Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Đọc lại những bài báo về chất lượng tiền Polyme, tiền xu nhân vụ NHNN ngừng phát hành tiền xu(1)

Thống đốc Lê Đức Thuý giải trình về chất lượng tiền polyme

............................. (Nguồn xaluan.com)

Thống đốc Lê Đức Thuý.
Thống đốc Lê Đức Thuý.
- Sau khi báo chí liên tục đưa tin phản ánh về chất lượng tiền polymer, sáng nay, 11/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý đã có văn bản giải trình về những thông tin liên quan.
Giải thích về cơ sở  lựa chọn chất liệu giấy nền polymer để in bộ tiền mới, ông Thuý cho rằng, giấy nền polymer dùng để in tiền là một sản phẩm công nghệ mới ra đời (1988) do hãng Securency của Australia sản xuất. Hiện đã có 23 nước trên thế giới sử dụng loại giấy nền này để in tiền.
Ưu điểm của loại giấy này là không thấm nước, phù hợp với môi trường và khí hậu nóng ẩm ở VN, độ bền cao, khả năng chống giả lớn, có thể sử dụng các dây chuyền thiết bị in tiền cotton hiện có để sản xuất tiền polymer.
Nhược điểm: Chất lượng in, hiệu quả mỹ thuật không tinh tế bằng giấy cotton, giá thành tiền polymer đắt gấp 2 lần tiền cotton, nguồn cung cấp độc quyền vì hiện chỉ có một công ty sản xuất nên dễ dẫn tới độc quyền giá.
Về chất lượng in ấn đồng tiền polymer do Việt Nam tự sản xuất, ông Thuý cho rằng, nếu chỉ nhìn vào hiện tượng xấp nước lên đồng tiền rồi chà, xát thấy ra mực để cho rằng đồng tiền kém chất lượng hoặc cho rằng “tiền polymer gặp nước bị nhoè mực” là không có cơ sở về mặt công nghệ.
Ông Thuý giải thích, do công nghệ in lõm để tạo nét nổi ở một số chi tiết nên khi chà xát khu vực in lõm mực in trên tờ tiền sẽ bị mài mòn thành bột mực nhỏ. Hiện tượng này xảy ra kể cả khi đồng tiền khô hay ướt, với đồng tiền của bất kỳ nước nào, dù là tiền cotton hay polymer.
“Độ bền xé của giấy nền polymer đã được kiểm nghiệm cả trên thiết bị thí nghiệm và thực tế, vì vậy, các đồng tiền còn nguyên vẹn không thể bị rách, vỡ khi vò, cuộn. Ý kiến cho rằng tiền polymer giòn như bánh tráng, là không đúng”, ông Thuý khẳng định.
Về hiện tượng đồng tiền có kích thước nhỏ hoặc lớn hơn kích thước ngân hàng thông báo +/- 1mm, ông Thuý cho biết đó là dung sai kỹ thuật cho phép, được qui định trong tiêu chuẩn kỹ thuật đồng tiền chứ không phải do lỗi in ấn. Ngay cả tiền cotton đang lưu hành cũng có dung sai kỹ thuật này.
Trả lời về việc một đồng tiền mệnh giá 500.000đ không có chi tiết mực đổi màu (OVI), ông Thuý cho biết, sau khi kiểm tra, Nhà máy in tiền quốc gia khẳng định đây là tờ tiền bị lỗi trong quá trình in, là sản phẩm hỏng mang tính cá biệt, do khi kiểm tra chất lượng, cán bộ OTK đã để lọt.
Về khả năng chống giả, ông Thuý khẳng định đồng tiền mới được thiết kế với kỹ thuật chống giả cao hơn những đồng tiền cotton đang lưu hành. Ví dụ như yếu tố hình ẩn (DOE), số dập nổi trong cửa sổ trong suốt (chỉ ứng dụng được trên giấy polymer), yếu tố Iriodin (dải màu vàng lấp lánh)…
Giải thích về việc bộ tiền mới bị làm giả, ông Thuý cho rằng, vừa qua xuất hiện loại tiền giả in bằng giấy nilon không nằm ngoài nhận định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an. Tại Việt Nam. Tỷ lệ tiền giả polymer được thống kê năm 2005 là 0,1 tờ/ 1 triệu tờ tiền lưu thông đối với loại 500.000đ; 4,2 tờ đối với loại 100.000đ; 2,94 tờ đối với loại 50.000đ.  Trong khi đó, tiền cotton mệnh giá 100.000đ ở mức 169 đến 416 tờ/triệu.
Ông Thuý cũng cung cấp thông tin về tỷ lệ tiền giả tại các nước, trong đó, tại Australia thì hơn 10 năm qua bình quân  tiền giả chiếm khoảng 5 tờ/triệu. Tại các nước sử dụng tiền cotton như đồng EURO mệnh giá 20 EUR là 63 tờ/triệu; 50 EUR là 103 tờ/ triệu; 200 EUR là 141 tờ/triệu.
“So sánh với các mệnh giá tiền cotton cũ của VN và các loại tiền cotton của các nước trong khu vực, tiền polymer 50.000đ, 100.000đ và 500.000đ của Ngân hàng Nhà nước VN có những ưu điểm vượt trội cả về chất liệu, công nghệ in ấn và khả năng chống giả”, ông Thuý cung cấp đánh giá của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.
Giải thích về một số chi tiết chưa thống nhất trên đồng tiền hoặc giữa các mệnh giá trong bộ tiền mới, ông Thuý cho biết Ngân hàng Nhà nước chính thức nhận trách nhiệm và nghiêm túc kiểm điểm về chi tiết không có dấu chấm cách ở cụm số “10000”, lỗi này do khâu chế bản.
Về sự khác biệt màu sắc, hoạ tiết, hình dáng, kích thước cửa sổ trong suốt, hoặc có mệnh giá chỉ có một cửa sổ… ông Thuý cho rằng những sự khác biệt này hoặc không phụ thuộc qui chuẩn kỹ thuật bắt buộc phải áp dụng cho mọi mệnh giá boặc là đã được xác định là cần thiết và đã được phê duyệt.
Vấn đề đảm bảo an ninh tiền tệ đối với mẫu tiền chế bản tại nước ngoài, ông Thuý giải thích, với bộ tiền cotton đang lưu hành, Ngân hàng Nhà nước cũng thuê chế bản tại nước ngoài. Để đảm bảo an ninh tiền tệ, NHNN đã yêu cầu đối tác cam kết bằng văn bản về việc bảo mật toàn bộ thông tin, việc đưa mẫu đi chế bản và đưa chế bản về nước luôn có cán bộ an ninh đi cùng. Các tư liệu liên quan đến chế bản được huỷ bỏ toàn bộ sau khi hoàn thành, khi tiêu huỷ có sự chứng kiến của cán bộ NHNN, Nhà máy in tiền quốc gia và Bộ Công an.
Về chi phí in tiền polymer, ông Thuý cho rằng, đánh giá chi phí in tiền cần phải xem xét đến độ bền của đồng tiền, thực tế tiền polymer có tuổi thọ cao gấp 3-4 lần tiền cotton. Như vậy, chi phí in tiền polymer chỉ bằng khoảng 66% chi phí in tiền cotton.
Trước những thông tin về tình hình tổ chức cán bộ của Nhà máy in tiền Quốc gia như việc trù dập cán bộ hoặc có trường hợp “chết đột ngột” do có ý kiến về tiền polymer hoặc thông tin NHNN trù dập, điều làm việc khác những cán bộ, nhân viên có ý kiến ngược lại với chủ trương dùng tiền polymer, ông Thuý khẳng định những thông tin này hoàn toàn sai sự thật.

Gửi vào 11/10/06 20:08

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét