Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Lại cải cách giáo dục và con số 70 ngàn tỷ đồng

*MLC: Hết cải tiến rồi cải lùi, hết tăng lại giảm tải. Biết đến bao giờ cái Bộ giáo dục đào tạo mới nghiêm túc thực hiện những đề án, đề tài về giáo dục mang tính khoa học?. Liệu 70.000 tỷ đồng tiền thuế của dân có bị các vị ấy đổ xuống sông, xuống biển? Hay vài năm rồi chục năm nữa lại cái điệp khúc tăng, giảm tải?.

'Cắt 1/3 chương trình giáo khoa để giảm tải'

Sau khi Bộ Giáo dục xây dựng đề án "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015", trao đổi với VnExpress, Giáo sư Văn Như Cương cho rằng đề án ra đời chưa đúng thời điểm, hơn nữa với chương trình hiện hành, chỉ cần cắt 1/3 nội dung là giảm gánh nặng nhồi nhét cho học sinh.

- Bộ Giáo dục vừa có đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, ông suy nghĩ thế nào về nội dung đề án này?
- Đề án có mục tiêu rõ ràng, cụ thể và cả lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, đổi mới chương trình sách giáo khoa là công đoạn cuối cùng việc đổi mới toàn diện và mạnh mẽ của cả hệ thông giáo dục theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XI.
Muốn làm một việc gì đó chúng ta cần xây dựng đường lối, chiến lược phát triển chung. Đề án này nói thay đổi chương trình sách giáo khoa nhưng hoàn toàn không theo một định hướng cụ thể nào, ngoài những định hướng chung chung.
- Ông nghĩ sao khi có nhiều người cho rằng chương trình giáo khoa hiện nay quá nặng, việc thay đổi chương trình sách giáo khoa là phù hợp với yêu cầu thực tiễn?
- Đúng là chương trình hiện hành quá nặng, quá sức học sinh. Nặng là ở chỗ kiến thức thì nhiều mà thời lượng thì ít. Chẳng hạn với chương trình Toán hiện nay mà học 3 tiết một tuần thì học sinh khó có thể thu nhận kiến thức, nếu học 5 hay 6 tiết mỗi tuần thì không có vấn đề gì. Tôi thấy không có nước nào trên tế giới chỉ học 3 tiết Toán một tuần cả. Vậy nên trong lúc chờ đợi viết lại chương trình và sách giáo khoa chúng ta cần điều chỉnh cho phù hợp.
Theo tôi nên mạnh dạn cắt đi khoảng một phần ba chương trình hiện có, bỏ bớt các bài, thậm chí các chương không cần thiết. Việc cắt giảm này hợp với lòng dân, lại tốn rất ít tiền. Chỉ cần giao cho một nhóm nhỏ các nhà chuyên môn làm việc điều chỉnh cho mỗi bộ môn.
Sách giáo khoa chưa cần viết lại, chỉ cần có hướng dẫn cho giáo viên biết cần phải cắt bỏ như thế nào. Như vậy ngay trong năm học tới, chúng ta đã có thể thực hiện chương trình và sách giáo khoa điều chỉnh cho học sinh đỡ khổ và tốn rất ít tiền… Điều đó có nghĩa là chúng ta sử dụng sách cũ trên tinh thần mới.
- Hàng năm, nhà nước vẫn mất một khoản tiền để in mới sách giáo khoa hiện hành cho học sinh. Như vậy, việc bỏ thêm một khoản tiền nữa để đổi mới chương trình thì có gì lãng phí không, thưa ông?
- Việc in lại sách cũ và làm sách mới hoàn toàn khác nhau, đương nhiên số tiền bỏ ra cũng khác nhau. Khi in sách tái bản thì chúng ta chỉ mất tiền in, tiền bản quyền, tiền tác giả tốn không đáng kể. Như vậy in lại không tốn bao nhiêu trong khi làm sách mới rất tốn kém, ngoài xây dựng và biên soạn còn hàng trăm thứ phải chi như nghiên cứu các cơ sở khoa học để xây dựng sách, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa, cán bộ thẩm định chương trình, cán bộ quản lý, giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học...
- Ông nhận xét thế nào về con số 70 nghìn tỷ đồng cho một đề án giáo dục?
- Theo Bộ GD&ĐT, đề án là bộ phận quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục, đào tạo. Kinh phí triển khai hằng năm được nhà nước phân bổ trong tổng kinh phí đầu tư cho ngành giáo dục. Kinh phí chỉ đạo được trích từ kinh phí sự nghiệp hằng năm của ngành GD&ĐT. Ngoài ra, nguồn ngân sách địa phương, dự án vốn vay, viện trợ không hoàn lại...cũng là nguồn kinh phí thực hiện đề án.
Theo dự toán, số tiền xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa chỉ mất 962 tỷ đồng nhưng tất cả những khoản chi khác cũng nhằm mục đích cuối cùng là làm lại sách giáo khoa, có sách giáo khoa mới. Con số 70 nghìn tỷ đồng là quá lớn.
- Có ý kiến cho rằng Bộ hăng hái làm sách, đổi mới chương trình vì nó mang lại lợi ích cho một số nhà xuất bản thuộc Bộ. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Nhà xuất bản có lợi nhưng lợi cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi được biết năm nay Nhà xuất bản Giáo dục phải tăng giá sách giáo khoa lên 16%. Như thế là đúng vì giá giấy, giá mực in, giá điện, luơng…đều tăng cả. Nếu nhà nước không hỗ trợ thì Nhà xuất bản Giáo dục có thể lỗ.
Các dự án làm sách đều có lợi nhưng lợi chỗ khác, không phải khâu xuất bản. Nếu không có lợi thì tại sao có chuyện chạy dự án? Nhưng đó là tôi nói chung các dự án, không ám chỉ vào dự án này.
- Vậy ông có kiến nghị gì với Bộ giáo dục trong thời điểm hiện nay?
- Tôi chỉ thấy rằng việc thay sách giáo khoa cũng có thể thực hiện, nhưng chưa thích hợp vào lúc này. Khi xây dựng dự án chúng ta phải có lộ trình, hệ thống thực hiện. Giống như việc thợ chở nguyên vật liệu đến nhưng phải đợi thiết kế mới làm được. Đổi mới phải căn bản và toàn diện chứ không thể bỏ qua những khâu đầu mà thực hiện ngay khâu cuối.
* Phân bổ kinh phí
Xây dựng chương trình và biên dịch sách giáo khoa            962 tỷ đồng
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý         397 tỷ đồng
Xây dựng cơ sở vật chất                                                    35.000 tỷ đồng
Mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học                                     30.050 tỷ đồng
Triển khai thí điểm chương trình, sách giáo khoa                 3.591 tỷ đồng
Ước tính tổng kinh phí                                                        70.000 tỷ đồng

Hoàng Thùy thực hiện
                                                                                                                              (Ngu ồn: VN Express)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét