Công lý hay 'bất nhân bất nghĩa'?
(Nguồn: BBC Vietnamese)“Biết mà không nói là bất nhân. Nói mà không nói hết là bất nghĩa”.
(Nguyễn Trường Tộ)Ấn tượng nổi bật về Việt Nam trong những ngày gần đây là gì?
Dù cố tình đến mấy, dù có học thói vô cảm, cũng không thể quên nổi đôi tay của một trí thức bị nghiến chặt trong chiếc còng số 8.
Hình ảnh ấy làm rơi nước mắt và tạo nên sự công phẫn của nhiều người tại nhiều quốc tịch trên thế giới. Vì đôi tay bị nghiến trong còng số 8 đó không chỉ là của Cù Huy Hà Vũ - một người không vi phạm pháp luật đã phải nhận một án tù hết sức vô lý, nặng nề.
Bây giờ thì hình ảnh đôi tay bị còng bị còng ấy, trước một rừng trấn áp, đã trở thành biểu tượng của tự do ngôn luận bị giam cầm rồi. Mà cái gì đã trở thành biểu tượng thì lại hay sống đời.
Là một luật sư - công dân, nhiệm vụ và lẽ sống còn của Cù Huy Hà Vũ là là phải lên tiếng bảo vệ sự thật và công lý, đồng thời phản biện những gì mà bộ máy này đã làm trái pháp luật để xây dựng đất nước.. Luật sư, trí thức, văn nghệ sĩ được sinh ra không phải để trở thành những kẻ xưng tụng hèn hạ.
Nếu không làm được như thế, nếu thấy đen mà nói trắng hoặc ngược lại, thì anh ta cũng chỉ là một kẻ “giá áo túi cơm” làm hại xã hội mà thôi.
'Cái bẫy'
Cần phải nhớ lại, như thừa nhận một chân lý đương nhiên sinh ra cùng mặt trời, rằng tất cả những hành động phản biện và cảnh báo tai họa không phải để chống phá chính phủ, mà là để góp phần làm vững mạnh chính phủ và đất nước.
Nhiều người nói rằng, phiên tòa tuyên bố “xử công khai” thực ra là một cái bẫy dụ người ta đến để rồi bắt giam.
Cù Huy Hà Vũ vốn chỉ là con người bình thường. Vì sự công chính của pháp luật VN, vị luật sư này đã tự hoàn thiện mình, trở thành một trong số hiếm hoi người dám “tử vì đạo”, đã tự hoàn thiện mình trong quá trình dũng cảm bảo vệ chính kiến dù có bị đàn áp một cách hết sức bất công..
Ngoài đôi tay bị xích của Luật sư Cù Huy Hà Vũ, là sự bắt giam vô cớ những người chỉ đến để xem phiên tòa được thông báo chính thức là xử công khai này.
Luật sư Lê Quốc Quân, bác sĩ Phạm Hồng Sơn cùng một số công dân nữa đã tin lời của nhà chức trách, dù chỉ đến chiêm ngưỡng xa xa phiên tòa “công khai” này mà cũng bị bắt giam rồi bị khám nhà và tịch thu một số tài sản! Như thế, nhiều người nói rằng, phiên tòa tuyên bố “xử công khai” thực ra là một cái bẫy dụ người ta đến để rồi bắt giam.
Mất thể diện quốc gia
Dẫu không lạ gì tiền lệ vi phạm hiến pháp và vi phạm quyền tự do ngôn luận trong nhiều phiên tòa của VN, đặc biệt trong những phiên xử người bất đồng chính kiến, nhưng sự vi hiến của phiên tòa xử luật sư Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4/2011 đã quá sức hình dung ngay cả của những người bi quan nhất về nền tư pháp.
Cả bốn luật sư bào chữa cho CHHV đã đồng loạt bỏ về vì phiên tòa vi phạm Luật tố tụng hình sự, vi phạm Hiến pháp và Luật luật sư đã quy định. Ngay trong ngày 4/4/2011, các luật sư dũng cảm này đã viết gửi kiến nghị lên Quốc hội, Viện kiểm sát tối cao và các cơ quan hữu trách khác đề nghị xử lý hành vi cản trở quyền tự bào chữa của bị cáo và quyền bào chữa của luật sư của chủ tọa phiên tòa.
Trong đó, Mỹ và khối đại diện cho 27 nước châu Âu đã mạnh mẽ lên tiếng khẳng định việc buộc tội ông Cù Huy Hà Vũ và bắt giữ những người đến quan sát phiên tòa một cách ôn hòa đã đi ngược lại với tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc.
Hiệu ứng của phiên tòa này là một biển những bất bình thể hiện trên các trang mạng Internet và ngoài xã hội. Có nhiều người còn bộc lộ sự công phẫn. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - đã nhận xét: “…từ ngày cách mạng tháng Tám đến nay chưa có phiên tòa nào xử như thế…tôi thấy báo chí, bản tin điện tử của nhiều nước chỉ trích ta mạnh quá! Tôi buồn quá và cảm thấy xấu hổ”.
GS Ngô Bảo Châu bình luận rất xác đáng: “ Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này. ..Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”!
Những ngọn nến và lời nguyện cầu
Cũng như thời cải cách ruộng đất, thời nhân văn giai phẩm, thời khoán 10 do Kim Ngọc khởi xướng và nhiều vụ khác, người VN không phải không trông thấy bất công và đau thương nhưng hầu hết vẫn im lặng.
Nhiều người biết rằng từng ngày từng ngày một, sự im lặng thờ ơ chính là chiếc thòng lọng thít chặt cổ mình nhưng vẫn chọn cách sống hoặc phải sống với hơi thở khò khè mong kéo dài cuộc sống còn hơn là bị “thắt cổ chết” ngay lập tức.
Nếu những người có trách nhiệm không ngăn chặn xu thế những kẻ lạm dụng tay đấm chân đạp dùi cui súng ống và cầm tù hãm hại người khác theo ý thích và quyền lợi của mình thì khó có thể ngăn chặn xã hội đi theo xu hướng tàn bạo và man rợ của những chúa đất và chủ nô thời trung cổ.
Việt Nam cam kết rằng đây là một nhà nước pháp quyền với khẩu hiệu giăng giăng đỏ rực đầy đường: “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Nhưng những gì đang diễn ra gần đây thì việc sống và làm việc trái Hiến pháp và pháp luật đang ngang nhiên hoành hành.
Nếu những người có trách nhiệm không ngăn chặn xu thế những kẻ lạm dụng tay đấm chân đạp dùi cui súng ống và cầm tù hãm hại người khác theo ý thích và quyền lợi của mình, thậm chí còn coi đó là những hành vi trung thành đáng được khen thưởng và vinh danh, thì khó có thể ngăn chặn xã hội đi theo xu hướng tàn bạo và man rợ của những chúa đất và chủ nô thời trung cổ.
May thay, vẫn còn những ngọn nến và những lời cầu nguyện.
Một ấn tượng cảm động là một số luật sư và một số ít ỏi trí thức đã dám từ bỏ quyền lợi, chịu nguy hiểm để lên tiếng bảo vệ công lý.
Trong hoang lạnh, cũng đã có những người đã thắp lên ngọn nến sưởi ấm. Họ cầu nguyện cho Cù Huy Hà Vũ và nhiều dân oan.
Trong tiền lệ, họ đã từng cầu nguyện cho nhiều người. Họ gửi lời da diết và nước mắt của mình lên Chúa, người đã từng lấy thân mình chịu đóng đinh trên cây thập giá để chịu tội thay cho loài người.
Chọn “bất nhân bất nghĩa” hay chọn công lý?
“Biết mà không nói là bất nhân. Nói mà không nói hết là bất nghĩa”. Nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ từ thế kỷ XIX đã nói như vậy.
Ông là nhà cải cách đã hơn 30 lần liều thân dâng bản điều trần lên vua Tự Đức đề nghị canh tân đất nước.
Nếu vua mà không tăm tối thủ cựu, biết nghe theo ông, thì rất nhiều khả năng Việt Nam hiện nay đã có thể phát triển ngang Nhật Bản. Và, bao nhiêu triệu người có thể đã không phải bỏ mạng. Bao nhiêu nụ cười có thể thay cho nước mắt.
Lời Nguyễn Trường Tộ là liều thuốc trụ sinh “nghịch nhĩ”. Nhưng đến nay, chưa thấy ai phản bác được điều này.
Nếu để giải độc, thì những vị lãnh đạo cao nhất của đất nước này cần cấp bách đưa ra những cử chỉ thể hiện tầm vóc, vị thế và tính nhân văn cũng như nghệ thuật lãnh đạo.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì những thành quả của đổi mới và phát triển kinh tế, lại có quá nhiều điều khiến họ cần khấu đầu xin lỗi dân một cách thành thực và sửa chữa nó triệt để càng sớm càng tốt.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của nhà văn Võ Thị Hảo. Mời quý vị bấm vào Bấm link này để xem các ý kiến xung quanh vụ xử tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét