Bộ trưởng Đinh La Thăng muốn 'toàn quyền lĩnh vực giao thông'
"Là tư lệnh ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi", Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Đinh La Thăng trả lời phỏng vấn ngay sau khi được phê chuẩn trở thành tân Bộ trưởng Giao thông.
(Nguồn: VNExpress)
----------------------------------------------------
- Người tiền nhiệm Hồ Nghĩa Dũng đã tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ vừa qua với chủ trương "đội mũ bảo hiểm", là người kế nhiệm, ông nói gì về áp lực của mình trên cương vị mới?- Trong điều kiện hiện nay, trách nhiệm của tân bộ trưởng nào cũng nặng nề. Thành công của người tiền nhiệm đúng là áp lực, nhưng phải biến nó thành động lực. Khi ở tập đoàn dầu khí, tôi luôn tạo áp lực với cấp dưới. Không cần phấn đấu mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ thì chúng ta sẽ không thấy niềm vui, hạnh phúc. Nếu cần điểm tựa trong công tác, tôi mong có cơ chế đột phá để tôi thực hiện công việc. Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội.
----------------------------------------------------
Tân Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đang là Chủ tịch tập đoàn dầu khí. Ảnh: Tiến Dũng |
- Trong nhiệm kỳ này, ưu tiên hàng đầu của ông là gì?
- Bộ Giao thông sẽ tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn giao thông, thứ ba là ùn tắc giao thông. Tôi sẽ thực hiện quyết liệt 3 vấn đề trên.
Bộ Giao thông sẽ ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc Bắc Nam, nâng cấp đường sắt hiện có, cân đối phát triển đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn.
- Ùn tắc giao thông là vấn đề bức xúc tại các đô thị lớn và hiện chưa có lời giải. Ông sẽ giải quyết bài toán này thế nào?
- Muốn giải quyết vấn đề ùn tắc tại Hà Nội, TP HCM cần có các giải pháp đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Với ngành giao thông, ngoài chiến lược lâu dài là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cần ưu tiên phát triển, nâng cao chất lượng phương tiện công cộng như xe buýt, đường sắt trên cao. Nếu phương tiện giao thông công cộng tiện lợi thì không có lý gì người dân lại lái xe ôtô cá nhân vất vả tìm chỗ đỗ.
Theo tôi, đối với người tham gia giao thông cũng cần giáo dục, nâng cao ý thức. Hồ Chủ tịch từng nói: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Khi người dân thấy được vấn đề và cùng tham gia với nhà nước thì chắc chắn sẽ giải quyết được ùn tắc, tai nạn.
- Bộ trưởng vừa đề cập đến phát triển phương tiện công cộng, vậy gần đây nhất ông đi phương tiện công cộng là khi nào?
- Lâu rồi tôi cũng chưa đi phương tiện giao thông công cộng nhưng tới đây tôi sẽ đi loại hình này để có nhận xét, đánh giá khách quan.
- Dự án đường sắt cao tốc từng gây nhiều tranh cãi tại Quốc hội nhiệm kỳ qua, quan điểm của bộ trưởng về vấn đề này thế nào?
- Đường sắt cao tốc là phương tiện giao thông hiện đại và các nước trên thế giới cũng đã áp dụng nhiều. Việt Nam đang phấn đấu để đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp hiện đại, mà một nước công nghiệp hiện đại thì phải có các phương tiện giao thông hiện đại.
Tôi cho rằng khi đất nước có đủ điều kiện thì mới làm đường sắt cao tốc. Trong 5 năm tới nếu kinh tế phát triển đến mức độ nào đó thì sẽ làm đường sắt cao tốc, còn nếu chưa được như vậy thì phải tính toán ở thời điểm khác thích hợp hơn.
Ông Đinh La Thăng trả lời báo chí sáng nay. Ảnh: Việt Anh. |
- Trong ưu tiên công việc của ông có vấn đề phát triển hạ tầng giao thông. Ông sẽ giải quyết vấn đề vốn ra sao khi mà chúng ta đang thắt chặt chi tiêu, đầu tư cho các công trình?
- Nếu trông chờ vào ngân sách nhà nước thì không thể giải quyết được. Để giải quyết khâu đột phá trong đầu tư xây dựng hạ tầng, ngành giao thông phải xây dựng được cơ chế đột phá về huy động nguồn lực, phương thức đầu tư, hình thức đầu tư, cũng như về thủ tục triển khai dự án, thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước hết chúng ta phải có vốn, sau đó mới đưa ra các biện pháp quản lý vốn hiệu quả, đầu tư tập trung, trọng điểm.
- Một trong những thách thức của ông là phải tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp thuộc bộ, điển hình là Vinashin. Ông đã có quyết sách gì?
- Với tình hình kinh tế thế giới hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang gặp khó khăn, không chỉ riêng doanh nghiệp của Bộ Giao thông. Tất nhiên ngành giao thông sẽ khó khăn hơn khi chúng ta đang cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tiền tệ. Những tôi nghĩ các doanh nghiệp giao thông có thế mạnh là kinh nghiệm, khả năng vượt khó, cái yếu chỉ là khả năng tài chính thôi. Chúng tôi sẽ tập trung cơ cấu lại các doanh nghiệp, cổ phần hóa để huy động nguồn lực sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng (51 tuổi), quê Nam Định, là tiến sĩ kinh tế, ủy viên Trung ương Đảng. Ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Việt Anh ghi
Tân Bộ trưởng Tài chính: 'Ưu tiên số một là kiểm soát giá'
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, kiểm soát giá cả là nhiệm vụ quan trọng, nhất là đối với các mặt hàng nhạy cảm như xăng, dầu, điện. Do vậy, cơ quan đầu tiên ông sẽ vào làm việc là Cục Quản lý Giá thuộc Bộ Tài chính.
- Ngồi vào chiếc ghế "nóng" - Bộ trưởng Tài chính trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn, ông lường trước mình sẽ gặp những thách thức nào?
- Nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều khó khăn, tất nhiên, thách thức đặt ra sẽ là rất lớn. Nguồn thu ngân sách tới đây sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Chẳng hạn, nguồn thu từ đất, dư địa càng ngày càng giảm đi; thu về xuất khẩu, tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, Việt Nam đã bắt đầu phải nhập than rồi. Chưa kể, với những nước có thu nhập trung bình thì vốn ODA chảy vào cũng sẽ giảm đi. Tôi cho rằng nguồn thu ngân sách trong thời gian tới sẽ cực kỳ khó khăn.
Thách thức thứ 2 tôi cho rằng đó là vấn đề phân bổ và sử dụng ngân sách. Việc sử dụng sao cho hiệu quả nhất còn quan trọng hơn cả việc tạo ra nguồn thu. Do vậy, chính sách tài chính quốc gia luôn tính đến việc huy động hợp lý mọi nguồn lực của xã hội sao cho hiệu quả chứ không phải chỉ có ngân sách Nhà nước, mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Nhất là để tạo ra 3 đột phá chiến lược, chúng ta cần tới nguồn ngân sách khổng lồ. Rõ ràng, việc huy động mọi nguồn lực của xã hội, bên cạnh ngân sách Nhà nước rất là quan trọng. Nguyên tắc là thu nhiều hơn thì chúng ta sẽ chi được nhiều hơn.
Thách thức nữa với chúng ta là các vấn đề liên quan đến trái phiếu Chính phủ, nợ công của Việt Nam đã ở mức cao, bên cạnh các vấn đề khác về sử dụng hiệu quả nhất chi tiêu công, giảm dần bội chi ngân sách...
Tôi cho rằng việc quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ quốc gia, nợ công, nợ nước ngoài cũng là vấn đề quan trọng để đảm bảo giới hạn an toàn không để rơi vào tình trạng như một số nước châu Âu hiện nay. Bên cạnh đó, việc đổi mới hiệu quả mô hình doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa.... Tất cả những phần việc trên đều là nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong thời gian tới.
- Việc đầu tiên ông dự định làm khi đảm nhận cương vị người đứng đầu ngành tài chính là gì?
- Công việc đầu tiên của tôi là rà soát toàn bộ những phần việc của Bộ Tài chính trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Trước đây, Bộ Tài chính đã làm rất nhiều việc rồi nhưng từ giờ đến cuối năm theo tinh thần của Chính phủ việc kiềm chế lạm phát vẫn cần phải thực hiện quyết liệt.
Tuy nhiên, một trong những ưu tiên đặc biệt của tôi khi đảm nhận cương vị mới sẽ cùng với các đồng chí trong ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ rà soát lại triển khai quyết liệt các nhiệm vụ liên quan đến ngành. Và một trong những cơ quan đầu tiên tôi dự kiến sẽ vào làm việc là Cục Quản lý Giá thuộc Bộ Tài chính.
Kiểm soát giá đang là vấn đề rất quan trọng. Bộ Tài chính và cá nhân tôi rất tán thành với ý kiến chúng ta phải quản lý giá theo cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường phải gắn liền với các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo...
Việc điều hành giá cả, nhất là với những mặt hàng như điện, xăng dầu cần phải dựa trên yếu tố minh bạch chi phí và giá thành. Hiện nay, tôi biết dư luận cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến chuyện lỗ lãi của Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex). Do đó, một trong những công việc tôi ưu tiên là làm việc với Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính, rà soát lại các số liệu về giá điện, giá xăng cũng như kiểm soát giá một số mặt hàng khác rất quan trọng như thuốc chữa bệnh, giá lương thực, thóc lúa...
- Lâu nay, chỉ thấy doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ để tăng giá bán, các thông tin đưa ra cũng mang tính một chiều. Tới đây, Bộ Tài chính có kế hoạch công khai các khoản chi phí thực tế?
- Như tôi đã nói ở trên, một trong những ưu tiên của tôi là sẽ làm việc với các cơ quan quản lý về giá thuộc Bộ Tài chính để làm rõ câu chuyện của Petrolimex cũng như giá thành, chi phí, lãi lỗ của điện lực.
Tôi nói ví dụ, đối với mặt hàng điện, hiện nay, chúng tôi đã có kết quả kiểm toán, đã chốt được số liệu của năm 2010. Chúng tôi đang yêu cầu kiểm soát tiếp tục số liệu của năm 2011. Theo tôi hằng năm, chúng ta sẽ phải kiểm soát kỹ chi phí giá thành của các doanh nghiệp đang kinh doanh những mặt hàng nhạy cảm như điện, xăng dầu.
Kiểm toán Nhà nước cũng đang kiểm toán việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Khi kiểm toán chắc chắn sẽ động tới doanh thu, chi phí của các doanh nghiệp kinh doanh mặt này. Khi đó, số liệu sẽ minh bạch ra. Với những kinh nghiệm tôi có được trong thời gian tham gia lĩnh vực kiểm toán thì thì chắc chắn tới đây chuyện giá cả, lỗ lãi sẽ đảm bảo tính minh bạch hơn.
- Đối với mặt hàng điện, EVN đang kêu lỗ trong 6 tháng đầu năm lên tới 3.500 tỷ đồng, điều này cho thấy sức ép tăng giá đang đến gần, Bộ trưởng có bình luận gì?
- Đối với điện, hiện nay chúng tôi đã có kết quả kiểm toán EVN. Kiểm toán đang yêu cầu cung cấp số liệu để đánh giá doanh thu, chi phí lợi nhuận. Theo tôi từ nay đến cuối năm, áp lực tăng giá điện, nói chính xác hơn là áp lực tăng giá cao đối với điện đã giảm bớt. Nguyên nhân quan trọng là năm nay nước về hồ sớm. Nhiều tổ máy sản xuất điện đã đi vào hoạt động. Chúng ta mua được điện với giá rẻ. Vì vậy, mức độ dự báo lỗ của điện theo đó cũng sẽ giảm bớt.
- Năm 2012 sẽ có nhiều mặt hàng quan trọng sẽ được "thả" giá theo cơ chế thị trường. Điều này liệu có tạo ra áp lực lớn cho nền kinh tế, thưa ông?
- Xăng chúng ta đã điều hành theo thị trường từ năm 2009 rồi. Tôi cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ cần làm rõ tính minh bạch về lỗ lãi của doanh nghiệp.
Theo tôi, doanh nghiệp kêu lỗ thì cũng cần làm rõ khái niệm lỗ ở đây là gì. Vì giá bán rẻ xăng dầu được xây dựng trên cơ sở giá định hướng, giá cơ sở. Giá cơ sở được tính toán bao gồm giá CIF, cộng với thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, nhân với tỷ giá, sau đó cộng với chi phí lưu thông xăng dầu. Sau đó, doanh nghiệp được cộng thêm lãi định mức 300 đồng một lít, cộng thêm quỹ bình ổn giá với mức cao nhất 500 đồng và một số khoản phụ phí khác.
Cách thức điều hành của chúng ta lâu nay là khi giá định hướng này cao hơn giá bán lẻ trong nước do yếu tố khách quan như giá thế giới tăng, khi đó có các biện pháp như giảm thuế, ngừng trích lập quỹ hoặc tăng giá được áp dụng. Còn khi giá cơ sở hơn giá bán lẻ nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp tăng chi phí bán hàng, thì cái này doanh nghiệp phải chịu. Tương tự khi giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ do yếu tố như giá thế giới giảm khi đó cần điều chỉnh giá bán lẻ xuống.
Như vậy, nói lỗ ở đây là chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ chứ không phải là doanh nghiệp lỗ, bởi họ đã có lợi nhuận định mức ở trong giá là 300 đồng mỗi lít rồi. Nếu không minh bạch cái này ra sẽ rất khó trong quản lý. Tôi sẽ yêu cầu Cục Quản lý Giá báo cáo kỹ hơn về vấn đề này.
- Liên quan đến vấn đề chi tiêu công, theo Bộ trưởng, lĩnh vực nào, các khoản chi nào, chúng ta sẽ ưu tiên thắt chặt?
- Việc cắt giảm chi tiêu công Chính phủ đã triển khai từ đầu năm rồi. Chúng ta cũng đã điều chỉnh tỷ tiêu tăng trưởng, giảm GDP. Giảm GDP tức là giảm tổng cầu, đây là cái lớn nhất. Chấp nhận giảm tổng cầu là chấp nhận giảm đầu tư công nên trong báo cáo của Chính phủ đã nêu con số này là 86.000 tỷ đồng.
Thứ 2 chúng ta đã tiết kiệm 10% chi thường xuyên đối với các bộ, ngành. Tới đây các gói miễn giảm được Bộ Tài chính trình Quốc hội thông qua cũng là biện pháp của chính sách tài khóa.
- Thưa Bộ trưởng, việc thắt chặt tiền tệ khiến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Tới đây khi tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ giải quyết vấn đề về vốn cho doanh nghiệp như thế nào?
- Tư tưởng chung của chúng ta là điều hành vẫn quyết liệt, kiên trì thực hiện Nghị quyết 11. Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng là lạm phát quay trở lại ngay. Tuy nhiên về chỉ tiêu tín dụng 20% chúng ta nên cơ cấu lại, không cào bằng, công trình, dự án của doanh nghiệp nào có hiệu quả sẽ tiếp tục phải cho vay.
Ngoài ra, cũng cần có tín hiệu để giảm lãi suất huy động tiến tới giảm lãi suất cho vay. Tôi cho rằng cũng phải thận trọng xem xét lại vấn đề lãi suất. Hiện nay, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn, tiếp cận vốn rồi không biết kinh doanh cái gì để ra lãi mà trả vốn.
Chúng ta cũng phải thông cảm cho các ngân hàng thương mại, họ đã phải huy động vốn với lãi suất cao. Với điều kiện lạm phát hiện nay, việc giảm ngay lãi suất huy động để giảm lãi suất vay cũng khó. Chưa kể, hoạt động ngân hàng rủi ro cao nên chúng ta cũng cần thông cảm.
Tuy nhiên, mặt khác các tổ chức tín dụng cũng phải chia sẻ với đất nước với doanh nghiệp. Hiện nay đã có một số yếu tố tích cực có thể xem xét việc giảm lãi suất, ví dụ lãi suất liên ngân hàng, trái phiếu chính phủ đã giảm... Ngoài ra, cũng cần xem xét nghiêm túc, rà soát lại chi phí ngân hàng. Chỉ cần tiết kiệm chút thôi cũng giảm bớt được lãi suất cho vay, giảm được áp lực cho doanh nghiệp.
Hồng Anh - Việt Anh
Bộ trưởng Xây dựng: 'Sẽ can thiệp để công chức có nhà ở'
Trao đổi với VnExpress, tân Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông là phát triển chung cư sở hữu có thời hạn và nhà cho thuê ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu của công chức, viên chức tại các đô thị.
> Bộ trưởng Đinh La Thăng muốn 'toàn quyền lĩnh vực giao thông'
- Với cương vị Bộ trưởng Xây dựng, ông sẽ ưu tiên vào những việc gì trong nhiệm kỳ tới?
- Có nhiều việc phải làm, nhưng có 3 nhiệm vụ trọng tâm mà tôi phải tập trung. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng nhằm sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên đất đai, vốn đầu tư xây dựng và nguồn nhân lực trong quá trình đầu tư xây dựng. Với trách nhiệm được giao, Bộ sẽ tập trung rà soát các quy định liên quan đến đầu tư xây dựng để trực tiếp hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội trong việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng.
Thứ hai, tập trung nhiều hơn đến lĩnh vực phát triển đô thị. Thứ ba, chú trọng vào lĩnh vực phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân thuộc mọi đối tượng, chú trọng hướng tới các đối tượng ít có điều kiện tiếp cận với nhà ở giá cao.
"Tôi sẽ chú trọng vào lĩnh vực phát triển nhà ở". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Bộ trưởng sẽ nói gì với những công chức, viên chức đang mong muốn sở hữu nhà tại đô thị?
- Thị trường nhà ở nước ta cũng như nhiều nước khu vực và thế giới có thể phân thành 2 loại chính. Thứ nhất, loại nhà ở hàng hóa do thị trường điều tiết chủ yếu đáp ứng cho những người có thu nhập cao, đủ khả năng mua nhà theo yêu cầu. Loại này chủ yếu do thị trường điều tiết. Thứ hai là nhà ở phi hàng hóa. Loại này phục vụ những người không đủ khả năng mua nhà theo giá thị trường hoặc thuê nhà giá cao. Có thể hiểu đây là nhà ở xã hội. Loại này phải có sự can thiệp của Nhà nước với cơ cấu đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng .
Cả hai loại thị trường nhà ở nêu trên hiện đang tồn tại ở nước ta. Tuy nhiên cơ cấu còn bất hợp lý. Như nhà ở thị trường hàng hóa hay nói cách khác nhà ở thương mại với những căn hộ cao cấp thì quá nhiều còn nhà ở giá rẻ, nhà cho thuê giá rẻ cho người thu nhập thấp lại quá ít và quá thiếu.
Thời gian tới chúng ta cần phát triển mạnh nhà ở xã hội. Đây là các loại nhà dành cho những người không có điều kiện tiếp cận với nhà ở thị trường hàng hóa, trong đó có đội ngũ công chức, viên chức, người nghèo ở đô thị, công nhân các khu công nghiệp, sinh viên, người không có thu nhập. Trong loại nhà ở xã hội này sẽ phân ra nhiều nhóm, gồm căn hộ chung cư bán giá rẻ, căn hộ cho thuê và trả góp giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ và nhà cho những người không có tiền để thuê (như người tàn tật, người cô đơn không nơi nương tựa, người mất sức lao động không có thu nhập…). Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập trung bình là những đối tượng có thể mua hoặc thuê nhà giá rẻ.
- Vậy làm thế nào để phát triển loại nhà ở xã hội như Bộ trưởng đã nói khi mà ngân sách của nhà nước có hạn?
- Để làm được loại nhà này thì yêu cầu quyết tâm rất cao của Bộ Xây dựng, các Bộ ngành có liên quan và đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM…cùng các địa phương phải vào cuộc. Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan phải tập trung để đề xuất các chính sách tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội; xây dựng các chương trình phát triển nhà ở quốc gia trong đó có kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm về phát triển nhà ở. Các địa phương cần dành nguồn lực thích đáng cho các chương trình này.
Nhà nước giao cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở xã hội, trong đó doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là công cụ để thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao khi các doanh nghiệp khác không thực hiện được đủ quỹ nhà theo mục tiêu đề ra.
- Người Việt Nam có tâm lý sở hữu nhà để có truyền lại cho con cháu, các nhà đầu tư cũng có xu hướng mua bán nhanh để thu hồi vốn. Ông nói gì về tính khả thi của mô hình nhà thuê, thuê mua có thời hạn?
- Đúng là người dân phần đông có tâm lý sở hữu nhà ở lâu dài. Nhưng hiện nay không ít người có nhu cầu thuê, mua nhà có thời hạn vì hiện nay nhiều người đang thuê nhà của người dân trong đô thị và nếu được thuê một căn hộ chung cư khang trang giá rẻ, lâu dài, mang tính độc lập thì tốt hơn nhiều khi thuê nhà trọ hoặc thuê ở cùng với người dân.
Trên thị trường sẽ tồn tại cả loại nhà chung cư sở hữu lâu dài nhưng giá cao và nhà chung cư sở hữu có thời hạn nhưng giá rẻ. Người dân được quyền lựa chọn loại nhà phù hợp với yêu cầu và khả năng của họ. Điều tôi muốn nói ở đây là cố gắng để người dân làm quen với việc thuê căn hộ để ở hoặc mua căn hộ chung cư có thời hạn. Việc bán nhà có thời hạn phù hợp với tuổi thọ của nhà sẽ thuận lợi trong việc xây dựng lại những nhà chung cư khi hết hạn sử dụng.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng từng là Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Hiện, các vị trí trung tâm ở Hà Nội chủ yếu dành cho chung cư cao cấp còn nhà ở xã hội thường ở ngoại thành với dịch vụ hạ tầng và giao thông thấp kém. Ông nói gì về thực tế này?
- Đúng là có vấn đề như vậy. Những khu vực có giá trị cao thì nhà nước cần đấu giá hoặc thu tiền sử dụng đất với giá cao để tạo nguồn cho ngân sách và dành để đầu tư vào quỹ nhà ở xã hội. Đối với các khu vực ở xa trung tâm, nếu chúng ta xây dựng được những khu chung cư với đầy đủ các dịch vụ với giá cả hợp lý thì vẫn hấp dẫn được người dân. Nhà nước cần tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt hệ thống giao thông công cộng để kết nối với các khu vực trung tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và làm việc. Mức độ đầy đủ và chất lượng của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cũng là những yếu tố quan trọng tạo nên tính hấp dẫn của nhà ở xã hội.
Vừa qua, nhiều thành phố lớn đã tập trung vào việc xây dựng quỹ nhà ở xã hội nhưng tôi cho rằng cần tiếp tục tăng quỹ nhà thông qua các biện pháp như giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất...
- Trước khi về Bộ Xây dựng, ông từng là Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, những ý tưởng phát triển nhà ở trên đã được ông thực hiện ở địa phương như thế nào?
- Trên thực tế, Vĩnh Phúc cũng đã phát triển nhà ở xã hội do Công ty Vinaconex Xuân Mai thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều người dân muốn mua nhà kiểu này và cung hiện chưa đủ cầu, đang phải làm tiếp. Tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng việc phát triển đô thị theo quy hoạch, nên dù chỉ là đô thị nhỏ như thành phố Vĩnh Yên cũng đã hướng tới việc phát triển thành đô thị loại 1 trong tương lai.
Việt Anh - Nguyễn Hưng thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét