*MLC: Hẳn mọi người còn nhớ cách đây hơn 1 năm khi vấn đề khai thác boxit Tây Nguyên đang làm nóng bỏng Nghị trường Quốc hội VN, khi đó nhiều chuyên gia, tướng lĩnh quân đội đã đưa ra cảnh báo về tình trạng mất an ninh quốc phòng khi Trung Quốc đưa người của họ sang khai thác boxit và sẽ trở thành đội quân thứ 3 trong trường hợp Trung Quốc tấn công Việt Nam. Lúc đó những cái đầu bảo thủ trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của chúng ta biện bạch nào là 'khai thác boxit là chủ trương lớn của Đảng, hợp lòng dân, đúng đắn, v.v'. Cũng may khi đó Quốc hội không thông qua dự án Đại công trường boxit. Quay qua quay lại có hơn một năm khi không đạt được mục đích người Trung Quốc trở mặt gây hấn trên Biển Đông, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn nạn ngoại xâm cận kề, phải chăng những cái đầu bảo thủ của chính phủ đã biết sai và đang sửa?
Thủ tướng CP vừa ký ban hành Nghị định số 46 thay thế Nghị định số 34 ban hành năm 2008 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có hiệu lực từ 1/8.
Lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam cần tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Một trong những điểm mới nhất của Nghị định sửa đổi, bổ sung này là yêu cầu các chủ đầu tư trong quá trình lập hồ sơ mời thầu phải quy định nội dung về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật. Theo đó, phải ưu tiên sử dụng người lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện.
Trường hợp gói thầu cần sử dụng người nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài, bao gồm: Vị trí công việc, số lượng; trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.
Cũng theo Nghị định mới, Bộ Công an sẽ không cấp thị thực đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi chưa được cấp giấy phép lao động, giấy phép hết hiệu lực lao động hoặc vô hiệu. Không gia hạn tạm trú, buộc xuất cảnh hoặc trục xuất đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi chưa được cấp giấy phép lao động, giấy phép lao động hết hiệu lực, hoặc vô hiệu.
6 tháng sau khi Nghị định này có hiệu lực, tức từ 1/2/2012, nếu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động theo quy định, thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan Công an buộc xuất cảnh hoặc trục xuất.
Tác giả : TS
(Nguồn VTV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét