước sau Mỹ vẫn dẫn đầu về tỉ lệ tội phạm trong các nước phát triển. Nhưng nếu đi tìm một cái xác trên dòng Chicago River, người ta sẽ không thể trong vỏn vẹn mười ngày ngẫu nhiên gặp luôn sáu thi thể khác, như trên sông Hồng.
© 2013 pro&contra


[1] Những bài này sau được tập hợp thành sách trong Nói chuyện Mỹ…, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1972, 352 trang. Ngoài ra còn một cuốn sách khác, nhan đề Mỹ mà xấu, ghi tên tác giả là Vladimia Pôzônê, Nxb Văn học, Hà Nội, 1964, tái bản năm 1989. Vladimia Pôzônê – hay Vla-đi-mia Pô-dơ-ne – có phải là một trong vô vàn bút danh khác của Hồ Chí Minh không, là một nghi vấn hợp lí.
[2] In lại trong Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000
[3] Sđd, tập 9
[4] Tác giả lặp lại sự việc đã được kể trong bài viết kí tên Trần Lực 5 tháng trước, ngày 28-10-1959, nhưng tên các nhân vật liên quan có chút thay đổi.
[5] Sđd, tập 10

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Huyền thoại Võ Nguyên Giáp - Từ những góc nhìn khác

*MLC: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng huyền thoại của chế độ CS VN, một tứ trụ triều đình,  thần tượng của biết bao người lính, con dân nước Việt. Nói đến ông, hệ thống truyền thông của đảng đã ca ngợi ông đến độ nhiều người có cảm tưởng sẽ chẳng còn lời ca tụng nào xứng đáng với ông nữa, thậm chí báo Lao động còn đã phong "thánh" cho ông.
Tuy nhiên vì ông là một nhân vật lịch sử, mà đã là nhân vật lịch sử cần phải được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, đa dạng và nghiêm túc. Lịch sử phải luôn nghiêm túc và chân thật (đến mức có thể nhất) vì lý do này và để tập hợp tư liệu (riêng cho mình) cho cái nhìn đa chiều về nhân vật lịch sử này, Mõ xin phép các chủ blog, trang web khác sưu tầm nhiều bài viết về con người, vị tướng "huyền thoại" cất trữ vào blog này (xin lưu ý: chủ blog không trả nhuận bút)
-----------------------------------------------

Oriana Fallaci gặp Đại tướng Giáp

Bùi Văn Phú
1Nữ ký giả người Ý Oriana Fallaci nổi tiếng từ cuối thập niên 1960 với những bài phỏng vấn lãnh đạo các quốc gia như: Indira Gandhi, Willy Brandt, Robert Kennedy, Đặng Tiểu Bình, Golda Meir, Yasir Arafat, Ali Bhutto, Henry Kissinger, Nguyễn Văn Thiệu v.v…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã dành cho Fallaci một cuộc phỏng vấn tại Hà Nội vào tháng 2-1969, khi cuộc chiến Việt Nam ở vào cao điểm với sự can dự của người Mỹ lên đến hơn nửa triệu lính đang chiến đấu tại Việt Nam. Đó cũng là thời điểm một năm sau cuộc Tổng Tấn công Tết Mậu Thân và hòa đàm Paris đang diễn ra.

Trong tác phẩm Interview with History (Nxb Liveright, 1976) Fallaci đã viết về lần gặp Tướng Giáp với nhiều chi tiết đáng chú ý.
 Theo giới chức Việt Nam sắp xếp cho cuộc gặp thì đây là buổi mạn đàm với Tướng Giáp, không phải một cuộc phỏng vấn. Khi Fallaci và phái đoàn được gặp, Tướng Giáp không muốn người nữ ký giả dùng máy ghi âm. Ông cũng nói: “Đây chỉ là cuộc mạn đàm giữa chúng ta”.
Buổi gặp kéo dài 45 phút, Tướng Giáp nói tiếng Pháp. Là một ký giả với tay nghề cao, Fallaci đã biến “buổi diễn thuyết” của ông thành cuộc phỏng vấn. Có những lần nữ ký giả muốn ngắt lời để hỏi sâu thêm thì Tướng Giáp trả lời: “Hãy Kiên nhẫn. Đừng ngắt lời tôi”.
Ký giả Fallaci đến Hà Nội cùng với ba phụ nữ Ý khác, trong đó hai người thuộc Đảng Cộng sản và một theo Đảng Xã hội. Yêu cầu gặp Tướng Giáp chỉ được chấp thuận lúc họ sắp rời Việt Nam. Ngoài bốn phụ nữ Ý, trong buổi gặp còn có người hướng dẫn, thông dịch và vài nhân viên người Việt khác.
Những phát biểu chính của Tướng Giáp trong cuộc gặp đó như sau:
Số thương vong của Mỹ, Tướng Giáp nói đã tiêu diệt được 54 nghìn, vượt quá con số lính Mỹ hy sinh trong chiến tranh Triều Tiên, người nữ ký giả đặt vấn đề.
Oriana Fallaci: Con số người Mỹ đưa ra là 34 nghìn tử vong, thưa Đại tướng.
Võ Nguyên Giáp: Tôi nói ít nhất là gấp đôi. Người Mỹ luôn đưa ra con số thấp hơn sự thực: khi chúng thích hợp với họ, ba thay vì năm. Họ không thể đã có 34 nghìn tử vong. Khi mà chúng tôi đã bắn hạ hơn 3 nghìn 200 máy bay của họ. Khi mà họ thừa nhận rằng cứ 5 máy bay đã có một bị bắn rớt! Nhìn xem: trong năm năm chiến tranh họ chắc chắn đã mất không ít hơn 70 nghìn lính. Và con số đó có lẽ còn quá thấp.
OF: Thưa Đại tướng, người Mỹ cũng nói rằng ông đã mất nửa triệu quân.
VNG: Con số chính xác.
Về Tết Mậu Thân, nhận định của Tướng Giáp là trước khi có biến cố này thì người Mỹ tin là họ đang thắng. Cuộc tổng tấn công xảy ra là điều cho thấy Lực lượng Giải phóng có thể tấn công bất cứ khi nào họ muốn và vào bất cứ đâu, kể cả Sài Gòn.
OF: Thưa Đại tướng. Mọi người đồng ý Tổng Tấn công Tết là thắng lợi tâm lý to lớn. Nhưng từ góc nhìn quân sự, ông có nghĩ đó là một thất bại?
VNG: Thất bại?
OF: Tôi cho là như thế, thưa Đại tướng.
VNG: Bà hãy nói điều này với, hay nên hỏi, Mặt trận Giải phóng.
OF: Trước hết tôi muốn hỏi Đại tướng.
VNG: Bà phải hiểu đó là một câu hỏi tế nhị, mà tôi không thể đưa ra những phán đoán, tôi không thể xen vào việc của Mặt trận. Đó là điều tế nhị… rất tế nhị… Dù sao, bà đã làm tôi ngạc nhiên, vì cả thế giới đã thừa nhận rằng, nhìn từ quan điểm quân sự và chính trị, Tổng Tấn công Tết…
OF: Thưa Đại tướng, ngay cả nhìn từ quan điểm chính trị, đó không phải là một thắng lợi to lớn. Dân chúng đã không nổi dậy, và sau hai tuần người Mỹ đã giành lại kiểm soát. Chỉ ở Huế chúng ta đã thấy cuộc chiến kéo dài một tháng. Tại Huế, nơi có bộ đội miền Bắc.
VNG: Tôi không biết nếu Mặt trận đã có tiên liệu hay mong đợi dân nổi dậy, mặc dù tôi nghĩ rằng nếu không có giúp đỡ của quần chúng thì các lực lượng của Mặt trận sẽ không thể vào thành phố. Và tôi sẽ không bàn về Tổng Tấn công Tết, nó không tùy thuộc vào tôi, không tùy thuộc vào chúng tôi; nó được chỉ đạo bởi Mặt trận…
Trận chiến tại Khe Sanh, Tướng Giáp không coi đó là một Điện Biên Phủ thứ hai. Đối với ông Khe Sanh không quá quan trọng.
Về hòa đàm Paris, nhận định của Tướng Giáp là sẽ kéo dài lâu. Miền Bắc sẽ không từ bỏ những đòi hỏi và sẽ không vội, sẽ kiên nhẫn. Trong khi những phái đoàn thảo luận ở Paris, chúng tôi tiếp tục chiến tranh. Bắc Việt muốn người Mỹ rút hết khỏi Việt Nam. Ông nói: “Bất cứ thoả hiệp nào đều là đe dọa của sự nô lệ. Chúng tôi thà chết chứ không làm nô lệ.”
Khi hỏi sẽ kéo dài chiến tranh đến bao lâu, Tướng Giáp trả lời: “Kéo dài nếu cần. 10, 15, 20, 50 năm. Cho đến khi đạt thắng lợi toàn vẹn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã nói. Đúng vậy. Cho dù 20 năm, ngay cả 50 năm! Chúng tôi không vội. Chúng tôi không sợ.”
Sau khi đoàn phụ nữ Ý được Đại tướng Giáp tiếp, về khách sạn họ chép lại chi tiết những gì đã ghi được trong buổi gặp gỡ.
Điều lý thú là ngày hôm sau, An The, người phụ nữ Việt hướng dẫn phái đoàn, đã đến khách sạn và đưa cho Oriana Fallaci ba trang giấy mỏng đánh máy bài trả lời của Tướng Giáp. An The nói đây là văn bản chính thức nội dung cuộc nói chuyện của Tướng Giáp ngày hôm qua, chỉ những gì trong đó mới là phát biểu của Tướng Giáp tại buổi gặp.
Theo ký giả Fallaci nội dung trong những trang giấy đó khác với những gì bà đã nghe được vào chiều hôm qua.
Fallaci viết: “Không có câu trả lời của ông về Tổng Tấn công Tết, không có câu trả lời về hoà đàm Paris và ngay cả về việc chấm dứt chiến tranh. Không có gì ngoài một loạt những câu nói mơ hồ, hoa mỹ – hay nhất chỉ có trong một buổi mít tinh chính trị.”
Về Ý, Fallaci phổ biến cuộc phỏng vấn như đã ghi được, chứ không phải văn bản từ phía Việt Nam đưa cho.
Bà viết trong sách Inteview with History: “Giáp không bao giờ tha thứ cho tôi, và những người Bắc Việt đã cho tôi vi-sa thì càng không. Độc lập trong nhận định, như chúng ta biết, là một mẫu mực đạo đức mà nhiều người cộng sản không thích. Họ chỉ thích nó trong những trường hợp mà bạn được ra đề tài để viết những gì có lợi cho họ.”
Sau khi nội dung cuộc phỏng vấn được phổ biến, giới lãnh đạo Bắc Việt đã sỉ nhục Fallaci, gọi bà bằng những cái tên ngu xuẩn, gán ghép cho bà là người của CIA.
44 năm đã qua, đọc lại câu chuyện Oriana Fallaci gặp Đại tướng Giáp, rồi nghĩ đến những phát biểu của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay, cũng như trong quá khứ, và cả những văn bản họ để lại, không biết trong đó chứa đựng được bao nhiêu sự thực.
Tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
------------------------------------------------------------------------

Vai trò lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

RFA Đài Á Châu Tự Do
Thanh Quang, phóng viên RFA phỏng vấn ông Trần Gia Phụng
31-10-2013
1
Download: thanhquang10312013.mp3

Một trong những nhân vật được nhiều người xem là “lịch sử” và từng được nhắc tới khá nhiều, nhất là khi ông qua đời hôm mùng 4 tháng 10 vừa rồi, là tướng Võ Nguyên Giáp. Trong những ngày qua, đã có rất nhiều nhận định, kể cả các sử gia, về tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng chúng tôi được biết nhà nghiên cứu lịch sử Trần Gia Phụng từ Toronto, Canada, vẫn chưa thấy lên tiếng về diễn biến này. Thanh Quang xin tìm hiểu ý kiến của ông Trần Gia Phụng về nhân vật Võ Nguyên Giáp qua cuộc phỏng vấn sau đây:

Chiến công hiển hách?

Thanh Quang: Thưa ông Trần Gia Phụng, trước hết xin ông cho biết lý do nào mà ông lên tiếng có phần “muộn màng” về trường hợp của tướng Võ Nguyên Giáp?
Trần Gia Phụng: Lúc tướng Võ Nguyên Giáp chết hôm 4 tháng 10 vừa qua, tôi có viết môt bài về trận Điện Biên Phủ để làm tài liệu, chứ tôi không nhận xét về ông này. Lý do đơn giản là vì khi nào có một nhân vật qua đời, dù dó là nhân vật chính trị hay văn hóa cũng luôn luôn có nhiều bài nhận định về nhân vật đó được đưa lên báo. Tôi thích đọc và nghe nhiều ý kiến để tìm những gì mới lạ mà học hỏi thêm. Bây giờ dư luận tạm lắng xuống, ông đặt lại vấn đề này với tôi, thì cũng rất hay. Chúng ta cứ tự nhiên nói chuyện.
Thanh Quang: Cảm ơn ông. Thưa ông, nói đến tướng Võ Nguyên Giáp hẳn nhiều người liên tưởng đến “chiến công” mà thậm chí được cho là “hiển hách” của tướng Giáp, từ trận Điện biên Phủ cho tới công cuộc gọi là “giải phóng Miền Nam” Việt Nam. Ông nhận xét như thế nào về “chiến công” của tướng Võ Nguyên Giáp?
Trần Gia Phụng: Thưa ông, muốn đánh giá “chiến công” của tướng Võ Nguyên Giáp thì hãy 2đặt “chiến công” đó trong toàn bộ cuộc chiến Việt Nam. Trước hết, hãy nói đến cuộc chiến từ 1946 đến 1954. Cuộc chiến này có thể chia thành hai giai đoạn.
Thứ nhứt từ 1946 đến 1949, Việt Minh thua chạy, rút lên núi rừng hay vào bưng biền. Thứ hai từ 1950 đến 1954, Việt Minh phản công nhờ sự viện trợ về mọi mặt của Trung Cộng.
Như mọi người đều biết, năm 1949, đảng Cộng Sản Trung Quốc thành công, chiếm được lục địa Trung Hoa, thành lập nhà nước Trung Cộng ngày 1-10-1949. Bốn tháng sau đó, ngày 30-1-1950, Hồ Chí Minh có mặt ở Bắc Kinh để xin viện trợ. Kể từ tháng 4-1950, Trung Cộng viện trợ toàn diện cho Việt Minh, từ thực phẩm, thuốc men, đạn dược, võ khí lớn nhỏ, kể cả tin tức tình báo, và thành lập Bộ Tư lệnh cố vấn quân sự.
Chính nhờ đại tướng Trần Canh của Trung Cộng, Việt Minh mới thắng trận Đồng Khê tháng 9-1950, và phục kích bắt được 4.000 tù binh Pháp trong đó có hai trung tá. Chiếm được Đồng Khê, quân cộng sản kiểm soát được vùng biên giới. Điều này có lợi cho Việt Cộng vì thông thương với Trung Cộng để dễ liên lạc, chuyên chở hàng viện trợ cho Việt Cộng. Trung Cộng cũng có lợi vì biên giới phía nam Trung Cộng an toàn, không sợ bị Quốc Dân Đảng Trung Hoa kiểm soát.
Chiến lược giữa tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lãnh cố vấn Trung Cộng có một điểm khác biệt căn bản. Tướng Võ Nguyên Giáp chú trọng đến việc tấn công các tỉnh đồng bằng để gây tiếng vang, các tướng lãnh Trung Cộng chú trọng đến việc mở rộng ảnh hưởng ở miền núi làm hậu cứ và từ đó chờ cơ hội chiếm đồng bằng.
3Thực tế cho thấy chiến lược của tướng Giáp không thành công, nhất là sau những thất bại nặng nề ở Vĩnh Yên, Ninh Bình năm 1951. Từ đó, tướng Giáp theo hẳn chiến lược Trung Cộng, tiến đánh miền núi và cao nguyên phía tây bắc dưới sự cố vấn của các tướng Trung Cộng.
Cao điểm của các chiến dịch tây bắc là trận Điện Biên Phủ tháng 5-1954. Ngay cả trận Điện Biên Phủ cũng được quyết định ở Bắc Kinh. Khi được tin Pháp chiếm Điện Biên Phủ cuối năm 1953, tướng Vi Quốc Thanh, đứng đầu bộ Tư lệnh cố vấn Trung Cộng liền yêu cầu tướng Võ Nguyên Giáp chuyển quân đến bao vây Điện Biên Phủ, đồng thời xin chỉ thị Bắc Kinh. Bắc Kinh liền gia tăng viện trợ, nhất là trọng pháo cho Việt Minh, thậm chí còn gởi cả những chuyên viên đào giao thông hào để tiến sát gần quân Pháp.
Khi trận Điện Biên Phủ bắt đầu vào giữa tháng 3-1954 thì cuối tháng đó, cả Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng có mặt ở Bắc Kinh để xin viện trợ và nhận chỉ thị. Kết quả thì ai cũng biết là trận Điện Biên Phủ kết thúc ngày 7-5-1954, Việt Minh thắng lợi, nhưng thực tế là hoàn toàn nhờ vào Trung Cộng, chỉ có xương máu Việt Nam.

Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp

Thanh Quang: Nhưng thưa ông, có người nói rằng nếu không có Hồ Chí Minh thì không có Võ Nguyên Giáp. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Trần Gia Phụng: Theo tôi, nếu không có Trung Cộng, không có Vi Quốc Thanh thì không có tướng Võ Nguyên Giáp.
Thanh Quang: Còn trong cuộc chiến lần thứ hai, tức từ 1960-1975, thì vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp ra sao, thưa ông?
Trần Gia Phụng: Trong cuộc chiến 1960-1975, vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp lu mờ bên 5cạnh những lãnh đạo chính trị như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, nhất là sau vụ án mà Cộng sản thường gọi là vụ án chống đảng từ giữa thập niên 60 trở đi nên không đáng nói.
Xin thêm một điều nữa là sau năm 1975, tướng Võ Nguyên Giáp bị phe Lê Duẩn hạ bệ đến nỗi ông đại tướng đi làm Chủ tịch ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch năm 1983. Những người thân cận với Giáp đều bị loại bỏ. Tướng Võ Nguyên Giáp làm thinh ăn tiền, không dám lên tiếng để giữ hư vị đại tướng. Vì vậy, nhiều người đã chê Giáp là một tên hèn.
Thanh Quang: Thưa ông, có lẽ nhắc tới nhân vật Võ Nguyên Giáp thì điều hẳn cần thiết – và công luận muốn nghe – là vai trò lịch sử của Võ Nguyên Giáp. Ông nhận xét như thế nào về vai trò lịch sử của tướng Võ Nguyên Giáp?
Trần Gia Phụng: Về vai trò lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo tôi nghĩ, tướng Giáp là một người có công đối với đảng Cộng Sản, nhưng có tội với dân tộc Việt Nam. Ông ta có tội vì:
- Tướng Võ Nguyên Giáp góp công xây dựng đảng Cộng Sản là đảng đã áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên dân tộc Việt Nam, đày đọa dân tộc Việt Nam mấy chục năm nay.
-Tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tay với Hồ Chí Minh sát hại dân tộc Việt Nam. Báo Polska Times tức Thời Báo Ba Lanngày 5-3-2013 đưa ra bảng xếp hạng 13 nhà độc tài đẵm máu nhất thế kỷ 20, trong đó có Hồ Chí Minh. Chắc chắn trong số 1,7 triệu người Việt bị Hồ Chí Minh sát hại, có bàn tay của Giáp nhúng vào.
-Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã nhờ Trung Cộng đánh Pháp, không khác gì người ta nhờ một tên ăn cướp đuổi một tên ăn trộm. Tên ăn trộm bỏ chạy thì tên ăn cướp vào chiếm nhà. Đó là tình trạng Việt Nam hiện tại. Đó là tội lỗi của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và đám lãnh đạo đảng Cộng sản.
-Có vay thì có trả nên đảng Cộng sản đã nhượng đất, nhượng biển cho Trung Cộng, nghĩa là đã trắng trợn phản quốc. Tướng Võ Nguyên Giáp xây dựng một đảng phản quốc thì tướng Võ Nguyên Giáp là một tội đồ dân tộc giống như Hồ Chí Minh.
Thanh Quang: Xin cảm ơn ông Trần Gia Phụng.
Trần Gia Phụng: Xin cảm ơn ông Thanh Quang và đài RFA tạo điều kiện cho tôi trả lời hôm nay. Kính chào ông và kính chào quý khán thính giả nghe đài.

(Nguồn: diễn đàn xã hội dân sự)
------------------------------------------

Tướng Giáp - người phản đối chiến tranh

Cập nhật: 15:54 GMT - thứ hai, 28 tháng 10, 2013
Tướng Giáp
Tướng Giáp đã bị phe chủ chiến loại khỏi bộ máy chiến tranh chống người Mỹ
Võ Nguyên Giáp thực sự là một con người phi thường. Đáng chú ý nhất, ông là kiến trúc sư trong chiến thắng của Việt Minh trước quân Pháp ở Điện Biên Phủ vào mùa xuân năm 1954.
Chiến thắng này dẫn tới việc ký kết hiệp định Geneva kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương (1946-1954) và chấm dứt chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam, Campuchia và Lào.
Nhưng ông Giáp vẫn bị hiểu lầm ở phương Tây. Có lẽ huyền thoại vĩ đại nhất xung quanh con người của ông là ông tiếp tục chỉ đạo cuộc chiến tranh của cộng sản chống lại Hoa Kỳ và đồng minh Nam Việt Nam sau năm 1965. Thực tế là ông Giáp không có vai trò quan trọng trong việc định hình chiến lược chiến tranh của cộng sản sau năm 1965, và ông còn thực sự phản đối cuộc chiến ngay từ đầu.
Sau khi ký kết hiệp định Geneva vào tháng Bảy 1954, ông Giáp và Hồ Chí Minh chỉ đạo những người đi theo họ ở cả hai miền của Việt Nam chấm dứt chiến đấu, tập kết ở miền Bắc nếu họ khi đó là chiến binh ở khu vực phía dưới vĩ tuyến 17, và tin tưởng vào việc thống nhất hòa bình của đất nước trong vòng hai năm, sau khi một cuộc tổng tuyển cử bắt buộc theo hiệp định Geneva được tiến hành.
"Ông Giáp vẫn bị hiểu lầm ở phương Tây. Có lẽ huyền thoại vĩ đại nhất xung quanh con người của ông là ông tiếp tục chỉ đạo cuộc chiến tranh của cộng sản chống lại Hoa Kỳ và đồng minh Nam Việt Nam sau năm 1965. "
Hiệp định được ông Hồ và Giáp tin tưởng là khả thi. Bên cạnh đó, từ chối hòa bình và nối lại chiến tranh ngay lập tức có thể kích thích sự can thiệp quân sự của Mỹ. Sau tám năm dài chiến đấu, các lực lượng quân sự dưới sự chỉ huy của họ không có điều kiện để nghênh chiến ngay với quân đội Mỹ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Điện Biên Phủ là một chiến thắng ngoạn mục, nhưng đó cũng là một chiến thắng với giá quá đắt khi tổn phí nhân lực và vật chất của chiến dịch là quá đáng.
Do đó, sau năm 1954 và tiếp tục vượt ra ngoài thời hạn tiến hành cuộc tổng tuyển cử quốc gia về thống nhất đất nước mà chúng ta đều biết là không bao giờ diễn ra, ông Hồ và Giáp là những người ủng hộ nhiệt thành của "đấu tranh hòa bình" ở miền Nam, tránh khiêu khích Washington, và "xây dựng chủ nghĩa xã hội" ở miền Bắc.
Trong thời gian này, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành một nỗ lực đầy tham vọng và tốn kém để hiện đại hóa và sắp xếp lực lượng vũ trang của miền Bắc, Quân đội Nhân dân Việt Nam, và động viên hàng chục ngàn binh lính nhập ngũ phục vụ mục đích đó. Cam kết của lãnh đạo Liên Xô, Nikita Khrushchev "chung sống hoà bình" với những kẻ thù tư bản phương Tây bắt đầu vào năm 1956 chỉ càng xác nhận quan điểm của hai ông Hồ và Giáp chống lại việc tái mở chiến tranh ở Việt Nam.
Quyết định đình lại "cuộc đấu tranh giải phóng" trong năm 1954 và việc không thể nối lại chiến tranh ngay lập tức vào sau năm 1956 đã không được lòng của một số nhà lãnh đạo cộng sản ở miền Nam.

'Rạn nứt hai phe'

Lãnh đạo Cộng sản
Tác giả cho rằng Lê Duẩn và phe chủ chiến đã sớm gạt bỏ phe Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ra ngoài lề
Lê Duẩn, người chỉ đạo nỗ lực chiến tranh của Việt Minh ở miền Nam trong phần lớn cuộc chiến Đông Dương, và vị phó của ông, Lê Đức Thọ, đặc biệt bực bội với việc hai ông Hồ và Giáp ủng hộ hiệp định Geneva. Cả hai ông này sau này đã được triệu tập về Hà Nội, nơi mà họ sẽ mở ra một chiến dịch kêu gọi nối lại ngay lập tức cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam.
Đường lối của họ và sự chống đối của ông Hồ và Giáp tạo ra rạn nứt trong giới lãnh đạo. Cuộc rạn nứt này đã phân ra một bên là phe "ôn hòa", bao gồm ông Hồ, Giáp, và các đệ tử của họ - những người phản đối nối lại chiến tranh ít nhất vào thời điểm đó, và bên kia là phe "chủ chiến", bao gồm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh - những người cho rằng việc "giải phóng" miền Nam là không thể chờ đợi.
Cuộc tranh cãi tại Hà Nội lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 1963, sau khi Tổng thống miền Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Cảm thấy đây là thời gian tốt hơn bao giờ hết để nam tiến mạnh mẽ, phe chủ chiến đã tổ chức một cuộc đảo chính tại Hà Nội, thâu tóm việc kiểm soát ra quyết định.
Các ông Hồ, Giáp và những người ôn hòa khác đã bị gạt ra ngoài lề sau đó, và Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng đã đảm nhận việc cầm cương của quá trình hoạch định chính sách tại Hà Nội. Với sự thúc giục của Lê Duẩn, vào tháng 12/1963, ban lãnh đạo cộng sản ban hành Nghị quyết 9 kêu gọi tiêu diệt quân thù ở miền Nam và khởi đầu một “cuộc chiến tranh lớn" để "giải phóng" khu vực phía dưới vĩ tuyến 17.
"Cũng giống như Hồ Chí Minh, ông trở thành một khuôn mặt của các nỗ lực chiến tranh chống Mỹ, một công cụ tiếp thị, cho một phe cánh trong Đảng, những người thiếu danh tiếng, uy tín và tính hấp dẫn trên trường quốc tế."
Vào thời gian cuộc chiến chống người Mỹ nổ ra vào năm 1965, Võ Nguyên Giáp đóng một vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ ở miền Bắc.
Cũng giống như Hồ Chí Minh, ông trở thành một khuôn mặt của các nỗ lực chiến tranh chống Mỹ, một công cụ tiếp thị, cho một phe cánh trong Đảng, những người thiếu danh tiếng, uy tín và tính hấp dẫn trên trường quốc tế.
Cuộc "tổng công kích" năm 1968 không liên can gì tới tướng Giáp. Trên thực tế, Giáp chống lại chủ trương này. Cuộc công kích là đứa con tinh thần của Lê Duẩn. Hơn ông Hồ và chắc chắn là hơn hẳn ông Giáp, Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm tại Hà Nội về cuộc chiến tranh chống lại Mỹ. Với ý nghĩa này, ông là kiến trúc sư "thực sự" trong chiến thắng của quân đội cộng sản vào năm 1975.
Chiến thắng của Lê Duẩn trước người Mỹ và các đồng minh của họ vào năm 1975 chắc chắn "toàn diện" hơn chiến thắng của tướng Giáp với người Pháp vào năm 1954, nhưng nó cũng tốn kém hơn. Ông Giáp không có công trạng gì với kết quả cuộc chiến chống Hoa Kỳ cũng như ông cũng không đáng bị đổ lỗi cho những tổn thất trong chiến thắng cuối cùng của Hà Nội.
Với giai đoạn sau năm 1954, ông Giáp nên được nhớ đến như một người phản đối cuộc chiến Việt Nam.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, người đang là Phó Giáo sư Lịch sử thuộc Đại học Hawaii Pacific, Hoa Kỳ
 (Nguồn: BBC Tiếng Việt)

Sách giáo khoa vắng bóng Tướng Giáp

Cập nhật: 09:19 GMT - thứ hai, 21 tháng 10, 2013


Báo chí trong nước nói sách giáo khoa 'bỏ quên' Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không được nhắc đến trong sách giáo khoa (SGK) dành cho học sinh ở Việt Nam, theo truyền thông Việt Nam.
Phát hiện này dường như là bằng chứng cho thấy vị tướng huyền thoại đã có thời gian bị thất sủng, bất chấp các chiến công quân sự của ông.
Báo Thanh Niên cho biết ở SGK Lịch sử lớp 9, có nêu diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng “không câu từ nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
SGK Lịch sử lớp 12, cũng trong phần nói về Điện Biên Phủ, “không một lần” nhắc tên vị tướng.
Bà Nguyễn Ái Hằng - nguyên Tổ trưởng bộ môn Sử, Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM) – nói: “Trong SGK lịch sử ở cấp 3, những bài chính đều không nhắc tới Đại tướng.”
“Ở những bài phần tham khảo, đọc thêm có thể hiện một số nhân vật lịch sử, nhưng cũng không có thông tin nào xoay quanh Đại tướng Võ Nguyên Giáp,” bà nói.
Cùng ngày 21/10, tờ PetroTimes cũng nói vị tướng lừng danh “không hề có mặt trong các sách giáo khoa (SGK) phổ thông”.
Tờ này dẫn lời Phó giáo sư Lê Mậu Hãn cho rằng đây là “một sai lầm rất lớn”.
“Sách giáo khoa sẽ được đổi mới vào năm 2015, đây là cơ hội tốt để các nhà viết sách lịch sử có thể sửa chữa sai lầm,” ông nhận định.
Sử gia Đinh Xuân Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng tình rằng “việc này thể hiện sự thiếu tôn trọng lịch sử”.
Trong khi đó, một học sinh nói trên báo Thanh Niên: “Suốt 12 năm phổ thông, em không được học gì về Đại tướng. Đến khi Đại tướng mất, thông qua báo đài, em mới thật sự hiểu biết về cuộc đời của ông.”
(Nguồn: BBC Tiếng Việt)

Tướng Giáp luôn muốn 'ổn định chính trị'

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ hai, 14 tháng 10, 2013

Media Player

Ông Dương Trung Quốc cho rằng Tướng Giáp luôn muốn có 'ổn định chính trị', và ông vẫn là 'con người cộng sản đến phút cuối'.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Trả lời phỏng vấn của BBC sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, nhà sử học, đại biểu Quốc hội Việt Nam, Dương Trung Quốc, cho rằng nhiều điều Đại tướng đã làm vì mong muốn "ổn định chính trị" và ông "chưa bao giờ là người đối lập".
"Quan sát bên ngoài thấy ông [Võ Nguyên Giáp] ở cương vị như thế, uy tín như thế, mà những đề nghị của ông không được thực thi mà ông không có phản ứng gì, thì tôi nghĩ đấy là cách ứng xử của ông."
"Bởi vì phản ứng gì khi ông ấy vẫn nằm trong một hệ thống tổ chức, và ý thức tổ chức ấy phản ảnh quan niệm của ông là ý thức ổn định chính trị," ông Dương Trung Quốc nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khóa XI, XII cũng cho rằng quan trọng là Tướng Giáp đã lên tiếng, đã làm cho các lãnh đạo Việt Nam "phải suy nghĩ".
Bình luận về các đề xuất đặt tên đường hay phong thánh, phong nguyên soái cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Dương Trung Quốc nói "sẽ có tên đường hay quảng trường" mang tên Võ Nguyên Giáp, "nhưng quan trọng nhất là tượng đài trong lòng người dân."
Hà Mi và Paul Organe thực hiện.
 (Nguồn: BBC Tiếng Việt)