Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Truy trách nhiệm về lao động TQ

Công nhân Trung Quốc làm việc tại nhà máy đạm Cà Mau
Vẫn chưa giải quyết được số lao động Trung Quốc bất hợp pháp ở Cà Mau
Sau khi báo chí trong nước phát hiện cả ngàn lao động Trung Quốc đang làm việc chui ở Cà Mau, các quan chức lao động trong nước đã lần lượt lên tiếng về vấn đề này.
Một số ý kiến của các nhà quản lý, sau khi đăng tải trên báo chí, đã khiến dư luận thêm bức xúc.
(Nguồn: BBC)
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, phó Cục trưởng Cục Việc làm của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB-XH), được dẫn lời nói lao động Trung Quốc có những lợi thế hơn lao động Việt Nam như ‘khoẻ, chịu khó, cần cù, không kén việc’ mặc dù họ cũng chỉ làm những công việc đơn giản với mức thu nhập như lao động Việt Nam.
Thứ trưởng bộ này, ông Nguyễn Thanh Hòa, cũng có cùng nhìn nhận như vậy trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ.
“Trong một vài nhóm công việc, lao động của chúng ta không đáp ứng được các kỹ năng mà họ đòi hỏi,” ông nói, “Cùng công việc, cùng mức lương, lao động của họ lại làm việc năng suất cao hơn lao động của ta.”
“Ý thức kỷ luật và năng suất làm việc của lao động ta kém,” ông nói thêm.
Ông Hòa cũng nói với Tuổi Trẻ rằng tình trạng nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các công trình lớn và mang theo lao động của họ vào Việt Nam đã diễn ra nhiều năm nay.
Ông giải thích nguyên nhân của tình trạng này là ý thức pháp luật hạn chế của nhà thầu Trung Quốc, quản lý của ngành lao động chưa chặt chẽ và lao động địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà thầu Trung Quốc.

'Lợi dụng kẽ hở'

Ông Nguyễn Thanh Hòa cũng giải thích thêm là phía Trung Quốc đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật Việt Nam, chẳng hạn như yêu cầu giấy xác nhận kinh nghiệm từ năm năm trở lên nhưng giấy xác nhận này lại do phía Trung Quốc cấp và công dân Trung Quốc được phép nhập cảnh Việt Nam dưới ba tháng không cần xin thị thực.
“Họ thích đi đâu thì đi. Một số nhà thầu đã lợi dụng việc này để đưa lao động qua Việt Nam làm việc,” ông nói.
Tại hội nghị giao ban ngành LĐTBXH sáu tháng đầu năm giữa Bộ và các Sở trực thuộc ở các tỉnh, thành phía nam được tổ chức ở Vũng Tàu hôm thứ Hai 15/8, được biết vấn đề lao động Trung Quốc đã được đưa lên cao trên nghị trình.
"Lao động của chúng ta không đáp ứng được các kỹ năng mà họ đòi hỏi. Cùng công việc, cùng mức lương, lao động của họ lại làm việc năng suất cao hơn lao động của ta."
Thứ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa
Theo tường thuật của báo Pháp Luật TPHCM về hội nghị, diễn ra dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên bộ trưởng LĐTBXH và mới được bầu làm phó Chủ tịch Quốc hội, bà Ngân nói bà ‘rất lo vì lao động Trung Quốc đã có mặt tận mũi Cà Mau’.
Trong khi đó, vẫn đương kim Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa nói ông ‘không hiểu vì sao’ nhiều lao động Trung Quốc lại có mặt ở các công trình trọng điểm Việt Nam đến vậy, cũng theo báo Pháp Luật.
Ông Hòa đổ lỗi cho Ban quản lý Cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau đã không báo cáo số lao động nước ngoài với cơ quan quản lý lao động địa phương, trong khi đó ông lưu ý Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý lao động tại công trình này.
Ông Hòa cho biết Bộ sẽ lập các đoàn đi các tỉnh Cà Mau, Đăk Nông và Ninh Bình để kiểm tra tình hình lao động Trung Quốc ở các địa phương này trước khi phối hợp cùng Bộ Công an để xử lý.

Địa phương bất lực?

Trong khi đó, người đứng đầu Sở Lao động Cà Mau là bà Chung Ngọc Nhãn lại nói tại hội nghị giao ban ngành LĐ-TB-XH rằng trách nhiệm của địa phương chỉ là kiểm tra, xử phạt, tức là các công việc ở phần ngọn; còn để cho tình trạng lao động trái phép này diễn ra là lỗi của các bộ, ngành liên quan đã không nắm tình hình lao động ngay từ lúc thẩm định năng lực nhà thầu và triển khai dự án.
Trước đó, ông Nguyễn Tiến Hải, phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau đã nói với BBC rằng tỉnh đã có phương án giải quyết số công nhân chui này theo đúng pháp luật Việt Nam.
Thế nhưng bà Chung Ngọc Nhãn cho biết cho đến giờ nhà thầu chính của Trung Quốc là công ty kỹ thuật Ngũ Hoàn vẫn chưa báo cáo cho Sở là họ sử dụng bao nhiêu lao động nước ngoài, làm những công việc gì và với mức lương bao nhiêu.
Bà nói rằng dù tỉnh Cà Mau rất cương quyết xử lý lao động Trung Quốc không phép nhưng đến nay ‘vẫn chưa giải quyết được’.
Bà than phiền rằng khi bà đến làm việc thì nhà thầu ‘không ra tiếp’, còn nếu ra quyết định phạt thì họ sẵn sàng nộp phạt.
“Dù có phạt cao hơn nữa thì cũng chỉ là giải pháp tình thế,” báo Pháp Luật dẫn lời bà Nhãn nói tại hội nghị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét