Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Lời kêu gọi bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức

 *MLC: Hiện tượng dịch bệnh TCM tràn lan, hàng trăm trẻ em đã thiệt mạng, và sự thờ ơ, bàng quan của bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với tính mạng con người. Điều đó thể hiện sự bất tài đối với công việc và sự bất nhân đối với cộng đồng của bà. Thiết nghĩ bà Bộ trưởng nên từ chức để giữ danh dự cho ngành y tế Việt Nam.

 (Kết quả thăm dò dư luận trên VNExpress. Ảnh chụp màn hình lúc 3:34 PM ngày 16/11/2011)

-----------------------------------------

147 cái chết vì tay chân miệng, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ tư 16/11/2011 08:25
(GDVN) - Tại sao Bộ Y tế không vào cuộc ngay lập tức để kiểm chứng biện pháp của TS.Khải?
Nếu chỉ căn cứ trên những số liệu thống kê chưa đầy đủ thì tới lúc này cả nước cũng đã có hơn 87 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) và 147 trường hợp tử vong mà nguyên nhân xuất phát từ bệnh này. 
Lời hứa xin đi tù, nếu…
Vào ngày 27/10, Báo GDVN đã đăng bài “Tôi xin đi tù nếu không chữa được bệnh chân tay miệng” nêu sự việc TS.Nguyễn Văn Khải công bố trên internet sử dụng Anolyt có thể phòng và điều trị cho trẻ bị TCM. Và kể từ khi TS.Khải công bố thông tin này, mỗi ngày đều có vài chục cuộc điện thoại gọi cho ông nhờ chỉ chỗ xin Anolyt và cách sử dụng.
(Nguồn: Giáo dục Việt Nam)

Đã có hàng trăm người trong số đó xác nhận khỏi bệnh, dù nói gì đi chăng nữa thì sự thật vẫn là sự thật, cho dù có bác sĩ nói rằng bệnh này đa số tự khỏi đi chăng nữa thì những người đã áp dụng phương pháp trên cho con cái của mình vẫn thầm cảm ơn TS.Khải, vì nhờ ông mà họ biết thêm một phương thức cứu chữa. Sau này, họ có thể chủ động sử dụng Anolyt để phòng bệnh TCM cho những đứa con của mình.
Sau nhiều lần tiếp xúc với PV, TS.Khải trước sau vẫn bảo lưu quan điểm tự nguyện xin đi tù nếu không chữa được bệnh TCM. “Tôi rất mừng vì các cháu đã thoát bệnh. Tôi gần 70 tuổi rồi, không nói đùa với tính mạng con người được, đó là thế hệ tương lai của đất nước, là đồng bào của tôi… chỉ có những kẻ lòng dạ xấu xa thì mới nói những điều xằng bậy.

TS Khải: Nếu trẻ không bị ngứa thì sẽ không gãi, không dẫn tới lở loét
Biết bao nhiêu người dân nhờ tôi hướng dẫn, có nhiều người tới tận nhà tôi còn cho nước Anolyt không lấy tiền, không một ai trong số đó lại không khỏi, không một ai trong số đó nói xấu gì tôi. Tôi được biết vào tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu ngăn chặn không để dịch TCM lây lan. Tôi là một công dân của đất nước và có thấy mình có trách nhiệm nói ra sự thật, đó là tác dụng của Anolyt”.
Mang theo lời thề ấy, TS.Khải đã tự liên hệ làm việc một ngày tại BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận và tạo ra “điều thần kỳ” – theo nhận xét của các bà mẹ có con đang điều trị bệnh TCM ở đây. Ngay cả Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, các nhân viên của bệnh viện và các phóng viên chứng kiến quá trình này cũng đã công nhận hiệu quả tích cực ban đầu mà TS.Khải áp dụng.
Tuy nhiên, vấn đề lên tới đỉnh điểm khi TS.Khải bị “đuổi khéo” khỏi BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Hàng nghìn bạn đọc phẫn nộ phản hồi về tòa soạn, trong đó hàng trăm ý kiến nêu cùng suy nghĩ: Tại sao Bộ Y tế không vào cuộc kiểm chứng biện pháp của TS.Khải? Vì sao trong lúc dịch TCM hoành hành khắp cả nước, có một người sẵn sàng “ngồi tù”, đánh đổi cả danh dự của mình để cứu những đứa trẻ, mà các chuyên gia y tế vẫn “im lặng”? Tại sao một ông Tiến sĩ gần 70 tuổi dám nói sẵn sàng ngồi tù mà không một lãnh đạo nào của Bộ Y tế lên tiếng, họ đang né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm?
Lạ lùng cách ứng xử của Bộ Y tế
TS.Khải không phải là một quan chức của ngành y tế, cũng không phải bác sĩ, không bị ràng buộc bởi “Lời thề Hyppocrates” (lời thề khi tốt nghiệp của các thầy thuốc trước các vị thần), nhưng ông đã dám thề và đã khiến hàng triệu độc giả quan tâm. Biện pháp mà ông áp dụng cho những đứa trẻ bị TCM đã thành công bước đầu không khỏi khiến dư luận đặt ra những dấu hỏi lớn về lời hứa và trách nhiệm của lãnh đạo của Bộ Y tế cho tới lãnh đạo các Sở Y tế địa phương.
Trong buổi họp về phòng chống dịch chiều 25/10 vừa qua, Bộ trưởng Tiến cho hay: "Một số nước trong khu vực số ca mắc TCM, số tử vong cũng tăng vọt nhưng đã có nước nào công bố dịch đâu mà chúng ta công bố”.

Nói vậy thì có khác nào sức khỏe của những đứa trẻ ở Việt Nam lại phải phụ thuộc vào thông tin dịch bệnh và con số tử vong ở nước khác?
Cũng tại buổi họp báo này, Bà Tiến cho hay: “TCM là bệnh vẫn lưu hành hàng năm, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, lây truyền qua bàn tay bẩn nên chúng ta có thể kiểm soát được… Tôi khẳng định là có dịch TCM nhưng xét theo luật hay thực tế thì không ai công bố. Và cũng không có chuyện địa phương giấu vì bệnh thành tích. Ta vẫn có thể khống chế được vì bệnh lây qua đường tay bẩn. Nói thế nhưng chúng ta không được lơ là trước tính mạng của trẻ”.
Đọc những thông tin này, dư luận đã yên tâm hơn phần nào. Vậy mà chỉ chưa tới một tháng sau tuyên bố đanh thép đó, đã có thêm gần 7 nghìn trường hợp nữa mắc TCM và cũng chết thêm 6 người.

Bộ trưởng Tiến còn nói rằng: “Các nước xung quanh cũng có dịch TCM với tỷ lệ tử vong cao 10 -30% nhưng không ai công bố…”. Vậy phải chăng, với hơn 87 nghìn trường hợp đã mắc bệnh ở nước ta, nếu có chết từ 8 - 26 nghìn người thì cũng không cần công bố dịch (tương đương với 10-30%), thưa Bộ trưởng?

Số ca mắc TCM tăng đột biến trong thời gian gần đây
Có lẽ, không ai nghi ngờ cái tâm của Bộ Y tế với sức khỏe của người dân, nhưng dù thế nào đi chẳng nữa thì chúng ta vẫn có quyền đặt câu hỏi: Bộ Y tế đã áp dụng những biện pháp phòng chống dịch thế nào mà chỉ sau hơn 2 tháng (kể từ khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ), số ca mắc TCM đã tăng hơn gấp đôi, từ hơn 33 nghìn lên tới 78 nghìn? Cho tới giờ đã có hơn 87 nghìn người mắc TCM khiến người ta không thể không đặt tiếp một dấu hỏi nữa: Phải chăng, Bộ Y tế đang gặp vấn đề với việc phòng chống dịch TCM? Do năng lực yếu kém hay do công tác triển khai ở các tuyến chưa tốt?
Dù là gì đi chăng nữa, thì xét một cách công bằng, Bộ Y tế không thể phủ nhận rằng, để dịch bệnh lây lan tới mức này họ cũng có một phần trách nhiệm. Còn trách nhiệm đó tới đâu thì tự những các lãnh đạo của Bộ này có lẽ cũng đã biết và nhân dân cũng biết, cũng đã đánh giá bằng chính những phản hồi của họ rồi.

Chúng ta không đổ lỗi
Tuy nhiên, người viết bài này đánh giá một cách khách quan rằng, nếu chúng ta cứ đổi lỗi hoàn toàn cho Bộ Y tế thì cũng không đúng. Là cơ quan cao nhất trong ngành y của đất nước, chắc chắn rằng các lãnh đạo của Bộ hay những chuyên gia giỏi nhất cũng rất đau đầu với dịch TCM, chỉ có điều họ chưa thể làm được gì tốt hơn mà thôi.
Vấn đề chúng ta thấy là số người mắc bệnh và bị tử vong năm nay đã nhiều hơn năm ngoái, vẫn còn hơn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2011, và không một ai dám khẳng định sẽ không có thêm trường hợp nào tử vong. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Tới lúc này chưa có một biện pháp nào thực sự hữu hiệu để ngăn chặn bệnh TCM, vậy năm 2012 sẽ còn bao nhiêu trường hợp mắc bệnh, và bao nhiêu đứa trẻ tử vong?
Một đứa bé bị mất tích tại BV Phụ sản Trung ương thì cả nước dõi theo, nhưng 147 đứa trẻ đã chết vì TCM thì cũng cần hỏi rằng: Trách nhiệm ấy thuộc về ai? Chẳng lẽ chúng ta nghiễm nhiên cho rằng cứ có dịch TCM thì sẽ nhiều trẻ em bị chết? Và chúng ta cho rằng năm nay mới có 147 sinh linh tử vong vì căn bệnh "tay bẩn" là một thành công?
Có lẽ vì cách giải thích lằng nhằng và thiếu thuyết phục của những người có trách nhiệm, nên mặc dù Bộ Y tế đã công bố là giao cho Viện Pasteur Nha Trang nghiên cứu đánh giá phương pháp sử dụng Anolyt với bệnh nhân bị TCM, TS.Khải tỏ ra không tin tưởng: “Tôi chờ đợi, máy điện thoại luôn bật, nhưng không một ai có trách nhiệm ở Bộ Y tế gọi điện cho tôi cả.

Tôi không tin tưởng họ sẽ cho ra một kết quả giống như nghiên cứu của tôi. Cũng là một bát phở, có chỗ nấu ngon, có chỗ nấu dở, thậm chí dở đến nỗi ăn vào là tiêu chảy ngay. Người ta nhầm tưởng cứ cho muối và nước vào máy là tạo ra Anolyt, nhưng cho bao nhiêu, cho như thế nào thì họ tự làm mà không hề hỏi tôi, đó là điều khiến tôi cảm thấy không tin tưởng đánh giá của họ. Tôi không hiểu vì sao họ không gọi cho tôi, có lẽ họ đã biết tác dụng của Anolyt rồi chăng?”.
Ngọc Quang
---------------------------------------------------

Nhiều người ủng hộ tiến sĩ ozôn chữa tay chân miệng

"Hãy quan tâm tới sinh mạng của gần 140 trẻ mất vì tay chân miệng; đề nghị Bộ Y tế quan tâm tới cách chữa bệnh bằng nước ozôn của tiến sĩ Khải một cách thấu đáo để phòng tránh bệnh", bạn đọc Nguyen Hoang đề nghị.
> Bộ Y tế xét lại cách chữa tay chân miệng bằng nước ozôn

Sau khi Ninh Thuận lần đầu tiên công bố dịch vào tuần trước, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải đã đến bệnh viện đa khoa tỉnh tình nguyện giúp dập dịch. Biện pháp của ông là dùng anolyte (nước ozôn, tạo ra từ quá trình điện phân muối) để vệ sinh nơi ở, quần áo, tắm rửa cho trẻ, cho bé súc miệng hoặc uống, kết hợp với dùng nước chanh tươi, vitamin B1... Sau vài ngày, một số trẻ áp dụng cách chữa này đã khỏi hoặc bớt bệnh.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia y tế và nhà khoa học bày tỏ sự quan ngại vì chưa có cơ sở khoa học chứng minh hiệu quả. Họ cho rằng cần có thử nghiệm phương pháp chữa tay chân miệng bằng nước ozôn, chưa nên áp dụng ngay trên người.
Một bệnh nhi tại Ninh Thuận vui mừng khi bệnh tay chân miệng của con đỡ hẳn sau vài ngày sử dụng dung dịch anolyte để vệ sinh, súc miệng.
Một phụ huynh tại Ninh Thuận vui mừng khi bệnh tay chân miệng của con đỡ hẳn sau vài ngày sử dụng dung dịch anolyte để vệ sinh, súc miệng. Ảnh: Ninh Sơn
Trong khi các chuyên gia y tế còn e ngại, thậm chí phản đối cách chữa tay chân miệng bằng nước ozôn của tiến sĩ Khải thì không ít người bày tỏ sự ủng hộ, mong mỏi Bộ Y tế nhân rộng để dập dịch cứu trẻ. Họ cho rằng trong khi chưa có cách chữa hữu hiệu, mà số bệnh nhi mắc và tử vong tăng lên từng ngày, thì việc dùng nước ozôn là cần thiết và không có lý do gì để phản đối. Trong khi đó hiệu quả đã thấy, không gây hại và không tốn kém.
Viết cho VnExpress.net, độc giả PNH cho rằng nên áp dụng đại trà cách chữa này. "Sử dụng dung dịch điện giải để lau người, rửa vết thương là giúp chống bội nhiễm ngoài da, giảm thiểu rủi ro nhiễm trùng khi cơ thể bé đang yếu do bệnh chân tay miệng. Còn bệnh là do virus gây ra và hiện không có phương pháp điều trị, chủ yếu là điều trị đối phó như chống bội nhiễm, nghỉ ngơi bồi dưỡng để cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch. Do đó việc chống nhiễm trùng ngoài da là cực kỳ đúng đắn".
"Nguyên tắc của y học là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Việc sát trùng ngoài da có nhiều phương pháp ai cũng biết như dùng cồn, nhưng cồn thì có mùi, dễ bay hơi. Dùng cồn để sát trùng thường xuyên rõ ràng là khó chịu hơn dùng nước điện giải", độc giả này phân tích.
Còn độc giả Nguyễn Hoài Châu chia sẻ: Hàng chục nước có nền y học hiện đại đã dùng anolyte để khử trùng vật dụng trong bệnh viện, trong gia đình và môi trường... trong các đợt phòng chống bệnh dịch cho người hoặc vật nuôi. Trên Internet thông tin này đầy rẫy, chỉ cần nhấp một vài từ khóa là có ngay hàng chục tin.
"Bộ Y tế đề nghị dùng cloramin B 2% để khử khuẩn. Các nghiên cứu đã khẳng định anolyte với hàm lượng clo hoạt tính đến 100-200 phần triệu (ppm) có tác dụng diệt khuẩn mạnh hơn cloramin B hàng chục lần mà không gây mùi khó chịu như hóa chất này. Cloramin B là hóa chất nhập khẩu và có thời hạn sử dụng nhất định; còn anolyte được sản xuất từ nước muối ăn với giá rẻ hơn cloramin B nhiều lần. Do đó để phòng chống bệnh tay chân miệng lan truyền trong bệnh viện cũng như trong cộng đồng thì nên phổ biến dùng anolyte rộng rãi để đạt hiệu quả cao hơn", bạn đọc Nguyễn Hoài Châu viết.





  

 
Là người trực tiếp sử dụng nước ozôn để chữa bệnh cho con mình cũng mắc tay chân miệng, độc giả Đinh Kim Quốc Thái cho biết bé 4 tuổi nhà anh sau khi súc miệng bằng nước ozôn thì thấy kết quả rất tốt sau một ngày.
"Tôi đã theo dõi việc dụng sử dụng nước ozôn của tiến sĩ Khải từ nhiều năm trước, đồng thời tìm hiểu kỹ thông tin về tác dụng của loại nước này. Nước anolyte có tính hoạt hóa cực cao khi mới sản xuất và giảm dần theo thời gian, và sẽ trung hòa thành nước muối loãng thông thường sau một thời gian, vì vậy khi sử dụng anolyte không để lại bất kỳ dư lượng hóa chất nào", anh Thái viết.
Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự cảm phục trước nhiệt tình và sự tận tâm của "ông già ozôn", dù chưa rõ hiệu quả đến đâu.
"Riêng hành động của bác tuổi cao vào vùng dịch bệnh giúp bà con cũng để nhiều nhân vật có trách nhiệm phải nhìn lại vị trí của mình, chưa nói là nước của bác có tác dụng hay không với dịch bệnh. Kể cả bác cho bà con uống nước lọc nhưng tinh thần của bác đã cổ động cho nhiều người", độc giả tên Nam chia sẻ.
Bạn đọc Dong thì cho rằng việc "đòi hỏi phải có luận chứng khoa học đầy đủ về hiệu quả điều trị lâm sàng là hoàn toàn đúng đắn nhưng chắc chắn cần rất nhiều thời gian. Mặt khác cũng cần phải thấy rõ là có nhiều phương pháp điều trị phi truyển thống, chữa mẹo rất hiệu nghiệm mà không hoặc chưa giải thích được cơ chế rõ ràng về mặt khoa học. Vì vậy đừng vội võ đoán bác bỏ, chê bai mà cần có thái độ cầu thị, trân trọng, chí ít là với tâm huyết, tấm lòng của bác Khải".
Không ít bạn đọc bức xúc trước việc tiến sĩ Khải đã không được tiếp tục chữa bệnh tại Ninh Thuận, do tỉnh ngại Bộ Y tế. "Dịch bệnh cũng là giặc, mà giặc đến nhà thì có quy định nào chỉ những người nào được trang bị súng của nhà nước mới được bắn giặc không? Dịch tràn lan bao lâu mà giờ này các vị vẫn ngồi đó nghiên cứu", bạn đọc pvt viết.
"Nước ozôn có thể chỉ chữa được một số trường hợp, không phải là mọi trường hợp, cách điều trị của Bộ Y tế cũng vậy, tại sao Bộ lại không cho phép? Tôi nghĩ cứ để tiến sĩ Khải chữa bằng nước ozôn, cứu được thêm cháu nào hay cháu đó. Đây là chuyện cứu người chứ đâu phải cuộc tranh tài?", bạn đọc TS.Nguyễn Thanh Giang góp ý thêm.
Đứng về góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Văn Hà, nguyên Phó trưởng phòng công nghệ điện hóa môi trường, Viện công nghệ môi trường (Viện KHCN Việt Nam) cho biết, từ hơn 10 năm trước, đơn vị này đã nghiên cứu ứng dụng dung dịch anolyte để làm chất khử trùng cho nhiều đối tượng, trong đó có khử trùng bệnh viện.
Theo ông, anolyte là chất khử trùng có nhiều tính năng đặc biệt mà rẻ tiền, dễ điều chế (chỉ cần điện và muối ăn), có tính an toàn cao cho con người và môi trường.
"Không có chất khử trùng nào tốt bằng anolyte. Tất cả chất khử trùng khác đều không uống được, nhưng chất này uống vào cũng không độc. Chúng tôi từng làm thí nghiệm dùng dung dịch này cho uống và tiêm vào chuột với liều cao nhất có thể mà cũng không sao", ông Hà nói.
Ông cho biết, tại một số nước như Nga, Nhật, Anh... dung dịch này được cho phép sử dụng rộng rãi trong bệnh viện và kết luận mức độ nhiễm khuẩn bệnh viện đã giảm đáng kể so với trước kia khi dùng các phương tiện khử trùng khác.
"Bất kỳ chất khử trùng nào cũng không chữa được bệnh, nhưng rõ ràng anolyte có thể hỗ trợ tốt trong quá trình điều trị một số bệnh vì nó không chỉ có tác dụng khử trùng, khử khuận mà còn hỗ trợ việc lên da non, trong khi các chất khử trùng khác thường phá hủy mô vết thương", chuyên gia nói.
Nhà khoa học này cho biết, trong đợt dịch SARS bùng nổ, Viện khoa học môi trường đã cung cấp thiết bị điều chế anolyte cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Hiện tại, việc này vẫn được tiếp tục. "Tiếc là dù công nghệ đơn giản, rẻ tiền, có khả năng phòng dịch tuyệt vời, anlyte lại chưa được ngành y tế quan tâm", ông nói.
Nhiều nghiên cứu, thử nghiệm đã chứng minh rằng anolyte đạt được kết quả tuyệt vời khi được thử nghiệm chống lại các virus gây bệnh. Theo đó, hiệu quả chống vi khuẩn của anolyte cao gấp 100 lần so với thuốc tẩy. Thử nghiệm được thực hiện bởi quân đoàn thủy quân Mỹ cũng xác nhận rằng các bào tử bệnh than đã bị giết ngay lập tức khi tiếp xúc với anolyte.
Anolyte giết chết các vi sinh vật không mong muốn bằng cách phá hủy cấu trúc vật lý của các tế bào, phá vỡ ADN của tế bào. Tuy vậy, dung dịch này an toàn cho người, động vật và môi trường.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho sử dụng anolyte trong đóng gói thịt (rửa sạch thịt) và nhà máy chế biến như một giải pháp thay thế cho clo. Trong lĩnh vực y tế, chất này được ứng dụng trong khử trùng các bề mặt cứng trong thiết bị y tế và được sử dụng trong nha khoa. Tại EU, dung dịch này được chấp thuận xử lý nước uống.
Ngoài ra, anolyte được ứng dụng trong khử trùng nước sinh hoạt, khử trùng hồ bơi, trong nuôi tôm, các ngành công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả...
Vương Linh - Nam Phương
 
(Nguồn: VNExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét